Nội dung tiêu đề 2

Phần viết nội dung tiêu đề 2

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

ĐI TÌM THĂNG LONG THÀNH . BÀI 4.

ĐI TÌM THĂNG LONG THÀNH . BÀI 4.

PHẦN 3.
 CHỨNG CỨ - CÁC LOẠI Ý KIẾN CỦA TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC VỀ VỊ TRÍ THĂNG LONG THÀNH . 

Ngọn gió của ngàn đời
Chiều nay ùa trở lại
(Lưu Quang Vũ)

Nghiên cứu về vị trí của Hoàng thành Thăng Long .
1. Tại tất cả các tiểu ban, không thấy đặt ra vấn đề xây dựng thuật ngữ khoa học cho vấn đề đang nghiên cứu. Hệ quả là dẫn đến một số sự lỗ mỗ, không thống nhất trong nhận thức và sử dụng các khái niệm Cung thành, Hoàng thành, Kinh thành, Cấm thành ...Chỉ thấy có PGS. Nguyễn Duy Hinh phát biểu trong hội thảo tiểu ban vào ngày 3/6/2004 (Báo Tiền Phong chủ nhật Số 23, ra ngày 6 - 6 - 2004. tr. 8.) và Nguyễn Xuân Diện phát biểu trong hội thảo tiểu ban 2 họp ngày 27/7/2004 (Phát biểu trong hội nghị, không có văn bản gửi kèm theo). Về sau, trên báo Khoa học và Đời sống (các số 71, số 77 & 78, số 85) có các bài trao đổi qua lại giữa Phan Duy Kha và Hòa Phương về tên gọi của di chỉ khai quật là Hoàng thành, Cấm thành hay Long thành. 
2. Cả hai tiểu ban 1 và 2 đều có đề cập đến việc trả lời cho câu hỏi: Vị trí của hố khai quật hiện nay nằm ở vị trí nào trên bản đồ cổ, và vị trí đó có thuộc Hoàng thành và Cấm thành không? Đã có nhiều kiến giải và giả thuyết đưa ra. 
Để xác định được vị trí của hố khai quật và định vị nó trên bản đồ cổ, cần phải lấy những vật cố định làm chuẩn (núi, sông) để làm điểm xác định. Nhà nghiên cứu Bùi Thiết có lẽ là người đầu tiên đề xuất đến điều này. Nhiều người đã nghĩ đến Núi Nùng và Điện Kính Thiên. 
GS. Trần Quốc Vượng cho rằng núi Nùng là rốn rồng. Và cho thấy điểm khai quật quá xa Hoàng thành (Báo Gia đình & Xã hội. Số 79, ra ngày 8 -6- 2004. tr. 6)). ở hội thảo của tiểu ban 2, Nguyễn Xuân Diện đã đưa ra một số tài liệu về vị trí của núi Nùng và điện Kính Thiên, trong đó ghi nhận các ghi chép trong sách cổ, như sau: Về tên gọi núi Nùng: Long Đỗ (Bụng Rồng), Long Tỵ (Mũi rồng), Long Tê (Rốn Rồng); Vị trí: Nằm giữa thành Thăng Long; Núi Nùng: làm án / làm chẩm / làm nền của điện Kính Thiên; Núi Nùng không trùng với nền Hoàng cung.
Đưa ra các tư liệu trên, tác giả chưa kết luận mà vẫn để ngỏ để các nhà khoa học cùng suy ngẫm thêm. Vậy núi Nùng nằm ở đâu? Và cái thềm Rồng đá trong khu thành cổ có phải là điện Kính Thiên đời Lê? Và nhiều câu hỏi khác nữa, rất cần câu trả lời.
3. Hình thước thợ (còn gọi là “hình súng lục”) trong bản đồ Hồng Đức là cả Hoàng thành hay chỉ riêng khu vực “nòng súng” là Hoàng thành? Đây là câu hỏi đặt ra cần được trả lời dứt khoát. 
Vấn đề này có 2 ý kiến, mà đại biểu là hai GS. Trần Quốc Vượng và Phan Huy Lê, mỗi người đại diện cho một loại ý kiến. Theo GS. Trần Quốc Vượng khẳng định chỉ khu vực “nòng súng”, vì căn cứ vào thông tin rằng: Chùa Một Cột đã ở “ngoài thành”; Vua Lê ra chơi ở núi Khán Sơn để xem duyệt binh; Hành cung của vua Lê trên núi Khán Sơn.
GS. Phan Huy Lê lại nghiêng về khẳng định cả “khẩu súng lục” là hoàng thành, vì thấy rằng ngoài “nòng súng” đã được khẳng định thì vẫn còn nhiều di tích và công trình quan trọng nữa. 
Vấn đề này, cho đến nay vẫn chưa có một kiến giải có sự đồng thuận của các nhà khoa học. Chúng ta phải có tài liệu tham khảo về nguyên tắc xây dựng và quy mô của Hoàng thành / Cấm thành Trung Quốc để vận dụng vào việc nghiên cứu Hoàng thành Lý - Trần - Lê của Việt Nam.
4. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa gọi tên được các kiến trúc, toà nhà mà chúng ta đã thấy di tích móng nhà. Chúng ta chỉ biết đã từng có kiến trúc rất lớn ở khu vực này. Vậy thôi. Đó là cung gì vậy? Và cung đó thuộc niên đại nào? Đời nào? Chức năng của cung điện này?
TS.NGUYỄN XUÂN DIỆN .

BẢN ĐỒ VỆ TINH KHU KHAI QUẬT 18 HOÀNG DIỆU - HÀ NỘI .


Ý KIẾN CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC VỀ VỊ TRÍ CỦA
KHU VỰC KHAI QUẬT 18 HOÀNG DIỆU 


1. Nhà sử học BÙI THIẾT cho rằng:
“Cuộc khai quật khảo cổ học ngẫu nhiên tọa lạc vào khu vực trung tâm Hoàng thành, như một cố ý để Thăng Long tự hiện lên làm nhân chứng cho ngàn năm Thăng Long – Hà Nội”(HN, 21/5/2004)
Nguồn: Thử xác định vị trí thành Thăng Long từ hệ thống bản đồ trước thế kỷ XIX. Hội thảo về Hoàng thành Thăng Long ngày 03/6/2004 tại Viện Khảo cổ học.

2. PGS.TS TỐNG TRUNG TÍN:
Năm 2004:
* Về vị trí của thành Thăng Long thời Lý – Trần – Lê ở đâu đó là một vấn đề mà giới nghiên cứu đã quan tâm và thảo luận từ lâu. Đại thể có hai quan điểm chính sau:
- Trung tâm là điện Kính Thiên ngày nay vẫn còn nền móng và các thành bậc chạm rồng và hoa lá thời Lê Sơ.
- Ý kiến của học giả Trần Huy Bá, Hoàng Đạo Thúy v.v…thì cho rằng thành Thăng Long thời Lý – Trần ở phía tây vườn Bách Thảo.
* Từ tư liệu khảo cổ học kết hợp với nguồn thư tịch cổ và các di vật hiện còn trên mặt đất, chúng ta có thể hiểu rõ thêm về vị trí và quy mô Hoàng thành Thăng Long thời Lý – Trần – Lê:
1. Ranh giới phía Bắc: có chùa Am Cửa Bắc, chùa Linh Sơn, quán Trấn Vũ, chùa Trấn Quốc. Đáng lưu ý nhất là chùa Am Cửa Bắc.
2. Ranh giới phía Nam: có Cột Cờ, chùa Long Khánh, đàn Nam Giao, chùa Hàm Long. Đáng lưu ý là các di tích sau: Di tích Cột Cờ, bia chùa Hàm Long.
3. Ranh giới phía Đông: chùa Cầu Đông, đình Đông Môn, Hội quán Phúc Kiến, đền Bà Móc, chùa Thái Cam, đền Bạch Mã, Ô Quan Chưởng, đình Hoa Lộc. Đáng chú ý là các di tích sau: Chùa Đông Môn, Hội quán Phúc Kiến ở 40 phố Lãn Ông, chùa Thái Cam 16 D Hàng Gà.
4. Ranh giới phía Tây: có chùa Một Cột, Am Cây Đề, đình Đông Các, chùa Láng, chùa Huy Văn v.v…Đáng lưu ý nhất là các di tích sau: Chùa Một Cột, chùa Am Cây Đề (Thanh Ninh tự) 2 phố Lê Trực, chùa Huy Văn.
* Quy mô của Hoàng thành Thăng Long thời Lê được xác định ỏ khoảng sau:
- Bắc khoảng đường phố Phan Đình Phùng
- Nam khoảng đường phố Trần Phú
- Đông khoảng phố Thuốc Bắc
- Tây khoảng đường Hùng Vương.
Nguồn: Kết quả thăm dò Khảo cố học Đoan Môn, Bắc Môn, Hậu lâu, 62-64 Trần Phú và vấn đề vì trí, quy môn của Hoàng thành Thăng Long thời Lý – Trần - Lê. Hội thảo về Hoàng thành Thăng Long ngày 03/6/2004 tại Viện Khảo cổ học.
Năm 2007:
Về vị trí của kinh thành Thăng Long, trong nửa thế kỷ XX giới khảo cổ học và sử học đã nghiên cứu, thảo luận và hình thành nên số ý kiến khác nhau mà tựu chung có 2 loại ý kiến:
- Trần Quốc Vượng và Vũ Tuân Sán cho rằng trung tâm của kinh thành Thăng Long là điện Kính Thiên thời Lê (thế kỷ) được xây trên nền điện Càn Nguyên (sau đổi là điện Thiên An) trung tâm thiết triều của triều Lý và triều Trần (thế kỷ XI – XIV).
- Các ý kiến khác đều cho rằng vị trí của thành Thăng Long không phải là ở điện Kính Thiên mà nghiêng về phía Tây và sau đó dịch chuyển dần về phía đông.
Các phát hiện mới về khảo cổ học đã chứng minh ý kiến của Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán là có cơ sở xác thực bởi hai lý do sau:
- Thứ nhất, khi khai quật thăm dò ở khu vực Quần Ngựa, khảo cổ học đã không tìm thấy tầng văn hóa dày và các dấu tích kiến trúc dày đặc trải suốt từ thời tiền Thăng Long cho đến thời Lý – Trần – Lê như ở khu vực Ba Đình. Nhiều đồ phế thải của lò nung tìm thấy ở đây cho thấy khu vực này có thể tồn tại những lò nung của các thời Lý – Trần – Lê cho thấy ở đây có những khu vực lao động sản xuất bình dân. Việc tìm thấy một số di tích kiến trúc cao cấp các thời Lý – Trần ở đây chí chứng tỏ rằng đó là một số dinh thự phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, thưởng ngoạn của quý tộc cung đình. Dấu tích kiến trúc thời Lê có nhiều hơn nhưng vẫn không dày đặc như ở khu trung tâm là sự minh chứng cho việc ghi chép về việc mở mang Hoàng thành Thăng Long dưới thời Lê. Do đó trung tâm thành Thăng Long Lý – Trần – Lê không phải ở khu vực Quần Ngựa.
- Thứ hai, cuộc khai quật năm 1998 tại Đoan Môn đã tìm thấy con đường đi lát gạch hình hoa chanh thời Trần ở độ sâu 1,90m. Con đường này có hướng tiến thẳng từ Đoan Môn đến Bắc Môn. Việc xây dựng con đường hết sức kiên cố, mặt đường được lát đẹp có sử dụng lại vật liệu xây dựng đời Lý. Điều đó chứng tỏ rằng đây là một con đường rất quan trọng trong Hoàng cung. Trong hiện trạng di tích ở đây thì có thể đoán đó là con đường chính đạo từ Đoan Môn tiến đến điện Thiên An thời Lý – Trần. Sau này thời Lê, thời Nguyễn đều tiếp tục xây con đường nàu ở bên trên con đường Lý – Trần.
Hai phát hiện trên đây kết hợp với việc phát lộ phức hệ di tích ở 18 Hoàng Diệu cách điện Kính Thiên khoảng 100m đã cho thấy khu vực trung tâm của thành Thăng Long thời Lý – Trần – Lê chính là khu vực có điện Kính Thiên. Xung quanh điện này, sử cũ ghi có hàng trăm cung điện, lầu gác, chùa quán khác của nhà vua. Chính điều này đã giải thích lý do vì sao khu vực khai quật 18 Hoàng Diệu có nhiều kiến trúc với nhiều loại hình chồng xếp, cắt phá lẫn nhau nhiều đến như vậy. 

Hội thảo khoa học toàn quốc năm 2004 đã nhất trí xác định khu vực khai quật 18 Hoàng Diệu là một bộ phận trung tâm của Cấm thành cũng tức là trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lý – Trần – Lê.

Mặt khác, các cuộc khai quật cũng cho thấy rõ quy hoạch tổng thể của kinh thành Thăng Long thời xưa. Theo đó, kết hợp với các ghi chép của sử cũ, bản đồ cổ sẽ thấy quy hoạch của Thăng Long với đặc trưng nổi bật là một đô thị - sông hồ, trong đó khu trung tâm của kinh đô là ở khu trung tâm Ba Đình hiện nay với điện Kính Thiên là tâm điểm. Phía đông khu trung tâm kinh thành có sông Hồng với nhiều cửa sông, bên bãi là trung tâm trao đổi, buôn bán. Phía tây là nơi sản xuất thủ công nghiệp. Đó là quy hoạch khoa học đẹp, phù hợp với địa hình trung tâm châu thổ sông Hồng.
Nguồn: Những dấu tích của thành Thăng Long cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Tham luận tại Hội thảo Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội, ngày 12/5/2007 tại Viện Văn hóa thông tin, Bộ VHTT. 

3. GS. TRẦN QUỐC VƯỢNG:
Trung tâm điểm của cấu trúc thành Đại La của Cao Biền (thế kỷ 9), của thàng Thăng Long thời Lý – Trần (thế kỳ 11-14) và cả của thành Đông Kinh thời Lê (thế kỷ 15 - 18 ) và cả Bắc thành (đời Gia Long), Hà Nội thành (đời Minh Mạng – Tự Đức) thời Nguyễn (thế kỷ 19) là Núi Nùng. 

Cái ý của cụ Biệt Lam Trần Huy Bá và của cụ Hoàng Đạo Thúy (xem Lịch sử Hà Nội Trần Huy Liệu chủ biên, 1960; Thăng Long Đông Đô Hà Nội của Hoàng Đạo Thúy, 1967) là núi Nùng ở trong vườn Bách Thảo đã tỏ ra không vững. (Hà Nội hè 2004)
Nguồn: Lại bàn về vị thế Hoàng thành Thăng Long. Hội thảo về Hoàng thành Thăng Long ngày 03/6/2004 tại Viện Khảo cổ học.

4. GS. LÊ VĂN LAN:
Qua khảo sát một số tài liệu văn bản, ta thấy rằng: vòng tường Hoàng thành Thăng Long khởi đắp năm 1010 ở đầu thời Lý, có nguồn gốc/và thực tế/ là vòng tường thành Đại La đời Hàm Thông, do Cao Biền đắp năm 866, được Lý Thái Tổ sửa snag , tôn tạo. Vị trí và quy mô của nó, do đó, có thể được nhận diện, thông qua mấy điểm chuẩn, là: ở bờ nam sông Tô Lịch, bao quanh núi Nùng (Long Đỗ) ở trung tâm, cửa Đông mở ra ở trước phố Hàng Buồm ngày nay, và chu vi khoảng 6 km (lấy con số tròn).
…Thành cổ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, thành Đại La. Tất cả đều chung vị trí (tức ở cùng một chỗ) và sấp sỉ như nhau (tức gần bằng nhau) về quy mô!
Nguồn: Vị trí và quy mô Hoàng thành Thăng Long đời Lý qua tài liệu văn bản. Hội thảo về Hoàng thành Thăng Long ngày 03/6/2004 tại Viện Khảo cổ học.

5. PGS.TS ĐỖ VĂN NINH:
Đã có thể kết luận chính xác rằng Thăng Long thời Lý - Trần, Đông Kinh thời Lê và cả Hà Nội thời Nguyễn nữa đều xây dựng với trục trung tâm Đoan Môn - Kính Thiên và Cột Cờ - Đoan Môn - Kính Thiên - Cửa Bắc. Trục Cột Cờ - Cửa Bắc có lệch vài độ so với trục Đoan Môn - Kính Thiên song về cơ bản có thể coi là một. Cũng có thể khái quát một câu rằng: Kinh đô nước ta tất cả mọi đời đều chỉ xây quanh một trục. 
Nguồn: Những hiểu biết mới về Thăng Long.

6. PGS.TS ĐẶNG VIỆT BÍCH:
Khu vực 18 Hoàng Diệu mà di tích đã phát lộ, sau khi tham quan vài lần, thì tôi ngờ rằng: đây là một khu vực bếp ăn trong hoàng cung, với đống vỏ sò, hến…còn lưu giữ trong lòng đất.(Hà Nội 9/5/2007)
Nguồn: Một vài ý kiến về bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa – cách mạng tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Tham luận tại Hội thảo Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội, ngày 12/5/2007 tại Viện Văn hóa thông tin, Bộ VHTT. 
7/ GS.Phan Huy Lê: 


Theo bản đồ quy hoạch của khu trung tâm chính trị Ba Đình, có nhiều lô. Trong đó, lô D có diện tích 57.000 mét vuông, nằm giữa bốn đường Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, Bắc Sơn và Hoàng Diệu. Tại đây từ những năm 1960, đã xây nên Hội trường Ba Đình. Đến cuối thập niên 1990, có chủ trương xây dựng tại lô này hai tòa nhà lớn: Nhà Quốc hội và một tòa nhà phía sau, gần đường Hoàng Diệu, gọi là Hội trường Ba Đình mới.

Theo luật về di sản văn hóa, trước khi xây dựng các công trình lớn, cần tiến hành khai quật khảo cổ học. Đến giữa năm 2003, đã phát lộ một phức hệ di tích rất phong phú và đa dạng. Vào tháng 9-2003, Trung ương đã có chủ trương đúng là di chuyển ngay Hội trường Ba Đình sang khu đô thị mới Mỹ Đình và đổi tên thành Trung tâm hội nghị quốc gia.

Còn riêng khu nhà Quốc hội, ở trên chủ trương cho tiếp tục khai quật. Từ 2003 đến giữa 2004, diện tích khai quật lên tới 19.000 mét vuông, phát lộ một di tích vô cùng quý giá. Nó kéo dài suốt từ thời kì tiền Thăng Long, đến thời An Nam đô hộ phủ, trải qua thời Đinh và Tiền Lê, và đặc biệt là nó kéo dài liên tục qua thời Lý, Trần và Lê sơ.

Có rất nhiều di tích cung điện tại đây. Có cả những giếng nước còn nguyên vẹn, hệ thống thoát nước, chiến thuyền. và rất nhiều di vật. Di tích ở đây còn kéo dài đến tận thời Mạc, thời Lê – Trịnh cho đến cuối thế kỷ 18 và còn tiếp tục đến nửa đầu thế kỷ 19, tức là thời kì thành Hà Nội của triều Nguyễn. Các kiến trúc và di vật tìm được đã chứng tỏ nền văn hóa lâu đời của Việt Nam, kết tinh truyền thống xây dựng, các nghề thủ công cũng như cách thức tổ chức và quy hoạch ở trung tâm Hoàng thành. 

Như vậy, tại lô D, ngoài di tích ở trên mặt đất, thì khảo cổ học đã chứng minh được là trong lòng đất có cả bề dày lịch sử ngàn năm Thăng Long. Mà đây là ở khu quan trọng nhất của thành Thăng Long, tức là Cấm thành.

" Giáo sư có thể trình bày sơ đồ kiến trúc Cấm Thành theo sử liệu? 
- Kết quả nhiều năm nghiên cứu về cấu trúc thành Thăng Long kết hợp với 2 năm nghiên cứu khảo cổ vừa rồi đã hội đủ những căn cứ khoa học cho phép khẳng định khu di tích 18 Hoàng Diệu nằm trong Cấm Thành. Ngay từ khi mới phát lộ năm 2003, các nhà sử học, khảo cổ học đã xác định khu di tích nằm trong Hoàng Thành, nay tiến lên một bước xác định khu di tích nằm trong Cấm Thành tức trung tâm của Hoàng Thành. Chúng ta có một số vật chuẩn quan trọng để định vị Cấm Thành. 
Thứ nhất, trung tâm của Cấm Thành là Điện Kính Thiên thời Lê sơ, xưa là điện Càn Nguyên, Thiên An thời Lý, thời Trần. Đó là cung điện quan trọng bậc nhất, nơi tiến hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi tiếp sứ giả nước ngoài, nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự. Nền điện Kính Thiên bây giờ còn đó với bậc thềm và lan can đá chạm rồng mang đặc trưng nghệ thuật trang trí thế kỷ XV. Kiến trúc này xây dựng trên núi Nùng tức Long Đỗ (Rốn Rồng) nơi tụ hội khí thiêng của non sông theo quan niệm phong thuỷ cổ truyền. 
Thứ hai là Đoan Môn là cửa Nam của Cấm Thành. Tài liệu sử sách cho biết vị trí của Đoan Môn cũng không thay đổi qua các triều đại. Vừa rồi khảo cổ đã đào thám sát và xác định chắc chắn Đoan Môn còn lại hiện nay được xây dựng từ thời Lê, đến thời Nguyễn có sửa sang. Dưới chân Đoan Môn đã phát hiện dấu tích kiến trúc của thời Lý, thời Trần. Đoan Môn phải hiểu là cửa Nam phía trong trong cùng của Cấm Thành, bởi theo Phan Huy Chú và Nguyễn Văn Siêu thì phía nam Cấm Thành có ba lần cửa, nhìn trên bản đồ Hồng Đức cũng thấy điều đó. Theo một số tài liệu đời Nguyễn thì Cột Cờ được xây dựng trên nền cửa Tam Môn là cửa Nam ngoài cùng của Cấm Thành. Như vậy là Kính Thiên – Đoan Môn – Cột Cờ/Tam Môn là trục trung tâm của Cấm Thành. 
Thứ ba là chùa Một Cột. Theo văn bia Sùng Thiện Diên Linh (chùa Đọi, Duy Tiên, Hà Nam) do Nguyễn Công Bật soạn năm 1121 thời Lý thì chùa Diên Hựu tức chùa Một Cột dựng ở phía tây Cấm Thành. Vậy tường thành phía tây của Cấm Thành không thể quá vị trí Chùa Một Cột. Theo bản đồ Hồng Đức và nhiều tài liệu địa lý học lịch sử, ở phía tây bắc của Cấm Thành có cửa Tây (Tây Môn) và phía ngoài có núi Khán Sơn và chùa Khán Sơn là nơi vua Lê Thánh Tông lên duyệt binh. Đầu thế kỷ XIX khi nhà Nguyễn xây dựng lại thành Thăng Long, từ năm 1831 đổi tên là thành Hà Nội, thì Khán Sơn nằm bên trong, ở về phía tây bắc của thành Hà Nội, nghĩa là nằm ở khoảng cuối Hùng Vương gần Phan Đình Phùng, trước mặt Phủ Chủ tịch và Thủ tướng phủ hiện nay. Từ đó, tôi phỏng đoán tường thành phía tây Cấm Thành ở vào khoảng đường Độc Lập đến giữa Quảng trường Ba Đình. 
Vậy là ta đã xác định được vị trí trung tâm, trục trung tâm cùng giới hạn phía nam và phía tây của Cấm Thành. Theo bản đồ Hồng Đức, Cấm Thành có hình chữ nhật, nhưng Đông cung và Thái miếu ở phía đông - theo Nguyễn Văn Siêu - dù nằm trong tường thành bảo vệ nhưng không coi là trong Cấm Thành, và như thế Cấm Thành gần như hình vuông. Điều này cũng rất phù hợp với việc nhà Nguyễn xây dựng thành Hà Nội trên cơ sở mở rộng Cấm Thành, vì trong chỉ dụ của vua Gia Long có nói thành Thăng Long (Cấm Thành) chật hẹp, cho nên phải mở rộng thêm. Thành Hà Nội của nhà Nguyễn vì thế rộng hơn Cấm Thành, nhưng nhỏ hơn Hoàng Thành. 
Nguồn : VietNamNet

Dưới đây là bài tham luận của Nguyễn Xuân Diện ở tiểu ban 1, được viết xong vào tháng 6 năm 2004. 
Đã trình bày tại Hội nghị khoa học Tiểu ban 1: Những vấn đề chung về Hoàng thành Thăng Long, họp tại Viện Khảo cổ học. 27-30/7/2004

Vị trí Kinh thành Thăng Long và Hoàng thành Thăng Long
qua ghi nhận của thư tịch cổ

1. Vị trí của núi Nùng và điện Kính Thiên:
Trong cuộc thảo luận về vị trí của Hoàng thành Thăng Long vừa qua, vị trí của núi Nùng được cho là rất quan trọng, vì sách cổ chép rằng điện Kính Thiên đời Lê dựng trên núi ấy, nên giúp cho việc định vị Hoàng thành (bài của GS. Trần Quốc Vượng).
Trước đây, trong chuyên khảo “Hà Nội trong giai đoạn anh hùng (1873 -1888)” [Hanoi pendant la période héroique (1873 -1888)], xuất bản tại Paris năm 1929, tác gi André Masson cũng cho biết điện Kính Thiên được xây trên gò đất thiêng Nùng Sơn, “gò núi trong nhiều thế kỷ được coi như núi hộ mệnh của thành phố”. Ông còn dẫn ghi chép của các sĩ quan Pháp có mặt tại Hà Nội vào ngày 15 -11 -1875 (Chapotot), và tháng Năm năm 1885 (Frédéric Garcin), và cả ghi chép của Trương Vĩnh Ký khi thăm Bắc kỳ năm 1876. 
Gần đây, trong chuyên khảo Tìm lại dấu vết thành Thăng Long, học gỉa Phạm Hân (tức Phạm Kim Hùng, cán bộ Bộ Ngoại giao, nay đã quá cố) đã có một bài viết riêng về núi và điện, dưới tiêu đề “Núi Nùng với điện Kính Thiên”. Đoạn viết đó dài 4 trang (chỉ có ở bản in năm 2003), cho biết các tư liệu sau đã chép Núi Nùng ở giữa thành Hà Nội: Đại Nam nhất thống chí, Hoàng Việt địa dư chí, Thăng Long cổ tích khảo, Long Biên bách nhị vịnh, Thượng kinh phong vật chí.
Nay xin dẫn thêm và dẫn lại các kho cứu của người xưa về vị trí của núi để các nhà khảo cổ có thêm tài liệu tham khảo.
1.1. Danh sĩ, học giả Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) trong bài “Trả lời các câu hỏi về di tích ở Thăng Long” cho một người bạn, vào tháng Hai, năm Ât Hợi (1815), niên hiệu Gia Long, có viết về núi Nùng, trong mục Danh sơn, sách Châu Phong tạp thảo như sau:
“Núi Nùng: Núi đất ở giữa thành Thăng Long. Khi triều Lý định đô, xây dựng làm chính điện. Triều Lê là điện Kính Thiên, nay là Bắc thành. Hoàng cung ở phía trước điện. Đời truyền, ở trên điện phía sau tòa ngự, núi và đầm thông khí như hình hang chuột, đó là rốn rồng[long tê]”.[tờ 8a].
Phạm Đình Hổ còn cho biết, ngoài núi Nùng, còn có núi Tam Sơn, núi Khán Sơn, núi Thái Hoà. Về núi Tam Sơn, ông viết như sau: “Tam Sơn: Núi đất ở trong thành Thăng Long, nằm về phía Bắc Hoàng cung”[tờ 8a]. Về núi Thái Hoà thì: “Núi đất ở phía Tây, bên ngoài thành Thăng Long” [tờ 8b]. Về núi Khán Sơn, vì văn bản mất chữ nên không còn đọc được những chữ xác định vị trí. (Châu Phong tạp thảo, VHv.1873. Tờ 8a và 8b)
Như vậy: Núi Nùng là núi đất ở giữa thành Thăng Long. Thời Lý là vị trí chính điện. Thời Lê là vị trí của điện Kính Thiên. Và trong thành Thăng Long không chỉ có núi Nùng mà còn có núi Tam Sơn. Khái niệm “Thành Thăng Long” là chỉ một phạm vi rộng, trong đó có “Hoàng cung”(Cấm thành). “Hoàng cung” không trùng với điện Kính Thiên.
1.2 Cụ Đặng Xuân Khanh, sau khi tham khảo sách cổ ở Viễn Đông bác cổ học viện đã viết về núi Nùng như sau:
“Núi Nùng ở chính giữa kinh thành, còn có một tên nữa là núi Long Đỗ. Núi hình tròn, cây cối um tùm, tiếp liền với Tây Hồ; đằng sau có Tam Sơn làm chẩm (...). Lý Thái Tổ định đô ở đây, lấy núi này làm án, dựng chính điện ở trên (...). Triều Trần đổi làm hành cung, dựng lầu Vọng Nguyệt đối diện với núi Nùng. Triều Lê là điện Kính Thiên. Triều Nguyễn đặt hành cung, vẫn theo tên cũ. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) đổi làm điện Long Thiên”(Thăng Long cổ tích kho tịnh hội đồ, VHv.2471. Tờ 9 a và 9 b).
Như vậy: Núi Nùng có tên gọi là núi Long Đỗ (Chữ Hán viết Long là Rồng, đỗ là bụng. Long đỗ là bụng rồng). Triều Lý dựng nền điện trên núi. Triều Lê dựng điện Kính Thiên trên núi. Triều Nguyễn đặt hành cung ngay trên núi, đến 1843 đổi làm điện Long Thiên.
1.3. Thăng Long cổ tích khảo (không rõ niên đại) chép về núi Nùng như sau:
Núi ở chính giữa thành. Núi không cao lắm, đất đá lẫn lộn. Thời Đường, Cao Biền gọi núi này là Mũi rồng (Long Tỵ) và làm bùa để yểm đi. Đào lên, qủa là có một lỗ thông khí, như hình hang chuột. Triều Lý, xây chính điện lấy núi này làm án. Triều Lê xây điện Kính Thiên lấy núi này làm chẩm. (Thăng Long cổ tích khảo, A.1820. Tờ 17b)
Như vậy: Theo tài liệu này thì núi Nùng được Cao Biền gọi là Mũi rồng, không phải là bụng rồng hay rốn rồng như các cách gọi khác từng được thư tịch ghi nhận. Và các triều Lý và Lê đều không xây điện lên trên núi mà chỉ lấy núi là án hoặc chẩm mà thôi. Cũng sách này, khi viết về đền Long Đỗ thần quân, cho biết ngôi đền nằm phía Bắc Long thành, trấn giữ phương Bắc, khi xưa Cao Biền đến yểm mà không được nên phải lập đền [tờ 15b và 16a].
1.4. Từ những ghi chép trên, ta có thể rút ra một vài điều như sau: 
- Núi Nùng nằm giữa thành Thăng Long.
- Nhiều tài liệu chép cho đây là Rốn rồng, nhưng lại có tài liệu cho là Mũi rồng, Bụng rồng. 
- Trên núi Nùng đời Lý dựng chính điện, đời Lê dựng điện Kính Thiên. Có tài liệu chép chỉ lấy núi làm án hay chẩm chứ không xây cất ở trên.
- Núi Nùng không trùng với nền Hoàng cung. Trong bài “Trả lời các câu hỏi về di tích ở Thăng Long”, sách Châu Phong tạp thảo, viết vào khoảng thời gian từ 1790 đến đầu thời Minh Mệnh (1820), của Phạm Đình Hổ thấy có xuất hiện hai cách gọi này: Thành Thăng Long (có chỗ gọi là Long thành), Hoàng cung. Theo đó, Thành Thăng Long là chỉ một khu vực rất rộng, bên trong là Hoàng thành - tức là khu vực bao quanh nơi Vua ở. Trong Hoàng thành là Hoàng cung (tức Tử Cấm thành) chỉ nơi sinh hoạt và làm việc của nhà Vua. 
2. Thêm một số dẫn liệu về ranh giới thành Thăng Long:
Trong báo cáo “Kết qủa thăm dò Khảo cổ học Đoan Môn, Bắc Môn, Hậu lâu, 62 - 64 Trần Phú và vấn đề vị trí, quy mô của Hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần - Lê” của PGS.TS Tống Trung Tín, ngày 3 tháng 6 - 2004 tại Hà Nội có dẫn các thư tịch cổ để xác định ranh giới và quy mô Hoàng thành Thăng Long ở bốn phía Bắc - Nam - Tây - Đông. Cụ thể như:
- Phía Bắc: Chùa Am Cửa Bắc, chùa Linh Sơn, quán Trấn Vũ, chùa Trấn Quốc;
- Phía Nam: Cột cờ, chùa Long Khánh, đàn Nam Giao, chùa Hàm Long;
- Phía Đông: Chùa Cầu Đông, đình Đông Môn, Hội Quán Phúc Kiến, đền Bà Móc, chùa Thái Cam, đền Bạch Mã, Ô Quan Chưởng, đình Hoa Lộc;
- Phía Tây: Chùa Một Cột, Chùa Am Cây Đề, đình Đông Các, chùa Láng, chùa Huy Văn.
Nay chúng tôi xin đưa thêm một số dẫn liệu nữa, góp phần xác định ranh giới Kinh thành Thăng Long, rút từ Châu Phong tạp thảo như sau:
- Phía Tây Bắc thành có: Quán Trấn Vũ [tờ 14a]
- Phía Tây Nam thành có: Hồ Tú Yên [UYÊN](phường Bích Câu)[tờ 9a]
- Phía Tây thành có: Chùa Một Cột [tờ 11a], Đền Linh Lang [tờ 20a]
- Phía Đông Nam thành có: Hồ Tả Vọng (tức hồ Hoàn Kiếm) [tờ 8b]
- Phía Nam thành có: Văn Miếu [tờ 9a]
3. Vị trí thành Thăng Long qua các đời:
Một số nhà nghiên cứu trước đây đã khẳng định thành Hà Nội xây trên nền tành Thăng Long thời Lý - Trần - Lê. Và thành Thăng Long thời Lý - Trần - Lê nằm trên nền thành Đại La của Cao Biền. Dưới đây xin giới thiệu một ý kiến khác về vấn đề này.
Nhà sử học Đặng Xuân Bảng (1828 - 1910) có một cuốn sách rất giá trị về sử học, đã được cụ Đỗ Mộng Khương dịch, Viện Sử học và Nxb Văn hóa thông tin xuất bản năm 1997. Đó là cuốn Sử học bị khảo - tác phẩm mà GS. Đào Duy Anh xem “là một công trình nghiên cứu điạ lý học lịch sử quan trọng nhất trong học giới nước ta ở thời phong kiến”. 
Sách có phần Địa lý khảo, trong đó có hai phần có giá trị tham khảo tốt là “Các nơi đô hội xưa nay” và “Đô thành nước ta”. Phần “Các nơi đô hội xưa nay” có đoạn: 
“Xét sách An Nam kỷ yếu chép rằng: “Lý Nguyên Gia đời Đường Mục Tông (820 - 824) làm đô hộ thấy cửa phủ có dòng nước ngược, sợ người Giao Châu làm phản, nên năm Trường Khánh thứ 4 (824), sai thầy địa lý xem đất, chọn được đất ở bờ sông Tô Lịch liền đắp thành nhỏ rồi dời phủ đến đấy ở. Xem thế thì thành Thăng Long bắt đầu từ niên hiệu Trường Khánh (821 - 824) dời đi trong niên hiệu Bảo Lịch (825 - 827), đắp lại trong niên hiệu Hàm Thông (850 - 874). Từ đời Lý, đời Trần về sau, đời nào cũng có sửa đắp. Nay các thành có 16 cửa ô, 36 phố phường là xây dựng trong niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786) đời Lê, chứ không phải dấu cũ thành Đại La của Cao Biền. Thành Đại La của Cao Biền lại không phải dấu cũ thành Đại La của Trương Bá Nghi, cũng không phải lỵ sở Giao Chỉ cũ đời Tùy. (Tùy thư chép quận lỵ Giao Chỉ ở Tống Bình, là chưa xét rõ).(Sđd trang 264 - 265).
Sau Đặng Xuân Bảng, một tác gỉa người Pháp là Madrolle trong cuốn sách Guides Madrolle, Indochine du Nord, Tonkin, xuất bản tại Hà Nội năm 1939 cũng có ý kiến gần trùng với Đặng Xuân Bảng. Những nghiên cứu này đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Đạm lưu ý. Hơn nữa, sơ đồ của La Thành (767), Đại La thành (867) và Thăng Long thành (1010) theo nghiên cứu của Madrolle còn được giới thiệu tại trang 16, trong cuốn sách Thành lũy Phố phường và Con người Hà Nội trong lịch sử của Nguyễn Khắc Đạm, xuất bản năm 1999. 
Mới đây, trong hội thảo về Vị trí, quy mô Hoàng thành Thăng Long, tại Hà Nội ngày 3 - 6 - 2004, GS. Lê Văn Lan lại khẳng định các thành từ thời Cao Biền đến Nguyễn ở Hà Nội “đều chung một vị trí (tức ở cùng một chỗ) và sấp sỉ như nhau (tức gần bằng nhau) về quy mô”. 
Hà Nội, tháng 6 -2004

Tài liệu tham khảo chính
Sách chữ Hán - Nôm ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm 
1. Châu Phong tạp thảo. VHv.1873
2. Thăng Long cổ tích khảo. A.1820
3. Thăng Long cổ tích khảo tịnh hội đồ. VHv.247
Sách tiếng Việt 
4. Đại Việt sử ký toàn thư. Tập II. In lần thứ hai có sửa chữa. Cao Huy Giu phiên dịch. Đào Duy Anh hiệu đính, chú gỉai. Nxb KHXH. H, 1972. [Trang 92].
5. Đại Việt sử ký toàn thư. Bản in Nội các quan bản. Tập II. Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích. Hà Văn Tấn hiệu đính. [Trang 320]. Và tập IV chụp nguyên bản chữ Hán. [Trang 336]. Nxb KHXH. H, 1993. 
6. Phạm Đình Hổ - Tuyển tập thơ văn. Trần Kim Anh dịch và giới thiệu. Nxb KHXH. H, 1998. 
7. Đặng Xuân Bảng: Sử học bị khảo. Đỗ Mộng Khương dịch. Viện Sử học và Nxb Văn hóa Thông tin. H, 1997. [Trang 264 - 265]
8. Đặng Xuân Khanh: Thăng Long cổ tích khảo tịnh hội đồ. Bản dịch của Đinh Thanh Hiếu. Bản thảo chưa xuất bản.
9. Đỗ Văn Ninh: Thành cổ Việt Nam. Nxb KHXH. H, 1983. 
10. Phạm Hân: Tìm lại dấu vết thành Thăng Long. Tái bản có bổ sung. Nxb Văn hóa Thông tin. H, 2003.
11. Andre' Masson : Hà Nội giai đoạn 1873 - 1888. Lưu Đình Tuân biên dịch. Nxb Hải Phòng. Hải Phòng, 2003.
12. Nguyễn Khắc Đạm: Thành lũy Phố phường và Con người Hà Nội trong lịch sử. Nxb Văn hóa Thông tin. H, 1999. [Trang 15 -16].
13. Các tham luận Hội thảo khoa học: “Vị trí, quy mô Hoàng thành Thăng Long qua hệ thống bản đỗ và tư liệu khoa học”, do Viện Khảo cổ học tổ chức tại Hà Nội, ngày 3 - 6 - 2004, của các tác gỉa: Tống Trung Tín, Trần Quốc Vượng, Đỗ Văn Ninh, Nguyễn Duy Hinh, Lương Ninh, Nguyễn Vinh Phúc, Bùi Thiết, Lê Văn Lan.
14. Các bài báo đưa tin về Hội thảo khoa học nêu trên, đăng trên các báo: Gia đình & Xã hội, Tiền Phong, Khoa học và Đời sống, VNNET, Nghiên cứu Lịch sử.

Bài viết liên quan tại chuyên mục:CÁC BÀI NGHIÊN CỨU

Không có nhận xét nào:

Đặt mua Website này: 100.000 Vnđ - Liên hệ: Click here