Nội dung tiêu đề 2

Phần viết nội dung tiêu đề 2

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

ĐI TÌM THĂNG LONG THÀNH . BÀI 3.

ĐI TÌM THĂNG LONG THÀNH . BÀI 3.

Kết quả bước đầu khai quật khảo cổ học (Phần 3)
1. Đây là lần đầu tiên, một phức hệ di tích - di vật của một bộ phận trung tâm Hoàng thành Thăng Long và thành Hà Nội xưa đã được phát lộ với một diễn biến văn hóa vật chất liên tục từ thành Đại La thời thuộc Đường và thời Đinh - Tiền Lê đến Hoàng thành Thăng Long - Đông Đô – Đông Kinh thời Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng rồi thành Hà Nội.

Sở dĩ có thể xác định được đây là một bộ phận của trung tâm Hoàng Thành Thăng Long thời Lý - Trần – Lê, vì các lý do sau:

+ Tại các vị trí nhiều hố khai quật đều tìm thấy các dấu tích kiến trúc và di vật thuộc thời Lý - Trần - Lê nằm chồng lên các di tích kiến trúc và di vật thời Đại La - Tống Bình (thế kỷ VII-IX). Điều đó minh chứng rất rõ lời của vua Lý Thái Tổ trong chiếu dời đô đã nói tới việc dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đặt tên kinh đô là Thăng Long.

+ Hệ thống hàng chục dấu tích nền móng kiến trúc ở đây đều được xây dựng rất kiên cố, trong đó có kiến trúc khá lớn với diện tích hàng nghìn mét vuông được suy đoán là các kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê. Suy đoán này căn cứ vào vị trí của các kiến trúc phân bố khá gần điện Kính Thiên về phía tây.

Do sử cũ ghi lại ở khu vực phía tây điện Kính Thiên (tức là điện Thiên An thời Lý - Trần) xây dựng dày đặc các cung điện, lầu gác, chùa tháp như vậy, nên những dấu vết kiến trúc tìm được ở đây có thể là dấu tích của các cung điện và lầu gác của Hoàng thành Thăng Long xưa.

+ Sự suy đoán này còn được dựa vào hệ thống di vật tiêu biểu ở đây. Đó là các loại vật liệu xây dựng như chân tảng hoa sen, các loại ngói, gạch, các loại tượng tròn và phù điêu trang trí hình rồng, phượng... đều mang tính biểu trưng cho việc trang trí các kiến trúc cung đình; các loại đồ dùng bằng gốm sứ cao cấp với hoa văn tinh mỹ, trong đó có những đồ sứ thời Lê Sơ có ghi ký hiệu chữ ''Quan'', chữ ''Kính'' và trang trí hình rồng có chân 5 móng, hình chim phượng, chỉ rõ là đồ dùng dành riêng cho nhà vua và hoàng hậu.
Việc tìm thấy những đồ ngự dụng đã góp thêm một bằng chứng quan trọng để từ đó có thể đưa ra giả thuyết rằng dấu vết kiến trúc lớn ở khu vực khai quật có thể là những cung điện của Hoàng cung. Dĩ nhiên, để làm rõ tên và chức năng của từng dấu tích theo ghi chép của sử cũ cần phải có nhiều thời gian, đặc biệt là cần phải được khai quật nghiên cứu khảo cổ học trên một diện rộng lớn hơn. Nhưng với tất cả các cứ liệu hiện có, đã có thể khẳng định các dấu tích kiến trúc đã tìm thấy là một bộ phận của quần thể kiến trúc trung tâm Hoàng Thành Thăng Long thời Lý - Trần - Lê nằm ở phía tây của di tích điện Kính Thiên.

2. Những di tích - di vật nêu trên có bề dày lịch sử hơn 1 .300 năm, từ thế kỷ VI-VII đến XIX, đã cho phép hình dung được phần nào vị trí, quy mô và diện mạo Hoàng Thành Thăng Long dưới thời Lý - Trần - Lê, thành Hà Nội thời Nguyễn.
Quy mô đó ước khoảng 140ha dưới thời Lê. Trước đó thời Lý - Trần có thể xê dịch hơn hoặc kém diện tích đó một chút. Đến thời Nguyễn thì thu nhỏ lại khoảng 100 ha.

Trong Hoàng thành, có nhiều loại hình kiến trúc. Đợt khai quật vừa qua cho thấy ở khu tây, các kiến trúc đó bố trí thành nhiều tầng, nhiều lớp chạy song song theo hướng Bắc – Nam. Xen giữa các lớp kiến trúc hoặc từng kiến trúc đó có sông, có hồ để thoát nước và tôn tạo cảnh đẹp.

Mỗi kiến trúc đều trang trí nhiều đề tài rất đẹp. Thế kỷ VII -IX, có trang trí hoa sen, hoa cúc, đầu linh thú có dáng vẻ gân guốc, dữ dội. Thời Đinh - Lê, trang trí các hình hoa sen, uyên ương. Thời Lý, trang trí đạt tới đỉnh điểm của sự tinh mỹ. Thời Trần, trang trí khỏe mạnh và ngày càng đơn giản. Thời Hậu Lê trang trí đơn giản hơn trong đó trang trí đẹp nhất là thời Lê Sơ, các thời tiếp theo trang trí trên gạch ngói đơn giản nhưng có thêm đề tài mới.

3. Những di tích và di vật kiến trúc, vật dụng cung đình, đồ gốm sứ, vũ khí... tìm được ở khu vực khai quật chứng tỏ nghệ thuật thời Lý - Trần - Lê đã đạt trình độ cao. Bắt nguồn từ thời Đinh - Lê, nghệ thuật, thời lý đạt tới đỉnh điểm của sự tinh mỹ và quy phạm,nghệ thuật thời trần thiên về khoẻ mạnh, khoáng đạt, nghệ thuật thời Lê nhịp độ thay đổi nhanh và càng ngày càng đơn giản.
Các di tích, di vật vừa tìm thấy ở Thăng Long cũng phản ánh rõ bản sắc văn hoá dân tộc. Ví dụ hình rồng thời Lý, thời Trần thường có bộ phận mào và lôi văn hình chữ S mà rồng Trung Quốc không có. Hoặc bộ mái kiến trúc thời Lý - Trần thường có gắn các loại lá đề có hình rồng phượng mà các bộ mái kiến trúc ở các nước láng giềng cũng không có. Hầu hết các hình tượng trang trí, các đồ án hoa văn đều hiển bộ sắc tháu Việt Nam rõ ràng như vậy.

Nhiều loại di vật khác lại phản ánh mối quan hệ giao lưu giữa Thăng Long với các vùng trong nước và giữa Thăng Long với thế giới bên ngoài. Thời Trần, tại đây đã tìm thấy gốm Thiên Trường ở Nam Định. Thời Lê, bên cạnh gốm sản xuất tại Thăng Long còn có nhiều loại gốm được sản xuất tại Hải Dương. Qua thương mại, nhiều đồ gốm Trung Quốc thế kỷ VII - IX đến thế kỷ XIX được du nhập vào nước ta và Thăng Long. Gốm Hizen (Nhật Bản) nửa cuối thế kỷ XVII cũng có mặt. Cũng phát hiện các mảnh gốm ở các khu vực xa hơn như gốm Islam từ khu vực Trung Đông. Gốm Chăm, gạch Việt có chữ Chăm cổ đã phản ánh sống động mối quan hệ Việt – Chăm lâu dài trong lịch sử.

Trên đây chỉ là vài nhận xét ban đầu. Cuộc khai quật vẫn còn đang tiếp tục. Một dự án chỉnh lý sẽ được tiến hành trong vài năm tới nhằm xứ lý kỹ lưỡng hơn khối tư liệu đã được khai quật để đưa các nhận định khoa học về giá trị và ý nghĩa của khu di tích.
Tống Trung Tín

PHẦN 2.
 GIỚI THUYẾT VỀ MỘT VÀI THUẬT NGỮ . 

Phần bài viết này tuy ngắn nhưng lại có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thảo luận . Trong phần này , chúng tôi cố gắng sưu tầm và thử thống nhất một số thuật ngữ hay được sử dụng trong bài viết , tránh trường hợp , ông nói gà , bà nói vịt . Chúng ta cùng thống nhất một số thuật ngữ sau :
KINH ĐÔ - KINH SƯ - KINH THÀNH - HOÀNG THÀNH - TỬ CẤM THÀNH - CUNG THÀNH - ĐẠI NỘI - THÀNH NỘI - ĐOAN MÔN ....
Theo từ điển wikipedia có một đoạn như sau :
Cũng giống như các thành cổ khác, thành Thăng Long có cấu trúc tam trùng thành quách, bao gồm 3 lớp:

* Lớp ngoài cùng có tên là Kinh thành ( 1), được đắp bằng đất, là nơi dân cư sinh sống với các ngành nghề thủ công và hoạt động thương nghiệp và còn là nơi bảo vệ vành ngoài.
* Tiếp theo là Hoàng thành ( 2 ) hay khu triều chính. Đây là nơi ở và làm việc của các quan lại cao cấp trong triều đình.
* Lớp cuối cùng là Tử Cấm thành ( 3 ) . Đây là nơi dành cho vua, hoàng hậu và cung tần mỹ nữ ở. Tử Cấm thành có nhiều tên gọi khác nhau qua các triều đại: Cung thành (thời nhà Lý), Long Phượng thành (thời nhà Trần) và Cấm thành (thời nhà Hậu Lê).

Hai lớp tường thành bên trong được xây bằng gạch.

Các tường thành liên hệ với nhau bằng các cửa ô. Tử Cấm thành nối với Hoàng thành duy nhất bằng cửa Đoan Môn. Hoàng thành nối với Kinh thành bằng rất nhiều cửa nhưng hiện nay chỉ còn lại cửa Bắc Môn. Ô Quan chưởng là cửa ô còn sót lại hiện nay thuộc mạng lưới các cửa ô liên hệ giữa Kinh thành và Hoàng thành.
Theo từ điển Hán - Việt của Đào Duy Anh :
( 1) / KINH THÀNH : ( 京 城 ) Đô thành của một nước ( Capitale ) .
( 2) / HOÀNG THÀNH : ( 皇 城 )Thành bao quanh cung điện của Vua ( Citadelle royale ) .
( 3 ) / CẤM THÀNH : ( 禁 城 ) Cung Thành Vua ở ( Palais Royal ) .
( 4) / KINH ĐÔ : ( 京 都 ) Đô thành to lớn trong nước - Thủ phủ một nước ( Capitale ) .
( 5 ) / KINH SƯ : ( 京 師 ) Kinh đô nước Quân chủ ( Capitatale ) .
( 6 ) / CUNG THÀNH : ( 宮 城 ) Chỉ đất đai ở trong thành Vua ở . 
( 7 ) / THÀNH NỘI : ( 城 內 ) chỉ phần đất nằm bên trong phạm vi Kinh thành.
( 8 )/ ĐOAN MÔN : ( 端 門 ) Cửa chính trong cung thành ( Porte principale ) .

Trong cuốn Kinh thành Huế. Phan Thuận An. Nxb Thuận Hóa. Huế, 1999. tr.16-19 có viết :
Giới thuyết về các thuật ngữ: “Kinh đô 京 都 , Kinh sư 京 師 , Kinh thành 京 城 , Hoàng thành 皇 城 , Tử Cấm thành 紫 禁 城, Cung thành 宮 城, Đại Nội 大 內, Thành nội 城 內 .
- Kinh đô京 都 ( 4 ) , Kinh sư 京 師 ( 5 ) : Kinh京 là to lớn, đô都 là vua cho xây dựng thành trì và cung điện để ở; sư là đông đúc, có nhiều người cư trú. Như vậy, Kinh đô và Kinh sư ( 6 ) có cùng một nghĩa. Kinh đô hoặc Kinh sư đã được dịch ra tiếng Pháp là La Capitale hoặc tiếng Anh là The Capital. 
- Kinh thành京 城 ( 1 ) : Nghĩa đen của từ “Kinh thành” là tòa thành to lớn. 
- Hoàng thành皇 城 ( 2) và Tử Cấm thành紫 禁 城 ( 3 ) : Tử Cấm thành nằm bên trong Hoàng thành…Người Tây phương thường gọi Hoàng thành là La Cité Impériale (hoặc The Imperial City) và Tử Cấm thành là La Cité Pourpre Interdite (hoặc The Forbibden Purple City). 
- Đại Nội大 內: chỉ chung Hoàng thành và Tử Cấm thành.
- Thành Nội 城 內: chỉ phần đất nằm bên trong phạm vi Kinh thành.
- Nội thành內 城 ( 7 ) : bao gồm cả Thành Nội lẫn Đại Nội”.


CHÚ THÍCH : Chúng tôi đánh số những số trong ngoặc ( ) cùng số là cùng một nghĩa . Ngoài ra qua trao đổi với Kiến trúc Sư Nguyễn Vũ Hội ( Hải Phòng ) - Ông cho biết ý nghĩa của ĐOAN MÔN chỉ là cửa thành nằm trên trục Bắc - Nam của các thành mà thôi .
Trong phần này chúng tôi cũng xin giới thiệu một bài viết quan trọng của HOÀNG GIÁP về việc xây dựng các Thành cổ tại Trung Quốc - Bài này được đăng trong TẠP CHÍ HÁN - NÔM số 1 năm 2003 - Ngõ hầu có một cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề chúng ta đang bàn .

THIÊN VĂN HỌC CỔ ĐẠI TRUNG QUỐC VỚI VIỆC XÂY DỰNG HOÀNG THÀNH, HOÀNG CUNG
HOÀNG GIÁP
Sử thư của Trung Quốc nói: “Vũ tác cung thất” (Vua Hạ Vũ xây dựng cung thất). Như vậy Trung Quốc đã xây cung điện từ thời Hạ. Nhưng việc xây dựng hoàng thành, hoàng cung thì bắt đầu từ Tần Thuỷ Hoàng xây thành và cung Hàm Dương. Tiếp theo nhà Hán xây cung Trường An, Nguỵ Tấn xây cung Lạc Dương, nhà Đường xây cung Trường An, nhà Tống xây cung Khai Phong, nhà Nguyên, Minh, Thanh xây Hoàng thành, Hoàng cung, Cố Cung ở Bắc Kinh.
Hoàng cung bao giờ cũng gắn liền với thành và nằm ở giữa 3 vòng thành là Thành Ngoại, Thành Nội và Cung Thành. (Tam Viên) Cung Thành còn gọi là Thành Trung hay Tử Cấm Thành. Trong hoàng cung lại xây dựng rất nhiều cung điện như Càn Nguyên điện sau là Thái Hòa điện, Trung Hòa điện, Bảo Hòa điện, Đông Cung, Thái Miếu, Giảng Võ điện... Tìm hiểu về hoàng thành, hoàng cung là vấn đề không dễ dàng. Do vậy bài này chỉ xin đề cập đến việc vận dụng một phần kiến thức thiên văn học và thần học để xây dựng hoàng thành, hoàng cung ở Trung Quốc và ở Việt Nam. 
1. Đôi nét về thiên văn học cổ đại Trung Quốc 
Người Trung Quốc từ rất sớm đã có máy “Toàn cơ ngọc hành” để quan trắc thất chính (mặt trời, mặt trăng, sao kim, sao mộc, sao thủy, sao hỏa, sao thổ) và nhị thập bát tú hay còn gọi là Tứ tượng (bốn cụm sao Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ) đồng thời còn xem xét hai khí âm dương, chu kỳ phát triển của vạn vật trong một năm.
Thời Chu người Trung Quốc đã chế tạo được kính viễn vọng quan sát tinh tượng, phát hiện ra sao Thái Tuế (Mộc tinh) di động trên không trung theo chiều từ Đông sang Tây chu kỳ một vòng quanh mặt trời là 12 năm. Mười hai năm được biểu thị bằng 12 địa chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, nhờ thế mà đặt ra lịch pháp. Đồng thời thiên văn học cũng chia khoảng không gian giữa “Tứ tượng” thành ba bộ phận gọi là “Tam viên” (ba vòng tường không gian) gọi là Tử Vi Viên, Thái Cực Viên, Thiên Thị Viên. Sở dĩ gọi là “viên” vì nó được bao bọc bởi các tinh tượng giống như tường vây vậy. Thái Vi Viên là Thượng Viên, Tử Vi Viên là Trung Viên, Thiên Thị Viên là Hạ Viên. Tử Vi Viên là trung tâm của trời là nơi Thiên Đế ngự trị. Thiên Đế cư trú trong Tử Cung hay Tử Vi Cung thuộc Tử Vi Viên.
Sử ký, Thiên Quan thư của Tư Mã Thiên viết: “Bấy giờ thiên văn đem chia tinh tượng thành 5 khu gọi là ngũ cung: Đông Cung, Tây Cung, Nam Cung, Bắc Cung và Trung Cung. Trung Cung (nằm ở Trung Viên) thuộc vùng sao Bắc Đẩu. Thiên Đế ngự ở Tử Cung hay ở Tử Vi Cung. Trong cung có ngôi sao sáng nhất gọi là sao Bắc Cực tượng trưng cho Thái Nhất (Thiên Đế)”. 
Bằng tư tưởng thiên nhân hợp nhất Tần Thủy Hoàng cho rằng Thiên Đế ở Tử Vi Cung thì Hoàng Đế nhân gian cũng ở Tử Vi Cung. Khi xây dựng thành Hàm Dương và cung Hàm Dương, Tần Thủy Hoàng đã phỏng theo Tử Vi Cung của sao Bắc Đẩu mà xây dựng. Các cung điện ở bốn mặt cũng phỏng theo vị trí các tinh tượng mà xây dựng.
2. Quy tắc cơ bản của việc xây dựng hoàng thành, hoàng cung ở Trung Quốc 
Bắt đầu từ Tần Thủy Hoàng xây cung Hàm Dương đã tận dụng kiến thức thiên văn như Tam viên, Tứ tượng, Âm dương, Ngũ hành để xây dựng hoàng thành, hoàng cung. Tiếp theo các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đã tuân theo nguyên tắc đó và hoàn thiện hơn trong việc xây dựng hoàng thành, hoàng cung. Hoàng cung bao giờ cũng xây ở Cung Thành (Hoàng Thành, Tử Cấm Thành), bảo vệ bên ngoài có Thành Nội và Thành Ngoại gọi là Tam viên.
Bất kỳ hoàng cung nào cũng xây theo nguyên tắc Nam tiền triều, Bắc hậu tẩm. Tiền triều là dương nên to lớn uy nghi lẫm liệt. Tiền triều là dương động nên mọi việc thiết triều, bẩm báo, tấu lệnh, xuất quân chinh phạt... đều diễn ra ở tiền triều. Trung tâm của Tiền triều là Tử Vi Cung hay Thái Cực điện, thời Tống gọi là Sùng Nguyên điện, Càn Nguyên điện, Triều Thiên điện; thời Minh, Thanh gọi là Thái Hòa điện. Đấy là nơi vua ngự để thiết triều. Hậu tẩm ở phía sau Thái Cực điện. Hậu tẩm là âm nên nhỏ và ấm cúng. Hậu tẩm là âm nên tĩnh, là nơi ăn uống nghỉ ngơi.
Theo thuyết Ngũ hành thì Đông phương tòng Mộc tượng mùa xuân chủ sinh bởi vậy ở phía Đông của hoàng cung bao giờ cũng xây các công trình thuộc lĩnh vực văn trị, văn hóa như Lại khoa, Lễ khoa, Hộ khoa... Cũng vì vậy cung Thái tử được xây ở phía Đông tượng trưng cho sự non trẻ, sinh sôi phát triển. Ở phía Đông còn xây Tổ Miếu, “Tả Tổ Miếu hữu Xã Đàn”. Con người đều nhờ vào tổ tông mà phồn diễn sinh hóa nên Tổ Miếu phải xây ở phía Đông.
Tây phương tòng kim tượng mùa thu, không phát triển chủ sát. Bởi vậy ở phía Tây của hoàng cung bao giờ cũng xây dựng các công trình thuộc lĩnh vực binh hình võ bị như Trung Thư khoa, Hình khoa, Binh khoa... Việc duyệt binh, diễn võ, xử án, tù tội đều ở phía tây.
Sinh đông tử tây, văn đông võ tây, khi thiết triều cũng tuân theo quy luật này. Mỗi khi thiết triều thì cứ an bài văn đông võ tây, quan văn chầu bên tả phía Đông, quan võ chầu bên hữu phía Tây. Quan văn đi theo cửa Đông Văn Lâu (cửa Sùng Văn) bên cạnh Ngọ Môn mà vào. Quan võ đi theo cửa Tây Vũ Lâu (cửa Tuyên Vũ) bên cạnh Ngọ Môn mà vào. Khi xuất chinh quân đội cũng đi theo cửa Vũ Lâu ấy.
Theo thuyết Ngũ Hành thì Đông thuộc Mộc mầu xanh, Tây thuộc Kim mầu trắng, Nam thuộc Hỏa mầu đỏ, Bắc thuộc Thuỷ mầu đen, Trung ương thuộc Thổ mầu vàng. Mầu sắc của hoàng cung cũng không ngoại lệ. Cung điện ở Trung ương như Tử Vi Cung, Thái Cực điện, Càn Nguyên điện sau gọi là Thái Hòa điện, Trung Hòa điện, Bảo Hòa điện... xây tường mầu hồng ngói mầu vàng. Cung thất ở phía Đông lợp ngói mầu lục mầu xanh nên còn gọi là Thanh Cung. Cung thất ở phía Bắc như Văn Uyên Các, thư phòng, nhà ăn... lợp bằng ngói mầu xám, đen. Mầu đen xám tượng Thủy, Thủy khắc Hỏa nên tránh được hỏa tai.
Ban đầu hoàng thành chỉ xây 4 cửa, sau này mới mở thêm các cửa phụ. Bốn cửa ấy tượng trưng cho Tứ tượng do bốn vị phương thần cai quản. Phía đông là Thanh Long, phía Tây là Bạch Hổ, phía Nam là Chu Tước, phía Bắc là Huyền Vũ. Thời Hán người ta đã dùng những viên ngói họa hình tứ phương thần để lợp các cung điện ở bốn phương, mong các thần bảo hộ cho hoàng cung. Thời Đường còn gọi cửa Nam của Hoàng Thành là cửa Chu Tước, cửa Bắc của Hoàng thành là cửa Huyền Vũ.
Thời Minh, Thanh khi xây dựng và cải tạo Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh người ta gọi Nam Môn là Ngọ Môn lại gọi là Ngũ Phong Lâu. Phong chính là tên gọi khác của thần Chu Tước. Cửa Bắc vẫn gọi là Huyền Vũ Môn, sau do kiêng huý vua Khang Hy nên gọi là Thần Vũ Môn. Ngoài ra tại Ngự hoa viên còn cho xây đền thờ tứ phương thần Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ.
3. Việc xây dựng hoàng thành hoàng cung ở Việt Nam 
Về lịch sử hoàng thành hoàng cung ở Việt Nam tương truyền vua Hùng xây cung điện ở Bạch Hạc (Phú Thọ). An Dương Vương xây thành Cổ Loa ở Đông Anh, Đinh Bộ Lĩnh xây thành Hoa Lư, Lý Thái Tổ xây thành Thăng Long, Gia Long xây thành Phú Xuân nay là Cố đô Huế. Nói là xây dựng hoàng thành nhưng bao giờ cũng gắn với xây dựng hoàng cung. Những công trình hàng ngàn năm về trước nay đã bị hủy hoại rất nhiều. Loa thành và thành Hoa Lư chỉ còn dấu vết. Hoàng cung chỉ là đền thờ. Cố đô Huế còn nguyên vẹn, quy mô kiến trúc gần giống Cố Cung ở Bắc Kinh. Hoàng thành và hoàng cung các triều Lý - Trần - Lê ở Thăng Long là điều đáng quan tâm nhất. Khi dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, Lý Thái Tổ đã triệt để lợi dụng địa thế Đại La cao, có đê ngăn nước có núi có sông, “nội khí tràn đầy, ngoại thế mở rộng” để xây thành Thăng Long. Hoàng cung nhà Lý xây trong Tử Cấm Thành, tiền án có núi Long Đọi, hậu chẩm có núi Tam Đảo, Thanh Long có núi Yên Tử, Bạch Hổ có núi Tản Viên. Trong Thành có núi Nùng và Tam Sơn.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Lý Thái Tổ xây dựng cung điện ở trong Cung thành Thăng Long, phía trước dựng điện Càn Nguyên làm chỗ coi chầu, bên tả làm điện Tập Hiền, bên hữu làm điện Giảng Vũ, lại mở cửa Phi Long thông với cung Nghênh Xuân, cửa Đan Phượng thông với cửa Uy Viễn, chính hướng nam là điện Cao Minh, đều gọi là thềm rồng; bên trong thềm rồng có mái cong, hàng hiên bao quanh bốn mặt. Sau điện Càn Nguyên dựng hai điện Long An và Long Thụy làm nơi nghỉ ngơi; bên tả làm điện Nhật Quang, bên hữu làm điện Nguyệt Minh, đằng sau dựng hai cung Thúy Hoa và Long Thụy làm chỗ ở cho cung nữ. Dựng kho tàng, đắp thành đào hào, bốn mặt thành mở bốn cửa: phía Đông gọi là cửa Tường Phù, phía Tây gọi là cửa Quảng Phúc, phía Nam gọi là cửa Đại Hưng, phía Bắc gọi là cửa Điệu Đức. Lại ở trong thành làm chùa ngự Hưng Thiên và lầu Ngũ Phượng Tinh, ở ngoài thành làm chùa Thắng Nghiêm ở phía Nam”.
Sách Thăng Long cổ tích khảo chép: “Núi Nùng ở chính giữa kinh thành có tên gọi nữa là Long Đỗ. Núi hình tròn đỉnh núi bằng phẳng cây cối um tùm gần với Tây Hồ. Phía sau có Tam Sơn làm gối, sơn thủy hữu tình là thắng cảnh của đô thành. Lý Thái Tổ định đô đã xây chính điện trên núi này. Thường có đôi hạc bay đến nhảy múa ở nơi vua ngự. Cơ đồ nhà Lý xuy vi không thấy đôi hạc đâu nữa”.
Như vậy Càn Nguyên điện của triều Lý mà triều Lê gọi là Kính Thiên điện, Vạn Thọ điện được xây trên núi Nùng. Từ núi Nùng về phía Nam là tiền triều, từ núi Nùng về phía Bắc là hậu tẩm. Trước Kính Thiên điện là Đoan Môn hay Ngọ Môn. Phía trái cạnh Đoan Môn là cửa Văn Lâu, phía phải cạnh Đoan Môn là cửa Vũ Lâu. Quan văn theo cửa Văn Lâu mà vào, quan võ theo cửa Vũ Lâu mà vào. Khi đi chinh phạt thì quân đội cũng đi theo cửa Vũ Lâu ấy. Phía Đông của Kính Thiên điện là Đông Cung và Thái Miếu. Phía Tây Kính Thiên điện là Chí Kính điện, Giảng Võ điện. Tất cả đều tuân theo quy tắc văn đông võ tây, sinh đông tử tây, tả (Đông) Tổ Miếu (Thái Miếu) hữu (Tây) Xã Đàn.
Thời Lý chưa thấy tài liệu nào nói bốn phía của kinh thành Thăng Long lập đền thờ tứ phương thần là Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước và Huyền Vũ. Nhưng nay vẫn thấy đền thờ Chu Tước ở trại Văn Hương (nay là ngõ Văn Hương) làng Văn Chương (quận Đống Đa - Hà Nội). Còn Trấn Vũ Quán thờ Huyền Vũ thì đã được khẳng định xây từ thời Lý. Quán xưa ở phía Đông bắc kinh thành Thăng Long nay nằm trên đường Thanh Niên quận Ba Đình, Hà Nội.
Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú chép: “Trước tiết lập xuân 1 ngày, Bộ Công cho rước một con trâu bằng đất nung mang đến đàn ở phường Đông Hà (khu vực đền Bạch Mã Cửa Đông - Hà Nội). Đúng tiết lập xuân Phủ doãn phủ Phụng Thiên và quan huyện Thọ Xương, Quảng Đức lấy cành dâu đánh vào con trâu đất rước vào điện vua làm lễ. Lễ cầu thời tiết thuận hòa mùa màng bội thu, người và vật đều khỏe mạnh”.
Lễ này thể hiện việc cầu sinh sôi phát triển tại phía Đông vào mùa xuân. Còn mùa thu, mùa không phát triển chủ sát người ta đã đưa tử tù ra trại Kim Mã phía Tây kinh thành Thăng Long để hành quyết. Nơi đây vẫn còn nghĩa địa chôn cất tử tù. Tương truyền chùa Kim Sơn lập nên để tế độ cho các vong hồn tử tù.
Giảng Võ điện được xây ở gần núi Khám Sơn phía Tây kinh thành Thăng Long. Có thuyết cho Giảng Võ điện được xây trên núi Khán Sơn. Dù xây ở đâu thì Giảng Võ điện cũng là nơi vua ngự để xem đấu võ tập bắn.
Long Biên bách nhị vịnh chép: “Núi Khán Sơn ở phía Tây điện Nùng Sơn trong nội thành. Sử ký chép khoảng năm Thuận Thiên (1428 - 1433) vua Lê Thái Tổ xây điện Giảng Võ trên núi Khán Sơn. Vua thường ra để xem tập bắn”.
Nhận xét 
Vấn đề xây dựng hoàng thành, hoàng cung là công việc lớn lao bậc nhất của một nhà nước phong kiến. Để xây dựng hoàng thành, hoàng cung các triều đại đã phải bỏ ra không biết bao tiền của và công sức. Đặc biệt phải biết vận dụng rất nhiều kiến thức khoa học như địa chất, địa lý, thủy văn, phong thủy, toán học, thần học, kiến trúc, hội họa... Trong bài viết này chỉ mong đề cập đến một vài khía cạnh của thiên văn học kết hợp với thần học trong việc xây dựng hoàng thành, hoàng cung, bởi đây là những vấn đề rất cần quan tâm tìm hiểu. 
H. G
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
Sách Hán Nôm
1. Ngô Sỹ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư. Ký hiệu A.3/1-4.
2. Thăng Long cổ tích khảo. Ký hiệu VHv.2471.
3. Long Biên bách nhị vịnh. Ký hiệu A.1310.
Sách Trung Quốc
1. Lưu Quốc Quân Thần mật đích tinh tượng, Quảng Tây nhân dân xuất bản xã, Nam Ninh, 1992.
2. Lưu Quốc Quân Hoàng cung quy chế, Hoa Trung lý công đại học xuất bản xã, Hồ Bắc, 1994.
Nguồn : TẠP CHÍ HÁN NÔM số 1- 2003 .

Một chuyên đề đáng chú ý nữa về KINH ĐÔ TRUNG QUỐC QUA CÁC ĐỜI Của PGS. PHAN VĂN CÁC (VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM ). Nguồn : BÀI THAM GIA HỘI THẢO TIỂU BAN 1 " NGHIÊN CỨU NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ HOÀNG THÀNH THĂNG LONG " - Ngày 27 - 30 / 7 / 2004 - Tại VIỆN KHẢO CỔ HỌC. Vì bề dày tập chuyên đề lớn , nên chúng tôi chỉ đưa vào bài viết phần nhận xét chung của tác giả .
MẤY NHẬN XÉT CHUNG :
Trở lên trên là sơ lược lịch sử Kinh đô Trung quốc qua các Triều đại và sơ bộ miêu tả Tử Cấm Thành Bắc Kinh , tòa thành cuối cùng của Phong kiến Trung hoa hiện còn bảo tồn nguyên vẹn để chúng ta khảo sát , nghiêncứu , phần nào liên hệ so sánh với Hoàng thành Việt nam .
Dưới đây xin nêu lên mấy đặc điểm đáng chú ý của Tử Cấm Thành Bắc kinh , có thể nói là mấy khía cạnh văn hóa học của vấn đề .
1/ Trước hết là nói về tên của Tử Cấm thành . Thông thường có thể giải thích Tử Cấm thành là tòa cấm thành màu đỏ tía , vì kiến trúc trong đó đều có tường màu đỏ thắm . Song thật ra chữ " Tử " ở đây là Tử vi , vì theo truyền thuyết thì trên Trời có Tử vi viên là nơi ở của Thiên Đế . Xưa nay , các Hoàng Đế Trung quốc đều tự khoe mình là Thiên Tử , con của Thiên Đế , gọi cung của mình là Tử vi cung . Hoàng cung nơi Thiên tử ở bao giờ cũng là " Cấm địa " đối với dân chúng , cho nên gọi là " cấm cung " , " cấm thành " , vì vậy Hoàng cung mới có tên là " Tử Cấm thành . Trong phát âm cũng như chữ viết Tử Cấm thành còn có một biến thể là Tử Kim thành ....hiểu với nghĩa " Toà thành vàng son " ( quả thật hầu hết các cung điện trong Tử Cấm thành đều lợp ngói lưu ly màu vàng và có tường mà đỏ thắm ) . Tòa cung điện này không những là lớn nhất trong toàn cõi Trung hoa , mà so với các cung điện trên Thế giới cũng có một vị trí đặc biệt . Ví như điện Louvres của Pháp được xây dựng vào thế kỷ XV , năm 1541 sửa chữa thành Hoàng cung . Trải qua 4 lần nâng cấp trong thời Louvres XIV và Napoléon ngót 200 năm , một thời đã trở thành Trung tâm Chính trị , Văn hóa của châu Âu , nhưng so với Cố cung thì diện tích xây dựng chỉ bằng 1/ 4 . Cung Versailles nổi tiếng Thế giới , tác dụng của nó cũng chỉ như Di Hoà viên ( người châu Âu gọi là Hạ cung ) và diện tích của nó cũng chỉ bằng 1/10 Di Hoà viên mà thôi . Hoặc như cung điện Kremli ở Matxcơva được coi là cung điện lớn nhất châu Âu , mà vẫn chưa bằng 1/2 diện tích của Tử cấm thành . Cung điện Burkingham do Công tước Burkingham xây dựng năm 1703 và được nâng cấp năm 1825 ở London , diện tích chỉ bằng 1/10 Tử Cấm thành . Hoàng cung Tokyo Nhật bản có diện tích 21,7 Ha , chưa bằng 1/3 diện tích Cố cung .
Tử Cấm thành với diện tích 720.000 m2 , lưu giữ hơn một triệu văn vật quý hiếm , bảo tồn quần thể kiến trúc khổng lồ hoàn chỉnh , kết tinh của nền Văn minh cổ đại Trung hoa .
Cung điện Tử Cấm thành lợp ngói lưu ly màu vàng , tường màu đỏ thắm sừng sững trên nền đá Ngọc thạch đời hán , màu sắc và cách kiến thiết đều có quan hệ mật thiết với thuyết Âm - Dương - Ngũ Hành trong triết học Trung hoa cổ đại .
Cung điện Tử Cấm thành đều lấy hai màu vàng và đỏ làm chính . Màu vàng trong Âm - Dương - Ngũ hành đại diện cho phương vị Trung ương . Trung ương thuộc Thổ , là gốc của vạn vật . màu đỏ là Hỏa , chủ về sự rạng rỡ . Dùng hai màu vàng , đỏ thể hiện nơi tôn nghiêm tuyệt đối của các bậc Đế Vương , làm Trung tâm của Thiên hạ , vì vậy tường đỏ , ngói vàng là tiêu chí của Hoàng cung , trừ Đàn , Miếu ra , dù là Phủ đệ của Thân Vương cũng không được dùng hai màu đó .
Ngoài ra , trong cung còn có một số kiến trúc dùng ngói xanh và đen vì đó không phải là nơi sinh hoạt của Hoàng Đế . Trong Ngũ hành màu xanh là màu của cây cỏ , tượng trưng mùa xuân , thuộc phương vị Đông , vì vậy trên nóc điện Văn Hoa ở cửa Đông Hoa xưa vốn lợp ngói lưu ly xanh , là nơi đọc sách của Thái tử , đến thời Gia Tĩnh Triều Minh mới đổi thành màu vàng , làm nơi Hoàng Đế triệu kiến các hàn lâm học sĩ , cử hành việc giảng dạy Kinh sách . Tam sở ở phía nam Cố cung là nơi ở của Hoàng tử . Trong Ngũ hành " Mộc " chủ sinh , vì vậy Nam tam sở đã từng là tường đỏ , ngói xanh . Năm Càn Long 39 ( 1774 ) , vì để lưu giữ " Tứ khố Toàn thư " , nên trong cung phải xây Văn Uyên các phòng hỏa hoạn , tường dùng màu xanh xám , lợp ngói lưu ly màu đen , viền xanh , màu đen biểu tượng cho nước .
Hai phòng phía Đông Tây trong cửa Thần vũ nằm ở phương Bắc , thuộc Thủy , cũng có nghĩa là trấn Hỏa , nên dùng ngói màu đen .
Việc sử dụng màu sắc trong kiến trúc tuân theo quy định rất nghiêm ngặt . Màu vàng biểu tượng Chí tôn , tiếp theo là các màu đỏ , xanh thanh Thiên , lam , đen , xám . Nhà dân chỉ được dùng màu đen , xám , trắng .
Về bố cục thì cung điện chia ra làm hai phần lớn : Tiền triều ( chính là ba tòa đại diện ) và Hậu tẩm . Nội đình chia làm Tam bộ : Giữa , Tây , Đông . Cung Càn Thanh , cung Khôn Ninh , điện Giao Thái nằm trên trục tuyến giữa , gọi là Hậu Tam cung . hai bên phải trái là Lục cung Đông Tây , thường gọi là Tam cung Lục viện . Phía nam là mặt tiền , từ Hỏa chủ về sự to lớn . Vì vậy là nơi để thi hành chính sự . Sau là mặt bắc , từ Hỏa chủ về sự cất giấu , vì vậy làm nơi ở . Còn cung điện thuộc về Văn trị thì xây về phía Đông . Đông thuộc Mộc , thuộc về mùa Xuân . Những cung điện dùng cho Võ bị , Hình luật thì xây về phía Tây . Tây thuộc kim , về mùa Thu . Điển hình nhất là Viện văn Hoa nằm ở phía Đông , điện Vũ Anh ở phía Tây bảo vệ cho ba tòa đại diện Trung ương .
Nội các là Nha môn của văn chức , nằm ở phía Đông trong Ngọ môn . Lúc đầu nơi Quân cơ là Nha môn của Võ chức nằm ở phía Tây ngoài cửa Càn Thanh . Trong cung , Viện Càn Thanh ở trung lộ , điện Đoan Ngưng ở phía Đông là nơi bảo quản châu báu , y phục , lễ vật của Hoàng Đế . Điện Mậu cần ở phía tây là nơi hàng năm Hoàng Đế ra lệnh hành quyết các tù nhân .
Ở thành Bắc kinh , Khổng miếu và Quốc Tử giám học Phủ tối cao , nằm ở phía Đông thành , các Cử nhân vào Kinh thi Hội , đều phải đi từ cửa Sùng Văn phía Nam vào . Quân đội đi đánh trận thì xuất phát từ cửa Tuyên Vũ phía Tây thành .
Ở phương chính Nam của Tử Cấm thành có Tả Tổ ( Thái miếu ) , Hữu xã ( Đàn Xã tắc ) , bởi vì Tông miếu là nơi thờ cúng ca ngợi công đức Tổ tông ., đã dượng dục con cháu , thuộc về phương Đông , thuộc Mộc . Xã Tắc là vì dân , vì nước , thuộc Kim , phương Tây . Thiết nhất môn của Ngự Hoa viên ở đầu phía Bắc của tuyến trục giữa Cố cung có` nghĩa là " Thiên nhất sinh Thủy , tường màu xám ( đen ) phù hợp với hướng Thủy ở phía Bắc , để cầu nguyện cho Tử Cấm thành không bị hỏa hoạn . Ngọ môn ở cuối phía Nam , ứng với hướng Hỏa , nên lấy màu đỏ làm chính . 
Bốn phía của Hoàng cung , có Thần bốn phương :
Đông : màu xanh , vị trí của Thanh Long .
Nam : màu đỏ , vị trí của Chu tước ( tức chim Phượng ) .
Tây : màu trắng , vị trí của Bạch Hổ .
Bắc : màu đen , vị trí của Quy xà . Đây là ảnh hưởng của Đạo giáo .
Việc xây cung điện còn theo thuyết Âm - Dương , triết thuyết cổ xưa hơn thuyết Ngũ hành , đồ án Âm Dương còn gọi là Thái cực đồ , Bát quái đồ . Nho gia , Đạo giáo đều coi đó là cội nguồn của văn hóa Trung hoa .
Hàm ý ban đầu của Âm - dương chỉ là quan hệ với ánh mặt Trời . Hướng về phía mặt Trời là Dương , ngược ánh mặt Trời là Âm . Các nhà tư tưởng cổ đại Trung quốc nhận thấy bất kỳ vật nào cũng có mặt phải , mặt trái , tức là hai cực Âm - Dương . Đó là quy luật cơ bản của sự phát triển trong Vũ trụ , quan hệ của nó có trật tự và hài hòa , nếu không sẽ xảy ra tai họa . Vì vậy trong Tử Cấm thành , tiền triều là dương , điện Vũ đều cao hơn Hậu tảm , nguy nga , hoành tráng , nổi bật vẻ đẹp của Dương cung . Hậu tẩm là phần Âm của Tử Cấm thành , nó nhỏ hơn Tiền triều , dùng làm nơi sinh hoạt . Vì vậy thiết kế tổ hợp về kết cấu không gian , thoải mái và thực dụng , tạo cảm giác yên tĩnh dịu dàng . Còn Lục cung Đông Tây thì lại đối xứng tương đối rất hài hòa .
Âm - Dương được thể hiện bằng số . Số lẻ là Dương , số chẵn là Âm . Vì vậy các điện Tiền triều rất rộng , độ sâu đều là số lẻ , còn độ sâu Lục cung Đông Tây hậu đình đa phần là số chẵn .
Tứ đó thấy rằng cung càn Thanh là Dương trong Âm , quy chế giống như điện Thái Hòa , cao hơn cung điện hậu tẩm , đứng đầu trong hậu đình . Điện Bảo Hòa thì Âm trong Dương , quy cách khác xa điện Thái Hòa . Cung Khôn Ninh là Âm trong Âm , vào đời Minh là Tẩm cung của Hoàng hậu , quy cách khác xa với cung Càn Thanh .
Giữa cung Càn Thanh và cung Khôn ninh là điện Giao Thái , tức giao cảm gĩưa Càn Khôn , thiên hạ Thái bình . Đến đời Thanh , cung Khôn Ninh lại là nơi tế lễ Quỷ Thần Tát mãn Giáo , phù hợp với địa vị của Âm trong Dương .
Quần thể cung điện Tử Cấm thành làm cho ta một ấn tượng sâu sắc về nền văn hóa của dân tộc Trung Hoa .
Điều đặc biệt đáng nói là tư liệu Lịch sử Trung Hoa cho biết vị tổng công trình sư kiến thiết Bắc Kinh thời Minh lại là một người Việt Nam ( bấy giờ sử Trung Quốc gọi là người Giao Chỉ ) .
PGS. PHAN VĂN CÁC

( Xin xem tiếp bài 4 ) - dienbatn.

Bài viết liên quan tại chuyên mục:CÁC BÀI NGHIÊN CỨU

Không có nhận xét nào:

Đặt mua Website này: 100.000 Vnđ - Liên hệ: Click here