Nội dung tiêu đề 2

Phần viết nội dung tiêu đề 2

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

ĐI TÌM THĂNG LONG THÀNH . BÀI 1.

ĐI TÌM THĂNG LONG THÀNH .
( Bài dienbatn đăng trên thegioivohinh.net )
Đây là loạt bài viết về Thăng long thành của TS. NGUYỄN XUÂN DIỆN - PGD. THƯ VIỆN HÁN NÔM ( Lâm Khang ) và BÙI QUỐC HÙNG ( dienbatn ) . Để có thể giữ nguyên mạch văn , chúng tôi dùng chức năng khóa Topic . Những ai muốn bàn thảo , xin mở bài bên lề . Đây là công trình nghiên cứu rất nghiêm túc của chúng tôi , tuy vậy chúng tôi cũng chỉ coi là một giả thiết , ngõ hầu có thể góp phần xác định chính xác vị trí của THĂNG LONG THÀNH , kỷ niệm 1.000 năm THĂNG LONG - HÀ NỘI . 
Trong bài viết , chúng tôi có sử dụng những thư tịch cổ sẽ mang màu nâu , những ý kiến của các Học giả trích dẫn sẽ mang màu Dark Blue và phần viết của chúng tôi sẽ mang màu Blue , phần cần chú ý sẽ mang màu đỏ. Sức người có hạn , bể học vô bờ , nếu chúng tôi có sai sót gì , mong các bậc Tiền bối chỉ bảo cho .
Chúng tôi sẽ viết theo những đề mục sau : 
1/ VỀ SỰ PHÁT LỘ DI CHỈ KHẢO CỔ 18 HOÀNG DIỆU VÀ MỘT SỐ NƠI KHÁC .
2/ GIỚI THUYẾT VỀ MỘT VÀI THUẬT NGỮ .
3/ CHỨNG CỨ - CÁC LOẠI Ý KIẾN CỦA TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC VỀ VỊ TRÍ THĂNG LONG THÀNH .
4/ VIỆN DẪN THƯ TỊCH CỔ .
5/ KẾT LUẬN MỞ CỦA RIÊNG CHÚNG TÔI ( Lâm Khang và dienbatn ) .
Xin cảm ơn sự quan tâm của quý vị .
Lâm Khang và dienbatn .

PHẦN 1/ 
VỀ SỰ PHÁT LỘ DI CHỈ KHẢO CỔ 18 HOÀNG DIỆU VÀ MỘT SỐ NƠI KHÁC . 

Không đề (IV) (Lưu Quang Vũ)
Phố Hàng Buồm không còn một cánh buồm 
Phố Hàng Lược chẳng còn ai bán lược 
Phố Hàng Bạc những người thợ bạc 
Đã chết cùng đêm hội ngày xưa 
Chợ Mơ không còn mơ 
Cửa Hà Khẩu đã thành phố xá 
Qua Ngõ Trạm chẳng còn ai đổi ngựa 
Đường Cựu Lâu lầu cũ cháy lâu rồi 
Người ta uống bia hơi 
Dưới tấm dù xanh đỏ 
Phố Hàng Bài bán giầy da dép nhựa 
Đông Bộ Đầu thành bến ô tô... 

Trên thềm rêu điện cũ những triều vua 
Lũ trẻ lấm lem đùa nghịch 
Bao quyền uy chót vót 
Nay đã thành đất bụi lãng quên 
Tiếng nấc Nguyễn Du, giọt lệ Xuân Hương 
Những câu thơ buồn khổ yêu thương 
Ngày ấy chẳng ai cần 
Bây giờ ta nhớ mãi 
Ngọn gió của ngàn đời 
Chiều nay ùa trở lại. 

Nơi xa 
Một con tàu xuyên bóng tối 
Đi về miền núi đá vôi 
Một vùng nước trắng xa xôi 
Một nhà ga cô quạnh 
Một người đàn bà ướt lạnh 
Đứng chờ anh.

Nguồn: Lưu Quang Vũ, thơ tình, NXB Văn học, 2002.
Lâm Khang và dienbatn .



" Ta cố đợi nghìn năm, rồi nghìn năm nữa khác sẽ qua " .
Hòn Vọng Phu 2 - Lê Thương
Có gì trùng hợp trong lời hát Hòn Vọng Phu của Nhạc sĩ Lê Thương với Lịch sử , hay là một lời Tiên tri cho những gì đã và đang xẩy ra . Không ai biết được . Có điều từ thủa Cao Biền Trấn yểm nhiều địa Huyệt của nước Việt ( 866 - 868 ) , hơn 1.000 năm đã trôi qua . Một Đại vận là 540 năm . Hai Đại vận là 1080 năm . Năm 2001 , năm đầu tiên bước vào Thế kỷ 21 , Trận đồ Trấn yểm trên sông Tô Lịch bị phá . Năm 2003, việc khai quật khảo cổ ở khu vực 18 Hoàng Diệu - Ba Đình, Hà Nội đã làm phát lộ những di tích liên quan Hoàng thành Thăng Long. Phát hiện đã gây xôn xao, và kéo theo nó là cuộc tranh luận về việc bảo tồn như thế nào bởi nó dính dáng đến địa điểm xây nhà Quốc hội mới. Năm 2006, APEC - VIỆT NAM đã tụ hội hàng chục Nguyên thủ Quốc gia , kể cả những nước hùng mạnh nhất đều quy tụ lại Việt nam , đất lành chim đậu , một việc mà hàng nghìn năm qua chưa hề có . Năm 2007, Việt nam lại chính thức gia nhập WTO , mở ra một chân trời mới cho sự phát triển của Đất nước . Đây có phải là một sự trùng hợp chăng - Câu trả lời còn bỏ ngỏ cho các bạn suy nghĩ . 
Trong bài này , chúng tôi chỉ xin đi sâu vào khía cạnh VỊ TRÍ CHÍNH XÁC CỦA THĂNG LONG THÀNH . Đã có rất nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước viết về vấn đề này , nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức , nhưng cho đến nay , vị trí chính xác của THĂNG LONG THÀNH vẫn chưa được xác định . Nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra , nhưng kết luận vẫn còn là một câu hỏi . 
Lật lại Lịch sử cả ngàn năm , trên đất Hà nội bây giờ đã trải qua nhiều thăng trầm biến đổi . Ta có thể thấy các Thành đã được xây dựng trên nền đất của Hà nội ngày nay bao gồm : Thành Vạn Xuân do Lý Nam Đế , rào lũy ở cửa sông Tô Lịch để chống quân xâm lược Trần Bá Tiên ( 545 ) ; Năm 602 , nhà Tùy chuyển trụ sở đô hộ từ Long biên sang Tống bình là tên gọi của miền đất Hà nội thời nay ; Tử Thành do Khâu Hòa (621) ; Thành Long Biên - Năm Điều Lộ thứ 1 ( 679 ) ; Tống Bình thành do Trương Bá Nghi (767) ; Thành Đại La do Cao Biền (867) dựng lên ; Thành Thăng Long do Lý Công Uẩn dựng lên năm 1010 ; Và cuối cùng là Thành Hà nội ngày nay . Trên một vùng đất dày đặc di chỉ kiến trúc , chồng chéo lên nhau như thế , việc xác định chính xác vị trí của THĂNG LONG THÀNH quả thực là một vấn đề nan giải . Dựa theo thư tịch cổ còn sót lại đến ngày nay , chúng ta chỉ có tấm bản đồ thời Hồng Đức ( 1490 ) - Tức là 380 năm sau khi Lý Công Uẩn xây dựng thành Thăng Long . Ngoài ra còn có một số bia đá và và một số di chỉ khắc trên đồng , thật là ít ỏi . 
Trong bài : 
Thăng Long hoài cổ 
(Bà huyện Thanh Quan) 
" Tạo hoá gây chi cuộc hý trường 
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương 
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo 
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương 
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt 
Nước còn cau mặt với tang thương 
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ 
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường " 
Đã nói lên cảnh vật đổi sao dời của THĂNG LONG THÀNH .
Chính vì những điều ở trên , chúng tôi đã thực hiện một quá trình nghiên cứu các thư tịch cổ còn sót lại mà chúng tôi được tiếp cận , mong muốn góp một tiếng nói nhỏ bé trong việc xác định vị trí của THĂNG LONG THÀNH .

PHÁT LỘ NHỮNG DI TÍCH LIÊN QUAN TỚI THĂNG LONG THÀNH TẠI 18 HOÀNG DIỆU .

Theo Luật di sản văn hoá, trước khi thực hiện dự án xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình, trên khu vực nằm giữa các đường phố Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, Bắc Sơn, Chính phủ cho phép Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật trên diện rộng. Từ tháng 12/2002 đến nay, đã khai quật trên diện tích hơn 19.000 m2. Đây là quy mô khai quật khảo cổ học lớn nhất ở Việt Nam và cũng vào loại lớn nhất ở Đông Nam Á. Từ đó đã phát lộ một phức hệ di tích – di vật rất phong phú, đa dạng từ thành Đại La (thế kỷ VII - IX) đến thành Thăng Long (thế kỷ Xl -XVIII) và thành Hà Nội (thế kỷ XIX). Trên cơ sở phát hiện khảo cổ học này, các nhà khảo cổ học còn phải dành nhiều thời gian để chỉnh lý hiện vật và hoàn chỉnh hồ sơ khoa học về các di tích, di vật. Về phương diện khoa học, các nhà khoa học thuộc nhiều chuyên ngành liên quan như khảo cổ học, sử học, kiến trúc, văn hoá, địa lý, địa chất, môi trường,,, cũng cần có nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận hàng loạt vấn đề như cảnh quan tự nhiên, cấu tạo của các sông, hồ, quan hệ giữa các lớp đất; tên gọi, chức năng, niên đại của các di tích kiến trúc; cấu trúc của khu di tích và sự biến đổi qua các thời kỳ lịch sử; phân loại và xác định nguồn gốc, niên đại các di vật. Vì vậy không có gì ngạc nhiên, trong một vài hội thảo khoa học hay trên báo chí, xuất hiện một số ý kiến khác nhau về những vấn đề khoa học cụ thể này. Tuy nhiên, trên tổng thể đã có đủ cơ sở khoa học để đưa ra những đánh giá khái quát về giá trị lịch sử văn hoá của khu di tích đã phát hiện. Khu vực khai quật hiện nay nằm về phía tây của điện Kính Thiên trong Hoàng Thành thời Lê sơ. Rõ ràng đây là di tích của một phần phía tây Hoàng Thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng thế kỷ XI - XVIII, ngược lên thành Đại La thế kỷ VII - IX và kéo dài đến thành Hà Nội thế kỷ XIX. Khu di tích bộc lộ một bề dày lịch sử từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIX gồm thời tiền Thăng Long, thời Thăng Long và Hà Nội. Các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau qua nhiều thời kỳ lịch sử một cách khá liên tục. Thật hiếm có một khu di tích lịch sử-văn hoá trải dài qua nhiều thời kỳ lịch sử như vậy giữa vùng đất trung tâm của thủ đô và cũng thật hiếm có thủ đô một nước có lịch sử lâu đời lại phát hiện một quần thể di tích chảy dài suốt bề dày lịch sử như vậy.
Các di tích kiến trúc và một khối lượng rất lớn di vật cho thấy một phần qui mô và diện mạo của Hoàng Thành cùng đời sống cung đình của vua quan, quý tộc qua các thời kỳ lịch sử. Tầng tầng lớp lớp di tích - di vật hiện lên như một bộ sử nghìn năm văn hiến của Thăng Long – Hà Nội phản chiếu trình độ và bản sắc dân tộc của một trung tâm văn hóa lớn nhất và lâu đời nhất của đất nước.
Về phương diện lịch sử, phát hiện khảo cổ học này cung cấp nhiều cứ liệu khoa học để xác định vị trí trung tâm của thành Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh, để hiểu thêm mối quan hệ giữa thành Đại La với thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội thời Nguyễn. Thành Đại La qua nhiều lần xây dựng, từ Tử Thành do Khâu Hoà xây năm 618 chỉ 900 bộ (khoảng 1,65 km), La Thành do Trương Bá Nghi xây năm 767 rồi Triệu Xương đắp thêm năm 791, thành Đại La do Trương Chu xây năm 808 mà La Thành bên ngoài dài 2000 bộ (khoảng 3,70 km) rồi Lý Nguyên Gia dời thành và Cao Biền mở rộng thêm thành 1982 trượng (khoảng 6,5 km), ngoài có đê dài 2125 trượng (khoảng 7 km). Đó là toà thành có qui mô lớn nhất trong thời Bắc thuộc. Tại khu vực khai quật, đã tìm thấy dấu tích thành Đại La trên cả bốn khu A, B, C, D, chứng tỏ vùng này nằm trong thành Đại La. Bên trên dấu tích Đại La là di tích kiến trúc và các di vật thời Lý. Điều đó chứng tỏ vua Lý Thái Tổ đã dời đô từ Hoa Lư về đô cũ của Cao Vương ở thành Đại La đúng như Chiếu dời đô, đổi tên là thành Thăng Long và buổi đầu đã sử dụng toà thành này cùng một số kiến trúc có sẵn rồi sửa sang, xây dựng thêm những cung điện mới. Phạm vi của Hoàng Thành từ thời Lý, Trần sang Lê sơ thay đổi như thế nào còn phải nghiên cứu thêm, nhưng qua phát hiện khảo cổ học ở Ba Đình thì rõ ràng khu vực này là một bộ phận phía tây của Hoàng Thành xưa và không thay đổi. Hơn nữa, theo bản đồ thành Đông Kinh thời Hồng Đức thì khu vực khai quật này nằm trong phạm vi cấm thành của Hoàng Thành. Kết quả khai quật khảo cổ học kết hợp với tư liệu thư tịch và bản đồ cổ cho phép hình dung khu trung tâm của Hoàng Thành rõ nét hơn.
Phát hiện này còn cung cấp thông tin cho biết trong lòng đất Hoàng thành Thăng Long xưa còn bảo tồn nhiều di tích di vật quý. Từ đây có thể đưa ra khả năng mở rộng diện điều tra và khai quật, xây dựng quy hoạch bảo tồn một khu vực di tích lịch sử văn hoá của kinh thành Thăng Long, thành Hà Nội cổ và mở rộng đến các di tích cách mạng và kháng chiến thời đại Hồ Chí Minh như Hội trường Ba Đình, Lăng và Nhà sàn Bác Hồ, Tổng hành dinh Quân đội nhân dân Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ, Hội trường Ba Đình, kéo dài từ thế kỷ thứ VII (hi vọng có thể phát hiện những di tích, di vật sớm hơn) đến thế kỷ XX. Đây là một di sản văn hóa vô giá của dân tộc nằm giữa thủ đô Hà Nội và nếu nghiên cứu, bảo tồn tốt, có thể được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Một di sản văn hoá như vậy sẽ tăng thêm vị thế của thủ đô Hà Nội, phát huy tác dụng sâu sắc trong giáo dục truyền thống dân tộc cũng như trong các hoạt động giao lưu văn hoá và du lịch. Chỉ một bộ phận di sản đã được phát hiện ở Ba Đình hiện nay đã làm xúc động biết bao những người có dịp đến tham quan, chiêm ngưỡng và cả những người chỉ mới được nghe tin và xem ảnh qua các phương tiện thông tin đại chúng.

( HOÀNG THÀNH THĂNG LONG - Phát hiện khảo cổ học ) .
BẢN ĐỒ KHU VỰC KHAI QUẬT ( Chụp lại trong cuốn sách đã dẫn ) .


Kết quả bước đầu khai quật khảo cổ học (Phần 1) - Tống Trung Tín .
Khu vực dự định xây dựng Nhà Quốc hội và hội trường Ba Đình mới có diện tích rộng khoảng 48.000m2 đã được Chính phủ quyết định cho thi công trong năm 2002. Nhưng trước khi công trường xây dựng khởi công, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 12-2002, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia đã phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Xây dựng, chỉ đạo Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khảo cổ học tại khu vực này. Đây là nơi được giới nghiên cứu sử học và khảo cổ học đoán định nằm trong khu trung tâm của Kinh đô Thăng Long thời Lý, thời Trần và thời Lê (thế kỷ XI - XVIII). Tính đến thời điểm tháng 10-2003, Viện Khảo cổ học đã khai quật được 17.000m2. Hiện nay, công tác khai quật khảo cổ vẫn đang tiếp tục, song các kết quả bước đầu đã thu được là rất tốt đẹp.

Dấu vết kiến trúc thời Đại La, thời Lý Trần ở khu B nhìn từ phía Đông Nam


Chi tiết cột Đại La ở hố B13 đang đứng nguyên trên tấm gỗ .


Tầng văn hóa

Trên toàn khu vực, vị trí nào cũng xuất lộ các tầng văn hóa có chứa các dấu tích lịch sử và văn hóa của Thăng Long - Hà Nội trong khoảng hơn 1.300 năm lịch sử. Nhìn chung lớp đất văn hóa này thường xuất hiện ở độ sâu khoảng từ 1m trở xuống và dày từ 2,0-3,50m. Tại vị trí của một số hố khai quật như hố A10 – A11, B3 - B9 và D4 - D6 có thể nhận ra được di tích của các thời đại chồng lên nhau. 

Dấu tích trụ móng sỏi của hệ thống kiến trúc "Lầu lục giác" nằm ven sông, hồ ở khu A


Dấu tích kiến trúc thời Lý - Trần ở D4


Ví dụ tiêu biểu là vị trí hố B3. Tại vị trí này, có thể thấy rõ trật tự văn hóa qua các thời như sau:

- Từ độ sâu 0,90m đến 1,90m đã gặp lớp văn hóa thời Lê có niên đại thế kỷ XV-XVIII.

- Từ độ sâu 1,90m đến 3m là lớp văn hóa thời Lý và thời Trần (thế kỷ XI-XIV). Tại đây còn có vị trí có dấu tích một nền gạch vuông thời Trần chồng hẳn lên nền gạch vuông thời Lý qua một lớp đất đắp dày 12cm - 15cm.

- Từ độ sâu 3m đến khoảng hơn 4,20m là lớp văn hóa thời Đại La (thế kỷ VII-IX).

Dĩ nhiên sự thay đổi của tầng văn hóa ở nhiều vị trí khác là khá phức tạp và không giống nhau, nhưng trên đại thể, diễn trình văn hóa tiêu biểu của di tích là như vậy.

Các dẩu tích kiến trúc tiêu biểu

1. Ở trong các tầng văn hóa đều tìm thấy những di tích kiến trúc đặc trưng cho các thời Tiền Thăng Long hay còn gọi là thời Đại La (thế kỷ VII - IX), thời Lý (thế kỷ XI - XII), thời Trần (thế kỷ XIII- XIV), thời Lê (thế kỷ XV - XVIII).

Cửa và hệ thống cống thoát nước phía Đông kiến trúc lớn phía Bắc khu A


Dấu tích kiến trúc lớn nhiều gian ở Bắc khu A. Hình người đứng giả định cho các cột của kiến trúc .


Dấu tích kiến trúc sớm nhất thuộc thời Đại La. Đó là vết tích của các nền kiến trúc xếp bằng gạch màu xám, các chân tảng đá và những cột gỗ. Những dấu tích này đã tìm thấy ở khu vực các hố A5, A16, B2, B3, B10, B13, B16, D5, D6... tiêu biểu nhất là ở hố B3 – B13. Tại đây xuất hiện một vết tích kiến trúc lớn. Kiến trúc này hiện còn giữ được 4 cột gỗ lớn đang dựng trên các chân đá tảng. Các cột gỗ này cao 1,61m, chu vi khoảng 1,32m. Có một cột gỗ nhỏ hơn được kê trên một thanh gỗ và các viên gạch bìa màu xám. Ngoài ra còn 2 chân đá tảng khác đã xuất lộ nhưng bị mất cột gỗ. Các chân tảng đều là một khối đá hình chữ nhật dài 96cm, rộng 72cm được gia công đơn giản, không có trang trí. Các cột này cách nhau 3,80m tính từ tim cột. Chiều dài bắc – nam của các cột gỗ này khoảng 35m đã cho thấy mặt bằng của kiến trúc này khá lớn.

- Dấu tích kiến trúc thời Lý được xác định rõ nhất là ở khu vực hố A20: ở đây có hai nền kiến trúc được phân cách với nhau bằng một sân nền lát gạch vuông. Hiện nay, chưa xác định rõ quy mô của kiến trúc này bởi hố khai quật còn vướng nhà dân và mặt bằng kiến trúc còn đang có xu hướng phát triển về phía đường Hoàng Diệu. Cả hai dấu tích kiến trúc này được đặc trưng bởi các viên gạch bìa màu đỏ bó thềm và các chân đá tảng hoa sen.

Hàng gạch bó thềm hiện còn cao 47cm, rộng 88cm, được xây xếp bởi 9 hàng gạch. Các viên gạch đều có màu đỏ nhạt, diềm một số viên gạch có in hình chữ Hán, kích thước 40cm x19,5cm x 4,5cm.

Có 10 chân đá tảng hoa sen đang được đặt nguyên tại chỗ trên các móng trụ gia cố bằng sỏi và gạch rất chắc chắn. Chân tảng hình vuông (65cm - 73,50cm x 65cm - 74cm), mặt tảng hình tròn (đường kính 41cm - 49cm), xung quanh có chạm 14 cánh sen dáng thon dài, nét chạm thanh tú. Loại chân tảng cánh sen này tương tự như các chân đá tảng hoa sen ở tháp Tường Long (Hải Phòng) năm 1057, tháp Chương Sơn (Nam Định) năm 1107.

Trong khu vực mặt nền kiến trúc cũng đã tìm thấy một số di vật trang trí kiến trúc thời Lý và thời Trần. Điều này cho thấy rằng kiến trúc này có từ thời Lý và khả năng được tiếp tục sử dụng vào thời Trần được.
- Ở khu A1 đã xuất lộ gần hết một đơn nguyên kiến trúc lớn dài hơn 60m, rộng 17,65m với hơn 40 trụ móng hình vuông (1,30m x 1,30m) được gia cố bằng sỏi và gạch ngói vụn tương tự như kiến trúc ở khu A20. Kiến trúc này được sử dụng trong cả thời Lý và thời Trần. Vào cuối thời Trần, kiến trúc bị cháy và thay vào đó một kiến trúc khác nhỏ hơn và một hồ nước nhỏ ở đây.

- Ở khu B, cũng tìm thấy nhiều vết tích kiến trúc, trong đó bước đầu đã tìm thấy quy mô khá hoàn chỉnh một kiến trúc có chiều dài hơn 60m, rộng 9m thuộc thời Lý - Trần với hơn 42 móng trụ sỏi được phân thành 11 gian, 2 chái. Đây là một kiến trúc có quy mô hoàn chỉnh nhất ở khu vực. Tại hố B16 cũng đã tìm thấy một nền kiến trúc có chân tảng đá hoa sen thời Trần và một nền kiến trúc có chân tảng đá thời Lý.

- Ở khu C, tuy chưa khai quật được nhiều, nhưng hố thăm dò C3 đã xuất lộ móng trụ vuông được gia cố bằng gạch vuông và sỏi mỗi cạnh dài 1,40m có niên đại thời Lý.

- Khu D, tuy diện tích khai quật chưa lớn nhưng có thể thấy nét đặc sắc của di tích ở đây là có những kiến trúc được viền các dải hình ''hoa chanh'' được xếp bằng các loại ngói có niên đại thời Trần. Ở hố D7 có mảng nền gạch còn nguyên cả 2 viên gạch chữ ''Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo'' nghĩa là gạch được chế tạo đời vua Lý thứ 3 (Lý Thánh Tông) năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057).

Gạch vuông xếp dưới đáy giếng thời Trần ở hố A9MR .


Giếng nước cổ thời trần ở hố A9MR .


Giếng nước cổ thời Lê Trung Hưng ở hố B12 .


Ở cả khu A và khu B đều tìm thấy dấu tích một loại kiến trúc được tạo bởi 7 móng trụ trong đó có một trụ móng ở giữa hình vuông, xung quanh là 6 trụ móng tròn. Bảy móng trụ này tạo thành một mặt bằng kiến trúc hình tròn (đường kính 3,74cm).

Có nhà nghiên cứu gọi đó là vết tích của kiến trúc kiểu ''lầu lục giác'' ở ven sông vì ngay cạnh các kiến trúc này là vết tích của một dòng sông cổ. Hiện đã tìm thấy 11 cụm móng trụ kiến trúc thư vậy đang phân bố dọc theo sông và kiến trúc lớn nhiều gian ở khu A1.

Các kiến trúc đều được bố trí các đường cống thoát nước. Có loại cống thoát nước của một kiến trúc có kích thước nhỏ, có loại cống thoát nước cho cả một khu vực thì kích thước lớn hơn. Các cửa cống đều có xu hướng đổ ra sông hoặc hồ.

Một hệ thống các di tích giếng nước đã tìm thấy 11 chiếc gồm: 2 giếng thời Đại La, 2 giếng thời Lý, 2 giếng thời Trần, 3 giếng nước thời Lê và 2 giếng nước thời Lê - Nguyễn.

- Di tích mộ táng: có 2 mộ táng khoảng cuối thời Trần, 3 mộ thuộc thời Lê - Nguyễn, 1 mộ cuối thời Nguyễn và một số di cốt nằm rải rác ở khu B, tập trung nhiều ở hố B19 trong khu vực có dòng chảy cổ. Những mộ táng này đang được nghiên cứu về mặt nhân chủng và niên đại. Đáng lưu ý nhất là mộ táng tại hố B16 nằm ở độ sâu khoảng 2,10m, cạnh ngay bên dưới chân tảng đá hoa sen. Đây là mộ song táng của hai di cốt trẻ em khoảng 8 - 12 tuổi. Đầu mộ quay về hướng đông, hơi chếch bắc khoảng 200 - 300.

Tống Trung Tín.

(  Xin xem tiếp bài 2 ) - dienbatn.

Bài viết liên quan tại chuyên mục:CÁC BÀI NGHIÊN CỨU

Không có nhận xét nào:

Đặt mua Website này: 100.000 Vnđ - Liên hệ: Click here