Nội dung tiêu đề 2

Phần viết nội dung tiêu đề 2

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

ĐI TÌM THĂNG LONG THÀNH. BÀI 10.

ĐI TÌM THĂNG LONG THÀNH. BÀI 10.

Trong phần này chúng tôi cũng xin giới thiệu một tư liệu nữa đáng chú ý. Đó là tập tư liệu Địa chí Thăng Long Hà Nội trong thư tịch Hán Nôm. Tập tư liệu này là bản dịch của 14 cuốn địa chí Hà Nội. do một nhóm các nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch, Nguyễn Thuý Nga và Nguyễn Văn Nguyên chủ biên, xuất bản năm 2007. Đây là một tài liệu rất có giá trị , ngõ hầu cho chúng ta một cái nhìn toàn diện hơn về vị trí của THĂNG LONG THÀNH. Chúng tôi xin trích đăng một phần cuốn sách trong phạm trù những việc liên quan.

1/CUỐN THỨ NHẤT : HÀ NỘI ĐỊA DƯ .  Sách Hà nội Địa Dư , bản chép tay lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Ký hiệu A1154 gồm 55 tờ khổ 20x29 . Sách được Dương Bá Cung soạn năm Tự Đức thứ 4 ( 1852 ) .

* " Hình Thế : Vùng Long Đỗ đất trải nghìn dặm , đường dẫn bốn phương . Mé Tây bắc núi giăng đệm yên mạch đất , phía Đông Bắc biển rộng bày hiểm hào Trời . Núi thì có Thiên Kiện ( nay thuộc huyện Thanh Liêm - Hà Nam ) , Long Đọi ( tức núi Đọi ở Duy Tiên - Hà Nam ), Nguyệt Hằng trải dài la liệt . Sông thì có sông Lãng bạc , Kim Ngưu , Đỗ Động , Tô Lịch uốn khúc quanh co . Trải các triều đại đều đặt căn cứ trấn giữ nơi trọng yếu ở khoảng giữa Hoài Đức và Thường Tín , có núi sông ôm bọc , lưng dựa vào núi , mặt hướng ra biển . Thế đất rộng mà phẳng , cao mà thoáng , thế hùng vĩ lại hiểm trở , dày dặn và rộng dài , xứng đáng làm nơi đặt thành trì vững chắc , phên dậu một phương . Thụy Hương ( Sau đổi thành Thụy Phương tức làng Chèm - Hà Nội ) , Lạc Tràng ( tức là xã Lạc Tràng - Kim Bảng - Hà Nam ) là nơi thông thương khách buôn bán qua lại , Chi Nê , Tốt Động ( thuộc Chương Mỹ - Hà Tây ) là điểm kiểm soát dân thượng du xuất nhập . Từ cổ xưa chốn này đã là một địa hạt quan trọng . Tuy nhiên đây cũng là nơi trăm sông đổ tới , muôn suối đổ về , vì vậy cứ tháng 5 tháng 6 thường có lũ dâng trào , đê điều chống chọi với nước sông , thế nguy hiểm nhất so với tỉnh khác . "
* " Vào niên hiệu Thuận Thiên , Lý Thái Tổ dời đô , khi ấy có Rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự , nhân đó đặt tên là Thăng Long . Thời Trần gọi là Trung Kinh , đặt ra Tả bạn , Hữu bạn , có 61 phường . Nhà Hồ gọi là Đông Kinh . Nhà Minh gọi là Đông Quan . Đời Lê Thái Tổ gọi là Đông Kinh . Năm Quang Thuận đặt ra 13 thừa tuyên , gọi là Trung Đô , phủ Phụng Thiên đặt ra chức Phủ Doãn ; Hai huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương , đặt ra chức Huyện Úy , mỗi huyện có 18 phường . Năm Gia Long thứ 4 ( 1805 ) đổi Phụng Thiên thành Hoài Đức , Quảng Đức thành Vĩnh Thuận , tên thành Thăng Long ( 昇 龍 ) , đổi thành Thăng Long ( 昇 隆) , rồi lại đổi ra Bắc Thành , thống đạt 12 trấn , đặt ra chức Tổng trấn do một vị Quận công đảm nhiệm và ba Tào là Binh , Hộ , Hình để cai quản . Năm Minh Mệnh thứ 12 ( 1831 ) cắt đặt ra tỉnh Hà Nội , quản 4 phủ , gồm 15 huyện .
* " NỘI THÀNH THĂNG LONG : Chính là nơi đặt Phượng Thành thời xưa , thành Đại La là lũy cổ bên ngoài thành ấy . Thời Đường , năm Trường Khánh thứ 4 ( 824 ) , Lý Nguyên Hy cho rằng phủ thành đô hộ có " nghịch Thủy ' , sợ rằng sẽ khiến dân trong châu nhiều người sinh lòng phản loạn , bèn dời phủ lỵ đến sông Tô Lịch . Ban đầu chỉ đắp một bức thành nhỏ . Tới khoảng niên hiệu Đại Trung ( niên hiệu Vua Đường Nguyên Tông 847 - 860 ) , Vương Thức tới phủ ( nhà Đường dùng Vương Thức làm Kinh Lược Đô hộ xứ An Nam ) , cho trồng cây làm rào , bên ngoài đào cho lõm thấp xuống để trồng tre gai , gọi là Thành Trúc . Năm Hàm Thông thứ 4 ( 863 ) đặt ra Tĩnh Hải quân , sai Cao Biền làm Tiết độ sứ trấn giữ phủ . Cao Biền xưng Vương , cho đắp thành Đại La ( Thành dài 1982 trượng 5 thước , cao 2 trượng 6 thước , bức tường lửng cao trên 5 trượng , có 55 lầu quan sát địc , 3 cổng hình ống kèm hào nước , 34 đường đạp đạo , đoạn đê dài 2125 trượng . Cụ Ngọ Phong Ngô [ Thì Sĩ ] nói rằng : Việc đắp thành này đã làm thương tổn đến địa hình , đè gãy nhiều Long Mạch . Di chỉ của thành đến nay vẫn còn , các giếng xây dưới chân đều dùng đá xanh , mới biết công việc đắp thành thật nặng nề ) .
Năm Thuận Thiên thứ nhất ( 1010 ) nhà Lý định đô , khởi công dựng cung điện , định đặt Hoàng Thành . Thành mở ra 4 cổng : Cổng phía Đông gọi là Tường Phù , phía Tây là Diệu Đức , phía nam là Đại Hưng , phía bắc là Quảng Phúc , lại đắp thành đất bao bọc ở xung quanh . Năm Thiên Thành thứ 2 ( 1029 ) , đắp một lớp thành bao bọc ở xung quanh gọi là Phượng Thành . Đầu đời Trần vẫn giữ theo như thế và định ra hai bạn phường là Tả và Hữu của Kinh Thành , đặt ra Ty Bình Bạc ( cơ quan hành chính tư pháp ) , 4 cổng của La Thành giao cho quan Tứ Sương ( trấn binh của Kinh đô phòng vệ , canh gác ) của Phượng Thành thay phiên nhau giữ trại . Nội Thành gọi là thành Long Phượng . Đầu niên hiệu Quang Thuận triều Lêmới cho xây thành Đại La , lại nhân theo quy chế thời Lý , Trần , mở mang Phượng Thành , xây rộng ra 8 dặm .
XÉT : Vào năm Quang Thuận tiến hành xây dựng chế độ quan chức , có 4 vị Lang Tướng của thành là Đông Tả thành Lang tướng , Tây Thái thành Lang tướng , Bắc Hậu thành Lang tướng và nam Đức thành Lang tướng cùng với 6 Môn vệ uý là : Bắc Thần môn Vệ uý , Đông Hoa môn Vệ uý , Bảo Khánh môn Vệ uý , Thiên Hựu môn Vệ uý , Đại Hưng môn Vệ uý , và An Đức môn Vệ uý , đó có lẽ là quy chế trông coi cổng thành hồi đó .
Vua Tương Dực cho đắp thành bao sông Tô Lịch , làm điện Tường Quang , năm tiếp sau ( 1517 ) lại bao quán Trấn Vũ và phường Thiên Hoa , Kim Cổ làm thành , rộng hàng ngàn trượng , kéo dài từ mé Đông sang mé Tây cắt qua sông Tô Lịch , phía trên xây Hoàng Thành , bên dưới là vũng nước , đào đất dẫn dòng nước để thuyền nhẹ có thể vận chuyển qua lại .
Thời Mạc vào năm Đoan Thái ( 1587 ) có cho tu sửa , bồi đắp lại , công việc tiến hành liên tiếp nhiều năm mới xong . Lại tu bổ lớp thành bên ngoài , sửa sang các con đường , lệnh cho dân tứ trấn đắp thêm 3 tầng lũy bên ngoài Đại La ( bắt đầu từ Hồ Tây qua Nhật Chiêu , đi qua Da Kiều { cầu Dừa } đến Chiền Kiều { cầu Dền } , xuyên qua Thanh Trì , hướng tới mạn Tây bắc sông Nhị Hà , đắp cao hơn Long Thành vài trượng rộng 25 trượng . Năm thứ 15 đời Lê Thế Tông , Mạc Hậu Hợp phải bỏ thành mà chạy , phủ Chúa Trịnh sai người san phẳng các lũy đất dài mấy nghìn trượng , phạt rào cây , lấp hào nước , tất cả đều trở thành đất bằng ) đào 3 lớp rãnh ngăn , đều cho trồng cây kéo dài vài chục dặm để bao bọc ngoài thành . 
Đến năm Kỷ Tỵ ( 1749 ) đời cảnh Hưng [ Chúa Trịnh ] thấy rằng Kinh Sư vốn là vùng đất căn bản , bá quan , lục quân đều đóng ở đây , thế mà bốn phía hở thông thống chẳng có thành lũy gì che chắn , bèn lệnh cho dân các huyện ven Kinh Kỳ khởi công đắp thành , mở ra 8 cổng và các cửa Ô tả hữu , rồi chia quân lính đến túc trực canh giữ ( ngày nay thành ấy còn lại di chỉ dài 7762 tầm với 21 cửa ô ) 
Cuối đời lê , thành nội bị hư đổ , chỉ còn lại cổng Đại Hưng ở phía nam và cửa Đông Hoa ở phía Đông mà thôi .
Đầu thời Nguyễn , vào đời Gia Long xây lại thành 5 cổng ( mang tên cổng Chính Đông , Chính Tây , Chính Bắc , Đông Nam và Tây Nam ) , phía trên có lầu cao , bên dưới là hào , xây cầu bắc qua để làm lối ra vào , bên ngoài đắp bức thành thấp để che cổng , tất cả đều xây bằng đá rất kiên cố đẹp đẽ ( thân thành dài 423 trượng 6 tấc , bề ngang rộng 4 trượng 6 thước , bên ngoài cao 1 trượng 1 thước 2 tấc , bên trong cao 5 thước 5 tấc . Thành dài 752 trượng 7 thước 6 tấc , ngang rộng 7 thước , mặt ngoài xây bằng gạch , cao 1 trượng 1 thước . Cổng thành chiều dài 260 trượng 6 thước , rộng 2 trượng 8 thước 8 tấc , bên ngoài cao 7 thước 9 tấc , bên trong cao 4 thước 2 tấc . Thành dài 47 trượng 7 thước , bên ngoài xây gạch cao 7 thước 9 tấc . hào ở 4 mặt dài 1290 trượng 1 thước 3 tấc , cao 6 thước . Bờ hào trước cổng dài 230 trượng 7 5thước 5 tấc , cao 6 thước , rộng 7 trượng 9 thước , có chỗ 3 trượng 7 thước ) .

ĐIỆN CHIÊU SỰ , ĐÀN NAM GIAO .

Ở phía Nam thành ( nay là thôn Thịnh Yên , huyện Thọ Xương - Nay là khu vực nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo - phố Mai hắc Đế - Quận Hai bà Trưng - Hà Nội ) . Năm Đại Định thứ 13 triều Lý Anh Tông , đắp gò đất hình tròn làm đàn ở cổng phía nam thành Đại La . Đến năm Quang Thuận triều Lê mới dựng tòa Chính Điện 3 gian , hai tòa giải Vũ Đông Tây , mỗi tòa 7 gian . các triều tiếp sau vẫn giữ như thế . Năm Cảnh Trị thứ 4 , điện được trùng tu , dựng cột đá 4 góc , cột , xà , đầu đốc đều sơn son thếp vàng , văn thần Hồ Sĩ Dương có soạn bài ký ghi lại sự việc đó . Tới đầu triều Gia Long đã phá vỡ đàn này , lấy gạch đá để cung cấp cho việc xây thành , nhưng tòa Điện Chính và bia đá vẫn còn . Phía bên phải điện là đàn Phong Vũ , thờ vị Thần của Phong Bá , Vũ sư và Lôi Thần , có tòa nhà 3 gian , nay đã đổ nát , dân thôn sở tại lập miếu để thờ phụng . ( Tương truyền , nơi đây tụ tập bách Thần rất linh thiêng . vào đầu triều Nguyễn từng mấy lần định dỡ bỏ tòa Chính Điện , nhưng do xuất hiện nhiều việc linh thiêng nên lại thôi . Thời Lê trước đây , xã Diên Hà thờ phụng 3 vị là Đường quân tướng , Cát tướng quân , và Chu tướng quân . Có viên xã trưởng tên Kinh nằm mộng thấy Thần báo mộng rằng sáng hôm sau hãy tới đàn Nam Giao chép danh hiệu của Thần mang về mà thờ phụng . Sách Thuyết Phu ( sách của Đào Tông thời Minh ) có chép : Thượng thư họ Trương nói , ở cổng trời có ba vị Thần canh giữ cửa , đều mặc áo giáp vàng gọi là cát tướng quân giữ cờ , Chu tướng quân giữ Ấn . Tống Nhân Tông mộng thấy bị lạc giữa đầm , chợt từ xa nom thấy cổng Trời , có đám cờ quạt xe lọng trên đám mây kéo tới . Vua hỏi là ai , trả lời là cát tướng quân đem nghi vệ tới hộ tống trở về điện . Vua Tống bèn xuống chiếu cho tạc tượng để thờ ) .


dienbatn trong một lần diện kiến PGS.TS ĐỖ VĂN NINH bàn về THĂNG LONG THÀNH . Đây là một nhà Khoa học đầy tâm huyết với THĂNG LONG - HÀ NỘI , là một con người chính trực , chúng tôi rất ngưỡng mộ tư cách một nhà Khoa học chân chính của ông .


VĂN MIẾU : Ở phía Tây Nam bên ngoài thành , do Vua Lý Thánh Tông xây dựng năm Thiên Huống ( Bảo Tượng ) thứ 2 ( 1069 )[1] , bên trong đắp tượng Khổng Tử , Chu Công và Tứ Phối , lại vẽ tranh 72 vị hiền nhân để thờ . Triều Lê lấy làm nhà Thái học . Chính giữa là điện Đại Thành , có giải Vũ ở phía Đông phía Tây , tòa Minh Luân đường , kho chứa ván in sách , nhà bia chép khoa thi của các đời [ 2]. Vào niên hiệu Cảnh Trị tiến hành trùng tu , trồng cây cối hoa cỏ , hồ đằng trước xây ngôi nhà nhỏ để biểu tượng hòn ngọc trên nước . Tham tụng Nguyễn Công Trứ làm 10 bài thơ vịnh , được nhiều vị quan lại trong phủ họa theo . Các triều đại đều lấy nơi đây làm nơi giảng học cho sĩ tử . Còn có cả 4 chiếc nghiên mực bằng đá . Đến đầu triều Nguyễn nhân đó cho dựng tòa Khuê Văn các ở phía trước điện , biển đề Thái Học môn ở bên ngoài được đổi thành " Văn Miếu Môn " . Duy có mạch đất ở phía Bắc của miếu vào hồi xây dựng thành do hào rãnh hơi sâu nên phạm vào , khiến thành bị sạt đổ , người xưa nói lại rằng do khí thiêng gây ra .
Tương truyền , các triều trước tại miếu thờ tượng Thánh ( Khổng Tử ) và Tứ Phối , đó là do sứ giả Bắc Quốc mang từ Trung Quốc sang . Đầu triều Gia Long ra sắc lệnh cho đem chôn . Đền ở Kim Động tỉnh Hưng Yên dân địa phương xã Diên An dựng nhà cất giữ , đến nay hãy còn .
Chú thích thêm : [1] Toàn Thư ( q3, tờ 3a ) ghi sự kiện này vào tháng 8 , tức là sau khi đã đổi niên hiệu thành năm Thân Vũ năm thứ nhất , vào tháng 7 cùng năm . Nay thuộc phố Văn Miếu phường Quốc Tử Giám , quận Đống Đa .
[ 2 ] Toàn Thư chép : Tháng giêng năm Hồng Đức thứ 14 ( 1483 ) : " Làm điện Đại Thành Đông , Tây vu ở văn Miếu cùng điện Canh Phục , kho chứa ván in , kho chứa đồ tế lễ , Đông Tây đường nhà Minh Luân ". (qXIII , tờ 34a ). Đến tháng 10 năm Hồng Đức thứ 15 ( 1484 ) lại thấy ghi : " Làm điện Đại Thành ở Văn Miếu cùng nhà Đông vu , Tây Vu , điện Canh Phục , kho chứa ván in và đồ tế lễ , nhà Minh Luân , giảng dạy đường Đông Tây , nhà bia Đông Tây , phòng học của sinh viên ba xá , và các cửa , xung quanh xây tường bao " . ( qXIII, tờ 44a ) . Cương Mục ( q.23, tờ 38 b ) mô tả chi tiết hơn : " Hồi đầu triều Lê , nhà Thái Học vẫn giữ nguyên như thời nhà Trần , quy chế phần nhiều còn thiếu thốn . Đến nay , Vua hạ lệnh cho sửa rộng thêm ra . Đằng trước nhà Thái Học dựng điện Đại Thành của Văn Miếu để thờ Tiên , Thánh , Đông vũ và tây vũ chia ra thờ các tiên hiền và tiên nho , điện Canh Phục để làm nơi túc yết , một kho để chứa đồ tế khí và một phòng để làm nhà bếp . Đằng sau nhà Thái Học , dựng cửa Thái Học , nhà Minh Luân . Giảng đường phía Đông và giảng đường phía Tây thì làm chỗ giảng dạy cho học trò . Lại đặt thêm kho Bí Thư để chứa ván gỗ in sách . bên Đông bên Tây nhà Thái Học làm nhà cho học trò trong ba xá , mỗi bên ba dãy , mỗi dãy 25 gian , để làm chỗ nghỉ ngơi cho học trò . Bên Đông , bên tây mỗi bên đều có một nhà bia , quy mô rất khang trang " .

CHÙA SÙNG KHÁNH BÁO THIÊN : Ở thôn Tự Tháp huyện Thọ Xương ( nay thuộc khu vực phố Nhà Chung - Hà Nội ) . Chùa xây dựng năm Long Thụy [ Thái Bình ] thứ 2 ( 1055 ) triều Lý , có quả chuông do nhà Vua thân hành soạn bài văn khắc lên . Lại xây tòa tháp Đại Thắng Tư Thiên làm thành 12 tầng , cao mấy chục trượng . Thời Nhuận Hồ , đỉnh tháp này bị đổ rơi xuống ( Theo Toàn Thư thì sự việc này xảy ra vào đời Trần , năm Thiệu Long thứ 1 [ 1258 ] : Mùa thu , tháng 8 , gió to , đỉnh tháp Báo Thiên rơi xuống ) , viên An Phủ sứ Đông Đô khi ấy vì không báo tai nạn này nên bị biếm chức . ...
....Hồi Lê mạt , quân Tây Sơn phá hủy quả chuông này để đúc tiền , dỡ gạch đá để xây dựng chỗ khác , trên viên gạch nào cũng có in niên hiệu của Vua Lý . Chùa ngày nay do viên Đốc học họ Đặng dựa trên cơ sở chùa cũ mà tu sửa lại . Những tảng đá xanh còn lại , trên có hình hoa sen là của bề mặt ngoài của tháp , có hình bát giác là của bệ tháp . Cột của nó cao 5-6 thước , bề ngang 8 tấc . Hình hai con chim phượng ở bên trái tháp và hình đầu người trên đầu tháp đều là di vật của chùa cũ . ( Xét : Bài minh phổ đỉnh Phổ Minh của [Nguyễn ] Trung Ngạn có viết : Thủa nhỏ , thần thường thấy các vi cố lão kể chuyện lại rằng , nước ta có 4 Khí vật quan trọng là tháp Bảo Khánh , đỉnh Phổ Minh , chùa Quỳnh Lâm và chuông Quy Điền . Về sau vào đời Vĩnh Lạc , người Minh dời chiếc đỉnh tới Bộ Đầu bến Đông Tân rồi phá hủy cả chuông và đỉnh để đúc súng đạn , chỉ còn lại ngôi chùa và tòa tháp ) . 
CHÙA MỘT CỘT : Ở mé Tây thành ( thôn Thanh Bảo huyện Vĩnh Thuận - Nay là phố Chùa Một Cột - Hà Nội ) . Hồi đầu chùa mang tên Diên Hựu . Năm Sùng Hưng [ Đại Bảo ] nguyên niên [ 1049 ] , Vua Lý mộng thấy Phật Quan Âm ngự trên tòa sen dắt Vua cùng bước lên . Vua nhân đó cho dựng cây cột to ở giữa ao , trên đỉnh cột dựng bàn thờ để thờ phụng ( cột to vài người ôm , cao hơn 10 trượng ) . Về sau đến đời Thái Ninh ( niên hiệu Vua Lý Nhân Tông 1072 - 1075 ) đúc xong một quả chuông nhưng gõ không kêu , bèn vứt bỏ ở thửa ruộng Quy Điền của chùa ( ở chỗ ấy có nhiều rùa sinh sống ) vì thế mới gọi loà chuông Quy Điền . Năm Long Phù [ Nguyên Hóa ] thứ 5 ( 1105 ) , tiến hành trùng tu xây nên hai tòa tháp . ( Xét : Trên tấm bia tháp Sùng Thiện [ Diên Linh ] ở núi Long Đọi có mô tả : Mở khu vườn cấm ở mé Tây , dựng ngôi chùa Diên Hựu , đào ao Linh Chiểu , giữa ao nhô lên cột đá , trên đỉnh cột tỏa ra bông sen nghìn cánh , trên đóa hoa đặt ngôi điện thờ , trong điện có pho tượng Phật . Xung quanh bên ngoài ao bao bọc bởi hành lang có họa tiết , bên ngoài hành lang lại có ao nước biếc , bắc một cây cầu vượt qua ao để làm lối đi lại . Hai bên tả hữu cái sân phía trước cây cầu là những tòa tháp lưu ly . Cứ vào ngày đầu tháng , nhà Vua lại đích thân đi xe ngọc tới chùa mở tiệc chay , biện hương hoa tiến hành tế lễ cầu phúc cho Đất nước và nghi thức tắm cho Phật . Cảnh chùa đẹp đẽ tráng lệ cũng như sự sùng bái đến như vậy đấy ) . Tới đầu nhà Trần có trùng tu lại . Chùa có tòa nhà 3 gian , điện phía trước một gian . Tòa gác trên cây cột đá là do quan Đốc họ Đặng mới xây mấy năm về đây . ( chỉ đợt sửa chữa do Tổng đốc Hà - Ninh Đặng Văn Hòa tổ chức vào năm Minh Mệnh thứ 19 [ 1838 ] .
LỴ SỞ PHỦ DOÃN PHỦ PHỤNG THIÊN .
Ở phía Nam Phượng Thành ( nay là phố Phủ Doãn - Hà Nội ) , cai quản hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận . Thời Lê đặt 36 phường { huyện Thọ Xương 8 tổng , gồm Tứ Túc , Tứ Nghiêm ( đây là lấy theo tên của đơn vị quân đội Tứ Túc gồm Tiền Túc, Hậu Túc , Tả Túc , Hữu Túc . Tứ Nghiêm bao gồm Tiền Nghiêm , Hậu Nghiêm , Tả Nghiêm , Hữu Nghiêm ) , huyện Vĩnh Thuận 5 tổng , gồm Thượng , Trung , Hạ , Nội và Yên Thành . Tên gọi các phố phường thì có nơi đặt theo tên điện như Huy Văn , Giảng Võ , có nơi đặt theo tên cổng thành như Trường An , Bảo Khánh ; có nơi đặt theo tên đàn như Xã Tắc , Phong Vân ; có nơi đặt theo tên cơ quan nhà nước như Khâm Thiên , Công Bộ , Ngự Sử ; có nơi lại đặt theo tên đơn vị quân đội như Thị Vật , Tiền Tiệp ...). Dinh thự quan lại và doanh trại lính ở xen kẽ với dân cư . Dân chúng có nghề giống nhau thường ở chung một chỗ , mỗi nhà có riêng cửa hàng , mỗi gian chỉ 6- 7 thước . Đường xá như bàn cờ , nhưng đều xây lát bằng gạch , giữa đường để lưu không hai dải không lát gạch , đổ cát vào trong để cho chỗ bánh xe lăn vào đó , gọi là Xa đạo . Mỗi điểm ngã ba có điếm canh của lính , ban đêm có treo chuông để cảnh báo . Trị sở cửa phủ đặt tại huyện Thọ Xương , phía trước có chợ rất to , là nơi tụ tập đô hội đông nhất trong 5 ngôi chơ chính của đô thành . Từ thời Lê Trung Hưng trở đi , hàng năm cứ ngày 27 tháng Giêng cử hành lễ Khánh Thọ . Quan Phủ Doãn dựng trước một ngôi nhà tranh ở chợ , trong bày sập ngự . Quan Chưởng Khánh ( người chủ trì lễ Khánh Thọ ) tay bưng cây Thiên Tuế từ trong điện đi ra , có vệ binh mang Hương Án , nghi trượng , nhạc cụ đi hộ vệ trước sau . Tới nơi , đặt cây lên sập . Thày cúng quỳ lạy khấn vái , bói xin được quẻ cát thì vui mừng hô lên , bá quan bận triều phục vừa bái vọng vừa đi tới . Quan Trưởng Khánh , lại bưng cây về điện , trao cho Thị vệ bưng tới trước chỗ Vua ngồi . Vua ngự ở điện Vạn Thọ , bá quan vái lạy chúc mừng rồi chia thành ban đứng hầu . Vua ban yến và rượu mơ . Nghi lễ này duy trì liên tục qua nhiều triều đại , trở thành ngày hội lớn cho dân chúng kéo đến xem ...
...Sau thời kỳ biếm loạn chỉ còn lại tòa lỵ sở . Đầu đời Gia Long đặt ra phủ Hoài Đức , sang đời Minh Mệnh dời tới làng Dịch Vọng huyện Từ Liêm , còn hai huyện Vĩnh Thuận và Thọ Xương đều đặt chức Huyện Doãn để cai quản .

ĐÌNH KIÊN NGHĨA :
Là nơi ngày xưa triều Lê dùng để hầu tiếp xứ giả Bắc quốc sang sắc phong .Tương truyền rằng vào đời Vĩnh Lạc nhà Minh , tướng Minh là Trương Phụ chiếm cứ thành Đông Quan đã bắc cây cầu phao tại đây để tiện qua lại , gọi là cầu Đông Tân ( Tục gọi là cầu Cháy - Nay thuộc phố Tuệ Tĩnh - Quận Hai bà Trưng ) . Đối diện với bờ bên Bắc là quán bến thuyền , nơi tụ tập các thương khách người Thanh . Vào triều Lê , ban đầu định lệ khách ngoại quốc không được tự ý vào trong trấn , từ đời Hồng Đức trở đi mới cho phép họ lập thành phố ở vạn Tường Lân , Lai Triều . Cũng có những người đến đây cư trú , nhà cửa của họ mái ngói nối tiếp nhau , thuyền bè san sát , các triều đều lập ra cung quán ....
....Sau thời loạn lạc cảnh vật bị tàn phá , tòa đình được dân sở tại dùng làm nơi thờ Thần . Đầu triều Nguyễn , mỗi khi có sứ giả vãng lai cũng dựng cung quán ở đây để nghênh tiếp , gọi là Hà Đình , đối diện bờ phía Bắc cung Gia Quất .
Phía Tây thành nổi lên thành lớp những ngọn núi đất , trong đó có một vài nhánh nổi tiếng như Sài Sơn , Tam Sơn , Khán Sơn , Nùng Sơn . Cung Thái Hòa ( Nay thuộc huyện Vĩnh Thuận ) nằm ở chỗ cao nhất của ngọn đồi , tương truyền do triều Lê lập ra , BÊN DƯỚI LÀ DÒNG NƯỚC GỌI LÀ NGỌC HÀ . Núi Tam Sơn nối dài từ Cung Thành ( Tương truyền Thuần Hoàng Đế triều lê từng lấy đây là nơi xem đấu võ trong các kỳ thi võ cử . Trên núi có ngôi chùa thời Hồng Đức tiến hành trùng tu , vâng mệnh tạc tượng Vua Thuần Hoàng Đế để thờ . Cuối thời Lê , quân Tây Sơn phá chùa , các sư đã rước tượng đó tới thờ ở chùa Dục Khánh ) . Theo Sử Ký chép : Vào năm Quang Thuận tiến hành đào hồ Hải Trì uốn dài hàng trăm dặm , ở giữa có điện Thúy Ngọc , bên hồ dựng điện Giảng Võ dùng làm nơi luyện tập quân lính và voi chiến ( nay thuộc phường Giảng Võ - hà Nội ) , đó là chỉ chỗ này ngày xưa vậy . Di chỉ cung điện cũ hiện vẫn còn lại những bậc thềm . Vùng xung quanh vẫn còn những trại mang tên Ngọc Hà , Giảng Võ , dân chúng thường đào được rất nhiều mảnh gạch ngói cổ hoặc những đồ binh khí bằng gỗ , bằng sắt . Lại có một địa điểm gọi là Đồng Trường , là nơi các triều đại trước kia tổ chức hội thí nCống sĩ , rõ ràng đây là di chỉ của nơi thi võ ngày xưa . 

Lưu ý : Đây là lần đầu trong sách cổ nói đến địa danh Ngọc Hà . - dienbatn .

TRƯỜNG ĐẤU VÕ .
Ở phía Tây thành ( nay thuộc phường Giảng Võ - Quận Ba Đình ) là nơi giảng và học võ nghệ của các triều đại nhà Lê ( sử chép là Giảo Nghệ trường . Vào đời Quang Thuận mở rộng trường đấu võ ra ngoài 8 dặm - Toàn Thư ) . Năm Bảo Thái thứ 4 ( 1723 ) mới dựng nhà Vũ học ( nay ở Yên Viên - Huyện Thọ Xương ) , có miếu thờ Tiên sư là Thái Công , cắt đặt quan để dạy học tròn , thường lấy nơi đây làm nơi thi Bác cử ( Tức thi hội về ngạch võ ) . Sau đó lại mở trường ở Cầu Đơ ( thuộc hà Đông ) , đắp lầu coi thi , thể chế giống như điện Giảng Võ . Người trúng Tạo sĩ ( tức Tiến sĩ ngạch võ ) sau khi vinh quy , trở lại biện lễ để vào miếu yết bái Tiên sư . Trải qua thời kỳ loạn lạc , nơi đây chỉ còn lại di chỉ và cây cối . Vào đời Minh Mệnh , bãi Đồng Nhân bị sạt lở ( nay thuộc phường Đồng Nhân - Quận Hai Bà Trưng ) , triều đình chuẩn cho lấy đó làm miếu thờ Trưng Vương . ( Trong miếu thờ Vũ Thành Vương ở ngai chính , từ Tôn tử , Quản tử trở xuống tổng cộng 8 vị chia làm hai bên để thờ , Hưng Đạo Vương nhà Trần cũng được tòng tự ở đây . Các kỳ xuân tế , thu tế , chọn ngày Tuất tháng Trọng tiến hành , được cấp cho 1 ấp để thờ phụng . Việc thờ phụng ở miếu Quan Thánh cũng giống như vậy . 
LẦU NGŨ MÔN .
Ở Vọng Cung , chính giữa có đề hai chữ Đoan Môn , đó là lầu Ngũ Phượng Tinh của Triều Lý . Bên ngoài là lầu Tam Môn , thể chế cũng tương tự ( Năm Sùng Hưng [ Đại Bảo ] thứ 5 [ 1053 ] có rồng vàng xuất hiện ở cửa Đoan Minh . Đầu đời Quang Thuận cũng gọi là cửa Đoan Minh , về sau mới gọi là cửa Đoan Môn ) . Thời Lê sơ vẫn giữ theo như thế , ở giữa dựng điện Kính Thiên , lấy làm nơi thị triều ( Tương truyền nơi đó là núi Nùng . Giữa núi có một hố sâu , là nơi thông khí của núi sông , gọi là rốn Rồng . Tẩm điện của nhà Lý chính đặt tại nơi này ) . Vào những năm Quang Thuận , bệ của điện được dựng thêm những lan can bằng đá ( Lệ quy định bá quan vào triều đến cổng Đại Hưng thì xuống kiệu , người tùy tòng theo đến cầu Ngoạn Thiềm thì phải dừng lại , cánh nha lại đi theo đến cửa Đông Tràng An , cửa Nam Huân thì phải dừng lại , không được vào cửa Chu Tước . Khi hồi chuông gióng qua 50 tiếng mà ai còn đứng ở bên ngoài cửa Đoan Môn thì bị hặc lỗi ) . Nhà Vua thường sách vấn Tiến sĩ ở đây ( Tức Thi Đình ) . Những người thi đỗ sẽ được yết bảng tại cửa Đông Hoa . Từ thời Lê Trung Hưng trở đi lấy chỗ này làm điện thờ Trời Đất , thị triều chuyển tới cổng Kính Thiên , nay là Vọng Cung . Các vị Vua đời trước đi tuần thú thường dừng ngựa ở đây . bên ngoài có Kỳ đài , tương truyền xưa là cổng Chu Tước ( còn gọi là Lầu tam Phượng ) .
Sứ giả Thiên triều khi sang sách phong , đến cổng Nam Môn của Kinh Đô , những người đi theo phải xuống ngựa , tới bên ngoài cổng Đông Trường An thì quan Khâm Sứ xuống kiệu , Vua nước ta ra tiếp đón ở phía tả , hữu bên trong cổng , tới điện Kính Thiên , nơi đã đặt sẵn long đình , bá quan chia theo ban đứng ở sân điện , chỗ thềm rồng bằng đá và hai bên tả , hữu Đoan Môn .
ĐÌNH QUẢNG VĂN : Ở bên ngoài cổng Hưng Môn , phía trước Phượng Lâu trong thành , ở hai bên đều có các con đường và mương nước bao bọc . Những năm Quang Thuận triều Lê , lấy đây là nơi công bố pháp lệnh của triều đình .Văn thần BÙI XƯƠNG TRẠCH có soạn bài ký ghi chép . Trải qua cuộc binh biến , nơi bị đốt cháy hết không còn gì . Đến đầu thời Gia Long , các quan ở thành lại dựng đình ở phường Nam Hưng , trên đó dựng lầu , gọi là đình Quảng Minh , nhưng dân chúng vẫn gọi là đình Quảng Văn đó là vì quen gọi theo ngày xưa vậy .

PHỦ PHỤNG THIÊN : : Là đất trung khu trọng yếu của triều Lê . Tại đây cứ 3 năm tổ chức thi Hương , hai huyện THọ Xương , Vĩnh Thuận lập thành một trường. tại các trấn bên ngoài đôi khi cũng tổ chức thi ở phủ . Khoa thi Ất Sửu đầu triều Nguyễn đặt trường thi ở bờ sông , tập hợp học trò các trấn Sơn Tây , Bắc Ninh , Tuyên Quang , Hưng Hoá , Thái Nguyên , Lạng Sơn về thi . Thời Thiệu Trị cho phép xây cất nhà cửa ở đây thành nhà gạch lợp ngói , nơi đặt phủ đường của triều trước nay trở thành thôn phường của huyện Thọ Xương .
PHƯỜNG TRÚC BẠCH : :

Ở huyện Vĩnh Thuận , là nơi đặt trường đúc tiền của triều Lê . Thợ đúc đều là người làng Đại Từ , Đồng Xá , Ngũ Xã , nhờ được rèn rũa nên rất thạo nghề . Đây cũng là nơi tụ tập buôn bán đông đúc . Các đồng tiền nay còn thấy trên có chữ " Kinh " đều là tiền do nơi đấy đúc ra còn sót lại . Sang năm Gia Long thứ 7 triều Nguyễn , quan thành vâng mệnh mở cục bảo Hóa ở hai bên hồ Thủy Quân , chuyên nấu đúc tiền kẽm . mỗi đồng hào ( văn ) có chữ " Thất phân " . Các loại tiền đồng cổ và tiền Ngụy ( Tiền Tây Sơn ) đều bị tiêu hủy . Lại đặt ra các chức Đại sứ và Phó sứ để trông coi công việc .


2/ HÀ NỘI SƠN XUYÊN PHONG VỰC : 

Bản chép tay , hiện chỉ còn 1 bản được lưu giữ tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm , ký hiệu A.541, dày 62 tờ khổ 20x 30 . Sách không đề tên người biên soạn .

HÌNH THẾ : [ Hà Nội ] là đất Long Đỗ ( rốn rồng ) , nghìn dặm đất đai màu mỡ , bốn phía đều có đường xá thông thương . Phía Tây Nam núi che như bức màn che chắn , phía Đông Bắc có sông lớn như hào Trời chặn ngăn . Những ngọn núi nổi tiếng là Hương Tích , Thiên Đình , Long Đội , Bạch Vân ; sông hồ nổi danh là lãng bạc , Kim Ngưu , Trang Động , Tô Lịch . Núi như tà áo , sông như dải khăn , phía sau lưng dựa vào sông , phía trước trông ra biển . 
NÚI NÙNG : Núi ở chính giữa thành nội . Xưa truyền rằng trong núi có hang , đó là nơi thông khí nên gọi là rốn rồng . Triều Lý dựng đô , xây chính điện ở núi này , nhà Lê làm điện Kính Thiên , nay làm Long Điện .
NÚI TAM SƠN : Ở phía Bắc núi Nùng bên trong thành nội . Xưa truyền núi này là cái gối của núi Nùng . Nay gò núi đất ở cạnh núi Nùng chính là núi đó . Trên núi mọc thành 3 ngọn nên gọi là Tam Sơn .
NÚI KHÁN SƠN : Ở phía Tây Bắc thành , trên núi có thờ tượng Phật . Vua Lê thường lên trên ấy xem thi võ , vì thế gọi là núi Khán . Chùa được xây dựng vào khoảng niên hiệu Dương Đức ( 1672 - 1673 ) , bên trong có tô thần tượng Thuần Hoàng Đế [ Lê Thánh Tông ]để thờ phụng . Đến năm Kỷ Dậu niện hiệu Cảnh Hưng 9 1789 ) có loạn tây Sơn , vị sư chùa bèn đem tượng đi tránh loạn , tới đặt thờ tại chùa Dục Khánh ( ở Ngõ văn Hương - Hà Nội ) ở mé ngoài thành .
NÚI THÁI HOÀ : 
Núi này ở trại Liệu Giai , huyện Vĩnh Thuận ( ( nay thuộc Đội Cấn - hà Nội ) . Từ xưa truyền lại rằng : ở triều Vua Lý , tướng quân tên là Lý Thường Kiệt đã từng làm nhà trên núi Thái Hòa . về sau đời Lê cũng có dựng hành cung ở trên núi ấy gọi là cung Thái Hoà .
SÔNG TÔ LỊCH : 
Sông này nằm về phía Đông của thành , từ sông Nhị Hà tách nhánh chẩy ra , qua một cây cầu nổi tiếng là cầu Đông Thị , rồi men theo phía Bắc thành mà chẩy về phía Tây , đến đất Hà Liễu của huyện Thanh Trì thì hợp lưu với sông Nhuệ . Sông này mùa Đông Xuân nước cạn , đến mùa Thu , mùa Hạ lại có thể buông thuyền . Tương truyền vào đời Đường , Cao Biền chiếm cứ La Thành , thấy một người đầu râu tóc bạc , tướng mạo lạ kỳ từ con sông nhỏ đi lên . Biền bèn hỏi , người đó trả lời : " Tôi họ Tô tên Lịch " . Nói xong , chợt biến mất , Biền cho là Thần , nhân đặt tên sông là Tô Lịch . Đến đời Minh , niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 11 ( 1412 ) , viên Công bộ Thượng thư Hoàng Phúc có cho khơi thêm dòng sông . Sau khi quân Vương triều ta đánh dẹp được quân giặc , cuộc sống của dân chúng được hồi sinh trở lại , nên đổi tên sông là Lai Tô . Buổi đầu triều Nguyễn có đắp một đoạn thành ở phía Tây Bắc , nhân đó lấy sông làm hào , những đoạn nào gây bất tiện cho đi lại thì cho lấp đi . Rải rác hiện còn một số hồ ao nhỏ, đều là những nơi mà dòng sông cũ đi qua .
SÔNG NHUỆ : 
Sông Nhuệ , còn có tên là sông Đỗ Động . Sông này xuất phát từ đầm Bát Lang xã Hạ Mỗ huyện Từ Liêm , rồi chẩy đến Phù Diễn , Vân Canh nước sông khá sâu . Khi xuôi xuống Hà Liễu của huyện Thanh Trì thì hợp với sông Tô Lịch . Có người cho rằng vì đầu nguồn có hình nhọn nên mới có tên đó .
SÔNG KIM NGƯU :
 Sông này bắt nguồn từ trại Yên Lãng huyện Vĩnh Thuận , chảy qua cầu đá Thịnh Quang đến cầu Thịnh Liệt . Đây là con đường thủy mà nhiều triều đại dùng để qua lại với Xích Đằng , Hiến Doanh ( nay là phố Hiến - Hưng Yên ) . Sông Kim Ngưu và hai sông Tô Lịch , sông Nhuệ hợp dòng rồi đổ vào sông Cái .
Tương truyền , sông Kim Ngưu là dấu tích Trâu vàng bỏ trốn khi Cao Biền yểm bùa ( núi Kim Ngưu ở huyện Võ Giàng phủ Từ Sơn tỉnh bắc Ninh. Tương truyền từ đời Cao Biền muốn đục phá núi này , thấy trâu vàng bỏ chạy ) .
THÀNH TRÌ : 
Tỉnh thành thời Lê xưa gọi là Phựơng thành. Năm thứ 4 niên hiệu Gia Long ( 1805 ) có thay đổi sửa chữa . Hai bên xây gạch , ở giữa đắp đât , mở 5 cổng . Trên mỗi cổng thành dựng lầu lợp ngói . Phía dưới cổng có xây cầu bằng gạch đá , cả thảy có 5 chiếc cầu . Bên ngoài cầu xây cổng hai lớp , bên ngoài cổng này lại có cầu , đều xây bằng gạch đá cả . Bức nội thành dài 432 trượng 6 thước 6 tấc , chiều ngang thân thành 4 trượng 6 thước 2 tấc , bên ngoài cao 1 trượng 2 thước 1 tấc , bên trong đắp đất . Thân thành cổng hai lớp dài 260 trượng 6 thước , ngang 2 trượng 8 thước 8 tấc . Bên ngoài cao 7 trượng 9 tấc , bên trong cao 4 thước 2 tấc . Đài thành dài 47 trượng 7 thước , ngang 7 trượng , bên ngoài xây gạch cao 7 thước 9 tấc , bên trong đắp đất . Phía bên ngoài thành đào hào . Bốn mặt bờ hào tổng cộng dài 230 trượng 7 thước 5 tấc , cao 6 thước , có đoạn rộng khoảng 8 đến 9 trượng , có đoạn lại chỉ rộng khoảng từ 3 trượng đến 7 thước . Nhà học xá trước đây đặt ở phía Tây nam bên ngoài thành , nay ở phía Tây Nam trong thành , được xây dựng vào năm thứ 17 niên hiệu Minh Mệnh ( 1836 ) .
THÀNH ĐẠI LA : 
Tức là thành đất nằm ngoài thành Thăng Long ngày nay . Chu vi 7768 tầm ( 1 tầm = 8 thước ) , thành mở ra 21 cửa ô . Từ đời Đường , năm thứ 2 niên hiệu Đại Lịch ( 767 ) , Trương Bá Nghi bắt đầu đắp thành này , về sau Triệu Xương và Trương Tiết bồi đắp thêm . Vào đời Vua Đường Y Tông , Cao Biền sang giữ chức Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ , đặt phủ trị ở đó , lại mở rộng thêm thành . Lý Thái Tổ , năm đầu hiệu Thuận Thiên ( 1010 ) từ Hoa Lư dời đô về đây , Ông đã cho đắp thành đất cả bốn phía . Các đời Vua Trần và Vua Lê đều đóng đô ở đây . Nơi đặt cung điện thành trì chính là tỉnh thành hiện nay .
Vọng cung và công sảnh đều ở đây . Trên cổng Vọng cung khắc hai chữ " Đoan Môn " . Đây là di tích triều Lý , nay cũng thế .
ĐÀN NAM GIAO CHIÊU SỰ THỜI CỔ
Đàn này nằm ở phía Nam thành ( Nay là thôn Thịnh Yên - Huyện Thọ Xương [ Phố Thịnh Yên - Quận Hai bà Trưng ] ) . Khoảng niên hiệu Quang Thuận ( 1460 - 1469 ) đã làm ba gian chính điện , hai dãy Đông vu và Tây vu , mỗi dãy bảy gian ; gồm các tòa đàn Canh Phục , nhà đọc sách , nhà bếp , nhà kho . Trong ngoài đều có đàn tê và 3 gian nghi môn . Trải qua các triều đại vẫn giữ nguyên như thế . Đến năm thứ 4 niên hiệu Cảnh Trị ( 1666 ) trùng tu , dựng 4 cột đá ở 4 góc , cột kèo , rui mè đều sơn son thếp vàng , văn thần Hồ Sĩ Dương có soạn bài ký . Năm đầu hiệu Gia Long đã phá dỡ đàn lấy gạch xây thành . Còn như đàn chính và bia thì lời lẽ văn bia phần nhiều nói về họ Trịnh nên không nhắc lại nữa . Đ1a còn lại của đàn xưa được lấy làm đàn Phong Vân để thờ các vị Thần Gió , Thần Mưa , Thần Sấm , Thần Chớp . Ở đây còn lại 3 gian điện đường nhưng nay đã đổ nát , dân bản thôn dựng thành miếu thờ . Tương truyền , đây là nơi bách Thần tụ hội , rất linh thiêng . 
CUNG THÁI HÒA : 
Cung ở trên một ngọn núi đất ở trại Liễu Giai , tổng Nội huyện Vĩnh Thuận . Trước kia là hành cung của Vua Lê . Nay nền đất hãy còn .
MIẾU VĂN THÁNH : 
Miếu thờ văn Thánh nằm về phía Tây nam ngoại thành , ở thôn Minh Giam , tổng Yên Hòa , huyện Thọ Xương ( tức là Văn miếu Quốc Tử Giám ) . Miếu được xây dựng vào năm thứ 2 niên hiệu Thần Vũ đời Lý ( 1070 ) , bên trong tô tượng thờ Khổng Tử , Chu Công cùng Tứ Phối và 72 vị tiên hiền . Bốn mùa cúng tế , Hoàng thái tử cũng đến đây để học . Đời Lê gọi đây là nhà Thái Học , ở giữa là điện Đại Thành , có hai dãy nhà Đông vu và Tây vu , có Minh Luân đường , kho chứa ván in , bia ghi chép các khoa thi . Khoảng niên hiệu Cảnh Trị ( 1663 - 1669 ) tiến hành trùng tu , trồng nhiều cây cối hoa cỏ . Ở hồ phía trước , có dựng ngôi nhà nhỏ tượng trưng như hòn ngọc trên nước , các triều đều lấy đây làm nơi giảng tập cho nhiều sĩ tử . Hai bên tả , hữu sân miếu Khải Thánh có 4 cái nghiên đá hình vuông , nặng hàng trăm cân . cạnh nghiên đá này là cây cổ thụ tán lá tròn um tùm . Tương truyền , trước đây , mỗi tháng một lần tổ chức bình văn dưới những gốc cây này , học trò đến đây dự nghe , tranh nhau mài mực ở những cái nghiên này để ghi chép . Đến triều ta khắc lại biển đề " Thái Học Môn " thành " văn Miếu Môn " . Tiếp đó cho dựng thêm Khuê văn các ở phía trong cửa Nghi Môn .
Phía Bắc Miếu Văn Thánh có một mạch đất nối liền với thành nội . Hồi năm trước vì đào hào rãnh hơi sâu khiến thành bị sạt lở . Tương truyền do Linh khí khiến ra như vậy ( đời trước truyền lại rằng , triều trước ở đây thờ tượng Thánh và Tứ Phối do sứ giả mang từ Bắc Quốc về . Đến đầu niên hiệu Gia Long ( 1802 ) có sắc chỉ đem chôn dấu đi .

ĐỀN THỜ LONG ĐỖ THẦN QUÂN - QUẢNG LẠI BẠCH MÃ ĐẠI VƯƠNG .

Đền ở phường Hà Khẩu , huyện Thọ Xương ( nay là phố Hàng Buồm ) . Đời xưa truyền rằng , thời nhà Đường , Cao Biền đắp thành Đại La , tình cờ đi ra chơi ngoài thành phía cửa Đông , bỗng nhiên mây đen mù mịt , lại thấy đám mây ngũ sắc từ dưới đất bốc lên , sáng che át cả ánh trăng . Trong đám mây ấy có một dị nhân mặc áo màu , cưỡi rồng đỏ , cầm sách vàng lượn tròn theo áng . Khí mây một lúc lâu mới tan . Cao Biền vô cùng kinh dị , muốn yểm đi . Đêm ấy lại mộng thấy Thần nhân bảo rằng : " Ta là Thần Long Đỗ , ở đây đã lâu . Nay nghe ông đắp thành ở đây , nên ta đến gặp , sao phải yểm " . Cao Biền kinh hãi tỉnh giấc than rằng : Ta mà không trấn áp được người phương xa sao ? Sao lại sinh ra điềm quái dị này ? Biền bèm làm bùa chôn cùng với vàng và đồng để yểm . Ngay đêm ấy , sấm chớp nổi lên ầm ầm . Sáng hôm sau ra nhìn , thấy vàng và đồng đều nát thành bụi . Biền càng lấy làm kinh dị , bèn dựng đền thờ Thần ở ngay chỗ đó . Đến đời Lê niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705 ) người ở ba giáp trùng tu đền , dựng bia . Văn bia có đoạn như sau : " Bia là khắc ghi công trạng để báo cho muôn đời sau được biết . Xét ngôi đền này là nhánh chính của biển cạn , dư khí của núi Nùng . Thành Đại La ôm ấp bên phải , sông Nhị Hà uốn quanh bên trái . Non nước hun đúc Linh thiêng của sao Trời ; chủ khách thể hiện hết vẻ mỹ lệ của Đông Hải . Đây quả là cảnh đẹp trong Thiên hạ . Đền từ khi được sáng lập vào đời trước , cột dựng cốt rồng , mái chèn vẩy cá . Miếu mạo hết sức nguy nga , cột xà gia công tô chạm . Hễ cầu là ứng , có cảm ắt thông . Quanh năm cơm gạo biện bày , rượu thịt dâng cúng , mùa nào thức ấy không bao giờ dứt .
Từ đời Trung Hưng trở lại đây , vẫn kính cẩn làm lễ thờ Thần , lập đàn chúc Thánh , nhiều lần được gia phong bậc Thượng đẳng , nhà cửa được cải tạo , còn được ban mũ lọng , áo quần , đồ thờ cúng nhiều không kể hết . Đúng là vị Thần linh thiêng nên tiếng tăm lan khắp , niềm kính tín ngày một gia tăng , đâu dám coi thường . Những mấy năm lại đây , ngày lại , tháng qua , mưa vùi , gió dập , cảnh quan chẳng được đẹp đẽ như xưa . Việc khôi phục lại ắt phải chờ đến công đức của các bậc đại thí chủ vậy .
Nay quan viên ba Giáp , trên dưới cùng nhau bàn tính , mời ông lễ khoa cấp sự trung Nhữ Tiến Dụng xem đất , tìm hướng , hưng công , góp phúc tiến hành công việc . Tiếng lành đồn khắp , trên từ nhà giầu cửa son , dưới đến bạch đinh nhà rách , già trẻ gái trai xa gần , tay xách vai gồng đem đến đóng góp , nào tiền , nào gạo , gỗ lạt , gạch đá , công đức không kể xiết .
Từ ngày mùng 4 tháng 12 năm Bính Dần ( 1686 ) , bói chọn ngày lành tháng tốt , cùng hợp sức khởi công , trùng tu một dãy tiền đình , sửa lại những chỗ thấm dột , chẳng mấy ngày đã hoàn thành công việc .
Điện đường tráng lệ tựa gấm thêu , lâu đài nguy nga như ngọc bích ; hương án lung linh , vàng son ánh Tam Thiên Thế giới . Những biết công đức cao dày , rằng hay báo ứng tất đến . Mong sao Thần ban cho điềm lành , phát cho phúc lớn , phù trợ Hoàng gia vững bền , giúp rập Vương nghiệp dài lâu . Thế nước tôn nghiêm , mạnh như núi cao , thiên hạ vững bền , vững tựa Thái Sơn . Đền thờ hương hỏa không dứt , tế tự chẳng dừng , danh tiếng càng thêm lừng lẫy , lời ca tụng chẳng thể nào hết được .
Vậy nên khắc vào bia đá truyền lại lâu dài .
Năm thứ 8 niên hiệu Chính Hòa triều Lê ( 1687 ) " .

CHÙA SÙNG KHÁNH BÁO THIÊN .
Chùa ở xã Tiên Thị , xưa gọi là phường Báo Thiên , huyện Thọ Xương ( nay là khu vực Nhà thờ Lớn - Hà Nội ) . Chùa xây dựng năm thứ 3 niên hiệu Long Thụy thời Lý ( 1056 ) . Vua Lý Thánh Tông thân làm bài văn khắc trên bia . Đến năm thứ 4 ( 1057 ) lại cho dựng ngọn tháp Đại Thắng Tư Thiên gồm 12 tầng , cao hàng chục trượng . Đến đời Nhuận Hồ ( 1400 - 1407 ) đỉnh tháp bị đổ , viên quan An phủ xứ Đông Đô bị tội biếm vì không tâu báo cho triều đình biết sự kiện đó . Đời Lê mạt , quân Tây Sơn phá hủy chuông chùa để đúc tiền , dỡ gạch ngói của chùa đem đi xây cất . Trên những viên gạch của chùa viên nào cũng có in niên hiệu nhà Lý . Chùa hiện nay là do quan Đô đốc dòng Tôn thất nhân trùng tu từ di tích cũ . Những tảng đá xanh có hiện hình hoa sen nguyên là đá xây ở mặt ngoài tòa tháp , còn đá hình bát giác là đá ở bệ thềm tháp , đều là cổ vật ngày trước cả .
Bài minh văn khắc trên đỉnh đồng Phổ Minh do Nguyễn Trung Ngạn ( Đỗ Hoàng giáp năm 1304 ) soạn có đoạn nói : " Tôi lúc còn trẻ tuổi được nghe các cụ già kể rằng , nước ta có 4 báu vật lớn là : Tháp báo Thiên , đỉnh đồng Phổ Minh , chùa Quỳnh Lâm và chuông Quy Điền . Về sau khoảng niên hiệu Vĩnh lạc đời Minh ( 1420 ) , đỉnh đồng bị chuyển đến Đông Tân Bộ Đầu , cùng với chuông đều bị hủy làm súng đạn " . 
CHÙA LIÊN TRÌ :
 Chùa ở thôn Lâu , huyện Thọ Xương ( nay là phố Liên Trì - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội ) là chốn xưa đặt lầu Ngũ Long dưới triều Lê . Thế đất này từ cửa Tuyên Vũ của Đô phủ đi cắt ngang qua hồ Thủy Quân , có xây cầu bằng gạch để đi qua lại . Bến Tây Luông , bãi đúc súng , xưởng đóng thuyền đều đặt ở đây , trở thành nơi tụ tập đông đúc của chốn Kinh Kỳ . Thời Tây Sơn chùa bị phế bỏ , còn lại 3 cỗ súng thần rất linh thiêng nằm ở bên đường thôn Cựu Súng . Trong đó 2 cỗ to 1 trượng dài 5 thước , một cỗ nhỏ hơn một chút gọi là Lôi Xiết tướng quân , không ai dám phạm . Hồi đầu triều ta , quan quân định khiêng súng về ngôi đình sở tại , nhưng không sao khiêng vần đi được . Sau phải biện đến lễ cầu cúng , mới ứng nghiệm , việc dời đi được dễ dàng như khiêng cành cây khô . Dân thôn bèn dựng miếu thờ . Năm Minh Mệnh ( 1820 1840 ) thấy dân cư ở đây thưa thớt , bèn sát nhập với thôn Hậu Lâu , đổi tên là Cựu Lâu . Đầu đời Vua Thiệu Trị ( 1841 - 1847 ) , Tổng đốc Hà - Ninh Nguyễn Đăng Giai xây dựng lại chùa cực kỳ to đẹp , tám mặt có đào hào , toàn trồng hoa sen . Đặt tên chùa gọi là chùa Liên Hoa . 
CHÙA MỘT CỘT : 
Chùa ở thôn Thanh Bảo huyện Vĩnh Thuận . Khu này có một cái hồ nhỏ , giữa hồ dựng một trụ đá lớn hình tròn , trên đỉnh trụ dựng một tòa chùa thờ Phật , hình dáng tựa một đóa hoa sen từ dưới nước mọc lên . Vua Lý Thái Tông ( 1028 - 1033 ) thường nằm mộng thấy Phật Quán Thế Âm dẫn Vua lên đài sen . Vua đem kể chuyện với quần thần , cho là điềm chẳng lành . Có vị thông hiểu Thiền học khuyên Vua làm chùa . Vua bèn cho dựng cây cột , rồi làm nhà trên đỉnh cột hình dáng giống y như thấy trong mộng , đặt tên là chùa Diên Hựu . Năm thứ 2 niên hiệu Thái Ninh ( 1073 ) Linh Nhân Hoàng Thái hậu vì đố kỵ đã vu tội cho Thái hậu Thượng Dương , khiến Thái hậu cùng 76 người Thị nữ phải chết . về sau bà hối hận việc làm vô cớ , muốn sám hối bằng cách trùng tu lại chùa này . Phía sau đài sen có cái hồ nhỏ gọi là hồ Linh Chiểu , bắc cây cầu nối với chùa . Chùa từng đúc một quả chuông lớn , nhưng đánh không kêu , bèn đưa chuông ra đặt ở ruộng Quy điền . Ruộng này có rất nhiều rùa nên có tên là Quy điền .


3/ HOÀN LONG HUYỆN CHÍ :

Hoàn Long huyện chí là một tác phẩm thuộc loại Địa chí viết riêng về huyện Vĩnh Thuận của tỉnh Hà Nội thời Nguyễn , nay là khu vực Hoàn Kiếm , Đống Đa và một phần quận Ba Đình - Hà Nội . Sách ký hiệu A.99 lưu trữ tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm gồm 32 tờ giấy dó , đóng bìa quét cậy , khổ 12x30 .

HOÀN LONG HUYỆN CHÍ : Huyện bao quanh thành Thăng Long xưa .
Khoảng năm Quang Thuận triều Lê ( 1460 - 1469 ) , đặt phủ Trung Đô , gồm 2 huyện Vĩnh Xương và Quảng Đức . Năm Minh Mệnh 12 ( 1813 ) , đổi huyện Quảng Đức thành huyện Vĩnh Thuận . Năm Thành Thái 11 ( 1899 ) , đổi huyện Vĩnh Thuận thành huyện Hoàn Long , gồm 9 tổng , 59 xã, thôn , trại , châu , sở . Có 2766 mẫu ruộng , 4657 mẫu đất, 5661 xuất đinh , 1433 trượng đê , 140 học trò .
( Xét: việc giấu giếm đất đai , khai lậu dân đinh , đã có điều luật ngăn cấm . Nhưng chức sắc các làng vì tư lợi vẫn dây dưa theo đòi thói tệ . Chỉ có hiểu biết thời thế mà thay đổi , khiến cái lợi riêng thành lợi ích chung để dân được hưởng phúc thì mới là điều tốt đẹp ) .
Sông ngòi của huyện có đê bảo vệ . Đê bắt đầu đắp từ triều Trần , trải 652 năm tới nay vẫn tiếp tục gia công bồi đắp không ngừng . Mỗi khi đê vỡ , dân chúng bị tổn hại nhiều không kể xiết . Vì vậy đê điều thực có quan hệ lớn tới việc chữa trị mối hại cho muôn dân .
Kẻ sĩ thông hiểu Thi , Thư là bắt đầu từ thời Hán, do Sĩ Nhiếp truyền dạy cho . Học là học cái Đạo làm người , không học thì chẳng khác gì quay mặt vào tường , gặp việc phải giải quyết là thấy khó . Vì thế duy trì việc dậy dỗ giáo hóa trải suốt 1656 năm qua đến nay chưa hề thay đổi . 
THÀNH ĐẠI LA : 
Thành Đại La là lũy đất bao quanh bốn phía ngoài Đô thành . Nay vùng đất toàn bộ huyện Hoàn Long đều là di chỉ cũ của thành Đại La .
Thành do Trương Bá Nghi , Đô hộ An Nam khởi công xây đắp vào năm Đại Lịch 2 ( 767 ) đời Đường . Sau các viên quan Đô hộ Triệu Xương , Trương Chu , Lý Nguyên Gia kế tiếp bồi đắp . Năm Hàm Thông 7 ( 866) nhà Đường , Cao Biền làm Đô hộ mới đắp to thêm , chu vi 1982 trượng 5 thước , thân thành cao 2 trượng 9 thước , chân thành rộng 2 trượng 5 thước , tường "con gái " cao 5 thước 5 tấc , có 55 lầu canh .
Năm Thuận Thiên 1 triều Lý 9 1010 ) , Lý Cao Tổ ngắm nhìn bản đồ mà nói rằng : '" Thành Đại La cũ của Cao Biền có thế rồng cuốn hổ ngồi " , bèn ra lệnh bồi đắp thêm và dời Đô tới đóng tại đó .
Tháng 11 năm Hồng Đức 21 ( 1490 ) đời Lê , lại đắp mở rộng thêm 8 dặm , bên trong làm vườn cây, nuôi thú . Tháng 8 ( năm sau ) hoàn thành .
Năm Quang Hưng 11 ( 1588 ) triều Lê , nhà Mạc ra lệnh cho dân ở 4 trấn đắp thêm 3 lớp lũy đất , bắt đầu từ phường Nhật Chiêu , qua Hồ Tây , Cầu Giấy đến Thanh Trì , áp sát phía Tây Bắc sông Nhị Hà . Thân lũy cao hơn Kinh thành 3 trượng , rộng 25 trượng , đào 3 lớp hào để phòng thủ .
Năm thứ 15 ( 1592 ) Trịnh Tùng đánh chiếm Đô thành , sai quân phá hủy vài nghìn trượng hào lũy .
Tháng 8 năm Cảnh Hưng 10 ( 1749 ) đời Lê , xem xét địa thế trong thành , sai dân ở các huyện ven thành ra sức bồi đắp thành đất , mở 8 cửa , mỗi cửa đặt 2 ô gác ở hai bên trái và phải , cắt lính canh giữ đề phòng lúc khẩn cấp .
Xét : Việc đắp thành Đại La bắt đầu từ năm Đại Lịch nhà Đường , tới nay đã 1135 năm . Lúc đầu do quan Đô hộ mở phủ , bởi lo sợ dân chúng sinh lòng chống đối , mới đắp thêm để phòng ngự bên ngoài tấn công vào . Thế rồi các triều đại kế tiếp nhau đóng Đô ở đó , dựa theo địa hình mà đắp thành để bảo vệ chốn Thần kinh . Nhưng đâu có biết đạo của bậc Đế Vương xưa nay , việc phòng thủ là ở các vùng lân cận xung quanh , chứ đâu chỉ khư khư giữ gìn trong vòng thành Đại La nhỏ bé . Nay đất nước thống nhất , bốn phía hào lũy san phẳng . Ngôi thành cao ngút tầng mây ngày xưa nay đã thành đường bằng lát đá . Điều đó chẳng đúng như câu nói : " Chớ có cậy vào thành trì mà cho là bền vững " đó sao ? 

CHIẾN LŨY NÚI ỐC : 
Núi Ốc ( Loa Sơn ) còn gọi là gò Đống Đa , là chiến lũy đóng quân của viên tướng Sầm Nghi Đống nước Thanh ngày trước . Các làng trong huyện ngày nay như Nam Đồng , Thái Hà , Thịnh Quang , Khương Thượng đều nằm trên di chỉ chốn ấy .
Năm Chiêu Thống thứ nhất triều Lê ( 1787 ) , Nguyễn Văn Huệ đánh chiếm Đô thành , Vua Lê Chiêu Thống chạy lên phủ Lạng Giang , Thái Hoàng Thái Hậu chạy lên Cao Bằng , qua Thủy Khẩu quan vào đất Long Châu . Quan châu ấy trình lên Tổng đốc Lưỡng Quảng rằng có Thái Hậu [ nước Nam ] tới yết kiến , kêu khóc xin cứu viện . Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị bèn tâu về triều rằng : Nhà Lê phải bỏ chạy , về nghĩa nên cứu viện . Vả lại An Nam nguyên đất cũ của Trung Quốc , sau khi khôi phục nhà Lê , sẽ để quân giữ lại bên đó , như thế là vừa bảo tồn được họ Lê , mà vừa chiếm được An Nam , thật là được cả đôi đường . Vua Càn Long nhà Thanh chấp nhận lời tâu . Tôn Sĩ Nghị vâng chiếu , điều động 20 vạn quân Lưỡng Quảng và Vân Nam , Quý Châu , sai Tổng binh Vân Nam , Quý Châu là Dương Hùng Nghiệp đem quân theo đường Tuyên Quang , Tri phủ Điền Châu là Sầm Nghi Đống đem quân đi đường Cao bằng . Sĩ Nghị cùng Đề đốc Hứa Thế Thanh đem quân đi đường ải Nam Quan , tất cả cùng tiến sang bằng con đường lớn , đi đến đâu thắng đến đấy . Ngày 21 tháng 11 quân Thanh đến trấn Kinh Bắc , bắn 9 phát pháo , đội ngũ nghiêm chỉnh tiến vào . Chiều tối đến bờ Bắc sông Nhị Hà , bắc cầu phao trên bến sông Bồ Đề , cho quân lính qua sông , đặt sở chỉ huy tại cung Tây Long bên bờ sông , chia đóng đồn trại từ các cửa Ô Đô thành đến Ngọc Hồi . Hứa Thế Thanh chỉ huy 4 cánh quân đóng đồn bốt rải rác . Quân của Sầm Nghi Đống đóng đồn ở núi Ốc , đặt pháo lớn bên trong , bên ngoài bí mật chôn địa lôi , phòng bị rất vững chắc .
Lại nói Tôn Sĩ Nghị sau khi chiếm được Đô thành sinh ra chủ quan khinh địch , dung túng cho quân sĩ vơ vét tiền của , hãm hiếp dân lành , không việc gì không làm . Bọn lái buôn nhà Thanh nhân đó tự do làm điều phi pháp , bị dân căm ghét .
Khi ấy Nguyễn Huệ đã về Thuận Hóa , nhận tin báo , lớn tiếng chửi quân Thanh chó má dám điên cuồng liều lĩnh như thế . Ngày 25 tháng 11 bèn lên ngôi Hoàng Đế , đặt niên hiệu là Quang Trung , rồi lập tức hạ lệnh khởi binh , tự đem lính của 4 doanh ở Thuận Quảng theo 2 đường Thủy bộ cùng tiến . Ra tới Nghệ An mộ thêm hơn 10 vạn quân , duyệt binh ở Trấn Doanh . Nguyễn Huệ cưỡi voi ra Trấn Doanh úy lạo quân sĩ , dụ rằng : " Quân Thanh sang xâm lược , hiện ở Thăng Long giết chóc muôn dân , vơ vét tiền của , các khanh có biết không ? Ta không nỡ ngồi yên nhìn quân giặc tàn bạo , nên dẫn quân ra đây đuổi chúng đi . Các khanh hãy cố gắng đồng tâm hiệp lực , chớ sinh lòng khác ý , giữ nghiêm quân luật " .
Ba quân nghe xong cùng tuyên thệ , rồi tức tốc tiến thẳng đến núi Tam Điệp . Nguyễn Huệ lệnh cho Đô đốc Bảo chỉ huy đội quân cánh phải , dẫn theo hơn 100 thớt voi khỏe đi tiên phong , hành quân xuyên qua huyện Chương Đức , cướp đường thẳng tiến tới xã Nhân Mục huyện Thanh Trì , đánh tạt vào Núi Ốc . Ky binh quân Thanh nghe tiếng voi gầm sợ hãi đạp lên nhau , bỏ mặc đồng bọn , cuống cuồng rút vào đồn cố thủ , giăng hàng rào chông sắt xung quanh , bắn pháo ra như mưa . Quân Tây Sơn dùng rơm rạ , kết thành từng bó đẩy đi trước , quân ẩn ở phía sau , người trước ngã , người sau tiến , quyết tử chiến . Quân Thanh chống cự không nổi bỏ chạy toán loạn , vấp phải ngòi nổ địa lôi do tự chúng ngầm chôn , khiến cho địa lôi phát hỏa nổ long trời lở đất , giặc chết la liệt không đếm xuể . Đề đốc Hứa Thế Thanh , Tiên phong Phương Sĩ Long , chỉ huy Hữu Dực Thượng Duy Thanh đều tử trận tại Thăng Long , Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử , quân thân cận thắt cổ chết theo tới vài trăm tên . Quân Tây Sơn thừa thắng thả sức chém giết . Tôn Sĩ Nghị nghe tin vỡ đồn Núi Ốc , quân đối phương đã vào đến được cửa ô , vội vàng cưỡi ngựa đem theo bọn lính thân cận qua cầu phao chạy về phía bắc . Quân lính các doanh trại khác cũng kinh hoàng tự tan vỡ , tranh nhau chạy qua cầu , cầu gãy , rơi xuống sông chết đuối , tắc cả dòng nước sông NHị . Từ đó đến nay đã 113 năm . Tương truyền mấy gò đất nhỏ Núi Ốc là nơi chôn cất hài cốt quân Thanh chết trận .
CHÙA ĐỒNG QUANG : 
Chùa tại địa giới hai trại Thịnh Quang , Nam Đồng trong huyện ( nay tại đường Sơn Tây - quận đống Đa - Hà Nội - Trước gò Đống Đa ) . Đất chùa là chiến trường xưa nơi giao chiến với đạo quân Điền Châu nhà Thanh . Hàng vạn quân Thanh chết ở nơi này , mồ khoanh san sát , gò nấm hoang vu , người đi qua cũng động lòng trắc ẩn .
Năm Thiệu Trị 7 ( 1874 ) Tổng đốc Hà Nội là Đặng Văn Hòa xin trích 15 mẫu đất công của 2 trại Thịnh Quang và Nam Đồng làm bãi tha ma , thu gom hài cốt rải rác trên đường , dưới ruộng , mang về chôn cất . Năm Tự Đức 4 ( 1851 ) Tri huyện Thọ Xương Phan Huy Khiêm dựng ngôi chùa để cúng các linh hồn , đặt tên chùa là chùa Đồng Quang , để ghi địa danh . Năm Đồng Khánh 2 ( 1887 ) Nhà nước cấp thêm cho một vạn tiền công quỹ , để di chuyển các ngôi mộ vô thừa nhận ở khắp trong Thành phố , đưa về chôn cất ở bãi tha ma này , và dựng thêm các gian chùa , khiến chùa trở nên khang trang , to rộng hơn trước nhiều .
Xét : Mồ mả phải có chỗ chôn , thờ cúng phải có chỗ lễ, đó là chủ ý muốn giữ gìn phong tục thuần hậu của Nhà nước . Vì thế , không kể tổn phí , quy tụ các hài cốt về đây . Xưa kia vùi lấp xó xỉnh , hoang vu thê thảm , nay tụ họp đầm ấm , người người tấp nập viếng thăm , thật là vừa là nơi phúc địa vừa là một vùng thắng cảnh vậy . 
LỜI BÀN CỦA DIENBATN : 
Rất nhiều lần , dienbatn đến chơi chùa này nghiên cứu và khá thân với Sư Thày THÍCH ĐÀM NỀN . Trong bài VÀI NÉT VỀ ĐỊA MẠCH HÀ TÂY ( VIETLYSO ) , dienbatn đã viết : " dienbatn xin được nói thêm một chút về núi Đồng Lư . Ngày trước,dienbatn có dịp cùng Sư thày Thích Đàm Nền (Trụ trì chùa Đồng Quang -15 phố Tây sơn -Phường Quang trung -Quận Đống đa -HÀ NỘI -Hơi xéo gọ̀ Đống đa ) là người được tiếp nhận di sản của chùa CAO SƠN TỰ trên núi Đồng Lư.Cùng đi có Cao nhân họ Phạm là người viết bài này,cùng lên đỉnh của ngọn núi Đồng Lư , tìmlại Long mạch và hướng xây lại CAO SƠN TỰ.
CAO SƠN TỰ là một ngôi chùa có từ vài trăm năm trước,tọa lạc tại đỉnh của núi Đồng Lư.Chùa có ba cấp,chùa Thượng,chùa Trung và chùa Hạ,trải dần từ đỉnh núi xuống chân núi Đồng Lư.Mặc dù CAO SƠN TỰ được tọa ở một địa thế rất đẹp về mặt Phong thủy như đă phân tích ở phần trên,nhưng trong khoảng vài chục năm gần đây,CAO SƠN TỰ phải trải qua rất nhiều thăng trầm.Trong kháng chiến chống Pháp,CAO SƠN TỰ đă một lần biến thành b́ình địa và trở thành một cao điểm của Pháp.Tới ḥa bình lập lại,CAO SƠN TỰ lại được xây dựng lại,sau đó trong chiến tranh,CAO SƠN TỰ lại một lần nữa biến thành đống gạch vụn,với chi chít giao thông hào,ụ pháo cao xạ.Hiện nay trên đỉnh núi chỉ c̣òn lại đống gạch vụn với các đường giao thông hào chạy quanh và chỉ còn có hai chiếc tháp cổ đứng chơ vơ cùng Tuế nguyệt.Theo tôi biết,Sư thầy THÍCH ĐÀM NỀN đang cố gắng tìm cách xây dựng lại mái chùa xưa.Hiện nay , dòng khí của Long mạch dăy núi Đồng lư vẫn c̣òn rất mạnh,chúng tôi có dịp thẩm định điều này khi mấy Thầy trò cùng đi khắp dẫy núi để tìm lại hướng đi của Long mạch.Tại gần vị trí Huyệt kết,chúng tôi đă tìm lại được hướng và di tích của CAO SƠN TỰ thủa ban đầu.Qua thực tế này,chúng tôi thấy sở học của những người làm chùa ngày xưa thật là vi diệu,chỉ tiếc rằng khi bắt tay vào xây dựng CAO SƠN TỰ,người xưa không có sự trấn yểm đúng mức,làm cho chùa hai lần phải trải qua những cuộc bể dâu và giờ này chỉ c̣n là một phế tích.
Người xưa có câu :Một ngọn núi nhô lên đơn độc gần một ngôi làng nào đó,thấy cảnh vật xung quanh xinh đẹp,trên núi xuất hiện nhiều kỳ hoa dị thảo thì phải biết đó là Long,phải biết phân biệt đầu,đuôi Can,Chi,Triền,Giáp,Hộ vệ sơn chạy đến đâu.Đối chiếu xem vì sao nào chủ chiếu cuộc đất này,xem cuộc thế nhỏ ,lớn,tốt xấu ra sao.Sau cùng quan sát tính tình ăn ở của dân địa phương nơi đây,thì ta mới nhận biết được Chân Long hay Giả Long.Kinh Thư có viết :"Tinh tú ở trên trời và Địa thế ở dưới đất luôn hỗ tương với nhau,Phong thủy Bảo địa tự nhiên sẽ thành...Dương đức sẽ h́nh thành từ hình thể của ta và Âm đức sẽ hình thành từ vị trí ăn ,ở,cư xử Thiện hạnh của ta ".Khi các bạn có dịp tiếp xúc với dân địa phương,tự nhiên các bạn có một sự yên bình,nhẹ nhõm.Lần ra Bắc vừa rồi,dienbatn có dịp tiếp xúc với người địa phương và quả thật có học hỏi được rất nhiều điều trong cuộc sống b́ình yên của họ.Tại nơi chân núi Đồng Lư này,một quang cảnh làng quê tuyệt đẹp,đến say ḷòng người ;Một vùng quê c̣òn bảo tồn rất nhiều phong tục Văn hóa cổ mà ngày nay thật là khó kiếm trên đất Việt.Cây đa,bến nước,sân đình,cái cổng làng cũ kỹ rêu phong,cái cầu ao bằng gạch,cái cối đá thủng dùng để đập lúa nằm tại sân đình....Tất cả những cái đó còn nguyên vẹn trong con mắt của những người xa sứ,và trở thành những kỷ niệm ,h́ình ảnh nhớ đến quay quắt trong những ngày đêm tha phương cầu thực ,khó ngủ.
Hiện nay,vì nhiều lý do,Long mạch này ngày càng bị tàn phá,làm cho Sinh khí của cả một vùng đất cứ ngày càng giảm dần.Thậm chí hiện nay,người ta còn ngang nhiên chiếm đất của CAO SƠN TỰ để trồng khoai,sắn,mãng cầu...
Giá trị trồng trọt của cả ngọn núi này thực không đáng kể,trong khi đó một vùng Địa linh thì cứ bị tàn phá từng ngày.Người viết bài này khẩn cầu các nhà chức trách địa phương hãy trả lại đất cho CAO SƠN TỰ và tạo mọi điều kiện để sư thầy THÍCH ĐÀM NỀN có thể khôi phục lại chùa này.Khi CAO SƠN TỰ được xây dựng lại,về Phong thủy thì bảo tồn được Khí mạch của núi sông,về kinh tế,du lịch thì địa phương có thêm một điểm tham quan,du lịch vô cùng hấp dẫn.
Trong bài viết này,dienbatn cũng rất mong các bạn trên diễn đàn,bằng khả năng của mình giúp đỡ,hỗ trợ sư thầy THÍCH ĐÀM NỀN khôi phục lại CAO SƠN TỰ -Một thắng cảnh đẹp đến say lòng người.Các bạn có thể liên hệ với sư thầy theo địa chỉ :Sư thầy THÍCH ĐÀM NỀN -15 phố Tây sơn -Phường Quang trung -Quận Đống đa -Hà nội .Tel :04.8572888.
dienbatn xin cảm ơn các bạn đã quan tâm.
dienbatn. " 
Như vậy ta thấy rằng , xung quanh khu vực chùa Đồng Quang ngày nay là một bãi tha ma ngày xưa rất lớn . Hàng vạn xác chết của ta , của Tàu đều được quy tụ về đây . Hiện nay , đất chật người đông , người ta lấy đất bãi tha ma làm nhà ở , lấn chiếm cả đất chùa Đồng Quang cất nhà ,người và ma ở lẫn lộn . dienbatn đã theo dõi vài căn nhà xây dựng trong khu vực này , đều phát hiện tại nền nhà có xương cốt và vong tồn tại . dienbatn .


THĂNG LONG CỔ TÍCH KHẢO TỊNH HỘI ĐỒ - ĐẶNG XUÂN KHANH.

Sách do cụ Mai Phong ĐẶNG XUÂN KHANH soạn xong ngày 12 tháng 2 năm 1956 tại Học viện Viễn Đông bác cổ . Sách độc bản chép tay bằng bút sắt mực xanh , dày 87 trang khổ 14x21,5. Ký hiệu VHv.1471 . Chúng tôi xin trích một số đoạn có liên quan tới vị trí của THĂNG LONG THÀNH .
THĂNG LONG CỔ TÍCH KHẢO ..

Thành Thăng Long thời Hùng Vương là quận Giao Chỉ , đời Tần thuộc Tượng Quận , Hán là Long Uyên . Vũ Đế mở ra 9 quận , đặt quan thú , mục , đóng sở lỵ tại đó , Lưỡng Quảng đều đến triều phục ( Tức tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây Trung Quốc ngày nay ) . Năm Kiến An ( 196 - 220 ) lập làm Giao Châu , có Giao Long quấn quanh ở bến phía Tây Bắc nên đổi là Long Biên . Đời Tùy lại đặt quận trị Giao Chỉ , đời Đường làm An Nam Đô Hộ Phủ . [ Thành ] được quan đô hộ Trương Bá Nghi đắp , Tiệu Xương , Trương Chu nối nhau đắp thêm . Niên hiệu Trường Khánh 4 ( 825 ) Lý Nguyên Gia cho rằng đô phủ thành có dòng nước chảy ngược , sợ người trong châu nhiều kẻ sinh ý phản loạn bèn dời phủ trị về sông Tô Lịch . Hồi đầu chỉ xây thành nhỏ . Đến niên hiệu Đại Trung ( 847 -860 ) , Vương Thức đến phủ , trồng tre lệ làm rào , phía ngoài trồng tre gai , gọi là Trúc Thành . Năm Hàm Thông 4 ( 864 ) Cao Biền sang làm Tiết độ xứ , chiếm phủ trị xưng Vương , đắp thêm thành .
Chu vi thành 1982 trượng 5 thước , có 55 lầu canh gọi là Vọng địch lâu , 34 cổng hình ống kèm rãnh nước và đường ba bậc , con đê dài 2125 trượng . Gọi chung tất cả là La Thành . Phần bên ngoài là thành Đại La , chu vi 7768 tầm . Thành mở 21 cửa ô , tức thuộc địa phận huyện Vĩnh Xương nay đổi là Thọ Xương và huyện Quảng Đức ngày nay đổi là Vĩnh Thuận . Đời Đinh Tiên Hoàng đặt làm đạo , đời Lê Đại hành làm lộ , đến đời Vua Lý Thái Tổ , năm Thuận Thiên thứ nhất ( 1010 ) từ thành Hoa Lư dời về đây . Có Rồng vàng hiện trước thuyền ngự , nhân đó đổi tên là Thành Thăng Long ( 昇龍 ) , đặt phủ Ứng Thiên , dựng King đô , xây cung điện , xây dựng Hoàng Thành có 4 cửa : Phía Đông là cửa Tường Phù , phía Tây là cửa Diệu Đức , phía Nam là cửa Đại Hưng , phía Bắc là cửa Quảng Phúc . Năm Thiên Thành thứ 2 ( 1029 ) lại đắp tường đất bao quanh bốn phía , vòng quanh một lớp gọi là Phượng Thành . Đầu đời Trần vẫn giữ nguyên như thế . Đến năm Thiệu Bảo ( 1279 - 1284 ) đổi làm Trung Kinh , mới đặt 61 bạn phường ở tả hữu kinh thành , đặt ty Bình bạc ( là cơ quan hành chính và tư pháp ở kinh đô Thăng Long ) , La Thành môn tứ ủy , Phượng Thành tứ sương , quan quân thay nhau canh giữ . Nội thành gọi là Thành Long Phượng . Đời Hồ gọi là Đông Đô , thời Minh gọi là thành Đông Quan , Lê Thái Tổ gọi là Đông Kinh , cũng gọi là Đông Đô , vì lấy Thanh Hoá làm Tây Đô nên gọi Thăng Long là Đông Đô . Lê Thánh Tông , đầu năm Quang Thuận mới xây thành Đại La , lại nhân chế độ thời Lý , Trần mà đắp rộng Hoàng Thành , mở rộng thên 8 dặm . 
Xét : Trong năm Quang Thuận đặt chế độ quan chức , thấy có 4 lang tướng là Đông tả , Tây thái , Bắc hậu , Nam tiền và 6 vệ uý coi cổng thành là Bắc Thần , Nam Hoa , Thiên Hựu , Đại Hưng , Bảo Khánh , Yên Đức , có lẽ đó là chế độ canh gác cổng thành hồi ấy .
Lại đặt ra 13 Thừa tuyên , phủ Phụng Thiên đặt ở Trung Đô đặt chức Phủ Doãn ; hai huyện Vĩnh Xương và Quảng Đức đặt Huyện úy , mội huyện có 8 phường . Đến đời Vua Tương Dực lại đắp thành bao sông Tô Lịch , năm sau lại đắp bao quán Trấn Vũ , phường Thiên Hoa , Kim Cổ làm thành , rộng nghìn trượng . Xây Hoàng Thành từ mé Đông đến mé Tây Bắc , cắt ngang sông Tô Lịch , phía dưới đào hào đất dẫn nước vào để thuyền nhẹ đi lại . Niên hiệu Đoan Thái nhà Mạc ( 1586 - 1587 ) lại tiến hành công việc bồi đắp thành , vài năm mới xong , tu sửa lớp thành ngoài , sửa sang các con đường , sai dân binh tứ trấn đắp thêm thành Đại La , bên ngoài 3 lớp lũy , bắt đầu từ Nhật Chiêu , Tây Hồ , qua Cầu Dừa đến Cầu Dền , huyện Thanh Trì , thông đến phía Tây bắc sông Nhị Hà , cao hơn Long Thành vài trượng , rông 25 trượng . Đời Lê Thế Tông năm thứ 15 , Mạc Hậu Hợp phải bỏ thành mà đi , Chúa Trịnh sai san phẳng lũy đất mấy chục trượng , phá rào tre , lấp hào lũy mở thành đất bằng , đào thành 3 lớp rãnh cho trồng cây , kéo dài mấy chục dặm để bao bên ngoài thành . Đến năm Kỷ Tỵ ( 1749 ) đời Cảnh Hưng , cho rằng Kinh Sư vốn là vùng đất căn bản , bá quan , lục quân đều đóng ở đấy , thế mà bốn phía hở thông thống chẳng có thành lũy gì che chắn , bèn ra lệnh cho các huyện ven Kinh kỳ khởi công đắp thành , mở ra 8 cổng và các cửa ô tả hữu rồi chia quân lính tới túc trực canh giữ ( ngày nay thành ấy chỉ còn lại di chỉ dài 7762 tầm với 21 cửa ô ) .
Cuối đời Lê thành lở đổ , chỉ còn lại cửa Đại Hưng ở phía Nam , cửa Đông Hoa ở phía Đông mà thôi .
Triều Tây Sơn gọi là Bắc Thành .
Đầu đời Gia Long đóng đô ở Thuận Hóa , nơi này đặt làm đại trấn thành , đặt chức quan Tổng trấn để cai quản , có 13 trấn lệ thuộc . Năm Ất Sửu [ Gia Long ] 4 ( 1805 ) tu sửa thành , tăng thêm quy củ , lại đổi chữ Long 龍 thành chữ 隆 Long là lấy ý nghĩa thăng bình , thịnh vượng . Thành chu vi 1958 tầm , 2 thước, 5 tấc , xây bằng gạch , gọi là Thành ngoài hào sâu , mở 5 cửa : cửa Đông , cửa Tây , cửa Nam , cửa Bắc , cửa Đông Nam , cửa tây Nam . Thềm giữa làm kiểu trên tròn dưới vuông , trên đặt lầu quân , ngoài thành xây thành góc . Phía ngoài cửa Đông nam xây đoạn thành thấp để che chắn cổng , đều dùng gạch đá , rất hoành tráng . Trong dựng ngôi nhà gọi là Toà Hiệp Nghị , đặt thành 6 phòng , coi giữ việc văn thư và trạm phát . Ngày 27 hàng tháng , dân có việc đến phòng đó mà kêu . Ngoài thành đặt nhà trạm ( đình Quảng Văn , nơi yết bảng người đỗ tiến sĩ thời Lê hồi trước ) , là nơi niêm yết các chiếu thư . Góc cửa Bắc đặt kho chứa lương . Trong thành nội có núi Nùng , dựng Hoàng cung , chính điện tòa , tả hữu vu 6 gian , xung quanh xây bao tường gạch , mở 5 cửa nách để thông với nội đình , đặt bậc thềm tam cấp và lối đi . gặp ngày đại lễ hay những ngày đầu tháng , ngày rằm , quan trong thành mặc phẩm phục cung kính làm lễ vọng bái . Phía ngoài thông với cửa Đoan Môn , trên cổng đề hai chữ " Đoan Môn " . Ở đó có dựng một tấm bia , nội dung nói về đình , được làm sau khi tu đắp thành .
Năm Nhâm Thân ( 1812 ) xây bệ nền Kỳ đài bằng gạch , cao ngang mặt thành , trên dựng cột cờ cao 75 thước . Gặp ngày đại lễ cùng ngày sóc , vọng thì treo lá cờ lớn hình vuông màu đỏ trên đó làm Quốc Huy .
Thân thành dài 432 trượng 6 tấc , rộng 4 trượng 6 thước 2 tấc , bên ngoài cao 1 trượng 1 thước 2 tấc ; rộng 6 thước ; bên ngoài xây gạch cao 1 trượng 1 thước . Cổng thành tổng cộng 260 trượng 6 thước , rộng 2 trượng 8 thước 8 tấc , bên ngoài cao 7 thước 9 tấc , bên trong cao 4 thước 2 tấc . Phần thành tổng cộng dài 47 thước , rộng 7 thước , bên ngoài xây gạch cao 7 thước 9 tấc . Hào ở 4 mặt dài 1290 trượng 1 thước 3 tấcb , sâu 6 thước . Hào ở từng cửa dài 230 trượng 7 thước 5 tấc , sâu 6 thước , rộng 7 trượng 9 thước .
Năm Minh Mệnh 13 ( 1832 ) đổi làm Tỉnh Hà Nội .
THÀNH TRÌ : 
Triều Lý gọi là thành Thăng Long , cửa Đại Hưng của thành tức là đình Quảng Minh ngày nay ; Cửa Đông Hoa nguyên là Đông Trường , tức là cầu Đông Thị ngày nay ; Cửa Quảng Đức nay là đường thành cổ Giảng Võ . Cửa Diệu Đức đã bị lở chìm xuống sông .
Thành Thăng Long lập từ năm Thuận Thiên thứ nhất đời Lý ( 1010 ) , đến năm Gia Long 2 ( 1803 ) sửa chữa , gồm 794 năm . Thành đó lấy núi Yên Tử làm Tả Thanh Long , núi Tản Viên làm hữu Bạch Hổ , sông Phú Lương ôm vòng tả hữu , là nơi thắng địa của thiên nhiên .
Xét : Xét hình thế LOng Biên , là một thắng địa của nước Đại Nam . Thành Long Biên hùng vĩ nhất , có Tam Giang dẫn mạch phía sau , Song Ngư dựng đỉnh trước mặt , Núi Tản trấn ngôi Càn , Tam Đảo giữ cung Cấn , muôn ngọn chầu về như Bạch Hổ , vạn dòng quấn tựa Thanh Long , bên ngoài thế vô cùng lâu dài , bên trong khí thiêng đúc kết , sông Tô vòng phía sau bên phải , Núi Nùng nằm chính giữa ; Các sao đều hướng tới , muôn nhánh cùng chầu về ; Vua yên ổn trên ngôi vị , muôn năm cơ đồ thịnh vượng ; mong cho được bền vững , sánh cùng Trung Hoa , thực là một thắng địa của Việt Nam .

CÁC CỬA Ô NGOẠI THÀNH THĂNG LONG .

Nguyên trước có 21 cửa ô , nay chỉ còn 17 .
Chu vi thành Đại La dài 7376 tầm 2 thước 5 tấc , 17 cửa ô đặt ở đó . Cửa ô Kim Hoa ở chính Nam , cửa rộng 2 tầm 2 thước , cách 810 tầm 2 thước đến cửa ô Thịnh Quang , tục gọi là Chợ Dừa , trong cửa rộng 2 tầm , lại cách 1343 tầm đến cửa ô châu vạn bảo , tục gọi là ô Cầu Giấy , trong cửa rộng 2 tầm , lại cách 814 tầm 1 thước đến cửa ô Tây Hồ , tục gọi là Ô Quan Thánh , trong cửa rộng 2 tầm , cách 512 tầm 2 thước đến cửa ô Yên Hoa , tục gọi là ô Yên Phụ , trong cửa rộng 2 tầm 3 thước , cách 335 tầm 2 thước 3 tấc đến cửa ô Yên Tĩnh tục gọi là Tân Khai , trong cửa rộng 2 tầm 3 tấc , cách 209 tầm 3 thước đến cửa ô Thạch Khối tục gọi là ô Hàng Than , trong cửa rộng 1 tầm , Cách 215 tầm 6 tấc đến cửa ô Phúc Lâm , tục gọi là ô Hàng Đậu , trong cửa rộng 1 tầm 3 thước , cách 98 tầm 1 thước 6 tấc , đến cửa ô Nguyên Khiết , tục gọi là ô Hàng Khoai , trong cửa rộng rộng 1tầm 3 thước 6 tấc , cách 137 tầm 4 thước đến cửa ô Đông Hà , tục gọi là ô Đông Hà , trong cửa rộng 1 tầm 4 thước , đến cửa ô Trừng Thanh tục gọi là ô Hàng Mắm , trong cửa rộng 1 tầm 4 thước , cách 221 tầm 4 tấc đến cửa ô Đông Yên , tục gọi là ô Hàng Cau , trong cửa rộng 1 tầm 3 thước 4 tấc , cách 164 tầm 1 thước 8 tấc đến ô Trung Liệt , tục gọi là ô Ông Tượng , trong cửa rộng 1 tầm 4 thước 8 tấc , cách 274 tầm 2 thước d8ến ô Tây Luông , tục gọi là ô Tây Luông , trong cửa rộng 2 tầm 2 thước , cách 380 tầm 4 thước 4 tấc đến cửa ô Nhân Hòa , tục gọi là ô Hàng Dê , trong cửa rộng 1 tầm 4 thước 8 tấc , cách 551 tầm 2 thước đến cửa ô Yên Thọ , tục gọi là ô Cầu Dền , trong cửa rộng 2 tầm 2 thước , cách 535 tầm 3 thước đến cửa ô Kim Hoa tục gọi là ô Đồng Lầm .

MÔT SỐ TƯ LIỆU  DIENBATN ĐÃ THAM KHẢO .



( Xin xem tiếp bài 11) - dienbatn.

Bài viết liên quan tại chuyên mục:CÁC BÀI NGHIÊN CỨU

Không có nhận xét nào:

Đặt mua Website này: 100.000 Vnđ - Liên hệ: Click here