Nội dung tiêu đề 2

Phần viết nội dung tiêu đề 2

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

ĐI TÌM THĂNG LONG THÀNH . BÀI 2.

ĐI TÌM THĂNG LONG THÀNH . BÀI 2.
Kết quả bước đầu khai quật khảo cổ học (Phần 2)

Số lượng di vật đã tìm được (bao gồm mảnh vỡ, đồ vật còn nguyên hay những đồ vật vỡ mảnh nhưng có thể phục chế được) có thể ước tính tới đơn vị hàng triệu, trong đó chiếm số lượng lớn là gạch, ngói và đồ gốm. Mỗi thời kỳ, di vật đều có những đặc trưng rất riêng biệt.
Đồ gốm men thời Đại La .


Sư tử gốm men xanh thời Đại La .


Khoảng thế kỷ V-VI, có các viên gạch màu đỏ xám, rìa cạnh in hoa văn hình ô trám lớn. Đồ gốm có một số vài bát gốm men màu xanh có các dấu kê lớn trong lòng bát. Tuy nhiên các di vật này không nằm thành các tầng văn hóa riêng mà thường xuất hiện lẫn trong các lớp văn hóa thế kỷ VII - IX.
Ấm sành trang trí văn thường thời Đinh- Tiền Lê, cao 14,5 cm .


Vỏ sành vai có 4 quai, trang trí khắc chìm văn sóng nước, thời Đinh - Tiền Lê .


Gạch vuông trang trí hoa cúc dây, thời Lý .


Khoảng thế kỷ VII-IX, gạch ngói rất nhiều. Gạch thời này được đặc trưng bởi các loại gạch có ba chữ ''Giang Tây quân'' màu xám, có viên in chữ ''Giang Tây chuyên''. Thỉnh thoảng có viên màu đỏ. Đáng lưu ý là có những viên gạch lát hình vuông, trên mặt gạch in nổi hình con cá sấu đang bơi trong làn sóng nước. Đầu ngói được trang trí khá đa dạng: mặt linh thú, mặt hề, hoa sen, hoa thị. Có các hình mặt thú miệng há rộng nhe nanh nhọn, dáng vẻ dữ dội. Đồ gốm thời này tiêu biểu là các loại vò gốm men 6 núm, các ấm gốm men ngọc thân cao. Cũng tìm thấy tượng một con sư tử kích thước nhỏ, tráng men ngọc.
Ngói úp nóc lớn hình lá đề trang trí chim phượng, thời Lý, rộng: 72cm; cao: 78cm .


Gạch "Lý gia đệ tam đế Long Thuỵ Thái Bình tứ niên tạo" (1057).


Thế kỷ X, đã tìm thấy một số loại gạch ngói. Tiêu biểu nhất là viên gạch bìa màu đỏ, mặt gạch in chữ ''Đại Việt quốc quân thành chuyên'' (gạch xây quân thành của nước Đại Việt). Đây vốn là loại gạch rất phổ biến trong các kiến trúc thời Đinh - Lê ở Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình). Cũng đã tìm thấy loại ngói bò nóc, trên lưng ngói có gắn tượng uyên ương có dáng vóc chắc khoẻ. Ngoài ra là một hệ thống các đồ sành, có hoặc không có trang trí hình sóng nước, các loại nồi, ấm miệng loe, đáy tròn có trang trí văn thừng truyền thống từ thời Văn hóa Đông Sơn.
Đầu ngói ống trang trí hoa sen, hoa cúc, thời Lý, ĐK: 17,5cm, 17cm .


Đầu ngói ống trang trí văn đồng tiền, thời Lý, Đk: 16cm; 16cm

Đầu thú linh, thời Trần, rộng: 16,5cm; cao 17,5cm .


Sang thời Lý (thế kỷ XI -XII), các loại gạch ngói phát triển phong phú hơn bao giờ hết. Gạch gồm có gạch bìa, gạch hình chữ nhật và gạch vuông. Đáng chú ý đã tìm thấy loại gạch xây hình chữ nhật (38cm x 23cm x 5,6cm) và gạch gần vuông loại nhỏ (26,5cm x 23,5cm), mặt gạch có in nổi hàng chữ ''Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo'' (chế tạo năm Long Thụy Thái Bình thứ tư (1057) đời vua thứ ba nhà Lý (vua Lý Thánh Tông). Có một số loại gạch vuông lát nền được trang trí hoa sen, hoa cúc với đường nét tinh mỹ.
Ngói lợp gồm ngói bò úp nóc, ngói ống, ngói âm, ngói mũi sen. Trên một số vị trí, đầu ngói và lưng ngói được trang trí hoặc gắn thêm các hình ''lá đề'' có trang trí, có hình rồng, phượng, hoa sen, hoa cúc... với hàng chục biến thể khác nhau. Rất nhiều các tượng đầu rồng, đầu phượng cũng đã được tìm thấy. Ngoài ra, trong thời Lý còn tìm thấy các di vật thành bậc, cối cửa, chân tảng đá có chạm hình rồng, phượng, hoa lá.
Tượng đầu chim phượng, thời Trần .


Uyên ương trang trí trên ngói úp nóc, thời Lý, dài: 24cm; rộng: 17cm; cao: 30cm .


Rồng trang trí trên ngói úp nóc, thời Lý, cao: 44cm .


Đồ gốm men thời Lý khá phong phú. Có gốm men ngọc, men trắng, men lục, men vàng và hoa nâu với màu men sắc sảo, hoa văn trang trí đẹp chứng tỏ việc sản xuất gốm Lý đạt trình độ rất cao. Loại hình có bát, đĩa, ấm, chậu, mô hình tháp, hộp...

Nghệ thuật Trần tiếp nối và phát triển từ nền nghệ thuật Lý. Vậy nên, các di vật thời Trần một mặt tiếp tục truyền thống Lý, nhưng mặt khác càng ngày càng biến đổi mạnh mẽ. Điều này có thể nhận thấy qua số lượng lớn và phong phú các loại hình vật liệu trang trí kiến trúc tìm thấy tại các hố khai quật, như đầu tượng rồng, tượng đầu chim phượng, đầu ngói ống có gắn lá đề hay những lá đề lệch trang trí rồng hoặc những viên gạch lát hình vuông trang trí văn in hoa cúc, hoa mẫu đơn... Loại gạch, ngói đặc trưng riêng của thời Trần là loại gạch xây có in nổi chữ ''Vĩnh Ninh trường'' và loại ngói mũi sen có đầu mũi hớt cao hoặc mũi vát cạnh hình tam giác.
Ngói ống thời Trần, gắn lá đề trang trí hai con rồng, dài:47;cao: 42cm .

Đầu ngói ống trang trí rồng, thời Mạc, ĐK: 15,3cm


Rồng trang trí trên ngói úp nóc tráng men xanh lục, thời Trần, cao: 32; rộng: 32cm


Lá đề gắn trên ngói ống trang trí văn dây cuốn, thời Trần, rộng: 23; cao: 24,5cm


Rồng trang trí trên ngói úp nóc, thời Trần, dài 34cm; rộng: 17cm



Đồ gốm Trần nhiều và đa dạng hơn gốm Lý. Xuất hiện gốm trang trí hoa lam và hoa văn màu nâu sắt. Tuy nhiên, trang trí gốm thời Trần ngày càng đơn giản hơn trang trí gốm thời Lý. Thời Hậu Lê có thời gian dài. Về mặt di vật có thể chia thành các giai đoạn nhỏ hơn: thời Lê Sơ, thời Lê - Mạc, thời Lê Trung Hưng. Thời Lê Sơ, di vật đặc trưng là các loại gạch vồ và ngói âm dương kích thước lớn, các đồ gốm hoa lam và gốm trắng mỏng cao cấp.

Thời Lê - Mạc xuất hiện đầu ngói ống có chạm rồng. Hình rồng nên ngói thời Lê - Mạc gần giống với hình rồng trên chân đèn gốm hoặc thời Mạc. Trên đồ gốm, các hình rồng được vẽ rất đơn giản, không tỉa tót và trau chuốt như thời Lê Sơ.

Cả thời Lê - Mạc và thời Lê Trung Hưng đều sử dụng loại gạch vồ có kích thước trung bình và nhỏ... Bên cạnh đó, thời kỳ này cũng tìm được nhiều loại ngói ống, ngói âm dương, ngói mũi sen, nhất là những tượng ''con sấu'' trang trí trên bờ dải của mái kiến trúc. Đồ gốm thời Lê Trung Hưng cũng rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, về chất lượng kiểu dáng và hoa văn trang trí của đồ gốm men thời này nói chung không đẹp bằng các thời kỳ trước nữa. Ngoài các loại di vật phổ biến trên còn có một số loại di vật khác như: đồ kim loại (súng thần công, kiếm, dao, mũi tên, tiền đồng...), gốm Trung Quốc (từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIX), gốm lslam, gốm Nhật Bản (nửa cuối thế kỷ XVII).

Tống Trung Tín

( Xin xem tiếp bài 3 ) - dienbatn.

Bài viết liên quan tại chuyên mục:CÁC BÀI NGHIÊN CỨU

Không có nhận xét nào:

Đặt mua Website này: 100.000 Vnđ - Liên hệ: Click here