BÀI VIẾT MỚI CỦA KTS. PHẠM VŨ HỘI .
Thân gửi ông Bùi Quốc Hùng- Bút danh DIENBATN
Trung Tâm Nghiên cứu lý học Đông Phương
Bài viết để đăng tìm về nghiệm lý Sấm Ký Trạng Trình.Hướng về quê Trạng
(Nhân việc lập dự án Quy Hoạch quê hương Trạng Trình 2000-2001 bài viết cho Tạp Chí Cửa Biển HP)
----------------------------------------------------------------
Kiến Trúc Sư Phạm Vũ Hội- Chủ trì dự án
Năm 1985 kỷ niệm 400 năm ngày mất của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, người dân Việt Nam được biết thêm câu thơ : "Bao giờ Tiên Lãng chia đôi - Sông Hàn nối lại thì tôi lại về...". Đó qủa là điều kỳ diệu - Kỳ diệu không phải chỉ ở lời và ý mà thực tế, kỳ diệu ở cái nghĩa đen - Một cầu phao sông Hàn được nối lại để dẫn khách về, một con sông đào được khơi thông... Đôi lần tôi cùng bạn bè trong Hội văn học nghệ thuật về thắp hương đền Trạng, nhìn dòng sông Hàn mà bâng khuâng... Người xưa đã về đó chăng? Những cuộc hội thảo, một vài bài báo đã giới thiệu về Sấm ký; rồi trong hiệu sách có quyển Giai thoại và Sấm ký Trạng Trình (Phạm Đan Quế- sưu tầm biên soạn - NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 1994), tuy chưa đầy đủ, nhiều chỗ còn chấm lửng... nhưng lạ và thích thú như đọc Tam quốc chí, Tây du ký vậy. Bởi hồi nhỏ tôi vốn được nghe các cụ nói về Sấm ký, kí ức vẫn nhớ được đôi câu. Có một thời Sấm ký vắng bóng; dạo cải cách 1955-1956, tôi chứng kiến hàng đống sách chữ Tây, chữ Tàu bị đốt ở cửa Điếm Bến quê tôi, người lớn bo nó là văn hoá Phong Kiến Đế Quốc; thật tội lỗi, có cả những cuốn gia phả, bây giờ chúng tôi phải tìm hiểu lại. Trẻ con chúng tôi cuỗm một vài cuốn giấy bản để phất diều, bố tôi còn giằng lại trộ: cán bộ nó biết thì chết đấy con ạ! chắc mẩm bị liệt vào loại sách mê tín dị đoan.
Thế rồi năm 2000 nhân dịp lập dự án đầu tư xây dựng quê hương Trạng tôi có dịp cùng các anh phụ trách xã Lý Học (quê nội), xã Kiến Thiết (quê ngoại) và các cụ già đi thực địa... lại được nghe thêm nhiều giai thoại. Quê nội quê ngoại Trạng Trình chỉ cách nhau con sông Hàn - còn gọi là sông Tuyết, qua lại tại bến đò Tăng Thịnh. Bờ đê cũ năm nào còn đó... còn bờ đê nay do đổi dòng đã lấn sang phía làng Am xấp xỉ hàng kilômét... bởi thế càng có lý khi nhớ đến câu: "Hà thời thạch mã độ giang - Thử thời Vĩnh Lại nghênh ngang công hầu- 何 時 石 馬 渡 江 此 時 永 吏 迎 昂 公 侯 " Vậy thì ngựa đá hẳn còn bị thời gian vùi lấp đâu đó... Từng địa danh vẫn như vang mãi: Bạch Vân Am (đền Trạng), quán Trung Tân, chùa Song Mai, Bút Kình Thiên, Nghiên Long Đồ, bãi Lý Ngư Quần Ngọc, khu Dương Phần nằm trên thế đất hình nhân bái tướng có 5 lá cờ thần ... Nơi quê ngoại có khu Mả Nghè nổi tiếng rộng khoảng 5.000 m2 mấy trăm năm rồi mà chỉ có 3 ngôi mộ nằm giữa khu đất. Đó là mộ chí hai cụ Nhữ Văn Lan và con gái là bà Nhữ Thị Thục - mẹ Đức Trạng Trình; các vùng lân cận có chùa Thiên Hưng, đền Thạch Khánh, cầu Trường Xuân, xuôi về phía biển có chùa Thái Bình... Mỗi nơi phong cách như đều đọng lại với lòng dân về những dấu tích bước chân của một danh nhân văn hoá kỳ vĩ và đầy ắp huyền thoại.
Tôi đã đề xuất một dự án đầu tư xây dựng liên hoàn bao gồm cả quê nội - quê ngoại Trạng Trình, dựa vào 3 nguyên tắc chỉ đạo quy hoạch: Một là gìn giữ trung thực phong cách truyền thống kiến trúc đồng bằng Bắc Bộ. Hai là xây dựng mà không "đô thị hoá". Ba là giữ nguyên chân long... tức là vỉa gạch các đường thôn ngõ xóm theo lối truyền thống; tu tạo các cồn tre bụi cây rặng nhãn, khóm trúc; lập các tam quan tứ trụ, cây đa giếng nước; tượng đài có mái che, bình phong hoa văn tùng bách; có hồ Thái Nhâm, Thái Ât; sân dạo lát gạch bát tràng... Nhưng rồi dự án mà tôi đề xuất chỉ thực hiện một phần bên quê nội mà ba nguyên tắc đặt ra đều chẳng được tôn trọng gì - Lẽ ra chỉ đầu tư chiều sâu tinh tế vào khu Am (đền Trạng) thì ở đây người ta đã mở ra một khu quy hoạch rộng, áp dụng hệ thống giao thông bàn cờ; lại thêm những cột điện bê tông, đèn xoè hình lá chuối. Một số rặng cây bị chặt quang làm đường dạo lát gạch lá dừa - Thật chẳng khác gì một công viên trong đô thị hiện đại. ấy là chưa nói đến việc đào hồ lớn,ảnh hưởng đến chân long - Một yếu tố phong thuỷ đang gắng được gìn giữ trong các yếu tố nhân văn truyền thống!
Đô thị hoá một di tích nổi tiếng là một nguy cơ đáng lo ngại, cần phải can ngăn - Thế nhưng can ngăn làm sao được khi mọi người đang hồ hởi xây dựng với một tư duy bề bộn hình thức, khuyếch trương để kịp với ngày kỷ niệm to tát cuối năm. Cho nên biết vậy mà vẫn phải chờ đợi ... chờ đợi một sự đồng nhất của tư duy. Bỗng tôi nhớ tới mấy câu của Trạng: "Long xà an sở ngộ - Đĩnh xuất tử tôn hiền - Nội ngoại phi nhị chí - Chung thuỷ như nhất yên- 龍 蛇 安 所 遇, 挺 出 子 孫 賢, 內 外 非 二 志, 終 始 如 一 安 ”. Cứ ngờ ngợ Long Xà nào đây bởi con đường từ quê nội sang quê ngoại Trạng chỉ đáng đi bộ 2 tiếng đồng hồ mà bây giờ vẫn xa lắc xa lơ ; nội ngoại tuy gần mà vẫn cách ngăn biền biệt. Nguyễn Nhữ từ đường cũng còn đương lạnh lẽo khói hương, nền cũ, rêu mờ, cỏ lấp. Thật là “quê cha quê mẹ còn nghèo, chỉ mong có được cầu kiều bắc sang, cánh buồm nhẹ lướt Hàn giang, bể Đông mây trắng từng làn trắng mây, chuông chùa Thạch Khánh khô gầy, Thiên Hưng nẻo khuất thuyền đầy khách thăm, Tràng Xuân Kiều lặng bâng khuâng, Thái Bình choi chói một vùng Trấn Dương, ngao du Đông Hải Đồ Sơn, lại về Kính Chủ- Động Tiên sớm chiều, sự già vui bạn theo theo, văn chưng tri ngộ điều điều tự tâm, mặc ai xua đuổi hươu Tần, trăng lên lầu Hán hỏi thăm mệnh trời, dở hay thôi tự lòng người bút hoa soi chép những lời thần tiên, chữ đề Sấm ký –bí truyền! chữ Tâm thực sáng, chữ Thiền thực cao, chữ Tài, chữ Tuệ siêu sao, Trung Thiên Như Nhật vọng vào ngàn năm...!”
Mấy trăm năm qua Trạng Trình được nhân dân ta nhắc đến và rất mực kính trọng. Tôi được chứng kiến lúc còn nhỏ ngồi vào lòng ông, nghe các cụ đàm đạo Sấm ký mỗi khi thời thế đổi thay. Câu chuyện chỉ xẩy ra trong lán thợ, càng đậm đà bởi đám thợ nghèo hứng khởi với mấy củ khoai luộc, nải chuối chín vàng, bát nước chè xanh - Có người vừa bình vừa thở khói thuốc lào mà chuyện về Trạng vẫn rất say sưa thú vị, mô tả rất mực huyền diệu về một bậc kỳ tài có một không hai của nước Việt ta. Cụ bà tiếp nước thì nhai trầu bỏm bẻm mà rằng: "Sao lại có người tài giỏi đến như vậy nhỉ?". Còn cụ ông thì câu cửa miệng là: "Ôi dào Sấm đã dạy, sai làm sao được!".
Còn nhớ những năm 1959 - 1960 khi quê tôi vận động nông dân vào hợp tác xã - làng trên đã tổ chức xong, xóm dưới còn lưỡng lự. Rồi sau hn 4 năm đã hình thành hợp tác xã toàn xã... Mấy năm sau công việc đồng áng đôi phần loạc choạc, có cụ tán: "Phá điền thiên tử xuất- 破 田 天 子 出”- Thay đổi, đồng ruộng thẳng cánh cò bay mà lại!", một cụ khác lắc đầu: " Tam thập niên điền hoàn chủ-三 十 年 田 還 主”- đấy để rồi xem!" Nào ngờ đến năm 1992, đúng 30 năm sau, tôi về quê, mẹ tôi đã 80 tuổi nhận khoán 2 sào ruộng kéo tôi đi tát nước giúp bà, ruộng lại chia cho mọi người. Cụ già làng năm nào nhắc tới lời Sấm đã không được chứng kiến cái cảnh hôm nay, người nông dân hồ hởi bởi lao động có lợi ích thiết thân, cánh đồng như trở vận, một màu xanh ngút ngát tận chân trời. Ngẫm lại câu Sấm mà thấy đúng.
Các cụ xưa kể: Trạng là người tài giỏi, học một biết mười. Điềm trời về ngày sinh ra Trạng thật là huyền bí. Thoại truyền là một ngày gió mưa vần vụ mịt mù, trời đất tối đen như mực, cả nhà Trạng đã rất mong đợi đến ngày này. Mọi người như biết trước thời khắc một con người sẽ sinh ra. Mẹ Trạng là người thông hiểu lý số kinh dịch - Bà biết rõ hơn ai hết... Nửa đêm mọi người còn quây quần bên bếp lửa hồng, bỗng cả khu Dương Phần bừng sáng. Dưới ánh hào quang một con rồng đất nổi nên giữa nhà chạy suốt 5 gian. Hương thơm từ căn buồng thân mẫu toả ra, mọi người mừng rối rít, ấy chính là thời điểm chào đời của Trạng Trình, bậc kỳ tài của nước Việt ta. Chuyện còn kể chỉ một ngày sau đó, quan thiên văn bên Tàu chuyên theo dõi thiên tượng đã dâng tấu biểu lên vua Tầu về vượng khí xuất hiện một vì sao to như cái đấu ở phương Nam- ứng với một chân nhân đã ra đời... Vua Tàu nhân đó đã cho người sang chúc mừng nước Nam và cho rằng chỉ trong một vài năm sau sẽ khắc biết; thì sau đó 4 năm một thầy Tàu đã được phái đến miền Hải Đông nước Việt để tìm kiếm một bậc kỳ tài và nhanh chóng biết đích xác về cậu bé thần đồng làng Trung Am - Cổ Am - Vĩnh Lại tỉnh Hải Dương. Thày Tàu nhìn cậu bé từ đầu tới chân rồi than: "Qủa là bậc kỳ nhân của thời thịnh trị, mà nay thì loạn lạc kéo dài, tiếc lắm thay!" Cậu bé thần đồng ấy chính là Nguyễn Tất Đạt hồi nhỏ và là Nguyễn Bỉnh Khiêm - Trạng Trình sau này! - "Lưỡng quốc anh hùng không đối thủ".
Tôi còn đựoc nghe các cụ đọc những câu: "Bao giờ đá nổi lông chìm - Đồng khô hồ cạn con tìm thấy cha - Mười phần mất bảy còn ba - Mất hai còn một mới ra thái bình" hoặc "Ai ơi chớ vội làm giàu - Thằng Tây nó tếch thằng Tàu nó qua". Khi ấy một cụ vỗ tay vào đùi đánh đét :ờ thì Tưởng Giới Thạch bị đánh bật ra đảo Đài Loan đấy thôi! Thạch là đá chả nổi phềnh phềnh ấy là gì? còn Mao Trạch Đông? mao là lông có chìm đâu? làm sao mà chìm được? Rồi cụ nhìn đám trẻ hóng chuyện, chỉ vào tôi - đến đời cái thằng này may ra mới vỡ nhẽ cháu ạ? đời ông thì thân kề miệng lỗ rồi!”; còn câu sau được giải nghĩa với cuộc chiến tranh của nhân dân ta mấy chục năm sau ngày gỉai phóng 1975 thì 1979 - 1980 lại xẩy ra chiến tranh biên giới phía Bắc- Trung Quốc dạy cho Việt Nam một bài học!?
Năm Tân Tỵ - 2001 một sự kiện kinh hoàng xảy ra tại nước Mỹ - ngày 11/9 hai toà tháp - Trụ sở thương mại thế giới ở Niu Oóc bị đánh sập, lại nhớ câu Sấm "Bò men lên núi Vu Sơn - Thừa cơ mới nổi một cơn phục thù - ấy là những binh phù thui thủi - Lòng trời xui ai dễ biết đâu", có sách chép “Man mác một dải Hoành Sơn- Thừa cơ...”. Người ta thấy sau khi Taliban thắng thế ở Apganistan năm 1989 - 1992 đã tập hợp phe cánh xây dựng một Chính thể theo đạo Hồi dòng chính thống. Phái này coi Mỹ là kẻ thù chính, vì chính nước Mỹ luôn đi đầu cổ súy cho nền chính trị độc lập, đa nguyên dân quyền dân chủ, và điều đó cũng là nguyên nhân chính trong việc chia rẽ đạo Hồi thành nhiều quốc gia dân tộc riêng rẽ? Họ đã lợi dụng Mỹ lật đổ chính quyền C.S Brak Cacman do Liên Xô hậu thuẫn, vốn thành lập hồi 1978, để nắm quyền; còn bây giờ thì họ quay sang khủng bố nước Mỹ. Đạo quân cảm tử lặng lẽ - mà Sấm gọi là "thui thủi" làm cái việc ghê gớm ấy; họ trà trộn, khăn bịt mặt, chất nổ quấn đầy mình, nổ cái “đùng” và cùng chết luôn, đúng là “thui thủi” chưa? Vu Sơn xưa là nơi tiên thánh ở hay chính là nơi bức tượng Phật hơn ngàn năm - Di sản văn hoá thế giới được Liên hiệp quốc bảo vệ đã bị Taliban phá huỷ hồi tháng 3-2001 vừa qua. Cái hay của lời Sấm còn tinh tế ở chỗ người dân Afganistan đại bộ phận trước kia sống bằng chăn nuôi bò- thì lời Sấm nêu “bò men...”; còn một ý khác là thời chính quyền Brak Cac man, dân Afganisstan bỏ chạy thì nay quay về miền núi lưng chừng Himalaiya- vậy thì cách đi không thể khác là “men theo” các sườn núi! thật sống động và hình ảnh “bò men lên núi Vu Sơn!”? Sấm dạy “cuộc tàn rồi mới rõ thấp cao!” Ôi! Thế thì câu hát ru - Lời đồng dao - hay câu Sấm các cụ truyền lại bí ẩn và thú vị biết chừng nào!
Tôn vinh Trạng Trình - Xây dựng quê hương Người - cùng với sưu tầm thơ văn Sấm ký của Trạng là những việc rất tự hào. Tôi hy vọng một ngày nào đó dự án tổng thể mà tôi đề xuất sẽ được mọi người ủng hộ. Mỗi một huyền thoại hay giai thoại sẽ gắn với một địa danh, một công trình kiến trúc xứng đáng với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và miền đất Hải Đông nổi tiếng xưa nay.
(12-2001- P. V. H)Thân gửi ông Bùi Quốc Hùng- Bút danh DIENBATN
Trung Tâm Nghiên cứu lý học Đông Phương
Bài viết để đăng tải về nghiệm lý Sấm Ký Trạng Trình (tiếp tục...).
Hư thực muôn đời
(Hay chuyện kể về Sấm Trạng Trình)KTS: Phạm Vũ Hội
Truyện- 2
“...Cơ tạo hóa phép màu khôn tỏ
Cuộc tàn rồi mới rõ thấp cao
Thấy Sấm từ nay chép vào
Một mảy tơ hào chẳng dám sai ngoa
Thần Kinh Thái Ấ suy ra
để dành con cháu gần xa nghiệm bàn!...”
(Sấm Trạng Trình)
...Chúng ta đang ngồi trong vùng trời mọng đầy hơi nước, khi đó ánh mặt trời trở nên bàng bạc nhạt nhòa, không thể biết rằng ta ngồi trong quãng sáng của bảy sắc cầu vồng. Hay chạy tới chân trời tít tắp xa kia ngoái đầu nhìn lại... thì trời ơ! bảy sắc màu sặc sỡ mới thực sự hiện ra... “Hư thực muôn đời -2” muốn tiếp tục cái nhìn như vậy...
*
Thập kỷ 60... Nắng hầm hập như đổ lửa... tiếng trống HTX từ Miếu Làng Tư đổ hồi... Mấy lảo nông trên mình khoác chiếc áo nâu đụp đẫm mồ hôi, khuôn mặt sạm đen, mắt cứ nheo xoắn lại dưới nắng trưa hè, tất cả rời tay cuốc ải vội về làng, họ đổ vào nhà Cụ Lý ở ngay đầu làng nghỉ tạm... chia nhau từng điếu thuốc, bát nước, chuyện nở như pháo ran, thỉnh thong bắt gặp một cơn gió mát...
Thằng Cóc đưa cái “đóm” cho cụ Lý, rồi chui vào lòng cụ lúc nào không biết nữa... Lúc cụ hút thuốc cứ phải gập người xuống mà hút, nó còn cầm nối cái “đóm” để tay cụ châm mồi lửa tới đâu, tay nó cũng rê tới đấy tỏ vẻ thích chí. Bình thường thì cụ bảo nó “xê ra cho ông hút!” nhưng có mấy lão làng ngồi quanh, nên cụ cũng thây kệ. Cụ Lý chụm môi chẹp chẹp năm bảy cái cho điếu thuốc cháy đượm xong rít một hơi rõ dài tụt cả điếu thuốc vào trong nõ, rồi nghểnh mặt nhả khói, đoạn lấy tay đẩy cái điếu bát cho ông Nguyên. Đến lượt ông Nguyên lấy cái soi điếu sọc sọc... Khói thuốc cuồn cuộn bay thong thả quấn quít cả mặt thằng Cóc. Nhả khói xong cụ ầm ừ ngâm nga trong cổ họng theo điệu trống quân:
“Hoành sơn(ư...) là lối(chứ...) ra... (ưừ...) vào!
Cuốc kêu(mà...) vọng đế(ýchứ...) Cáo gào (mà...) Hà (hừư...) vương
Cung trăng(mà...) đã sẵn (ý chứ...) lời chương
Gió mưa(mà...) lại mở(chứ ý...) một trường(mà...) Xuân(ý...) Thu...
Tên treo(mà...) ba mũi(chứ...) phục(hư ừ...) thù...!
Khen thay(mà...) khắc dụng(chứ...) bày trò... (mà) chóó... con...
Ngọn cờ(mà...) nhấp nhô(chứ...) đầu(hừư...) non
Thạch thành mèo lại (chứứ...) bon bon (hưư...) chạy (ưhừ) về
đầy đường(mà...) lai láng(chứ) máu (ứ ừ...) dê
con quay(mà...) ngã trắng(chứ...) ba que (ư) cuộc (ưhừ...) tàn...!
Trời Nam(mà...) trở lại(mà... hục!... hục ục!)....!”
Mọi người nghe cụ Lý ư..ử như cụ hát, đến đấy thì cụ ho ùng ục... Thằng Cóc lấy tay vuốt lên ngực cụ Lý mà cười... “Ông tớ cứ hút là ho...” nó mách với bọn bạn. Nó và tôi chơi với nhau cùng mấy đứa nữa, rất hay hóng chuyện các cụ. Bấy giờ Cóc chỉ độ bảy tám tuổi được cụ Lý rất chiều, tôi nhỉnh hơn nó, đều rất thích nghe cụ Lý kể về Sấm Trạng. Tôi đế vào:
-Cụ ơi Sấm Trạng ấy hả cụ?
-Thì Sấm Trạng chứ còn gì! rồi cụ thở dài, chà chiến tranh, cứ là tranh cướp nhau cả đấy, ai mà biết là nó muốn cướp nước mình, nó siểm nịnh, mình bùi tai thì hóa ra mất nước, rồi nhớ nước mà hóa thành con chim Cuốc!... Xuân Thu cũng là một duộc, Sấm Ngài cũng cứ lấy tích xưa mà dạy, mà dẫn chuyện đời nay ấy... đúng chứ hử?. Cụ lại hát thay cho nói:
“mấy ai(mà...) bá đạo (ýchứ...) đồ (ư) vương
mà không(ừhừ...) mưu sự(ýchứ...) chiến trường(ừhừ..) can (ư) qua...”
Xuân với chả Thu, thật thâm hiểm bất nhẫn vô lưng, hử? Sấm Trạng cả đấy! Chả thể vất đi đâu!?... Trước kia Sấm dạy “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong- 黎 存 鄭 在 黎 敗 鄭 亡”, thì là nghiệm rõ vào các năm (1784-1789) khi Tây Sơn nổi lên đem quân đánh ra Bắc, nhà Lê mất nhà Chúa cũng mất theo! Sử sách nước nhà ghi chép cả!... Lại có câu “kể từ tự xưng Lê nay, tam phân rồi chẳng được gì cả ba...” thì đấy thực rành rẽ... từ lúc kéo cờ phù Lê, 1777 thụ phong Quảng Nam trấn thủ tuyên uý đại sứ quốc công, khuynh đảo... đến khi diệt Trịnh xong, thì ba anh em Tây Sơn chia nước làm ba mỗi người một khúc, mỗi kẻ một nhà, đều xưng đế xưng vương... cuối cùng cũng chẳng nên cơ ngũ gì, qúa đúng nhá! Sau nhà Nguyễn lại lấy lại được, bấy giờ nhà nước ta mới thống nhất một mối, Gia Long lên ngôi 1802 mà đặt tên nước là Việt Nam... Rồi tới khi Pháp đến có câu “để loài bạch quỷ lăng xâm, làm cho thiên hạ khổ trầm lưu ly...” thì lại có câu “Phụ nguyên trì thống, đế phế vi đinh -阝 元 馳 統- 帝 廢 為 丁” ở đây chữ “phụ-阝” với chữ “nguyên-元” ghép lại thành chữ “nguyễn-阮”, tức là Nhà Nguyễn để mất nước vào tay Pháp, nhưng vẫn được duy trì quyền chính... là “trì thống” mãi tới ông vua cuối cùng Bảo Đại bị phế bỏ mà thành bạch đinh tức “vi đinh” hử? Trạng tiên tri thực tài tình, thời nào cũng có, ấy cho nên “cuốc kêu vọng đế cáo gào hà vương, cung trăng đã sẵn lời chương...” cứ nhớ lấy mà gẫm, hử?...
Ông Tịnh có người con lớn đi quân ngũ, nhìn cụ Lý bảo:
-Làng ta bao nhiêu người hay chữ chỉ còn Cụ... Cụ biết chữ nho chữ nhe chữ Tây chữ Tàu, cụ hiểu, thì cụ bảo thế chứ Hoành Sơn chỗ nào, Cuốc là gì? Cáo là gì, hay là sự dối trá? tôi chả được học hành, một chữ bẻ đôi cũng chả biết, xin chịu. Anh lớn nhà tôi cùng với bố cậu Cóc đi quân ngũ từ bấy dễ dăm năm rồi... bây giờ cứ bặt tăm tằm tằm...? “Hòa bình” rồi mà chả thấy về... Theo cụ thì cơ chừng thế nào nào... ruột tôi cứ như lửa... ơi dào..!
-Còn thế nào?.. cũng may cái ngày ấy tôi bảo tôi chả biết cái chữ mẹ nào, chứ anh phán Kỳ mà tôi hay học mót chữ của anh ấy thì đã bỏ xác đâu đó có trời mà biết! Thuở bé tôi toàn học lỏm, viết lên đất, ngồi nhìn trộm sách người mà học chứ trường lớp gì... đến khi thấy người ta mách hễ cứ biết chữ thì bị liệt vào “trí thức”là phi “đào tận gốc...” tôi “sợ vãi...” cả ra... biết chữ biết nghĩa mà thành tội thì cứ bảo tôi chả biết gì sất hử!... Mà tôi là cái anh thợ, hết làm ruộng ở nhà... ngày ba tháng tám lại lên rừng làm thuê chặt củi, kéo cưa lừa xẻ... đen trùi trũi, quần áo chằng đụp lấy đâu ra “trí với chả thức”... Ngoảnh đi ngoảnh lại cái lứa tôi người giỏi, có học... chẳng còn thì cũng phiêu bạt... mới bảo loạn lạc sống chết chả biết đâu mà lần, hừm... Rồi cụ Lý lại hắng giọng ngâm nga:
“Bao giờ (mà...) đá nổi (chứ...) lông (ư hừ...) chìm
Đồng khô (mà...) hồ cạn (ý...) con tìm (mà...) thấy (ýứ) cha
Mười phần (mà...) mất bảy (chứ...) còn (hừ...) ba
Mất hai còn một (chứ...) mới ra (hư...) thái (ư hừ...) bình...”
-Thế bao giời thì như thế để cháu được gặp bố cháu, thằng Cóc hỏi.
-Đến lượt lũ các anh đi lính thì có khi ở ngoài trận mạc bố con mới gặp nhau ấy chứ! Cụ Lý phỏng chừng... cũng khối người như thế! Tôi nhớ Sấm Ngài còn dạy “điền vô nhân canh, lộ vô nhân hành, thị vô nhân chí, thiên hạ cộng vi binh-田 無 人 耕, 路 無 人 行, 市 無 人 至, 天 下 共 為 兵” là đồng ruộng không có người canh tác, đường xá không ai đi lại, chợ búa không người đến, tất cả bàn dân đều làm lính cả... đấy để rồi các cụ gẫm... chắc chỉ mươi năm nữa là biết thôi hử?...
-Ui chết... chiến tranh dài đến thế cơ á..!? Cậu Cóc ngần này mà lớn vẫn phải đi trận thì hàng chục năm nữa vẫn chiến tranh ư? chậc!... Chết mất thôi, mấy người thốt lên cùng lúc!
-Suỵt! khẽ cái mồm, là theo Sấm Trạng mà phỏng thế, để rồi xem...
Ông Nguyên từ nãy tới giờ vẫn ngồi nghe, gõ cạch cái xe điếu một cái, hai tay chụm lấy cái đóm định hút, nhưng rồi chống nó vào cằm, cái đóm vẫn cháy trong tay, nghiêng sang cụ Lý nói:
-Thế như nghe cụ đọc Sấm Ngài dạy đấy thì tôi cho là ngược đời cả, mà chết mẹ... nó cả bàn dân thiên hạ chứ còn đâu là dân tình nữa? Thì “đá nổi lông chìm” chả ngược đời là gì? có khác nào “Chạch đẻ ngọn đa, sáo đẻ dưới nước”. Còn “đồng khô hồ cạn” thì họa có chăng giờ đã nhỡn tiền... hử?
-Phải đấy các cụ nhỉ!?...ông Tịnh nói chen vào...
-Cụ ơi cánh đồng Chằm bên Tía sâu thế, mọi năm cháu chống thuyền lội đến tận cổ mà bây giờ cạn tiệt ấy thôi? “ếch kêu uôm uôm ao chuôm đầy nước!” mà cái chuôm làng mình cũng khô khốc... tôi hét lên cho cụ Lý nghe.
-Rõ thật...! Cụ Lý nheo nheo mắt nhìn mọi người, ánh mắt cụ sáng lên mà sâu thẳm, hiểu Sấm Ngài như nhà các ông, có mà lộ sạch cơ trời hử? Rồi cụ lại ngân nga theo điệu sa mạc giọng cứ dính bết lại:
“Cơ tạo hóa..(óa...) phép màu...(hàu) khô...(ôn) tỏ...(ỏ)!..
Cuộc (hừ ừ...) tàn rồi...(ồi) mới rõ (ứ...) thấp (hứ) cao...!”
Đã “tàn” đâu mà biết!? hử? Lại vừa dự bị vừa sắp tổng động viên rồi kia kìa... Nam Bắc, hai phe hai miền, mỗi anh theo một bên, một anh thì công hữu, xã hội chủ nghĩa, có Liên Xô Trung Quốc viện trợ, một anh thì tư hữu, tư bản chủ nghĩa, có Hoa Kỳ đỡ đầu, phe nào ủng hộ phe ấy, súng ống đạn dược cứ đầy ra, mình là tiền đồn... chả anh nào chịu anh nào hử... Lại bảo sau hai năm thì hiệp thương mà có thấy đâu? đánh nhau là cái chắc hử... Lũ trẻ ranh này cũng đi quân ngũ hết cho mà xem... Còn “đá nổi lông chìm đồng khô hồ cạn” đâu phải như các ông các bà nghĩ ra thế...
-Ây thì hôm qua tôi được mời đi nghe cán bộ cấp trên phổ biến cho các gia đình thành phần “cốt cán”. Họ bảo là “quán triệt” đường lối chủ trương... “quán triệt” là gì tôi đâu có hiểu... nhưng thằng Thịnh nhà tôi chắc là nhập ngũ kỳ này rồi, trước là Nam tiến, giờ là đi B, C gì gì ấy, tôi cũng chả nhớ nữa. Tôi bảo nó lấy vợ rồi hãy đi! Thằng anh nó bặt tăm, thì nó phải lấy vợ mới cho đi... tôi cứ nói thế, ông Tịnh lên tiếng như mếu máo.
Bà cụ Lý dọn dẹp quanh quẩn nghe các cụ ông nói chuyện, chạy ra vuốt đầu lũ trẻ chúng tôi một lượt, nói cứ như muốn khóc:
-Chết mất! các cháu tôi phổng phao thế này nay mai chưa kịp lớn lại phải ra trận mà chết ư? “Mười phần mất bảy còn ba” chả hóa chết hết à? Tôi cứ lạy Trời khấn Phật, Sấm Ngài đúng tất tật ở đâu kệ!... riêng cái câu này đừng có đúng! ôi khốn khổ khốn nạn các cháu của bà! đời bà đã phải chạy loạn ngược xuôi khổ cũng cam... Cụ sụt sịt mắt ngân ngấn... “mất bảy còn ba” thì vợi cả làng cả nước còn gì?.. Ông Nguyên ngắt lời cụ bà:
-Cụ ơi! cánh thanh niên nó có sợ ối! cứ rời cái đồng đất này, thành người của dân của nước thì nó thích bỏ sừ!... Hừm... tôi cũng cứ xưa nay nghĩ ngợi... trước có nghe ông Đồ, còn mải ông ấy hay nói về Sấm, đúng đáo để... tôi bây giờ chả nhớ mấy, Sấm Trạng mà dạy đúng như cụ nói, chả vất đi đâu được!... Hôm nay Cụ gỉải lại xem nào? “hoành sơn... xuân thu” là thế nào Cụ nhỉ?. Rồi ông Nguyên sơ hoa rằng trước kia cụ Đồ đã bảo “đá nổi” ấy là Tưởng Giới Thạch, Thạch là đá, Lông là Mao, là Mao Trạch Đông... Tưởng Giới Thạch bị đánh chạy ra Đài Loan, cái đảo to ngoài biển, thì ấy “đá nổi” rồi còn gì. Còn “lông chìm” hừ... thì chìm thế nào được... “Đông phương hồng ánh mặt trời lên, Trung hoa ta có Mao Trạch Đông...” cơ mà? ông Đồng, ông Hồ, đều là lãnh tụ đang gánh vác việc nước trọng đại... Không lẽ là các vị ấy viên tịch hết thì mới hết chiến tranh mọi người mới đoàn tụ? “con tìm thấy cha” mà lỵ, hử?...
-Phả đấy! Cứ để gẫm xem... trước kia tôi với ông ấy cũng hay chuyện về Sấm Trạng cứ phải hàng buổi... Còn “hoành sơn” là gì? là cái ý chừng... như là rừng núi là dãy núi nằm ngang, ở đâu ấy à? Dãy núi phía tây kia... từ tấm bé tôi thấy các cụ gọi là Vu Sơn, nơi Tiên Phật ở, có người bảo ở Trung bộ tận Quảng bình Quảng trị phía nam... hay Hoành sơn là Hòa bình nhưng lâu ngày mọi việc tôi cũng không nhớ hết. Cụ Lý bắt đầu giải thích... thì tôi cũng đi Sơn La Hòa Bình cả rồi, bằng thằng cháu Cóc này tôi đã giúp tay cưa tay xẻ cho mấy cụ Cả lên tận ấy mà làm ăn... núi non đi cả ngày, lên cao xuống thấp cây cối rừng sâu rậm rịt, chà... một bước đi một bước sợ... rắn rết, muỗi vắt, sợ cả ông “ba mươi”, tối phải đốt lửa. Ông “ba mươi” cứ vác một người, hai người như bỡn, có toán thợ sáng ra mới biết là mất người nhà mình, khiếp lắm... Cũng đi như thế có người về ngã nước mà chết đấy! ấy nhưng tôi thì chả khác gì cục đất thó vất đâu cũng được, hừ...
Nghe cụ Lý nói tôi chả hiểu mô tê mộc tệch gì “thế ông ba mươi là ai, sao lại bắt người ạ?”. Tôi hỏi.
-Chậc! ông “ba mươi hay ông cọp cũng thế cả” hiểu chưa hử? cụ Lý gỉai thích cho cánh trẻ.
-Ô lạ nhỉ? ông cọp lại là ông ba mươi, cứ như người ấy, thảo nào các cụ cứ hay bảo “khoẻ như ông ba mưi” thằng Cóc đập vào người tôi khoái chí.
-Còn Xuân Thu là thời các nhà nước phong kiến ở bên Tàu hình thành, cát cứ... Sử sách ai học thì mới biết, như nước Tần, nước Tấn, nước Sở, nước Ngô nước Tề... nhiều lắm!.. Tôi thì tôi cũng đọc sách của các cụ mà biết ấy thôi, xa lắc xa l... trước cả cái “năm Tây lịch, kỷ nguyên Cơ Đốc giáo” vài trăm năm kia, lâu lắm... Thời Xuân Thu là thời vua chúa lập quốc, rồi sau sinh ra chiến tranh mưu đồ bá bá vương vương, thì gọi là thời Chiến quốc. Các cụ ta dạy bấy giờ anh Tàu có bảy nước Tần, Sở, Tề, Triệu, Ngụy, Hàn, Yên, về sau các nước đều thua nước Tần cả, mà sinh ra cái anh Tần Thủy Hoàng, kiêm tính hết, người đời vẫn gọi là bạo chúa, chuyên đốt sách chôn sống học trò... Hừm, giờ thì tôi bảo các ông các bà i! vắt tay lên trán gẫm cho kỹ mới thấy Sấm Trạng cứ là đúng như bật mực: này nhé trước Thế Chiến thứ Nhất một loạt nước Tư bản được thành lập theo chế độ Cộng Hòa lập hiến: Anh, Ytalia, Pháp, Đức, Ao- Hung, Nhật bản, Hoa Kỳ... rồi chiến tranh tranh giành thuộc địa... Sau Thế Chiến Hai lại hình thành một lọat nước theo đường lối Cộng sản, những là mười hai mười ba nước xã hội chủ nghĩa như bây giờ gồm: Liên Xô, Nam Tư, Ba Lan, Lỗ ma ni, Bo gia lợi... Ngay ở phương Đông A thì có Trung Quốc, Triều Tiên, đến Phi luật tân, In-đô -nê-xia, Ân độ, Mã lai, cả ta nữa... Vậy cứ gẫm thật xa, đừng phụ thuộc vào bát cơm thường nhật... hừm chả phải một “trường Xuân Thu” là gì hử?... Lại gẫm câu Sấm: “Chấn cung hiện nhật quang minh, sóng lay khôn chống trường thành bền cho, Đoài cung vẻ rạng trăng thu, ra tay mở lấy đế đô vạn toàn” thì cứ là càng rõ mồn một hử? Chấn cung là phương Đông sinh ra cái anh Nhật Bản có ông Minh Trị Thiên Hoàng biết canh tân đất nước chỉ trong ba chục năm kể từ 1868 trở đi tới đầu thế kỷ mười chín XIX, mà Nhật đã sánh ngang các cường quốc Thế Giới, rồi cũng ra tranh cướp thiên hạ, thành Phát xít hóa... đến khi thất trận, phải bồi thường chiến phí nặng nề... Vì ở giữa biển, thiếu thốn đủ thứ ấy chứ, vậy mà cho đến giờ thập kỷ 60 này, lại vẫn vươn lên hùng mạnh, cho nên Trạng dạy “sóng lay không chống trường thành bền cho” là cái ý ấy! Còn phương Tây là Đoài cung, thì phát triển các thể chế dân chủ dân quyền cộng hòa lập hiến, tư bản hàng hóa, đua nhau tìm kiếm thuộc địa... các nước phương Tây đều xây dựng các đế đô tươi đẹp như: Lixbon (Bồ đào nha); London (Anh); Newook (Hoa Kỳ); Marđrit (Tâybannha); Pariss (Pháp);Viên (Ao); Rôma (Ytalia); Henxinhki (Phần lan); Oslo (Na uy), Stockhon (Thụyđiển)... nhà cửa lâu đài của họ to tát lắm! qủa đúng y mực hệt “ra tay mở các đế đô vạn toàn” bền vững đến tận giờ... ấy là gẫm ra chả sai một ly một lai hử?... Còn bài Sấm nói về ta? Cuốc là gì à? tích các cụ xưa để lại là con chim Cuốc, mà lại chính là do An Dương Vương hóa kiếp ra đấy! Đó là truyền thuyết bảo rằng đương thời Vua An Dương Vương quá tin vào viên Tể Tướng Miết Linh... Hắn cứ xiểm nịnh Ngài rồi nhân một lần săn bắn trong rừng sâu, sau đêm hoan lạc, Vua say bí tỷ ngủ lăn ra, hắn bỏ Ngài lại nơi ấy... Sáng bảnh mắt nhà Vua gọi quân hầu chẳng còn ai, mới biết mình bị lừa... Bấy giờ người còn ít, rừng rậm mịt mù biết lối nào mà đi... Rồi Ngài cứ theo ánh mặt trời, định hướng tìm về kinh thành, đi về hướng Đông, đi mãi đi mãi, kiệt sức chết hóa thành con Cuốc, cứ kêu “cuốc! cuốc! nước! nước!...” Tiếng chim Cuốc nghe thất thanh lạc lõng trong rừng, bên vách núi, nghe thiểu não quá mà sau người đời mới gọi An Dương Vương là Vọng Đế, nghĩa là nhớ nước!... Thế là có thoại tích cả đấy, hừ...
-Thế còn “tên treo ba mũi phục thù” là thế nào? “khắc dụng bày trò chó con” là thế nào? mà “cáo gào hà vương” thì thật kinh khủng, âm khí như quỷ ma ấy!... Trước nay các cụ cũng chả rõ làm sao sất!.. tôi cũng chưa được nghe cụ Đồ gỉai cụ ạ?.. Ông Nguyên có ý hỏi.
-Chà! Kể ra thì cũng khó thật, cụ Lý nói thong thả, mình là hậu sinh lại mà gẫm cái chuyện ông Bành Tổ, hử? Tôi thì tôi gẫm phép Độn Giáp thì có dạy đấy! Cứ lấy Tam kỳ, Lục Nghi mà tính... mà ra Trực trù, Trực sử lại lâm vào Bát môn, mà ra quẻ Bát Quái, rồi lấy phép Ngũ Hành mà tính thì mới rõ là “Sinh” hay là “Khắc”, “Thể” khắc “Dụng” hay là “Dụng” khắc “Thể”, hử? ấy nhưng tôi cũng chưa hiểu nổi!..Còn “cáo gào Hà vương” thì tôi dám chắc Sấm dạy cốt đem cái ý ẩn vào mấy chữ tượng hình mà mình biết cả đấy!.. Nhưng ai có “Nho học” mới hiểu được, mà vẫn phải tinh ý một tý là rõ cả thôi...
-Cụ dạy chúng tôi xem nào! ông Tịnh bảo, liệu có can hệ gì tới thời nay không ý?...
-Sao lại không? Sấm Trạng là để gẫm thời gẫm thế chứ đâu phải chuyện đùa... Thì đây, xem tôi vẽ ra đây... Trong chữ Nho ta học có nhiều chữ đa nghĩa, mặt chữ khác nhau mà đồng âm, ví như hai chữ hồ, ở đây nói ẩn con cáo cũng nên... đều đọc là hồ cả mà ý nghĩa thì khác nhau, một chữ là “hồ- 弧 - là chỉ cái cung” còn một chữ “hồ - 胡 - là chỉ kẻ lừa đảo, càn, bậy, mọi rợ, cũng là chỉ tên dòng họ”, mà phép ngữ vựng thì đều là loại danh từ cả... Tôi cứ vẽ ra là các ông, các bà biết ngay thôi... Thế là cụ Lý lấy ngón tay trỏ chấm vào bát nước chè đang uống viết hai chữ lên cái quạt mo, cụ cứ phết đi phết lại cho thật đậm sũng cả nước... mọi người châu lại mà nhìn. Tôi cũng ngắm cái chữ viết như vẽ ấy, chỉ thấy ngoằn ngoèo, ngoằn ngoèo... bụng nghĩ đúng là chữ tượng hình...
-Hay nhỉ, thằng Cóc hích vào tôi, sao bây giờ chúng cháu không học chữ ấy ông nhỉ?
-Học làm gì! nhà nước đã liệt chữ Nho vào loại chữ nghĩa phong kiến, chẳng đã lệnh khắp nơi bắt phải đem nộp mà đốt đi ấy thôi? Nhìn này! trong chữ hồ là nghĩa cái cung thì có bộ “弓”- gọi là bộ cung, hử? còn chữ hồ nghĩa là kẻ càn bậy, mọi rợ lại có bộ “月”- gọi là bộ nguyệt, mà nguyệt là ông trăng... thấy chưa, chắp lại là thấy ngay? cho nên Sấm mới dạy là “cung trăng đã sẵn lời chương” thế là ẩn ý hết cả vào đấy rồi còn gì?.. là cái cơ trời sắp sẵn cả!... sẽ như thế chả thể tránh được... hử? Cho nên thời ta giờ mọi người cứ bảo không có số, không có mệnh hay vận, hạn gì là cứ nói lấy được thôi! tôi cho là phải gẫm... mới vỡ lẽ!... vận trời sinh ra mưa gió cả, thì cũng sinh ra loạn lạc, lành dữ, hử?...
-Cụ dạy thế cánh tôi mới mở mắt ra được chứ!.. Ông Nguyên đỡ lời Cụ Lý. Chà đúng lắm, Sấm Trạng rất nhiều chỗ lẫy tượng chữ! Tôi nho nhe thì bập bẹ, may có tý quốc ngữ... Các cụ thân sinh tôi gia cảnh cũng khá, cho tôi đi học, nhưng tôi rát đòn, cụ Đồ giắt cái roi mây to trên vách, tôi sợ... toàn bỏ trốn... Trước tôi có nghe cụ Đồ có đọc câu Sấm “hà thời biện lại vi vương, thử thời bắc tận nam trường xuất bôn- 何 時 辯 吏 為 王,此 時 北 濜 南 長 出 奔... đầu cha lộn xuống chân con, mười bốn năm tròn hết số thì thôi...” Cụ Đồ nói quan biện lại Nguyễn Nhạc thu thuế một vùng đem chi cờ chi bạc hết sạch, bị triều đình hỏi tội mới phất cờ chống lại, ai dè lại thắng cả ngoài bắc trong nam làm chúa Nguyễn mất nước, bôn ba tới 30 năm trời mới lấy lại được, thì rõ là “biện lại lên ngôi vua- vi vương!...” và thế sự cũng xảy ra đúng như vậy! cứ là tăm tắp?. Còn câu sau phép gỉải cũng là phép lẫy tượng chữ! thì ra là chữ quang “光” có bộ tiểu “小” trên đầu mới lộn xuống chân chữ cảnh “景”... ông Nguyên cũng chấm tay vào bát nước mà vạch ra đất... đúng chưa? mà rõ ra là Quang Trung “光 中” soán vua năm năm (1789-1793), còn Cảnh Thịnh “景 盛” thì soán chín năm (1793-1802) cộng là mười bốn năm... Qủa là “mười bốn năm tròn hết số thì thôi...” đúng nhá? chà tài thật! Sấm Trạng cứ y như đặt... Sách quốc ngữ lâu nay tôi đã xem không sai... hỏi rằng Thánh nhân xưa có sách độn toán mà tiên tri được sao lại không khoa học cơ chứ?... Giờ gẫm ra thì mấy ngàn năm ông cha mình dạy có trời có đất có thần có thánh, có số mệnh vận hạn!... đến thời ta chỉ là một mẩu sáu bảy chục năm bác hết cả vận nhà trời thì hẳn không phải rồi!.. có điều mình dốt mình phải chịu. Ông Nguyên cười ềnh ệch... Đúng thế không ạ? Sấm còn dạy “Tây sơn sừng sực kéo ra, nghiệm trong thế tục còn là hiệu chi...” thì là ý làm sao tôi cũng chưa biết? xin Cụ gỉải nghĩa xem nào?...
-Cái ý rõ mồn một ấy thôi!... là “sừng sực” thể hiện mạnh mà nóng như trưa nắng hè ấy... ngột ngạt... mà có thực không hẵng? Như tôi gẫm bảo là chỉ một trận hàng vạn quân Thanh thây chết chất lên nhau mà thành gò Đống Đa, thì tôi chưa thấy sử chép về cái sự hôi thối ngoài vạn dặm, hử? Nếu thế còn bệnh dịch nữa ấy chứ?... mà bao năm nay có khai quật gò Đống Đa thì thử tính được bao bộ hài cốt của giặc? Vậy cho nên Sấm dạy “còn là hiệu chi” là cái ý chỗ ấy, tức là hiệu chỉnh... Tôi gẫm là hậu sinh còn phải xem xét lại kia đấy? Thì là “hiệu chi” hay hiệu chỉnh cũng thế cả, cho đúng đắn lại, hử?... cho nên các chuyện lịch sử nhốn nháo sai lệch thì hậu sinh phải sáng suốt mà hiệu chỉnh lại hử?
-Cụ nói chí phải! trước còn ma Cụ Đồ cũng chỉ bảo là phải hiểu lại cho rõ còn rõ thế nào thì chịu, hừ sao hay thế chứ... Cụ nói tiếp đi xem nào... còn mấy câu “ngọn cờ nhấp nhô đầu non, thạch thành mèo lại bon non chạy về, đầy đường lai láng máu dê...” là ra làm sao nữa, nghe mà chết khiếp đi được?... Mà cụ chưa hát hết bài Sấm ấy thì phải!?... Tôi nhớ mang máng còn một đoạn nữa cơ!...
-Phải rồi! Bài Sấm ấy lắm sự tích lạ, tôi nghe các cụ dặn sau này cứ thế mà gẫm để biết cơ trời... mà còn dặn kỹ phải truyền cho con cháu, tôi thuộc cứ như in!... Đến đấy thì cụ Lý hắng giọng vẫn theo điệu trống quân:
“Trời nam (mà...) trở lại (chứ...) đế(hứư).. vương
thân nhân(mà...) không phải(chứ...) là phường(mà...) thầy (hừư) tăng
đồng dao(mà...) đã có(chứ...) câu ư... rằng
non xanh mà(mà...) mọc(chứ...) trắng căng(chứ...) mới (ưhừ...) kỳ?
bấy giờ(mà...) quét sạch(chứ...) thú (ý) ly!...
ai i(mà...) nhớ lấy(chứ...) Sấm ghi (ư) kẻo (ưhừ...) lầm!
trong khi(mà...) Sấm chớp(chứ...) ầm (ưhừ...) ầm
chẳng qua(mà...) có số(chứ...) để găm(ư) trị(ưhừ...) bình
thất phu(mà...) dám chống(chứ...) thư (hừ) sinh
sông Ô(mà...) chấp cả(chứ...) mấy anh(ưhư...) Thủy (yhì...) Hoàng...
nực cười(mà...) những kẻ(chứ...) bàng(ưhư) quang
cờ tàn lại tính(chứ...) toan đường(mà...) đấm(ứhư...) xe?
thôi thôi(mà...) mặc lũ(chứ..ư) thằng(ưhừ...) hề
gió mây(mà...) ta lại (chứ...) theo về(mà...) gió (hư..) mây!...”
Câu cuối cùng thì thằng Cóc và tôi được nghe cụ Lý hát nhiều lần nên đắc chí hát theo “thôi thôi mặc lũ thằng hề, gió mây ta lại theo về gió mây...” rồi mấy đứa nhìn nhau phá lên cười... Thằng Cóc nói “cứ như chúng mình cùng với ông mình bay theo mây mây gió gió ấy nhỉ...”.
-Gió mây ta lại theo về gió mây- nghĩa là chết đấy “ông” ạ, tôi bảo Cóc.
-Thì chết sợ gì!... thằng Cóc càng khoái!... Tôi cứ thấy nôn nao, cũng hét lên với các cụ:
-Tiếc thế! giá chúng cháu được học chữ Nho như các Cụ nhỉ, cháu muốn đọc quyển sách mà Cụ cất trong cái tráp ấy?
-Thì rồi cũng cũng có lúc quay lại học chữ Nho, Sấm dạy “bao giờ bạc giấy ra tro, cua còng đổi gọng nhà Nho lại dùng”... thì phải đợi... Cụ Lý nói riêng với tôi và thằng Cóc... Ui a!... tôi ớ cả người, sao lại phải đợi đến lúc đốt hết tiền bạc đi, lấy gì mà mua các thứ? Eo i... lạ thế?.
-Yên mà nghe!... ông Nguyên hẩy bọn trẻ... Sao lại “trời nam trở lại đế vương?” Theo tôi gẫm ra... thì ở khổ Sấm này Ngài dạy nước ta sẽ chỉ luẩn quẩn đế đế vương vương mà thôi phải không ạ?... Chính người nhà mình làm khổ dân mình chứ chẳng phải “thầy tăng” hừ... nghĩa là chẳng phải thằng tây... tức là thằng Pháp thằng phiếc gì... phải không cụ Lý nhỉ? Lại còn “trắng căng mới kỳ”... tôi còn nghe là “trắng căng mấy kỳ” chứ chả phải là “mới kỳ” tức là cơ vận nước ta chẳng tới nơi tới chốn gì, ôi dào thì mấy kỳ hay mới kỳ cũng thế! buồn nẫu cả ruột!... Ông Nguyên nhanh nhẹn chất vấn...
-Hừm...! cái ý xem ra cũng là thế rồi... gẫm cho kỹ thì từ ngày có thằng Tây, thì dân mình “khôn” được ối ra ấy chứ!?... Từ cái đèn dầu lạc, đến cái đèn Hoa kỳ, đến cái bóng điện thì ai bảo là không phải vậy? rồi từ cái quạt mo, quạt nan... đến cái quạt điện, cái nhà lầu thành phố, cái cầu sắt Long Biên... Lại cái máy hát, cái ra-đi-ô, cái xe máy... lại cái “phép” làm sách báo Tân Văn xuất bản... ôi chà! đến cả thằng Tàu... chả học thằng Tây thì học ở đâu? Trường Tây học cũng rèn cho ta ối người tài... Sấm dạy “đoài phương phúc địa giáng linh, cửu trùng thụy ứng long thành ngũ vân” là đấy chứ đâu xa!?... Đoài phương là phương Tây, là cái đất học, công nghiệp kỹ nghệ, cách vật phát triển, ấy là nơi “phúc địa”... mình học họ không hết ấy chứ? Mình bắt chước theo họ từ cách ăn mặc, đi đứng bắt tay giao tiếp... ấy là sự “giáng linh” đấy? đúng chưa? hừm... Có điều người mình cứ phải đi phu đi phen phục dịch bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc... mình thành nước thuộc địa, nghĩ cũng tức, nên chẳng nghĩ sâu nghĩ xa gì, hử? Bây giờ nhà nước ta đang nêu đánh đổ đế quốc phong kiến mà ở đây Sấm lại dạy “trở lại đế vương...” thì cũng lạ thật? hay là nói cái thói quyền huynh thế phụ, cứ hễ “vận động” lại thành “nghị quyết” mà ra trói nhau, hằm nhau... Cứ phải gẫm... chờ thời thế thay đổi xem sao... không thể đi trái cơ vận dân sinh dân chủ dân quyền được đâu!... Cụ Lý chỉ vào tôi và mấy đứa nói, mấy câu Sấm ấy phải đợi đến lũ trẻ này may ra mới vỡ nhẽ... tôi và các ông ra đống Ma Nác là vừa, hử? “Đầy đường lai láng máu dê” hừm... thì nhân gian này hẳn chiến tranh còn dài lắm thôi... “cuộc chưa tàn” chưa thể biết hết. Bỗng cụ quay sang hỏi ông Tịnh:
-Thế thằng cháu Thịnh bao giờ lên đường nhập ngũ đấy! Bảo nó sang tôi ăn bữa cơm hẵng đi nhá!... kẻo nó đi ông cháu chẳng có được câu chuyện... cơm dưa mắm thôi...
Ông Tịnh mặt buồn rười rượi:
-Sóng to gió lớn chả biết đâu mà lần, nhưng nó chưa lấy vợ tôi chưa đồng ý để nó đi, tôi nói giữa cuộc họp rồi cụ ạ!...
Đúng lúc ấy hồi trống HTX từ Miếu Làng Tư lại dóng dả vọng đến, các lão nông lại đứng dậy ra đồng...
Trời cứ nắng trang trang, đồng đất cuốc ải từ cánh Mẵn trước cửa xóm Bến xuống Cầu Đá làng Vũ Đại cứ trắng xóa đến nhức mắt...
*
Thập kỷ 70... Tôi và Thằng Cóc tình cờ gặp nhau tại Thành phố Vinh. Đó là vào một buổi tối... cách nhà Máy Nước Vinh không xa... trên đường về cơ quan, một anh bộ đội đi ngược chiều hỏi tôi đường đến cửa Nam... Bụi và cái nóng gió Lào, làm cát bay mù mịt lại gặp một đoàn xe tải đầy ắp đạn dược lao về phía Bến thuỷ... Chúng tôi đứng lại tránh cái đoàn xe dài dằng dặc gầm gừ không dứt với những ánh đèn gầm... và từng tốp bộ đội mang theo súng đạn, ba lô con cóc gập người nối đuôi nhau... ồn quá chẳng nghe được gì... đành nhìn nhau dưới ánh sáng lu lu mịt mịt... Không thể biết có biết bao sự tình cờ... nghe giọng anh ta nói tôi đã ngợ... “Có phải Cóc đấy không?” Cu cậu giật mình “ừ! Cậu là...” “Là Tía đây!”. Hai năm rõ mười... khoảnh khắc nhận ra... chúng tôi ôm chầm lấy nhau...
-Cậu đi đâu thế này? Tôi hỏi.
-Nghỉ phép xong bây giờ đi vào, đang hỏi thăm theo đường Bò Lăn... lẽ ra cùng đi với mấy tay nữa nhưng tao bị lạc, một thằng ở Hà Bắc cùng đi, bị sốt rét ác tính, tịch ở đoạn Nga Sơn, trên đường đi, giờ tao đành cứ đi bừa... hành quân một mình cũng quen cả rồi!.. Còn cậu, sao lớ ngớ mà gặp nhau ở đây...
-Tao gần đây thôi, cơ quan ở toà nhà bị sập dở dang kia kìa... Tao vừa công tác ở Đô Lương về... Vào tao nghỉ mai hẵng đi...
Thế là chúng tôi hai thằng trẻ ranh thuở nào bây giờ đã là những chàng trai vạm vỡ quân phục từ đầu tới chân... lại được xưng mày tao chi tớ như hồi ở nhà, ngay nơi tiền tuyến bom rơi đạn nổ... Ngày chúng tôi xa nhau đến thời điểm ấy đã có gần chục năm... Chúng tôi có nhiều chuyện kể cho nhau nghe... cuối cùng chúng tôi nhớ về Cụ Lý và những lời Sấm chưa có sự tri nghiệm... Thằng Cóc nói ông nó đi xa như cái đèn cạn dầu... chỉ buổi tối tắm rửa xong đi nằm, Cụ nói với cụ bà và mẹ con thằng Cóc là cụ sẽ đi... và sáng ra cụ đi thật. Đám ma Cụ được tổ chức bình dị như bao đám khác. Cuối năm ấy Cóc nhập ngũ... Tôi nhắc lại chuyện có lần Cóc đem một nắm lông gà lông vịt quăng xuống ao, rồi lại nhặt những hòn đá lần lượt ném... mong có sự ngược đời xảy ra để có thể gặp bố mình... Trẻ con thật ngốc nghếch... chúng tôi cười ra nước mắt... Tôi kể cho Cóc nghe đã có lần tôi đi ngang Bara Nam Đàn có tạt vào Rú Đụn tức Núi Đụn để thăm khe Bò Đái, bởi có câu Sấm truyền “bao giờ bò đái thất thanh, ấy điềm sinh thành rành mạch chẳng nghi...”; Theo Hán Nôm thì là “Đụn sơn phân gỉai, bò đái thất thanh, Nam đàn sinh thánh,庉 山 分 獬, 爬 戴 匹 聲, 南 檀 生 聖”... Có người nói khe ấy ở Bắc Giang, nhưng ở Nam Đàn cũng có... thì ai mà biết được, Rú Đụn thuộc xã Nam Lĩnh cũng có cái khe, cũng tên là Bò Đái... Tôi kể cho Cóc nghe tôi đã gặp cụ Quế người Nam Lĩnh, bấy giờ ngoài 70 sống ở quê từ tấm bé... Cụ cho biết trước kia khe Bò Đái chỉ là cái khe nhỏ, có tiếng nước chảy sè! sè!.. đi ngoài đường 15 có thể nghe được... còn giờ thì rộng toác mà nước thì không thấy? Cụ chẳng để ý chuyện “thất thanh“ tức là mất tiếng... lúc nào... Tôi và Cóc nhắc lại câu Sấm “điền vô nhân canh, lộ vô nhân hành, thị vô nhân chí, thiên hạ cộng vi binh” mà Cụ Lý đã gỉảng... thì rõ là chính thời chúng tôi đang sống, ở nhà chỉ còn các cụ già và một số nữ dân quân, lao động nam giới “lực điền” ra chiến trường hầu như tất tật...? đương nhiên thập niên 70 dọc đường quốc lộ 1A chỉ có lính hành quân, hừ? mà chúng tôi cùng tham gia và chứng kiến, người dân có đi đâu xa, toàn tìm lối đi tắt nẻo, it khi theo ra những con đường lớn... ấy là “lộ vô nhân hành”?... Chợ thì làm gì có? cửa hàng mậu dịch phân phối tiêu chuẩn lương thực thực phẩm, mua một lần hết luôn, hử? Công nhân nông dân đều có súng khoác vai, đều là quân dự bị? Rõ là “thiên hạ cộng vi binh” còn gì? Thằng Cóc xuýt xoa... Tuyệt thật! Sấm Ngài... Còn câu “Thập niên dư chiến, thiên hạ cửu bình, 十 年 餘 戰, 天 下 九 平...” gẫm ra... như cuộc kháng chiến của ta gọi là 9 năm chống Pháp nhưng sự bắt nguồn từ những năm tháng 1944-1945 đến ngày 15-3-1955 tên lính Pháp cuối cùng rời Bến Nghiêng, Đồ sơn- Hải phòng... thì theo thời gian là hơn mốc quy ước hiệp thương giữa năm 1956 đến ngày 5-8-1964 xảy ra sự kiện Vịnh Bắc bộ, bắt đầu nổ ra chiến sự... tính là 9 năm thì rõ là “thiên hạ cửu bình” đúng tắp lự nhé, hừm?
-Đúng thật đấy! tao đồng ý với mày! tuyệt.. Thằng Cóc huých mạnh vào tôi, thì các cụ vẫn bảo Sấm Trạng chỉ có đúng mà lỵ!.. chẳng dè chúng mình là những can dự... mà “cuộc đã tàn” chưa ấy nhỉ? mong sao chiến tranh kết thúc, chúng mình về quê, mà gẫm, mà bàn chuyện Sấm Trạng như các cụ đã từng bàn...
Đêm ấy chúng tôi nằm cạnh nhau, thật khó ngủ, câu chuyện vài lần bị gián đoạn bởi pháo sáng và máy bay Mỹ gầm rú... Có tiếng gà gáy. Cóc huých vào tôi “Vẫn thức đấy chứ?... ừ hừ!...
-Mày có nhớ 4 câu Sấm “Long vĩ xà đầu khổ chiến tranh, can qua xứ xứ khởi đao binh, mã đề dương cước anh hùng tận, thân dậu niên lai kiến thái bình-龍 尾 蛇 頭 苦 戰 爭, 干 戈 處 處 起 刀 兵, 馬 蹄 羊 腳 英 雄 盡, 申 酉 年 來 見 太 平” không? Nó hỏi.
-Đó là ứng vào Đại Chiến Thê Giới II, Cụ Lý đã gỉai thích... thật chính xác đấy... tôi trả lời...
-Mày không thấy ngờ ngợ sao?... Và thế là Cóc nói rằng nó cũng cứ gẫm mãi về mấy câu Sấm ấy... liệu lịch sử có thể lập lại một điều gì đó không? Nó gỉai thích rằng Ngày 5-8-64 sự kiện Việt Nam bắn chìm một tàu khu trục Mỹ, rồi Mỹ cho ném bom miền Bắc... và từ 1965 cuộc chiến chống Mỹ cứu nước... mỗi ngày một mở rộng... chả phải ấy là từ Giáp Thìn sang Ât Tỵ, cũng là “long vĩ xà đầu khổ chiến tranh...”đấy chứ? Ngoài chiến trường trận Âp Bắc, trận Bình Giã, Núi Thành, chiến dịch Khe Xanh Đường 9 Nam Lào, cả Đông Dương như bốc lửa... chả phải “can qua xứ xứ khởi đao binh...” là gì? Cuối năm 1967- Đinh Mùi, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tử trận, phía Mỹ và bọn đánh thuê Pắc Chung Hy, bị bổ chửng phải tính đến kế hoạch “Việt nam hóa”... Tao ngờ ngợ cũng là “mã đề dương cước... móng ngựa chân dê... anh hùng tận...” ấy nhé!... Chúng tao nghe đồn sắp có bài chúc tết Mậu Thân-1968 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đại loại “Năm qua thắng lợi vẻ vang, năm nay tiền tuyến lại càng thắng to, vì độc lập vì tự do, đánh cho Mỹ cút đánh cho Nguỵ nhào, tiến lên chiến sỹ đồng bào, Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn!” hoặc là “Xuân này hản hẳn mấy xuân qua, thắng trận tin vui khắp nước nhà, Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ, tiến lên toàn thắng ắt về ta”... thế là cái gì? Thì tao nghĩ “Thân dậu niên lai kiến thái bình...” cũng có vẻ như là cầm chắc?. Bây giờ thì đến lượt tôi huých vào người nó và hét lên:
-Eo ơi! chú mày suy gẫm ghớm thế! Là mày mong chiến tranh sớm kết thúc, hay là diễn biến cái lý của thiên cơ có vẻ như mày muốn vãng lai một sự trùng lặp? Nên phải hiểu “thiên cơ xuất kỳ bất ý...” chứ?. Thực ra tao nghĩ khổ Sấm ấy các cụ trải nghiệm về Thế Chiến II là chính xác rồi, vì chữ “xứ xứ khởi đao binh!” là ý rằng chỗ này chỗ khác... còn “ta” chỉ tóm lại là một “xứ An Nam” hay gọi chung là “xứ Đông Dương” thôi, lấy đâu ra “xứ xứ”...? Cụ Lý đã có lần gỉai thích ấy thôi?.
-Hừm!... Tao chịu mày! lẽ ra có thêm xứ Tàu xứ Tây gì gì nữa nhỉ... cứ cho là như thế, là tao cũng gẫm liên chi hồ điệp đấy! đợi “cuộc tàn” xem sao. Và cả hai chúng tôi ôm nhau cười. “hãy cứ gẫm liên chi hồ điệp!...” tôi nhắc lại...
*
Thâp kỷ 80... Cuộc chiến tranh gỉai phóng miền Nam thống nhất đất nước kết thúc vào 30-4-1975, theo các nhà nghiên cứu có vẻ thật sự bất ngờ... nhưng khi trải nghiệm Sấm Trạng... thì nhịp bước của thiên cơ không thể không bảo là không định sẵn!.. Thú vị của suy gẫm chính là như thế! và Sấm Trạng là đề tài lôi cuốn tôi và “ông” Cóc từ thuở ấu thơ, vốn được các lão làng truyền khẩu... Bấy giờ tôi đã chuyển công tác về Hải phòng và đang học một khóa nâng cao tay nghề, tôi tranh thủ tạt vê quê. Cũng đã gần chục năm, tôi lại có dịp được đi bộ trên đồng đất cũ, cánh đồng lúa xanh đang trổ đòng, mùi lúa thơm lan nhè nhẹ. Những cánh ruộng trũng xưa nay đã thay đổi, có thể trồng màu. Cánh Mẵn, chân ruộng cao trước kia nay đã trồng được hai vụ ngô, khoai... Con mương chìm sâu thẳm, dạo nào tôi từng ra đánh dậm bắt cua, nay chuyển thành mương nổi... Được biết người nông dân quê tôi thời nay không thiết tha với đồng áng cho lắm, vào thời vụ này họ hay kéo nhau đi làm gạch tận Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoà Bình... để kiếm thêm đồng tiền bát gạo...
Bạn bè trang lứa với tôi ở quê, đều có gia đình, một hai con cả rồi, có người đã có cháu, nếp nhà phần nhiều do các cụ để lại, vài nóc nhà lấn ra chân dược mạ. Ông Cóc biết tôi về đã bỏ cuộc họp ở xã chờ... vừa về tới ngõ Ông Cóc đã ra đón. Thấy đầu tôi đã hoa râm Cóc xuýt xoa “Chà Bác Tía, vất vả lắm hay sao mà đầu trắng phếch cả thế! chết thật...” Tôi ôm lấy Cóc, ngắm thằng Cóc năm nào:
-Thật khó truyện trò xưng hô mày tao nữa rồi! Lên ông lên bà thôi! Chúng ta đầu đều bạc cả... trên dưới ngũ tuần rồi còn gì? nhanh quá! Qua thời binh lửa, sống sót được thế này là may lắm hừm? Sau cái ngày gặp nhau tình cờ ấy, ông Cóc tìm được đn vị rồi tham gia cuộc tổng tấn công vào Quảng Trị- Đông Hà, bảo rằng bị vùi dưới đất, hai ba ngày, chuẩn bị rút lui... đồng đội đi rà soát, tình cờ phát hiện Cóc còn thở thoi thóp, đem cấp cứu kịp về tuyến sau, chỉ phải cưa mất bàn tay... Âu là cái số tôi thế! Cóc nói đầu gật gật...
Những người xung quanh kéo đến hỏi thăm uống nước... các Cụ xưa đều đã đi xa... Tầm tôi và ông Cóc đã là bậc vai vế trong thôn rồi... Cũng như ngày xưa lũ trẻ vây lấy người lớn mà hóng chuyện. Câu chuyện xoay quanh những khó khăn, năng suất nông nghiệp thấp, nạn đói... Sau ngày thống nhất kinh tế cứ tụt dần... những chuyện phiếm như “mỗi người làm việc bằng hai... bằng ba, để cho lãnh đạo xây nhà xây sân... mua đài mua xe... hoặc: bầm ơi có rét không bầm? von ga con dận gà hầm con xơi...” đem ra làm trò cười mà sảng khoái!... Rồi chuyện cấm chợ ngăn sông, cấm tiểu thương buôn bán... Ông Cóc nói:
-Tôi cứ cho là con người có số mệnh, đất nước có vận trời cả, Bác Tía nghĩ sao? các cụ dạy Sấm Trạng cứ nghiệm dần dần, cuộc tàn mới rõ! như cánh mình đã nghe, đã biết đều là đúng... Cụ tôi trước có chấm cho tôi lá số, bảo hiển nhiên chưa... Vậy gỉai thích đi... Tôi còn nhớ trước khi Cụ tôi đi xa bảo tôi chép mấy câu để mà gẫm, ấy là “Phá điền than đến đàn dê, hễ mà chuột rúc thì dê về chuồng, dê đi dê lại tuồn luồn, đàn đi nó cũng một muôn phù trì...”. Bác có khi cũng biết mấy câu ấy... liệu có gẫm ra không hử?...
-Sao lại không... giờ thì Tôi và Ông lại giống các cụ xưa, tôi nói với ông Cóc, vẫn nhớ những câu Sấm Trạng... có thể người đời chả mấy để ý đến... nhưng tôi lúc nào cũng gẫm... như trước kia ông từng bảo “cứ gẫm liên chi hồ điệp...” hử? Thì mấy câu Sấm ấy “phá điền than đến đàn dê...” hừ? Muốn hiểu ta phải xác định “dê là ai?” mà “phá điền” mới “than đến”... Trước kia các cụ nhầm ở chỗ không xác định đưc “dê là ai?” cứ suy diễn “dê là dương” là người Tây dương!... Nhớ rằng hai câu sau mới rõ nghĩa “dê đi dê lại tuồn luồn, đàn đi nó cũng một muôn phù trì!” vốn khẳng định cái tính chất quần sinh dân tộc... dân tộc nào cũng cứ “phù trì” cho dân tộc ấy! chữ “tuồn luồn” là chỉ cái tính cố hữu khó thay đổi của bất kỳ tộc người nào... ấy cho nên đàn dê cứ theo con đầu đàn, cũng giống như bên Tây người ta gọi lê dân, con chiên ngoan đạo là “bầy cừu của chúa” bầy cừu cũng như bầy dê vậy... Chính là ám chỉ những người dân lành... cứ “phù trì” cho quốc gia dân tộc mình một cách cố hữu... Thì đấy kẻ cầm đầu đàn dê “hô” đi xâm lược... là “đàn dê” cũng đi, ra “lệnh” tấn công là “đàn dê” cứ xông lên! Than ôi tính chất “một muôn phù trì của đàn dê”... phi lý tính, vô thiện cảm thật đáng thương!.. Lịch sử thế giới từ cổ chí kim, ít nhất là đến thời nay ta từng chứng kiến “kẻ cầm đầu-con đầu dàn” dẫn đàn, xua đàn dê này lấn át, xâm lược đàn dê khác mà cái sự “tuồn luồn... một muôn phù trì” vẫn diễn ra chỗ nọ chỗ kia thật cứ nhỡn tiền!... Thì đấy! Chữ “điền-田” bỏ ô vuông “phá điền” chỉ còn chữ thập “十”là “tung và hoành” là ám thị rằng thời loạn, can qua chỉ khổ cho đàn dê... tức cho dân mà thôi!? tiếp đến câu “hễ mà chuột rúc” tức như ta nôm na là “chuột thổi còi!”... Sao lại bảo thổi còi? Thì ta biết ngày 26-1-1973 Hiệp nghị Paris được ký kết, nhưng Âm lịch đó là ngày 23 tháng Chạp Nhâm Tí, vẫn thuộc về năm con chuột, và con “chuột rúc” là “đàn dê về chuồng” tức là theo Hiệp nghị, phía Mỹ phải rút hết quân ở Việt Nam về nước trước ngày 29-3-1973. Qủa đúng, theo lệnh người cầm đầu- con đầu đàn, quân Mỹ rút hết! ấy “...thì dê về chuồng” hử?...
-Bác gỉai thích em nghe thật thủng? Có thế chứ! ông Cụ tôi vẫn bảo chỉ thằng Tía là suy đoán khá hơn, sau này hỏi nó!... Thế bác còn nhớ bài Sấm dài Cụ tôi đọc anh em mình đã nghe... “hoành sơn là lối ra vào...” chứ?
-Có nhưng sau hẵng luận về mấy câu ấy!... Bây giờ “dê về chuồng...” thì cơ trời thế nào? Nhớ rằng có mấy câu Sấm “kê minh ngọc thụ thiên khuynh bắc, ngưu xuất lam điền nhật chính đông, nhược đãi ưng lai sư tử thượng, bốn phưng thiên hạ thái bình phong, 雞 盟 玉 受 天 傾 北, 牛 出 嵐 田 日 正 東, 弱 殆 應 來 溮 死 尚, 四 方 天 下 太 平 風”... Vậy là rõ “ngọc thụ” tức là ấn quốc bảo nghiêng về phương Bắc... là cái Cơ Trời nó thế... mới dạy rằng “thiên khuynh Bắc”... Còn “ngưu xuất lam điền” là gì? thì là năm 1973- Quý Sửu, Con Trâu xuất hiện, nhưng sao lại bảo là lam điền? Muốn hiểu thì phải biết Quý Sửu là năm- theo gốc địa chi... Thìn Tuất Sửu Mùi, vốn thuộc Thổ là con của Hoàng Đế, nhưng phép Ngũ Hành năm Nhâm Tý và năm Quý Sửu đều thuộc Tang Đồ Mộc, gỗ cây dâu, ta bắt gặp mấy câu của Đoàn Thi Điểm “...càng trông lại, lại càng chẳng thấy, thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu... ngàn dâu xanh ngắt một màu, lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?” Đó là nỗi buồn của người chinh phụ... hoặc theo cách nhìn nhân thế “cuộc đời bể dâu” Ta hình dung năm Quý Sửu là cánh đồng đất bát ngát, tang đồ mộc, ngàn dâu biêng biếc... và “ngưu xuất lam điền” làm nên một ngữ cảnh, ngữ cảnh ấy sẽ mở ra... Tiếp theo “nhật chính đông”. Sao lại bảo là nhật chính đông? Chỗ này trước hết phải hiểu thường nhật- thường ngày thì “nhật là ngày!” thế là: ngày chính đông? Vậy chính đông là gì? xin thưa ai đã quen dùng địa chi ở phép tính độn Thái Ât, hay phép Tử Vi, Hà Lạc thì hay dùng Tí Ngọ Mão Dậu- để chỉ Bắc Nam Đông Tây các phương vị Bát Quái, ấy thì “nhật chính đông” tức là “ngày chính Mão”. Đến đây tức khắc cần phải nhớ và cần phải biết “một ngày của Trời là một năm của đât!”... Vậy là “nhật chính đông” là ngày Mão, tất cũng là chính Thái ất.. ? hiểu ra: chính là Năm ất Mão mà năm Mão có điểm xuất phát là “ngưu xuất lam điền”... Đó là năm 1975- Ât Mão xuất phát từ “...lam điền” năm 1973- Quý Sửu, sau khi Chuột rúc “...dê về chuồng” vào năm 1972- Nhâm Tí (23 tháng chạp)... Đúng là một ngữ cảnh mở ra cái cơ trời trước mắt... “ngàn dâu xanh ngắt một màu!” biêng biếc mênh mang...
-Eo ơi sao ông gỉai thích kéo cái nọ sang cái kia lê thê lề thề như gỡ bối chỉ ấy? Chúng cháu chả hiểu được... Mấy đứa bé tròn xoe mắt, thằng cháu đích của cụ Lý kêu lên! Ông Tía vội hét:
-Để Bác nói cho mà nghe!.. các con muốn hiểu phải bảy bồ cám tám bồ bèo, hừm... mà phải nghe cái đã! hử?... Chà! Bác “lý” ra cái cơ vận... tuyệt thật! rõ là Sấm Ngài cứ tăm tắp ấy nhỉ... Không đọc sách làm sao mà biết... Bác gỉai tiếp đi...
-Thì tôi cứ bắt chước các Cụ, cứ gẫm liên chi hồ điệp mà lại... Thế rồi “Nhược đãi ưng lai sư tử thượng” có vẻ khó hử? ấy nhưng câu này ta đọc lên phải lấy “Sư tử” làm chủ ngữ, thì “sư tử thượng” là gì? nôm na là con sư tử nhảy thượng lên một cái, nhưng cái trạng thái bùng lên, thượng lên ấy ngầm hiểu là trạng thái khiếp nhược đã bày sẵn... mới dạy là “nhược đãi ưng lai” như thể tự nguyện, như thể bằng lòng, như thôi kệ... muốn ra sao thì ra, hử?.. Đây là nói về cái cơ vận diễn biến mặc lòng... cho nên mới tiếp “bốn phưng thiên hạ thái bình phong” ấy là vào năm 1975- Ât Mão, thời điểm Chính thể Việt Nam Cộng Hòa bị nguy ngập đến thế, Bắc Việt tấn công từ mọi phía ào ạt đến thế, thế giới bấy giờ gần như bằng an... như “bất động” kể cả Mỹ cũng chẳng dòm ngó gì nữa, cũng thây kệ! Chà...chà! “Thiên hạ, đứng chào cờ im ắng, nào ai cứu vớt, qủa đúng “bốn phương...thái bình phong” tức đứng im mà nhìn, hử?... Thế là rõ cả chưa nào?
-Đúng thế! Mỹ là nước trong cuộc cũng cứ tháo thân, mặc cho Việt Nam Cộng Hòa ra sao thì ra, chán lặc rồi hử? chính chúng ta cũng thấy lạ... hử? Sấm Trạng thực như mực hệt cả về sự mô tả ý nghĩa trạng thái, vận khí... ngữ cảnh! Ôi ai bảo là không có thiên cơ... Rồi sao nữa... Ông Cóc hỏi.
-Thì đấy! Rồi ta biết cuộc tổng tấn công mùa xuân vào chính đông tức 1975- Ât Mão, sau hồi “chuột rúc, ngưu xuất lam điền” ngữ cảnh diễn ra là “ngọn cờ nhấp nhô đầu non...” ấy là “Quân Bắc Việt” từ trên thẳm rừng ngàn sâu đổ xuống như thác lũ, triều dâng, thần tốc, táo bạo... (theo Anmanach những nền Văn minh Thế Gíơi- NXB VH TT)... Bắt đầu chiến dịch Quảng Đà (29-3-1975), tiếp chiến dịch Tây Nguyên (từ 4-3 tới 3-4-1975) và đến chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26-4 tới 30-4-1975)... Số liệu theo đó gồm 15 sư đoàn+4 trung, lữ đoàn tăng thiết giáp+ 6 trung đoàn đặc công+ kỹ thuật+ hỏa lực... Tổng cộng 280.000 quân, 400 tăng thiết giáp, 420 pháo... Các mũi tiến công từ Xuân Lộc, từ Buôn Mê Thuột, từ Tây Ninh An Giang... hành tiến nhằm thẳng hướng Sài Gòn, ấy là “Thạch thành mèo lại bon bon chạy về”... Đến đây thì... cần biết thế nào là “thạch thành?” xin thưa: Ai từng học về Kiến trúc, Xây dựng chắc không thể không biết rằng nước ta có một cái thành cổ: Thành nhà Hồ ở Vĩnh Lộc Thanh Hóa, thành này được xây bằng đá, cổng thành cao rộng tới 8 mét, với những tảng đá nặng từ 2 tới 8 tấn chồng lên! được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XV, là di tích đã được xếp hạng, xưa các cụ ta cũng quen gọi là Thạch Thành, trước kia địa phưng ấy tên hành chính cũng gọi là huyện Thạch Thành. Và ta thấy hiện ra trước mắt: chiến dịch Hồ Chí Minh, đúng vào năm ất Mão, năm con mèo!.. một sự trùng hợp kỳ lạ? ấy là “...mèo lại bon bon chạy về!”... Câu tiếp theo “đầy đường lai láng máu dê!” thì... sự đương nhiên, không khó hiểu lắm! máu dê hay máu dân? ấy là biết bao dân lành, chiến sĩ anh hùng đã hy sinh cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng này để giành sự toàn thắng? lệnh, giờ phút quyết định, tiến! Và điều làm ta càng ngạc nhiên không thể tưởng tượng là câu tiếp “con quay ngả trắng ba que cuộc tàn!”... Một lời than, hay một sự kết cục của thiên cơ... Chẳng phi thế cờ đã kết thúc đấy ư? Sự thật đến lạnh lùng, thì đấy “con quay ngả trắng!” -trắng phớ giữa thanh thiên bạch nhật! Và kia lá cờ “vàng ba sọc đỏ” lá cờ của chính thể Việt Nam Cộng Hòa, biểu tượng của quẻ Càn, máu đỏ da vàng, với khí dương cương kiện, một thời kiêu hùng tung bay dưới trời Đông Nam á, vốn luôn bị mỉa mai là “lá cờ ba que”... thực sự hết vận! Qủa đúng như lời Sấm năm trăm năm trước “ba que cuộc tàn”... và “trời nam trở lại đế vương!...” thì tôi và ông đã được nghe Cụ Lý cùng các cụ ta suy gẫm cả rồi, hử... đúng chưa nào?
-Đúng! Thật đúng đến cuộc tàn mới biết! Ông Cóc nói, chính chúng ta chứng kiến... Ai bảo là thêm thêm bớt bớt gì đâu? Sấm Trạng không thể sai được, toàn những câu bác và tôi đều đã nghe từ tấm bé, từ lúc còn điếu đóm... suy gẫm thế thì em chịu bác rồi!... Tôi nhớ là các cụ còn nhiều chỗ chưa gỉai thích được, như “tên treo ba mũi phục thù, khen thay khắc dụng bày trò chó con” là thế nào? sao lại “sông ô chấp cả mấy anh thủy hoàng ”.
-Câu Sấm ấy tôi vẫn nhớ như in... Các cụ ta vốn nhầm ở chỗ cứ vận vào phép Bói Dịch, Độn Giáp... cho nên gẫm mãi không ra “khắc dụng” là thế nào, cứ luận hết thể dụng lại sinh khắc... Không ngờ Sấm Trạng đã mượn một câu truyện có thật trong Lịch sử.... Đó là câu chuyện về một nhân vật cụ thể Lý Khắc Dụng thời Đường bên Tàu... Xin ngược dòng lịch sử nước Tàu, khoảng năm 874-884 sau CN, nhà Đường đại loạn, có cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào, Vua Đường sai Lý Khắc Dụng, Tiết độ sứ Hà Đông và Chu Ôn, tiết độ sứ Tuyên Vũ đi đánh dẹp. Không ngờ Hoàng Sào đánh bại Chu Ôn và vây hãm trị sở Tuyên Vũ của Chu Ôn khiến Ôn phải cầu Lý Khắc Dụng đến gỉai cứu... Lý Khắc Dụng đã đánh bại Hoàng Sào, cứu được Chu Ôn... đến khi vào thành, Chu Ôn nảy ra mưu độc vờ bày tiệc đãi ân nhân, rồi chuốc rượu cho Lý say sỉn định giết đi. Lý Khắc Dụng nhờ đám tuỳ tướng tả xung hữu đột mà chạy thoát... Từ đó Lý vô cùng căm ghét Chu... Bấy giờ Quân Chu Ôn ngày càng lớn mạnh, Lý Khắc Dụng muốn cùng với Lưu Nhân Cung, vốn trước là một nha tướng của Lý, nhờ Lý tiến cử, nay cũng trở thành Tiết độ sứ Ung Châu, để đánh Chu Ôn, không dè Nhân Cung lại theo đuôi Chu Ôn mà chống lại Lý... Lý Khắc Dụng vô cùng bực tức bèn sang gặp Vua Kim kết nghĩa uống máu ăn thề tiêu diệt Ôn... khi Lý về bản doanh Vua Kim là Da Luật A Báo lại nuốt ngay lời hứa, thấy thanh thế quân Chu Ôn quá mạnh, quay sang liên kết cùng Chu tiêu diệt Lý... Tất cả những sự việc tráo trở ấy qủa thật đã àm Lý Khắc Dụng phải diêđầu. Khắc Dụng phảiượng sức phòng thủ chống lại Chu Ôn, rồi bực tức mà sinh bệnh... ny ra cái nhọt lớn trên người. Biết không qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo, trước khi chết, Lý Khắc Dụng gọi con là Lý Tồn Húc, đang làm bộ tướng, giao lại ấn tín và dặn dò “Chu Ôn là kẻ bất nhân, cuồng bạo Cha cứu hắn, hắn lại lấy oán tr ân; Lưu Nhân Cung là kẻ bất nghĩa, ăn lộc chủ mà theo giặc làm phn, Da Luật A Báo là kẻ bội tín, đã cắt máu ăn thề, nay lại nuốt lời theo giặc chống lại cha, con gắng luyện tập quân mã, tích trữ lưng thảo trả thù cho cha, tiêu diệt bằng được chúng, ba mối thù ấy không trả được thì dưới hoàng tuyền cha không thể nào nhắm mắt!...” Nói đoạn sai người lấy 3 mũi tên giao cho Lý Tồn Húc “ba mũi tên này con phải tiêu diệt ba tên giặc ấy và thế lực của chúng!” Sau đó Lý Khắc Dụng ho dốc... thổ ra huyết rồi chết.
Lý Tồn Húc lo tang Cha chu đáo, đem ba mũi tên cho vào một túi gấm đẹp đặt lên bàn thờ nguyện thực hiện y lời! Khi đi đánh trận mang theo ba mũi tên bên mình, khi về lại đặt lên bàn thờ mà cầu nguyện... Sau 10 năm Lý Tồn Húc đã rửa hận cho cha, tiêu diệt cả ba thế lực kể trên, thu hồi toàn bộ đất đai của Chu Ôn, Lưu Nhân Cung, cả một phần đất do A Báo chiếm... Năm 923 Lý Tồn Húc lên ngôi Hoàng đế lập ra nhà Hậu Đường...
-Vậy là câu chuyện có thật trong sử sách của bên Tàu, mà cái tên riêng rất dễ lẫn lộn vào hình thái của phép bói dịch, được Đức Trạng lấy làm dẫn đề cho một khổ Sấm... thì ra những ai ít hiểu biết về thông sử làm sao có thể hiểu nổi?... ngay lịch sử nước nhà các bậc túc nho cũng còn chưa hiểu hết nữa là? Ông Cóc bàn thêm với tôi... Nhưng bác có thấy lạ là Đức Trạng nêu lên như một sự so sánh của cái cách trả thù và xem ấy chỉ là “bày trò chó con!..” theo tôi chắc có uẩn khúc gì đây? Còn như ta hiểu đến tận cùng thì ấy là mạch lý của thiên cơ, thiên vận vậy! Bời thế Sấm có nhắc “thần cơ quy nỗ ở trời, làm thành thần khí thửa nơi trị trường!” phải vây chăng? thì ở đây Ngài cũng dạy “...bấy giờ quét sạch thú ly, ai ơi nhớ lấy sấm ghi kẻo lầm, trong khi sấm chớp ầm ầm, chẳng qua có số để găm trị bình!” Ây là điều chúng ta cần triêm nghiệm? Mấy câu sau nữa thì bác gẫm ra sao?
-Nói đúng lắm, bởi thế mà Sấm Trạng còn có câu “xem ra cũng bởi số trời, suy thông mới thấy sự đời nhường bao!” tức là hiểu ra, sự đời chỉ nhường ấy! Mấy câu sau thì như một điều răn vậy.. Sông Ô xưa cũng như bao dòng sông khác, chuyên chở nước nguồn để nuôi dưỡng trăm họ chứ đâu để nhấn chìm Hạng Vũ, một người vốn có sức mạnh phi thường nhấc được cái Vạc lớn ngàn cân chạy không biết mệt! ấy vậy mà hết số thì cũng tự mình đến với cái chết! Huống chi Tần Thủy Hoàng, bạo chúa dẫu lúc nào cũng lấy sự giết làm lẽ sống, kiêm tính thiên hạ! lại sợ chết sai người đi tìm thuốc trường sinh tận chân trời góc biển? Mà nào có thoát. Cho nên mới bo “thất phu dám chống thư sinh, Sông Ô chấp cả mấy anh Thủy Hoàng, nực cười những kẻ bàng quang, cờ tàn lại tính toan đường đấm xe?”. Cái xe cái pháo đắc lực một thời, với con người thì nghĩa cử làm trọng, có đâu khi tàn cuộc lại bắt chước cách chi cờ mà dùng mẹo đấm thí!... ấy là cái ẩn ý trong lời Sấm vậy! cho nên Ngài mới nói như buông thõng “thôi thôi mặc lũ thằng hề, gió mây ta lại theo về gió mây!”
-Cho đến nay tôi và Bác vẫn gẫm mà chưa thể hết! Sấm Trạng thực tài... Chả trách Cụ tôi xưa suốt này trăn trở ngâm vịnh... Quyển Sấm lúc nào cũng gối ở đầu giường...
.....
Hi-Phòng 04-2008
P.V.H
************************************
Mậu tý diễn nghĩa – 2008
Phạm Vũ Hội
I/ Thiên tượng
Khắp trời sùm sụp mù mưa.
Miếng ăn là cái tranh đua tối ngày.
Quen ngồi miệng tiếng biếng tay.
Lại quen trấn đoạt tính này tật kia.
Dê đàn tan tác ai xua.
Lê dân thất vật sớm trưa dật dờ.
“ Đáo tầm sử địa”* làm ng.
Củi khô“Trư thử” ho chờ “Giang Đông”*
Thế thời gậy đập lưng ông.
“Thắt lưng lột lại” anh hùng đo điên .
Chấn cung sấm động vang rền.
Canh tân núi lửa hai miền lại reo.
Giang sơn nên vững tay chèo.
Chờ cơn gió thổi đặt lèo mà đi.
II / Nhân sự
Quỉ ma háo sự gầm ghì.
Dê đàn lại húc đôi thì dậu thưa.
Giêng, Hai đánh trống phất cờ.
Ba,Tư sóng vỗ đôi bờ biển xanh.
Chín, Mười vỗ xuống mặt thành.
Làm cho nhốn nháo âm thanh hãi hùng.
Đêm tàn Chuột chạy lung tung.
Nghe từ Đông Bắc rùng rùng đạn bom.
Nhất chu khí vận quay tròn.
Thuỷ chung-chung thuỷ âm dưng chuyển hồi.
III/ Thiên tặc
Dầm dề giông bão khắp ni .
Đại dương nước mặn đầy vơi lại tràn.
Bắc phương gió lạnh khô khan.
Nam phương hanh kiệt hồng hoang bãi bờ.
Tây phương trời đất tối mù.
Đông phương lửa gió xuân thu trái mùa.
Thiên thời dịch khí đong đưa.
Cuối niên động đất đuổi xua dân lành.
TB . 10-4-2007-DL
________________________ 23-2 Đinh Hợi
“ * ” Lẫy ý từ Sấm Trạng Trình
Chiêm lịch 2008 – Mậu Tý
Stt Ngày tháng
Dương lịch
Biến cố
Binh cách Biến cố
Ngũ tặc Phương vị
(+ -1ngày)
1 10 -2
28-2
18-3 Binh cách
- Bùng nổ
--------- Mưa lũ
Bệnh dịch Tây Nam
Tây
2 27-3
24-4
22-5 Bùng nổ -
Căng thẳng
Xung đột Hạn
Nóng Bắc
Đông bắc
3 31-5
18-6
6-7 Chiến tranh –
Binh lửa
Xung đột Hạn
Dịch Bắc ...
Tây bắc
4 14-7
12-8*
10-9 Căng thẳng
Hội họp Lũ
Mù mịt Đông bắc
Đông...
5 18-9
17-10
15-11 Hội họp
Tụ tập
Động đất – Dịch
------
Đông nam
6 23-11
23-12
21-1-2009 ------
Xung đột Động đất
Sóng thần
------ Tây nam
-----
TB- 12/4/2007-DL
(25/2Đinh Hợi )
kỷ sửu diễn nghĩa – 2009
Phạm Vũ Hội
I/ Thiên tượng
ý trời vốn đã đăng trình.
“Đoài phương phúc địa giáng linh”theo dòng
Ngày xưa đi cấy lấy công.
Ngày nay lắm việc ngóng trông nhiều bề
Trông cho dân trí hả hê.
Chữ dân chữ chủ đuề huề chuyển xoay
Trông cho khắp đó cùng đây.
“ Cua còng đổi gọng ” sắp rày thửa nên
“ Lục thất NON ngũ bách niên”.
Mong trời bão táp chớ nên ầm ầm…
“ Thiên sinh hữu nhất anh hùng”.
Không ngoài “ hữu nhất” trừ hung diệt tà
“ Tuệ tinh xuất đả Long Xà”.
Hiển linh “tỵ tỵ gia gia ”ứng mùa…
II / Nhân sự
Cờ tàn mấy nẻo chịu thua?
khéo cho con tạo vẫn xua dê đàn…
Thiên xung bể Bắc đùng đoàng.
Giêng hai sùng sục khói loang bụi mờ
Bốn,năm,sáu gió thay mùa.
Cơ yên địa lạc thắng thua lại đòi
Chấn cung xao xuyến bồi hồi.
Chữ rằng Hoàng Cái chực ngồi Quý phương
Đông tây bôn tẩu dặm trường.
Hỏa thiên tích lịch cảm đương tu về
Người đi khắp chợ cùng quê.
Bảo cho con cháu mau về gặp cha…
III/ Thiên tặc
Dè chừng gió giập mưa sa.
Thiên thời thất vật lép xa lép gần
Lửa thiêu mà nước rùng rùng.
Chấn cung lắm cảnh ruộng đồng mênh mang
Đoài phương lạnh tít cung thang-
Khảm phương tuyết lở tuyết tan thêm nhiều
Kim sinh thuỷ- Thuỷ cường triều.
Thiên nhân hợp diệu sinh điều nghịch nhiên
Bao giờ công trả lại thiên-
Dở hay tạo hoá trắng đen mới tường...
TB. 25-3-2008 ________________________ (18/2 Mậu tý)
“ * ” Lẫy ý từ Sấm Trạng Trình
Chiêm lịch 2009- Kỷ Sửu
Stt Ngày tháng
Dương lịch
Biến cố
Binh cách Biến cố
Ngũ tặc Phương vị
(+ -1ngày)
1 11 -2
03-3
24-3 Binh cách
--------------
- Bùng nổ Hạn khô nóng
Động đất - Bệnh dịch khí Đông-Nam
------------
Tây Bắc - Tây
2 02-4
22-4
11-5 Bùng nổ – binh lửa
-------------
Xung đột Khô hạn
Gió lốc cuồng phong
-------------- Tây Bắc
Đông bắc
Đông Nam
3 23-5
12-6
02-7 ----------- Binh cách
-----------
----------Chiến sự Nóng hạn
-------------
---Gió lốc cuồng phong Bắc ...
------------
Đông-Đôngbắc
4 11-7
01-8
21-8 Binh lửa
-----------
----------- Dịch bệnh khí
--------------
Lốc - Mưa lũ…. Tây Nam
Đông nam
Tây -Đông...
5 31-8
03-10
04-11 ------------
------------
-----------Chiến sự Lũ lụt-----
Mưa lụt ---
---------- Bắc-Tây Bắc
Đông-Đông bắc
6 15-11
18-12
08-2-2010 Chiến sự
------------
------------ Động đất
------------
Dịch----- Tây - Bắc
Đông ----
Nam ------
TB- 25/3/2008DL
(18/2Mậu tý )
TB:Nguyên văn bài Sấm tôi được nghe từ những năm 1955-1960
“Hoành sơn là lối ra vào!
Cuốc kêu vọng đế Cáo gào Hà vưng
cung trăng đã sẵn lời chương
gió mưa lại mở một trường Xuân Thu...
tên treo ba mũi phục thù
Khen thay khắc dụng bày trò chó con...
ngọn cờ nhấp nhô đầu non
thạch thành mèo lại bon bon chạy về
đầy đường lai láng máu dê
con quay ngã trắng ba que cuộc tàn...!
Trời Nam trở lại đế vương
thân nhân không phải là phường thầy tăng
đồng dao đã có câu rằng
non xanh mà mọc trắng căng mấy kỳ
bấy giờ quét sạch thú ly!...
ai ơi nhớ lấy Sấm ghi kẻo lầm!
trong khi Sấm chớp ầm ầm
chẳng qua có số để găm trị bình
thất phu dám chống thư sinh
sông Ô chấp cả mấy anh Thủy Hoàng...
nực cười những kẻ bàng quang
cờ tàn lại tính toan đường đấm xe
thôi thôI mặc lũ thằng hề
gió mây ta lại theo về gió mây!...”
Nhân việc thực địa lập quy hoạch khu di tích Trạng Trình
(Chép lại tại Hải Phòng năm 2000-Phạm Vũ Hội)
dienbatn mới sưu tập được bài nghiên cứu này , đọc thấy hay , xin chia sẻ cùng các bạn .
SINH MẪU - ĐÍCH MẪU - ẢO MẪU CỦA TRẠNG BÙNG
PHÙNG KHẮC KHOAN
Bùi Duy Tân
(ĐH KHXH và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội)
Khi khảo cứu và diễn giảng về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) và Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528-1613), học giả và giáo viên thường hứng thú với những huyền thoại về hai Trạng chung một bà mẹ. Thầy thích kể mà trò thì rất thích nghe. Nếu ở Trạng Trình bà mẹ này là sinh mẫu rồi được huyền thoại hóa, thì ở Trạng Bùng bà mẹ này là một ảo mẫu (mẹ không thực) bên lề sinh mẫu (mẹ đẻ) và đích mẫu (mẹ cả). Vậy là Trạng Bùng có ba bà mẹ? Hãy dò tìm tung tích từng mẹ dựa vào thư tịch Hán Nôm và truyền thuyết dân gian.
VỀ BÀ MẸ ĐẺ TRẠNG BÙNG
(SINH MẪU)
Đọc hết tác phẩm còn lại, khoảng hơn 500 bài thơ văn của Phùng Khắc Khoan, không thấy có bài nào, câu nào viết riêng về mẹ đẻ. Đôi lần xúc động thì nhớ cả mẹ cha. Bài Hiếu viết sau khi cha mất vào ngày 10 tháng 6 - Giáp Dần (1554).
Thiên kinh địa nghĩa thực di luân,,
Bách hạnh đô tùng nhất hiếu thuần…
Cắng cổ lai kim đồng thử lý,
Ta dư hà dĩ báo huyên xuân.
(Hiếu là thiên kinh địa nghĩa dựng đặt ra luân thường,
Trăm nết tốt đều do tấm lòng thuần hiếu…
Từ xưa đến nay đều cùng một lẽ phải ấy,
Ôi! ta lấy gì báo hiếu cha mẹ bây giờ.)
Tấm lòng thuần hiếu là cả với mẹ cha, nếu mẹ còn sống thì không thể viết gộp như thế. Bài “Đêm ba mươi Tết, cảm nhớ cha mẹ”(Trừ tịch tư thân hữu cảm) viết cuối năm ấy (1554) thì trào lên nỗi niềm thương nhớ:
Nhật nguyệt bất cư thân mạc đãi,
Huống phùng thử tịch hựu tương lan!...
Nhân thùy bất dục sự thân hiếu,
Thế loạn phương tri đắc hiếu nan.
(Ngày tháng mau qua, cha mẹ mất sớm, không đợi con nuôi,
Huống chi lại gặp đêm cuối năm sắp hết!...
Người ta ai chẳng muốn hiếu thảo với cha mẹ,
Đời loạn mới biết đạt được hiếu thảo thật khó thay.)
Thơ Phùng Khắc Khoan có tính chất biên niên, Phùng lại là người con chí hiếu, cho nên những bài thơ làm trước lúc cha mất (1554), như các bài Nguyên đán thọ phụ thân, Dao thọ phụ thân… mà chỉ chúc thọ phụ thân chứ không đề cập tới mẫu thân, chí ít cũng cho ta một thông báo: mẹ Phùng Khắc Khoan mất trước cha và mất sớm. Đặc biệt bài Nguyên nhật (Ngày đầu năm) có lời dẫn: “Bấy giờ là năm Bính Ngọ (1546), tôi 19 tuổi. Tháng 6 năm ấy, cha tôi đi nhậm chức Tri huyện huyện Đông Lan, tôi và em tôi là Khắc Tráng theo cha tôi đến chỗ nhiệm sở”(Thời cái Bính Ngọ, thập cửu tuế dã. Thị tuế lục nguyệt, phụ để thụ Đông Lan huyện Tri huyện, dư dữ đệ Khắc Tráng tòng chi nhậm sở) và câu thơ cuối: Túc tương ngũ phúc chúc linh xuân (Chỉ có việc là đem ngũ phúc chúc thọ phụ thân) cho ta biết rõ thêm hai điều. Một là bà mẹ ông mất sớm trước năm ông 19 tuổi. Hai là ông còn có người em là Phùng Khắc Tráng. Kiến giải cho rằng Phùng Khắc Khoan còn có anh ruột đỗ tú tài và em trai thứ tư là nhầm lẫn Phùng Khắc Khoan với Phùng Sứ quân triều Nguyễn sau này(1). Có thể rút ra nhận xét: Chưa rõ họ tên sinh mẫu Phùng Khắc Khoan, chỉ biết bà là mẹ của hai con trai là Phùng Khắc Khoan và Phùng Khắc Tráng, bà mất sớm, có thể khi anh em Phùng Khắc Khoan còn tuổi niên thiếu. Điều này phù hợp với lời kể của các cố lão trong họ ngoài làng và ông Phùng Khắc Trà, trưởng tộc, hậu duệ 19 đời của Phùng Khắc Khoan: “Ông cụ thân sinh ra Phùng Khắc Khoan hai vợ, vợ cả không có con, vợ hai sinh ra Phùng Khắc Khoan là người hiền lành, phúc hậu, mất sớm)(2). Qua các nguồn tư liệu, chân dung sinh mẫu Phùng Khắc Khoan chỉ thấp thoáng như vậy.
VỀ BÀ MẸ CẢ TRẠNG BÙNG
(ĐÍCH MẪU)
Hậu duệ của Phùng Khắc Khoan kể rằng bà mẹ cả Phùng Khắc Khoan không có con. Thơ ca Phùng Khắc Khoan không viết gì cụ thể về bà. Nhưng khi viết về Phùng Khắc Khoan - Cuộc đời và thơ văn (Sđd) Trần Lê Sáng phát hiện 5 bài tế trong Nghị Trai thi tập (ký hiệu A.597) có 2 bài viết về bà. Bài Quyền tế đích mẫu văn, Phùng Khắc Khoan làm “trong những ngày đi sứ ở Bắc Kinh, nghe tin mẹ mất… làm một bài văn tế dài để tế tạm”(Sđd tr.63)(3). “Một năm sau khi đi sứ về, ông đã làm Đại lễ tế văn khóc đích mẫu một lần nữa”(Sđd, tr.63). Tôi đã từng mặc nhận, tồn nghi những bài văn này trong công trình Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan tác gia - tác phẩm xuất bản ở Hà Tây năm 2000. Nay xem kỹ lại văn bản tôi thấy vẫn nên để tồn nghi. Trước hết là xuất xứ của những bài văn này chưa mấy rõ ràng. Cả năm bài đều nằm trong một văn bản chép tay tập hợp tác phẩm của Phùng Khắc Khoan một cách tùy tiện, thiếu thứ lớp minh bạch, sau và trước chúng, dấu tích văn bản chứng tỏ chúng do Phùng Khắc Khoan viết còn hạn chế. Năm tác phẩm này không thấy xuất hiện ở các tập chép tay nghiêm chỉnh tác phẩm của Phùng Khắc Khoan. Sau nữa là bài Quyền tế đích mẫu văn mà Trần Tiên sinh cho rằng Phùng Khắc Khoan viết khi đang sứ sự tại Bắc Kinh (tức Yên Kinh) lại cũng cần xem lại. Vì phương tiện thông tin thời ấy chưa cho phép Phùng nhận được tin nhà, làm văn tế mẹ, rồi lại gửi về trên lộ trình ngàn dặm từ Thăng Long (Hà Nội) đến Yên Kinh (Bắc Kinh). Phùng Khắc Khoan cũng không thể tế mẹ ở Yên Kinh, thơ văn đi sứ không có câu chữ nào ghi lại sự kiện này. Đặc biệt khi cho đăng tải toàn văn bài Quyền tế đích mẫu văn trong Phùng Khắc Khoan - Cuộc đời và thơ văn (Sđd, tr.259-260 bản in năm 1985; tr. 274-275 bản in lại năm 2005) cuối bài có đề: “Viết trong ngày đi sứ”. Trong nguyên bản không có câu này. Câu cuối của nguyên bản bài văn tế là: Nhi chi tội dã, thần diệc sử nhiên, chỉ có thể dịch nghĩa là: “Đó là tội của con, cũng là do thời thế khiến cho (xui nên) như vậy”(4). Nhọc nhằn tìm tòi, suy xét tỉnh táo, ứng xử thiện chí bao năm với chuyện này và cả những quan hệ đồng nghiệp xung quanh chuyện này, tôi muốn “văn hành công khí” đưa ra một giải pháp: Bài Quyền tế đích mẫu văn không phải do Phùng Khắc Khoan “viết trong ngày đi sứ”, vì nếu ông viết để tế mẹ thì không cần có chữ quyền, chữ quyền nghĩa ở đây là tạm thay tức thay mặt tạm thời để hành lễ tế, người chủ tế vắng nên có người khác thay mặt để tế, mới gọi là: quyền, còn mình là đích tử, tự viết văn tế và đứng chủ tế thì sao lại gọi là quyền được? Hiểu như vậy thì bài văn này do người khác viết để dùng tạm thời thay thế Phùng Khắc Khoan tế bà đích mẫu tạ thế khi ông không có mặt ở nhà, vì đi sứ hay vì công chuyện gì khác mà ta chưa rõ. Người khác đó trước hết phải là Phùng Khắc Tráng, em ruột Phùng Khắc Khoan, vừa viết văn tế, vừa “quyền tế...” tức thay mặt anh để tế, hoặc giả một ai khác viết để Phùng Khắc Tráng đứng “quyền tế…” thay Phùng Khắc Khoan. Từ cách hiểu đó, bài văn tế này cho ta những thông tin quý giá: Người mất được tế chưa rõ tính danh là mẹ cả Phùng Khắc Khoan, không sinh thành nhưng vì mẹ đẻ Phùng Khắc Khoan mất sớm nên tần tảo nuôi dưỡng Phùng Khắc Khoan khôn lớn, bà được phong nhất phẩm, mất lúc hơn 90 tuổi tại quê nhà. Khi mất Phùng Khắc Khoan vắng nhà nên bài văn tế có tên: Quyền tế đích mẫu văn (Bài văn tạm thay [Phùng Khắc Khoan] tế mẹ cả). Kiến giải trên đây có khác với kiến giải của Trần Tiên sinh - người phát hiện ra bài văn tế - không chỉ ở chỗ coi bài văn tế không phải của Phùng Khắc Khoan, cũng không có dòng: “Viết trong ngày đi sứ” ở cuối bài văn, mà còn giải trình rõ chữ quyền và từ đó quy chiếu, truy cứu xuất xứ, tác giả bài văn.
VỀ BÀ MẸ ẢO TRẠNG BÙNG
Gọi bà mẹ ảo (ảo mẫu) tức bà mẹ không có thực, bà mẹ chỉ có trong cõi ảo. Bà là ảo đối với Phùng Khắc Khoan, chứ đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm thì bà là sinh mẫu. Độc lập đối với cả hai Trạng, đây là bà mẹ hình thành từ truyền thuyết dân gian, tồn tại như một nhân vật huyền thoại trong tác phẩm văn chương. Cần tìm nguyên mẫu của bà mẹ hư hư thực thực này. Đọc hơn 500 tác phẩm của Trạng Bùng, rồi hơn 800 tác phẩm của Trạng Trình, chưa thấy hình bóng, dấu tích về bà. Tư liệu duy nhất, thực lục đáng tin cậy nhất, cho ta biết đôi nét thực về bà là Phả ký của Ôn Đình hầu Vũ Khâm Lân (1702-?) viết vào đầu những năm 40 của thế kỷ XVIII, khoảng 1743-1744. Theo Phả ký Vũ Khâm Lân là trọng thần của triều đình, sinh quán và từng là quan trị nhậm ở Hải Dương, nhiều lần tới quê Nguyễn Bỉnh Khiêm, dò hỏi tung tích, thế thứ, quan sát thực địa, di tích, tiếp xúc với hậu duệ Nguyễn Bỉnh Khiêm, “thâu thái ý kiến mọi người, rồi hợp lại với những điều thường ngày đã được tai nghe, mắt thấy, để viết nên một bài ký”: Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả ký (Phả ký về ông Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn Văn Đạt, tức Nguyễn Bỉnh Khiêm). Phả ký viết về bà như sau: “Họ Nhữ, được phong Từ Thục phu nhân, nguyên người ở Yên Tử Hạ thuộc huyện Tiên Minh, là con gái quan Thượng thư bộ Hộ Nhữ Văn Lan.
Bà vốn là người thông minh, học rộng văn hay, lại tinh cả môn tướng số; ngay thời Hồng Đức bà đã tính được rằng, vận mệnh nhà Lê chỉ sau 40 năm nữa sẽ suy. Vì có chí hướng phò vua giúp nước của bậc trượng phu nhân, muốn chọn một người vừa ý mới chịu kết duyên, nên bà đã chờ đợi ngót 20 năm trời, khi gặp ông Văn Định, có tướng sinh quý tử mới lấy”(5). Phả ký chép tiếp: Sau có dịp gặp Mạc Đăng Dung lúc còn hàn vi, bà than: “Lúc trẻ chẳng gặp, ngày nay tới đây làm gì?”, rồi “ân hận suốt mấy năm trời”. Bà đem kinh truyện và thơ Nôm dạy Nguyễn Bỉnh Khiêm từ lúc mới 4 tuổi. Bà kỳ vọng ở Nguyễn Bỉnh Khiêm nên khi chồng là Văn Định đem trăng là biểu tượng bầy tôi ra dạy con thì “bà giận bỏ về ở bên cha mẹ đẻ, cách ít lâu thì mất”. Phả ký không có một dòng chữ nào viết về chuyện bà lấy chồng ở Sơn Tây đẻ ra Phùng Khắc Khoan, chỉ nói đến Phùng Khắc Khoan với tư cách là học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Năm 1962, tôi và thầy Đinh Gia Khánh tới thăm quê ngoại Trạng Trình ở Yên Tử Hạ, nay thuộc xã Kiến Thiết, Tiên Lãng, Hải Phòng. Chúng tôi được các cố lão cho xem gia phả dòng họ Nhữ, biết thêm bà mẹ họ Nhữ đã mang người con thứ bảy của Trạng Trình sang ở Yên Tử Hạ để trông nom cố trạch vì phần mộ họ Nhữ đã di cư lên Cẩm Giàng. Gần đây báo chí có nhắc nhở văn hóa Hải Phòng cần tôn tạo phần mộ bà mẹ họ Nhữ ở Yên Tử Hạ. Từ đây ta mới hay bà mẹ họ Nhữ sống ở quê cha mẹ đẻ đến khi qua đời, cách quê chồng không xa. Phần mộ của bà nay vẫn còn.
Như vậy Phả ký khắc họa một chân dung thực, có giá trị như một nguyên mẫu rất giàu dữ liệu (tình tiết, tính cách, tâm trạng…) để từ đó cấu tạo (hư cấu) thành nhân vật truyền thuyết, huyền thoại, tức nhân vật của tác phẩm văn chương. Trong thời phong kiến thì đây là một người đàn bà kỳ dị. Kỳ dị ở chỗ biết bói toán, xem xét thời thế để tự toan tính chuyện đời của riêng mình. Kỳ dị ở chỗ muốn lấy chồng sinh con là vua. Khi đã có chồng, gặp người có trạng mạo đế vương thì tiếc nuối đến mấy năm trời. Hy vọng ở chồng rồi hy vọng ở con, trong lòng Nhữ thị lúc nào cũng thấp thoáng hình bóng một vua con. Cho nên giận chồng đem trăng - biểu tượng bề tôi - ra dạy con thì dứt áo ra đi… Toàn là chuyện kỳ dị, khác đời, chưa hề thấy trong sử sách, dân dã trước đó. Nhữ thị quả là người con gái ngoại hạng. Nguyên mẫu từ Phả ký chắc đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của truyền thuyết dân gian trước đó, khi trở thành nhân vật trong tác phẩm văn chương như truyền thuyết, huyền thoại mới, lại có thêm một cuộc đời khác. Cuộc đời ấy còn lại bằng hai dạng: dạng ghi chép thành văn và dạng truyền miệng. Thuộc dạng ghi chép thành văn thì đến nay hầu như mới thấy có: Mai Lĩnh hầu thành mẫu chí truyện(6)(Truyện Mai Lĩnh hầu [Phùng Khắc Khoan] hoàn thành chí của mẹ). Sách viết vào thời Nguyễn với/ bằng sự lắp ghép vụng về, tùy hứng lộn xộn một số giai thoại, tình thái, hành trạng, thơ văn… về/của Phùng Khắc Khoan. Riêng phần sự tích thì viết đại ý: có một thiếu phụ từ Hải Dương đến Sơn Tây gặp một Thái học sinh (?) giỏi phong thủy, có phúc tướng, bèn kết nghĩa phu thê với hy vọng sau này sinh con trả thù cho mình. Một năm sau, Phùng Khắc Khoan ra đời, tướng mạo khác phàm. Bà khuyên ông dạy học, lập chí cho con, để sau này gặp thời giúp nước phò đời, thì bà mãn nguyện mà ông cũng không còn ân hận… Mai Lĩnh hầu thành mẫu chí truyện chép về bà mẹ Phùng Khắc Khoan chỉ đơn giản có thế. Tình tiết trung tâm là sự lặp lại tình tiết chính của nguyên mẫu. Thuộc dạng truyền miệng thì ở Trung Am, quê Nguyễn Bỉnh Khiêm (1962) chúng tôi được các cố lão cho biết chưa thấy mấy ai nói đến Phùng Khắc Khoan, trừ một lời đồn thất thiệt: mẹ Trạng Trình còn đẻ ra cả Trạng Bùng và Trạng Quỳnh? Ở Yên Tử Hạ, quê ngoại Nguyễn Bỉnh Khiêm, sự tích về bà mẹ họ Nhữ có nhiều tình tiết giống với tình tiết được kể ở làng Bùng, nói chung ra ngoài phên dậu của Mai Lĩnh hầu thành mẫu chí truyện. Ở làng Bùng, bà mẹ họ Nhữ ngoài những lời kể như trong Mai Lĩnh hầu thành mẫu chí truyện, còn có chuyện bà gặp Phùng công đang làm ruộng, thấy có phúc tướng bèn gá nghĩa vợ chồng. Hoặc chuyện khi đi thi, Nguyễn Bình Khiêm có vòng lên Sơn Tây gặp cậu bé Phùng Khắc Khoan v.v… Tư liệu dân gian truyền miệng thì “khẩu thiệt vô bằng”, nhiều dị bản, nhiều tình tiết sai dị(7), ở nhiều địa điểm, thời gian khác nhau. Đến đây có thể kết luận, từ một nguyên mẫu Nhữ thị, mẹ đẻ Nguyễn Bỉnh Khiêm có phần kỳ dị, mạnh mẽ, khác thường, qua truyền miệng phát triển thành hình tượng nhân vật trung tâm của truyền thuyết, huyền thoại cả một vùng đời. Gọi bà là ảo mẫu, là bà mẹ không thực, là bà mẹ được hư cấu thành hình tượng nhân vật trong tác phẩm văn chương là hợp với quy luật sáng tạo của văn hóa văn học dân gian.
Sau phần giải trình về hồ sơ ba bà, là phần quan trọng hơn, là phần quan trọng hơn: tìm hiểu quan hệ giữa ba bà.
SINH MẪU VÀ ẢO MẪU TRẠNG BÙNG CÓ LÀ MỘT?
Vậy thì mẹ đẻ Phùng Khắc Khoan và mẹ đẻ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã truyền thuyết hóa - đã trở thành bà mẹ ảo, bà mẹ huyền thoại hóa - có là một. Các học giả đương đại có hai chủ thuyết.
Thứ nhất là chủ thuyết cho rằng: hai bà là hai bà, một là mẹ đẻ Trạng Bùng, hai là mẹ ảo Trạng Bùng chỉ tồn tại trong tác phẩm văn chương từ nguyên mẫu bà mẹ họ Nhữ, mẹ đẻ Trạng Trình. Đây là học thuyết của số đông học giả. Cố G.S Trần Quốc Vượng trong bài Làng Bùng - Trạng Bùng (Hà Tây Văn hóa Thể thao 2 - 1993, tr.70-71) nhận xét: “Huyền tích bà mẹ Nguyễn Bỉnh Khiêm đi đến xứ Đoài gặp người cày ruộng, có tướng tốt đã lấy làm chồng rồi sinh ra Phùng Khắc Khoan chỉ là huyền tích, sai sự thật. Phụ thân ông đã học nho, rồi thi đỗ, làm quan huyện”. Nguyễn Vinh Phúc - Nhà Hà Nội học - thì cho rằng: “Tôi không sao quan niệm được Phùng Khắc Khoan lại là em cùng cha khác mẹ với Nguyễn Bỉnh Khiêm… Phùng là em đồng bào với Nguyễn thì chỉ là truyền thuyết”(Phùng Khắc Khoan - Thời đại - Cuộc đời. Sở VHTT-TT Hà Tây, 1993, tr.17) v.v…
Riêng tôi, từ đầu những năm 1960, khi bắt đầu giảng dạy và nghiên cứu Phùng Khắc Khoan và Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chú tâm sưu tập, theo dõi tư liệu thành văn, truyền khẩu có liên quan đến bà mẹ họ Nhữ này. Tôi và Thầy Đinh Gia Khánh đã về quê Nguyễn Bỉnh Khiêm ở làng Trung Am khi còn tỉnh Kiến An, nay thuộc Hải Phòng; về quê mẹ đẻ Nguyễn Bỉnh Khiêm dòng họ Nhữ ở Yên Tử Hạ, nay thuộc Hải Phòng; và về quê Phùng Khắc Khoan ở làng Bùng, xã Phùng Xá, Sơn Tây nay thuộc Hà Tây…vừa tìm đọc thư tịch, bi ký, gia phả, vừa nghe các cố lão trong họ ngoài làng kể chuyện người xưa. Sau đó lại đi vào các thư viện ở Trung ương và các tỉnh Kiến An, Hải Dương, Sơn Tây… tìm kiếm thêm tư liệu. Năm tháng trôi qua, tư liệu kiếm tìm, ngoài Phả ký của Vũ Khâm Lân chẳng thêm được là bao, kiểm lại thì hầu hết đều là lời tục truyền, tương truyền, là giai thoại, huyền tích… hoặc được ghi muộn trong một vài truyện ký văn học (như Mai Lĩnh hầu thành mẫu chí truyện, Ký lục tiên tổ sự tích…) hoặc còn được truyền miệng trong dân gian. Dựa vào tư liệu đã có, năm 1979 trong Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan soạn chung với Ngọc Liễn, do Ty VHTT Hà Sơn Bình xuất bản, tôi đã đưa ra kết luận: “Câu chuyện về bà mẹ họ Nhữ… chắc chỉ là huyền thoại, khó tin là có thật” (Sđd, tr.14). “Vả lại Nguyễn Bỉnh Khiêm hơn Phùng Khắc Khoan 38 tuổi, bà mẹ họ Nhữ khó có thể sinh một đứa con sau cách đứa con trước nhiều năm như thế” (Sđd, tr.96). “Tuy nhiên sự tích về bà mẹ họ Nhữ dầu cho có là ngoa truyền đi nữa… chắc đã nhằm thỏa mãn một trạng thái tâm lý nào đó của người đời… chúng ta vẫn cứ suy nghĩ xem sao” (Sđd, tr.96).
Sáu năm sau Trần Lê Sáng đưa ra chủ thuyết thứ hai, trong Phùng Khắc Khoan - Cuộc đời và thơ văn (Nxb. Hà Nội, 1985) đã phủ định kết luận mở trên đây của tôi và một số học giả khác. Đặc biệt, trong lần tái bản ở Nxb. Văn hóa Thông tin năm 2005, Trần Tiên sinh vẫn giữ nguyên bản cũ. Trong đó phần thì dựa và tin vào lời tương truyền, phần thì dựa vào một vài huyền thoại, sự tích, truyện ký, văn tế, đi đến khẳng định: “Mẹ đẻ Phùng Khắc Khoan chính là mẹ đẻ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguyễn và Phùng là hai anh em cùng mẹ khác cha” (Sách tái bản, tr.55). “Về sự tích và chí hướng khác thường của bà mẹ đẻ Phùng Khắc Khoan, chưa hẳn một lúc đã tìm hết sự thật, song tôi tin có một bà như vậy. Bà có thể là một ngọc nữ mơ hồ như Liễu Hạnh công chúa, song bà cũng có những nét thực như bà Nguyễn Thị Duệ hay các bà Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, bà Huyện Thanh Quan (Sđd, tr.68).
Cho đến nay, phải viết lại vấn đề này, thật nhọc nhằn bất đắc dĩ. Vì trách nhiệm, chân tình, nếu không nói là thẩm quyền với hai đại gia văn học thế kỷ XVI - XVII Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, những tác gia có trong lý lịch khoa học của đời tôi hơn 40 năm ròng, xin nêu ra 4 sai lầm của Trần Lê Sáng khi cứ một mực: Mẹ đẻ Phùng Khắc Khoan chính là mẹ đẻ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
1. Trần Lê Sáng đã tìm con người thật (mẹ Phùng Khắc Khoan) thông qua truyền thuyết, truyện ký dân gian, lời kể của các cố lão… Việc làm đó khó có thể coi là thao tác khoa học nghiêm túc. Xin nói thêm 90 Giai thoại Trạng Trình (Vĩnh Bảo - Hải Phòng xuất bản 1991), vài chục Giai thoại và Sấm ký Trạng Trình của Phạm Đan Quế (Nxb. Văn nghệ - Thành phố Hồ Chí Minh, 1992) cũng chỉ thấp thoáng đôi lần tục truyền bà mẹ họ Nhữ là mẹ Phùng Khắc Khoan…
2. Sử dụng tư liệu thiếu thận trọng. Chẳng hạn lấy lời chú thích câu thơ: Phùng Khoan sứ tiết cũng già trong Đại Nam quốc sử diễn ca (Nxb. Văn học. H, 1966, tr.171) “Phùng Khắc Khoan là người làng Phùng Xá, thuộc tỉnh Sơn Tây (tục gọi là Trạng Bùng) là con cùng mẹ khác bố với Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình) của Đinh Xuân Lâm và Chu Thiên, làm tài liệu tin cậy hàng đầu. Hoặc giả tập thơ Phùng Sứ quân tiễn thi tịnh cảnh vật vịnh (Thơ tiễn và vịnh cảnh vật của Phùng Sứ quân) của một ông Phùng Sứ quân nào đó ở thời Nguyễn sau này thì Trần Lê Sáng lại cho là tập thơ của Phùng Khắc Khoan có lẫn thơ triều Nguyễn, nên đã dẫn bài Bào huynh Tú tài tiễn (Anh ruột là Tú tài làm thơ tiễn) chứng thực là Phùng Khắc Khoan có một anh ruột (Sđd, tr.69), và bài Thụy khởi hoài đệ tứ lang (Ngủ dậy nhớ người em thứ tư) chứng thực là Phùng Khắc Khoan có em trai thứ tư (Sđd, tr.70). Thử hỏi nếu Phùng Khắc Khoan có 4 anh em thì cùng con một mẹ họ Nhữ hay khác mẹ đây? Và nếu Phùng Khắc Khoan là con thứ hai thì làm gì có chuyện tế đích mẫu. Hơn nữa, khi tiễn cha đến nhiệm sở Tri huyện năm Bính Ngọ (1546), tại sao chỉ có Phùng Khắc Khoan và em là Phùng Khắc Tráng(8). Với việc ngộ nhận tập thơ này, Trần Tiên sinh đã tự làm khó cho mình.
3. Không chấp nhận sự thực qua việc phân tích năm sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan và mẹ đẻ… của hai ông. Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491 hơn Phùng Khắc Khoan sinh năm 1528 đến 38 tuổi. Nếu bà mẹ họ Nhữ đẻ ra Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc 20 tuổi như Phả ký ghi, thì đẻ Phùng Khắc Khoan phải (20 + 38) 58 tuổi. Gần 60 tuổi mà vẫn sinh con, đến thời nay vẫn còn đáng ghi vào Kỷ lục, huống hồ thời xa xưa, cách ta đã ngót 500 năm. Điều này tôi đã nêu ra từ lâu, song Trần Tiên sinh cho rằng tuổi của hai ông Trạng cách nhau quá xa, chỉ là chi tiết nhỏ, “nên khảo cứu thêm về năm sinh của hai ông, đặc biệt là năm sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm… Bà mẹ họ Nhữ bỏ về nhà bố mẹ đẻ lúc Nguyễn Bỉnh Khiêm mới bốn tuổi (bà lấy chồng lúc hai mươi tuổi, vậy lúc đó bà hai mươi bốn tuổi), nếu sau đó một vài năm bà lấy thân phụ của Phùng Khắc Khoan thì không thể kể là nhiều tuổi được”(Sđd, tr.67-68). Ngang nhiên đòi xem lại năm sinh của hai danh nhân văn hóa lớn, đã được sử sách bi ký ghi khắc, trở thành bất di bất dịch từ xưa, nhằm tạo thế cho lập thuyết của mình, là chuyện động trời, không phải chuyện nhỏ. Trần Tiên sinh có nghĩ lại cũng đã muộn. Còn nói bà mẹ họ Nhữ lấy bố Phùng Khắc Khoan vài năm sau năm 24 tuổi cũng là một suy diễn hàm hồ. Vì như thế thì bà đi bước nữa từ cuối thế kỷ XV, để rồi mãi đến 1528 tức vài chục năm sau mới sinh Phùng Khắc Khoan. Rõ ràng lập luận của Trần Tiên sinh về tuổi tác của hai Trạng và bà mẹ họ Nhữ vừa không có sức thuyết phục, vừa sai ngoa, kỳ quặc. Thực ra chỉ cần nhìn vào năm sinh của hai Trạng, người ta cũng đầy đủ điều kiện để phủ định hai ông có chung một mẹ, mà không cần đến mớ dữ liệu khác.
4. Chưa thấy Quyền tế đích mẫu văn là dữ liệu quý. Bài văn tế ấy viết đích mẫu Phùng Khắc Khoan thọ hơn 90 tuổi. Bà mất vào cuối thế kỷ XVI khi Phùng Khắc Khoan không có ở nhà. Như vậy bà mẹ cả này ắt phải sinh vào mấy năm đầu thế kỷ XVI. Khi đó thì bà mẹ họ Nhữ sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 1491 lúc 20 tuổi, đã khoảng trên 30 tuổi đời. Nếu bà họ Nhữ lấy thân phụ Phùng Khắc Khoan thì bà hơn bà cả đến 30 tuổi. Chuyện vợ lẽ, con hầu trẻ hơn vợ cả vài chục tuổi thì cũng có thể có, chứ già hơn vợ cả đến vài chục tuổi thì chỉ có trong mơ.
Lập thuyết của Trần Tiên sinh qua bốn vấn đề bất cập trên đây, không thể đứng vững. Để đảm bảo tính chất thực lục về gia quyến Phùng Khắc Khoan và cả Nguyễn Bỉnh Khiêm xin có lời kết luận: Dựa vào những dữ liệu xác thực, thì bà mẹ đẻ ra Phùng Khắc Khoan không phải là bà mẹ họ Nhữ đã sinh ra Nguyễn Bỉnh Khiêm. Những lời tục truyền, tương truyền, truyền thuyết, huyền thoại, sự tích đều là tư liệu, tác phẩm văn chương, không thể coi là sự thực bổ sung cho lai lịch hành trạng có tính chất thực lục. Phùng Khắc Khoan không thể có một bà mẹ mà năm sinh ra mình đã gần 60 tuổi. Năm sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan là bất khả di dịch. Thân phụ Phùng KhắcKhoan cũng không thể có một bà vợ lẽ hơn bà vợ cả khoảng 30 tuổi đời.
Câu chuyện về các bà mẹ Phùng Khắc Khoan đến đây đã quá dài nên phải kết thúc. Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan vẫn mãi mãi có một sinh mẫu, một đích mẫu và một ảo mẫu là bà mẹ trong truyền thuyết văn chương. Cám ơn độc giả và mong nhận được những góp ý vô tư, khoa học, chân tình.
Hà Nội, Trung thu Đinh Hợi - 2007
B.D.T
Chú giải:
1. Xem Phùng Sứ quân tiễn thi tịnh cảnh vật vịnh (Thơ tiễn và vịnh cảnh vật của Phùng Sứ quân). Viện Nghiên cứu Hán Nôm, A.1576; Viện Văn học, DH.105. Phùng Khắc Khoan - Cuộc đời và thơ văn, Trần Lê Sáng, Nxb. Hà Nội, 1985; Nxb. Văn hóa Thông tin tái bản, 2005. Dẫn dụ ở đây đều theo sách tái bản.
2. Tư liệu đi thực tế về làng Bùng các năm 1963, 1964, 1994, 2000…. của Bùi Duy Tân.
3. Trần Lê Sáng còn dẫn bài thơ Mông ân chuẩn nhân tiện ninh gia (Đội ân chuẩn y cho nhân tiện ghé thăm nhà) chứng tỏ Phùng Khắc Khoan có về chịu tang đích mẫu. Điều này mâu thuẫn với chỗ cho rằng bà đích mẫu mất khi Phùng Khắc Khoan đang đi sứ. Hơn nữa, thật đáng tiếc, bài thơ này là của tác giả thời Nguyễn, trong tập Phùng Sứ quân tiễn thi tịnh cảnh vật vịnh.
4. Nói chung bài Quyền tế đích mẫu văn được Trần Lê Sáng dịch thoáng, có chỗ chưa sát nghĩa, khi sử dụng nên đối chiếu với nguyên bản.
5. Theo bản dịch của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm. Trong Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề. Tập III. Bộ Quốc gia giáo dục Sài Gòn xuất bản, 1962, tr. 139-160.
6. Xem Mai Lĩnh hầu thành mẫu chí truyện (Phụ trong Danh gia thi tập). Viện Nghiên cứu Hán Nôm, VHv.2163.
7. Ngay tình tiết Nhữ thị khuyên chồng phải nhập phòng đúng vào lúc “nguyệt đáo trung thiên”(trăng đứng giữa trời) là để sinh quý tử với bố Trạng Trình, còn với bố Trạng Bùng là để sinh con phát vương. Tiếc thay cả hai ông bố đều không kiên trì nên chỉ sinh con phát Trạng.
8. Xem bài Nguyên đán (Ngày đầu năm) trong Ngôn chí thi tập, có đề dẫn năm Bính Ngọ (1546) Phùng Khắc Khoan và em là Phùng Khắc Tráng theo cha đến nhiệm sở huyện Đông Lan nhận chức Tri huyện. Ở trên đã dẫn.
9. Nếu bố Phùng Khắc Khoan bằng khoảng tuổi của mẹ cả, thì bà mẹ họ Nhữ hơn ông này khoảng 30 tuổi, sao bà có thể lấy làm chồng được. Chuyện ngay trong mơ cũng khó thấy.
dienbatn giới thiệu .
Bài Chiêm Lịch soạn cho năm 2010-2011
Phạm Vũ Hội- KTS
Xưởng Kiến Trúc Tạo hình Hải Phòng
Thân gửi: ông Bùi Quốc Hùng- Bút danh DIENBATN
Trung Tâm Nghiên cứu lý học Đông Phương
Bài Chiêm để đăng tải về nghiệm lý Sấm Ký Trạng Trình
(tiếp tục với Hư thực muôn đời…)
(E-mail:dienbatn@yahoo.com)
Canh dần diễn nghĩa – 2010
I/ Thiên tượng
Dịch trời đảo lộn tứ phương,
Bóng đen lấp ló nẻo đường trận vong
Sơn lôi di chuyển đùng đùng.
Ai hay khói lửa bập bùng biển khơi
Rừng sâu hùm thức dậy rồi.
Đông A một dải đứng ngồi chửa yên
Trước thu trăng rọt lên thềm,
Một cơ “lục thất” sức bền trăm năm
Lại tìm hai chữ Ngũ Luân,
Lại xem Núi Tản Non Nùng hiển linh
Sự nuôi sự lớn sự thành,
Sự đi hợp lẽ chính danh đúng mùa
Cầu trời “bất chiến-bất thua”,
Bắc nam vô sự gió mưa thuận hòa.
II / Nhân sự
Mã phù Kiếp địa khởi ra,
Thói quen dương tẩu lẻn qua cửa rồng
Tháng giêng thấy động ầm ầm,
Ba tư khói bụi xém gần tới lưng
Bốn năm phong hỏa gia nhân,
Người thua kẻ thắng đôi phần tách chia
Than ôi quốc sự dầm dề,
“Mã ngưu chi tuế” xua dê lạc đàn
Đạo càn nãi thống dương gian,
Đạo khôn nãi thuận còn đang nửa vời...
Trước thời thiên hạ xẻ đôi,
Sau thời nhân quả ông tôi nhỡn tiền.
III/ Thiên tặc
“Cát bình nhất nhật sơn niên”, đất trời nóng nực suốt đêm suốt ngày
Khô khan rã cánh cò bay, giữa năm động đất gió xoay tối mù
Cơ trời đói kém mất mùa, lại khi dịch khí a dua a tòng
Triều dâng bão dội tây đông, làm cho thiên hạ hãi hùng nhiều phen
Nghĩa nhân mà lắm ưu phiền, bởi chưng quyền lực bon chen bộn bừa
Tượng trời gia đấy mà chưa? vị nhân vị cập vẫn đùa thế gian..!
Phạm-Vũ-Hội. 7-4-2009
(13/3 Kỷ Sửu)
“ * ” Lấy ý từ Sấm Trạng Trình
Chiêm lịch 2010- Canh Dần
Stt
Ngày tháng
Dương lịch
Biến cố
Binh cách Biến cố
Ngũ tặc
Phương vị
(+ -3ngày)
1
21 -2
23-3
30-4
Binh cách
căng thẳng
Mưa lũ
Động đất –khí lạnh
Đông-Nam
Đông-Bắc
Tây
2
26-5
19-6
Bùng nổ – binh lửa
Xung đột
Khô hạn- nóng
Gió lốc cuồng phong
---
Bắc
Đông bắc
Đông Nam
3
15-7
08-8
Binh cách
----------Chiến sự
Nóng hạn
Gió lốc cuồng phong
Bắc ...
Tây-Nam
Đông bắc
4
04-9
28-9
Binh lửa
Hội họp...chiến sự
-
Dịch bệnh khí
Lốc – Mưa lũ….
Tây Nam
Đông nam
5
24-10
18-11
Căng thẳng. hội họp
------------
-----------Chiến sự
Lũ lụt-----
Mưa lụt ---
----------
Tây Bắc
Đông-Đông bắc
6
27-12
02-2-2011
Chiến sự
------------
Động đất
Dịch-----lũ
Tây – Bắc
Đông-nam
Nam ------
PVH- ( 12/4/2009 DL)
(18/3 Kỷ Sửu )
Tân Mão diễn nghĩa – 2011
I/ Thiên tượng
Vận trời cháy sự tràn lan, mặc nhiên quỷ quái làm càn khiếp kinh
Vẫn theo bá đạo vi hình, lùa cơn sóng cả nghê kình ngoài khơi
Tốn cung cam phận dập vùi, “kiền khôn phù tái” ngược xuôi trống kèn
Chấn cung hơi vạc bùng lên, thủy lôi thăng giáng khắp miền giang đông
Khôn cung tí tách đì đùng, “độc- tôn” hai chữ nạ dòng cắt chia
Khí trời nhân nghĩa ra rìa, quan quyền lừa đảo ăn chia kiếm tiền
Đông tây chưa thể là duyên, “cửu trùng” còn đợi tiên thiên đảo đồng
II / Nhân sự
Tính thời toan thế thượng phong, giơ tay xoạc cẳng anh hùng kém ai
Nhìn lên thấp thoáng sen nhài, cúi xuống lộ rõ hình hài quỷ ma
“Cơ nhị ngũ” thế cũng là... “cửu châu” tiếp cảnh chiến qua “do hùng”
Giêng hai hiểm hóc tầm ngầm, ba tưw tịt mịt tay cầm bàn chông
Năm sáu lửa bén phía đông, cuối năm hội họp chạy rông chạy dài
“Ốc tru” đáo vận giằng giai, quyền nhân bước một bước hai nửa vời...
III/ Thiên tặc
Cả mưa cả nắng thì sôi, cả sóng cả gió thì lôi sập thành
Ốm đau ôn đạo dịch hành, âm dương đôi ngả rõ rành tác hung
Đoài phương lạnh nóng chưwa từng, thì phen núi lở địa lầm cuốn trôi
Chấn phương đấy lụt đây bồi, đồng quê thẳng cánh dập vùi thủy phân
Chữ rằng thiên địa chi tân, bình yên một khúc bất thần một khi...
Bao giờ “thập quốc” lâm thì, mới yên ngũ tặc mới vi nhân quyền...
Phạm-Vũ-Hội. 14-4-2009
________________________ (20/3 Kỷ Sửu)
“ * ” Lấy ý từ Sấm Trạng Trình
Chiêm lịch 2011- Tân Mão
Stt
Ngày tháng
Dương lịch
Biến cố
Binh cách Biến cố
Ngũ tặc
Phương vị
(+ -3ngày)
1
03-2
24-2
19-3
Binh cách
Chiến sự-
- Bùng nổ
Động đất – Bệnh dịch khí
Đông-Nam
Nam
2
21-4
24-5
binh lửa
Xung đột
Lũ lụt
Gió lốc cuồng phong
Đông bắc
Đông Nam
3
27-6
30-7
Binh cách
----------Chiến sự
Bão lụt
Gió lốc cuồng phong
Tây Bắc ...
Đông-
4
01-9
03-10
Binh lửa
Hội họp-----------
Dịch bệnh khí
Lốc – Mưa lũ.
Tây Nam
Đông nam
.
5
27-10
17-11
------------
-----------Chiến sự
Lũ lụt sụt lở
Động đất sóng thần
----------
Bắc-Tây Bắc
Đông bắc
6
20-12
22-1-2012
Chiến sự
------------
------------
Động đất
Dịch bệnh-----
Tây – Bắc
Đông Nam-
PVH- ( 15/4/2009 DL)
(21/3 Kỷ Sửu )
Phạm Vũ Hội - Có thơ Chiêm rằng:
Lâu nay gắng lấy sự nhàn, mở quyển sách vàng nhiệm nhặp ngồi xem
Có câu Sấm ký bí truyền. Tuổi thơ nghe lỏm đôi phen hỏi dò
Lão phu các cụ bơ phờ , luận giải hàng giờ cũng chỉ chừng ra
“Mười phần mấy bảy còn ba, mất hai còn một...” thực là khó thay
Trẻ con chạy dọc luống cày, chấp chân sai vặt cả ngày mà vui
Cái thời điếu đóm ông tôi. Cái thời sâu nặng tình người nghĩa cha
Đồng xanh ruộng lúa bao la, lũy tre vi vút tiếng gà gáy trưa
Mái tranh sông nước hững hờ, lưng trâu ngồi đọc i-tờ ê a...
Sấm Trạng Trình đã viết ra, mỗi câu mỗi chữ đều là thần tiên
Gắng công học chữ thánh hiền, hoạ may hiểu được lời truyền Trạng cho
Hoạ may hiểu được biến cơ, tài trai thông luận cơ hồ dọc ngang
Sấm gieo muôn ngọc nghìn vàng, thỉnh xin từng chữ rõ ràng nhớ ghi
Kể từ tuổi nhỏ qua đi, gặp thời loạn lạc khốn nguy bời bời
Chiến tranh rần rật khắp nơi, hiền giang một lẻo cắt đôi sơn hà
Phân chia bên địch bên ta, thắt lưng buộc bụng mà ra chiến trường
Mẹ già một nắng hai sương, tuổi xuân hăng hái lên đường lập công
Thân trai nhẹ tựa lông hồng, bom rơi đạn nổ tứ tung ngũ hành
Thửa là phải thuở “hung hoang”, thửa là binh hoả chiến trường khốn thay
Thửa là cá phái ẩn cây, thửa là còn mấy chim bay một làng
Khăng khăng sắc đỏ sắc vàng, nhà máy thôn làng khẩu sung khoác vai
Thửa là thiên hạ xẻ hai, thửa là kẻ sở người đoài chạm nhau
Muôn dân chịu cảnh âu sầu, kể dư đôi ngũ quả hầu mới yên
Thương cho hai chữ thánh hiền, bảy nổi ba chìm mới được hồi sinh
Những năm giáp ất bính đinh, Sấm ký Trạng Trình đều phải đốt đi
Sự lòng dân nhớ dân ghi, năm trăm năm ấy người đi lại về
Thủy sinh cành lá xum xuê, càn khôn thái vận bốn bề cảo thơm
Đẽo vuông rồi mới đẽo tròn, công cha nghĩa mẹ nhới ơn muôn đời
*
Hai tay nâng quyển sấm trời, ấm áp từng lời Trạng đã dạy cho
Huyền thông là chuyện thiên cơ, nói ra không thể tóc tơ tỏ tường
Thực hư để lại nhân gian, đúng sai để lại nghiệm bàn hậu sinh...
Nay xem thời nghiệm lộ trình, “phục nguyên chu ngũ” tài tình xiết bao
Nhớ câu Trạng viết thuở nào, “một mảy tơ hào chẳng dám sai ngoa”
Những điều báo chí đăng qua, ứng vào thời thế thật là thần minh
Có câu “long vĩ chiến tranh, can qua thân dậu thái bình niên lai...”
Ấy là đại chiến thứ hai, thời gian sự thế chẳng sai tí nào
Đồ thư một quyển Trạng trao, năm trăm năm ấy trải bao nhiêu đời?
Có câu “Tiên lãng chia đôi, sông Hàn nối lại thì tôi lại về”
Lần theo mảnh đất đồng quê, vẫn còn Đền Trạng bốn bề cỏ hoang
Vẫn còn dải đất Trung Am, bến đò Tăng Thịnh sông Hàn nước xuôi
Bao năm đất lở cát bồi, bờ đê Nam tử chân người gió theo...
Quê cha quê mẹ còn nghèo, chỉ mong có được cầu kiều bắc sang
Cánh buồm nhẹ lướt Hàn giang, bể Đông mây trắng từng làn trắng mây
Chuông chùa Thạch Khánh khô gầy, Thiên Hương nẻo khuất thuyền đầy khách thăm,
Tràng Xuân Kiều lặng bâng khuâng, Thái Bình choi chói một vùng Trấn Dương
Ngao du Đông Hải- Đồ Sơn, lại về Kính Chủ- Động Tiên sớm chiều
Sự già vui bạn theo theo, văn chương tri ngộ điều điều tự tâm
Mặc ai xua đuổi hươu Tần, trăng lên lầu Hán ngồi thăm mệnh trời
Dở hay thôi tự lòng người, bút hoa soi chép những lời thần tiên
Chữ đề Sấm ký- bí truyền! Chữ Tâm thực sáng, chữ Thiền thực cao
Chữ Tài, chữ Tuệ siêu sao, Trung Thiên Như Nhật vọng vào ngàn năm..!
Mát trong theo mạch nước ngầm, mát vào hoa cỏ tưới nhuần khắp nơi
Rằng đầu thế kỷ hai mươi, “phân thân tòng bắc khởi” ngòi chiến tranh
Ấy là Đức Pháp ý Anh, áo-Hung Nga Nhật Mỹ tranh giành đất đai
Ấy là tám nước cường tài, làm “tám chúng quỷ” tính bài hại nhân
Nổi cơn binh lửa ầm ầm, hùm già lạc dấu khôn lần lối ra
Versails quyền lợi bất hoà, thắng thua thù hận cho là cách tân
“Đoài phương ong khởi lần lần. Muông sinh ba cốc cầm quân dấy loàn”
Ấy là Đức ý Nhật Hoàng, thành trục phát xít tính toan phục thù
Đua tranh quân lực quân nhu, gây nên đại chiến mịt mù bốn phương
Địa cầu ra bãi chiến trường, thủy chiến bộ chiến trăm đường gớm ghê
Mùi Thân Đức ý thua to, Mỹ Anh Nga Pháp kết lò đồng minh
Bấy giờ “nhiễu nhiễu đông chinh” khắp nơi chĩa súng vào anh Nhật Hoàng
Đồng minh đòi Nhật đầu hàng, ngẩn ngơ thì nỗi kinh hoàng xảy ra
Hoa Kỳ dùng đến bom "A", một Hi-rô-sị một Nà-zà gaki
Châu thành tan tác như ri, đúng năm Ât Dậu thôi thì thảm thương
“Gà đâu gáy sớm bên tưwờng, chẳng yêu thì cũng bất tương rằng không
Quốc trung kinh dụng cao không, giữa năm vả lại hiểm hung mùa màng”
Thế là Nhật phải đầu hàng, Đồng Minh thắng trận khải hoàn khắp nơi...
Lạ thay khi viết Sấm trời, Trạng đà biết rõ chuyện đời chẳng ngoa
Bom nguyên tử đã nổ ra, giữa năm con gà- quả đúng giữa năm
Đoài phương thực có chân nhân, kêu gọi xa gần lập hội quốc liên
Chủ trương bênh vực nhân quyền, lớn nhỏ mọi miền tôn trọng tự do...
Sau khi Đức Nhật hạ cờ, thế giới bấy giờ đó khát thiên tai
Đồng Minh thắng trận nơi nơi, lợi dụng cơ trời nhiều nước đứng lên
Phá điền thiên tử xuất niên, đúng là bất chiến tự nhiên sinh thành
Việt Nam cướp được chính quyền, lật đổ bù nhìn Bảo Đại thoái lui
Á Đông mấy nước cùng thời, Nam dương Phi luật phát lời tuyên ngôn
Đấu tranh dận tộc dập dồn, tới nay thế giới vẫn còn đấu tranh
Gặp thời một tốt công thành, không thời tướng sỹ cũng đành bó tay.
***
Nhân xem xét lại lich sử vai trò nhà Nguyễn 20-10-2008 mà có thơ rằng:
Tiện đây xin phép nghiệm bàn, vì đâu đất nước đôi đường phân ly
Cứ theo địa lý mà suy, Đại Việt biên thùy chỉ quá Đèo Ngang?
Nam phần do Chúa Nguyễn Hoàng, Chiêm thành Chân Lạp quy hàng mà nên
Nghiệp vương học lối Hán Đường, chữ đề “lưỡng quốc nam vương” rành rành
Giới biên chọn khúc sông Gianh, ngoài- trong là cuộc mạnh tranh thư hùng
Kỳ này chia cắt núi sông, ghép vào Sấm ký là không đúng thời
Thần cơ đã khéo trêu ngươi, sử thi lại khéo do người làm nên
Nay xin chí sĩ mọi miền, lập trang quốc sử phải nhìn cho tinh
Gia Long chính thực phụ nguyên, thần châu thu cả mọi miền về tay
Kinh Đô là Huế đặt bày, Việt Nam là chữ bấy nay bảo toàn
Hà Tiên tới Mục Nam Quan, tỉnh thành- lục lộ- mở mang Bản đồ
Âu là thiên sự biến cơ, lại thêm chinh chiến mù mờ khó suy
Pháp xâm quốc sỉ lâm nguy, ngược xuôi sĩ khí hết đi lại về
“Phá điền than đến đàn dê, hễ mà chuột rúc thì dê về chuồng
Dê đi dê lại tuồn luồn, đàn đi nó cũng một muôn phù trì”
Cho hay quái khí lâm thì, âm dưwơng trắc dịch vị chi lạc lầm...
Cũng là thú vị tình thâm, đáo tầm sử địa lượng tuần kiến hưng...
(kinh thư16-6-2009-PVH)
dienbatn giới thiệu .
Thân gửi ông Bùi Quốc Hùng- Bút danh DIENBATN
Trung Tâm Nghiên cứu lý học Đông Phương
Bài viết để đăng tìm về nghiệm lý Sấm Ký Trạng Trình.Hướng về quê Trạng
(Nhân việc lập dự án Quy Hoạch quê hương Trạng Trình 2000-2001 bài viết cho Tạp Chí Cửa Biển HP)
----------------------------------------------------------------
Kiến Trúc Sư Phạm Vũ Hội- Chủ trì dự án
Năm 1985 kỷ niệm 400 năm ngày mất của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, người dân Việt Nam được biết thêm câu thơ : "Bao giờ Tiên Lãng chia đôi - Sông Hàn nối lại thì tôi lại về...". Đó qủa là điều kỳ diệu - Kỳ diệu không phải chỉ ở lời và ý mà thực tế, kỳ diệu ở cái nghĩa đen - Một cầu phao sông Hàn được nối lại để dẫn khách về, một con sông đào được khơi thông... Đôi lần tôi cùng bạn bè trong Hội văn học nghệ thuật về thắp hương đền Trạng, nhìn dòng sông Hàn mà bâng khuâng... Người xưa đã về đó chăng? Những cuộc hội thảo, một vài bài báo đã giới thiệu về Sấm ký; rồi trong hiệu sách có quyển Giai thoại và Sấm ký Trạng Trình (Phạm Đan Quế- sưu tầm biên soạn - NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 1994), tuy chưa đầy đủ, nhiều chỗ còn chấm lửng... nhưng lạ và thích thú như đọc Tam quốc chí, Tây du ký vậy. Bởi hồi nhỏ tôi vốn được nghe các cụ nói về Sấm ký, kí ức vẫn nhớ được đôi câu. Có một thời Sấm ký vắng bóng; dạo cải cách 1955-1956, tôi chứng kiến hàng đống sách chữ Tây, chữ Tàu bị đốt ở cửa Điếm Bến quê tôi, người lớn bo nó là văn hoá Phong Kiến Đế Quốc; thật tội lỗi, có cả những cuốn gia phả, bây giờ chúng tôi phải tìm hiểu lại. Trẻ con chúng tôi cuỗm một vài cuốn giấy bản để phất diều, bố tôi còn giằng lại trộ: cán bộ nó biết thì chết đấy con ạ! chắc mẩm bị liệt vào loại sách mê tín dị đoan.
Thế rồi năm 2000 nhân dịp lập dự án đầu tư xây dựng quê hương Trạng tôi có dịp cùng các anh phụ trách xã Lý Học (quê nội), xã Kiến Thiết (quê ngoại) và các cụ già đi thực địa... lại được nghe thêm nhiều giai thoại. Quê nội quê ngoại Trạng Trình chỉ cách nhau con sông Hàn - còn gọi là sông Tuyết, qua lại tại bến đò Tăng Thịnh. Bờ đê cũ năm nào còn đó... còn bờ đê nay do đổi dòng đã lấn sang phía làng Am xấp xỉ hàng kilômét... bởi thế càng có lý khi nhớ đến câu: "Hà thời thạch mã độ giang - Thử thời Vĩnh Lại nghênh ngang công hầu- 何 時 石 馬 渡 江 此 時 永 吏 迎 昂 公 侯 " Vậy thì ngựa đá hẳn còn bị thời gian vùi lấp đâu đó... Từng địa danh vẫn như vang mãi: Bạch Vân Am (đền Trạng), quán Trung Tân, chùa Song Mai, Bút Kình Thiên, Nghiên Long Đồ, bãi Lý Ngư Quần Ngọc, khu Dương Phần nằm trên thế đất hình nhân bái tướng có 5 lá cờ thần ... Nơi quê ngoại có khu Mả Nghè nổi tiếng rộng khoảng 5.000 m2 mấy trăm năm rồi mà chỉ có 3 ngôi mộ nằm giữa khu đất. Đó là mộ chí hai cụ Nhữ Văn Lan và con gái là bà Nhữ Thị Thục - mẹ Đức Trạng Trình; các vùng lân cận có chùa Thiên Hưng, đền Thạch Khánh, cầu Trường Xuân, xuôi về phía biển có chùa Thái Bình... Mỗi nơi phong cách như đều đọng lại với lòng dân về những dấu tích bước chân của một danh nhân văn hoá kỳ vĩ và đầy ắp huyền thoại.
Tôi đã đề xuất một dự án đầu tư xây dựng liên hoàn bao gồm cả quê nội - quê ngoại Trạng Trình, dựa vào 3 nguyên tắc chỉ đạo quy hoạch: Một là gìn giữ trung thực phong cách truyền thống kiến trúc đồng bằng Bắc Bộ. Hai là xây dựng mà không "đô thị hoá". Ba là giữ nguyên chân long... tức là vỉa gạch các đường thôn ngõ xóm theo lối truyền thống; tu tạo các cồn tre bụi cây rặng nhãn, khóm trúc; lập các tam quan tứ trụ, cây đa giếng nước; tượng đài có mái che, bình phong hoa văn tùng bách; có hồ Thái Nhâm, Thái Ât; sân dạo lát gạch bát tràng... Nhưng rồi dự án mà tôi đề xuất chỉ thực hiện một phần bên quê nội mà ba nguyên tắc đặt ra đều chẳng được tôn trọng gì - Lẽ ra chỉ đầu tư chiều sâu tinh tế vào khu Am (đền Trạng) thì ở đây người ta đã mở ra một khu quy hoạch rộng, áp dụng hệ thống giao thông bàn cờ; lại thêm những cột điện bê tông, đèn xoè hình lá chuối. Một số rặng cây bị chặt quang làm đường dạo lát gạch lá dừa - Thật chẳng khác gì một công viên trong đô thị hiện đại. ấy là chưa nói đến việc đào hồ lớn,ảnh hưởng đến chân long - Một yếu tố phong thuỷ đang gắng được gìn giữ trong các yếu tố nhân văn truyền thống!
Đô thị hoá một di tích nổi tiếng là một nguy cơ đáng lo ngại, cần phải can ngăn - Thế nhưng can ngăn làm sao được khi mọi người đang hồ hởi xây dựng với một tư duy bề bộn hình thức, khuyếch trương để kịp với ngày kỷ niệm to tát cuối năm. Cho nên biết vậy mà vẫn phải chờ đợi ... chờ đợi một sự đồng nhất của tư duy. Bỗng tôi nhớ tới mấy câu của Trạng: "Long xà an sở ngộ - Đĩnh xuất tử tôn hiền - Nội ngoại phi nhị chí - Chung thuỷ như nhất yên- 龍 蛇 安 所 遇, 挺 出 子 孫 賢, 內 外 非 二 志, 終 始 如 一 安 ”. Cứ ngờ ngợ Long Xà nào đây bởi con đường từ quê nội sang quê ngoại Trạng chỉ đáng đi bộ 2 tiếng đồng hồ mà bây giờ vẫn xa lắc xa lơ ; nội ngoại tuy gần mà vẫn cách ngăn biền biệt. Nguyễn Nhữ từ đường cũng còn đương lạnh lẽo khói hương, nền cũ, rêu mờ, cỏ lấp. Thật là “quê cha quê mẹ còn nghèo, chỉ mong có được cầu kiều bắc sang, cánh buồm nhẹ lướt Hàn giang, bể Đông mây trắng từng làn trắng mây, chuông chùa Thạch Khánh khô gầy, Thiên Hưng nẻo khuất thuyền đầy khách thăm, Tràng Xuân Kiều lặng bâng khuâng, Thái Bình choi chói một vùng Trấn Dương, ngao du Đông Hải Đồ Sơn, lại về Kính Chủ- Động Tiên sớm chiều, sự già vui bạn theo theo, văn chưng tri ngộ điều điều tự tâm, mặc ai xua đuổi hươu Tần, trăng lên lầu Hán hỏi thăm mệnh trời, dở hay thôi tự lòng người bút hoa soi chép những lời thần tiên, chữ đề Sấm ký –bí truyền! chữ Tâm thực sáng, chữ Thiền thực cao, chữ Tài, chữ Tuệ siêu sao, Trung Thiên Như Nhật vọng vào ngàn năm...!”
Mấy trăm năm qua Trạng Trình được nhân dân ta nhắc đến và rất mực kính trọng. Tôi được chứng kiến lúc còn nhỏ ngồi vào lòng ông, nghe các cụ đàm đạo Sấm ký mỗi khi thời thế đổi thay. Câu chuyện chỉ xẩy ra trong lán thợ, càng đậm đà bởi đám thợ nghèo hứng khởi với mấy củ khoai luộc, nải chuối chín vàng, bát nước chè xanh - Có người vừa bình vừa thở khói thuốc lào mà chuyện về Trạng vẫn rất say sưa thú vị, mô tả rất mực huyền diệu về một bậc kỳ tài có một không hai của nước Việt ta. Cụ bà tiếp nước thì nhai trầu bỏm bẻm mà rằng: "Sao lại có người tài giỏi đến như vậy nhỉ?". Còn cụ ông thì câu cửa miệng là: "Ôi dào Sấm đã dạy, sai làm sao được!".
Còn nhớ những năm 1959 - 1960 khi quê tôi vận động nông dân vào hợp tác xã - làng trên đã tổ chức xong, xóm dưới còn lưỡng lự. Rồi sau hn 4 năm đã hình thành hợp tác xã toàn xã... Mấy năm sau công việc đồng áng đôi phần loạc choạc, có cụ tán: "Phá điền thiên tử xuất- 破 田 天 子 出”- Thay đổi, đồng ruộng thẳng cánh cò bay mà lại!", một cụ khác lắc đầu: " Tam thập niên điền hoàn chủ-三 十 年 田 還 主”- đấy để rồi xem!" Nào ngờ đến năm 1992, đúng 30 năm sau, tôi về quê, mẹ tôi đã 80 tuổi nhận khoán 2 sào ruộng kéo tôi đi tát nước giúp bà, ruộng lại chia cho mọi người. Cụ già làng năm nào nhắc tới lời Sấm đã không được chứng kiến cái cảnh hôm nay, người nông dân hồ hởi bởi lao động có lợi ích thiết thân, cánh đồng như trở vận, một màu xanh ngút ngát tận chân trời. Ngẫm lại câu Sấm mà thấy đúng.
Các cụ xưa kể: Trạng là người tài giỏi, học một biết mười. Điềm trời về ngày sinh ra Trạng thật là huyền bí. Thoại truyền là một ngày gió mưa vần vụ mịt mù, trời đất tối đen như mực, cả nhà Trạng đã rất mong đợi đến ngày này. Mọi người như biết trước thời khắc một con người sẽ sinh ra. Mẹ Trạng là người thông hiểu lý số kinh dịch - Bà biết rõ hơn ai hết... Nửa đêm mọi người còn quây quần bên bếp lửa hồng, bỗng cả khu Dương Phần bừng sáng. Dưới ánh hào quang một con rồng đất nổi nên giữa nhà chạy suốt 5 gian. Hương thơm từ căn buồng thân mẫu toả ra, mọi người mừng rối rít, ấy chính là thời điểm chào đời của Trạng Trình, bậc kỳ tài của nước Việt ta. Chuyện còn kể chỉ một ngày sau đó, quan thiên văn bên Tàu chuyên theo dõi thiên tượng đã dâng tấu biểu lên vua Tầu về vượng khí xuất hiện một vì sao to như cái đấu ở phương Nam- ứng với một chân nhân đã ra đời... Vua Tàu nhân đó đã cho người sang chúc mừng nước Nam và cho rằng chỉ trong một vài năm sau sẽ khắc biết; thì sau đó 4 năm một thầy Tàu đã được phái đến miền Hải Đông nước Việt để tìm kiếm một bậc kỳ tài và nhanh chóng biết đích xác về cậu bé thần đồng làng Trung Am - Cổ Am - Vĩnh Lại tỉnh Hải Dương. Thày Tàu nhìn cậu bé từ đầu tới chân rồi than: "Qủa là bậc kỳ nhân của thời thịnh trị, mà nay thì loạn lạc kéo dài, tiếc lắm thay!" Cậu bé thần đồng ấy chính là Nguyễn Tất Đạt hồi nhỏ và là Nguyễn Bỉnh Khiêm - Trạng Trình sau này! - "Lưỡng quốc anh hùng không đối thủ".
Tôi còn đựoc nghe các cụ đọc những câu: "Bao giờ đá nổi lông chìm - Đồng khô hồ cạn con tìm thấy cha - Mười phần mất bảy còn ba - Mất hai còn một mới ra thái bình" hoặc "Ai ơi chớ vội làm giàu - Thằng Tây nó tếch thằng Tàu nó qua". Khi ấy một cụ vỗ tay vào đùi đánh đét :ờ thì Tưởng Giới Thạch bị đánh bật ra đảo Đài Loan đấy thôi! Thạch là đá chả nổi phềnh phềnh ấy là gì? còn Mao Trạch Đông? mao là lông có chìm đâu? làm sao mà chìm được? Rồi cụ nhìn đám trẻ hóng chuyện, chỉ vào tôi - đến đời cái thằng này may ra mới vỡ nhẽ cháu ạ? đời ông thì thân kề miệng lỗ rồi!”; còn câu sau được giải nghĩa với cuộc chiến tranh của nhân dân ta mấy chục năm sau ngày gỉai phóng 1975 thì 1979 - 1980 lại xẩy ra chiến tranh biên giới phía Bắc- Trung Quốc dạy cho Việt Nam một bài học!?
Năm Tân Tỵ - 2001 một sự kiện kinh hoàng xảy ra tại nước Mỹ - ngày 11/9 hai toà tháp - Trụ sở thương mại thế giới ở Niu Oóc bị đánh sập, lại nhớ câu Sấm "Bò men lên núi Vu Sơn - Thừa cơ mới nổi một cơn phục thù - ấy là những binh phù thui thủi - Lòng trời xui ai dễ biết đâu", có sách chép “Man mác một dải Hoành Sơn- Thừa cơ...”. Người ta thấy sau khi Taliban thắng thế ở Apganistan năm 1989 - 1992 đã tập hợp phe cánh xây dựng một Chính thể theo đạo Hồi dòng chính thống. Phái này coi Mỹ là kẻ thù chính, vì chính nước Mỹ luôn đi đầu cổ súy cho nền chính trị độc lập, đa nguyên dân quyền dân chủ, và điều đó cũng là nguyên nhân chính trong việc chia rẽ đạo Hồi thành nhiều quốc gia dân tộc riêng rẽ? Họ đã lợi dụng Mỹ lật đổ chính quyền C.S Brak Cacman do Liên Xô hậu thuẫn, vốn thành lập hồi 1978, để nắm quyền; còn bây giờ thì họ quay sang khủng bố nước Mỹ. Đạo quân cảm tử lặng lẽ - mà Sấm gọi là "thui thủi" làm cái việc ghê gớm ấy; họ trà trộn, khăn bịt mặt, chất nổ quấn đầy mình, nổ cái “đùng” và cùng chết luôn, đúng là “thui thủi” chưa? Vu Sơn xưa là nơi tiên thánh ở hay chính là nơi bức tượng Phật hơn ngàn năm - Di sản văn hoá thế giới được Liên hiệp quốc bảo vệ đã bị Taliban phá huỷ hồi tháng 3-2001 vừa qua. Cái hay của lời Sấm còn tinh tế ở chỗ người dân Afganistan đại bộ phận trước kia sống bằng chăn nuôi bò- thì lời Sấm nêu “bò men...”; còn một ý khác là thời chính quyền Brak Cac man, dân Afganisstan bỏ chạy thì nay quay về miền núi lưng chừng Himalaiya- vậy thì cách đi không thể khác là “men theo” các sườn núi! thật sống động và hình ảnh “bò men lên núi Vu Sơn!”? Sấm dạy “cuộc tàn rồi mới rõ thấp cao!” Ôi! Thế thì câu hát ru - Lời đồng dao - hay câu Sấm các cụ truyền lại bí ẩn và thú vị biết chừng nào!
Tôn vinh Trạng Trình - Xây dựng quê hương Người - cùng với sưu tầm thơ văn Sấm ký của Trạng là những việc rất tự hào. Tôi hy vọng một ngày nào đó dự án tổng thể mà tôi đề xuất sẽ được mọi người ủng hộ. Mỗi một huyền thoại hay giai thoại sẽ gắn với một địa danh, một công trình kiến trúc xứng đáng với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và miền đất Hải Đông nổi tiếng xưa nay.
(12-2001- P. V. H)Thân gửi ông Bùi Quốc Hùng- Bút danh DIENBATN
Trung Tâm Nghiên cứu lý học Đông Phương
Bài viết để đăng tải về nghiệm lý Sấm Ký Trạng Trình (tiếp tục...).
Hư thực muôn đời
(Hay chuyện kể về Sấm Trạng Trình)KTS: Phạm Vũ Hội
Truyện- 2
“...Cơ tạo hóa phép màu khôn tỏ
Cuộc tàn rồi mới rõ thấp cao
Thấy Sấm từ nay chép vào
Một mảy tơ hào chẳng dám sai ngoa
Thần Kinh Thái Ấ suy ra
để dành con cháu gần xa nghiệm bàn!...”
(Sấm Trạng Trình)
...Chúng ta đang ngồi trong vùng trời mọng đầy hơi nước, khi đó ánh mặt trời trở nên bàng bạc nhạt nhòa, không thể biết rằng ta ngồi trong quãng sáng của bảy sắc cầu vồng. Hay chạy tới chân trời tít tắp xa kia ngoái đầu nhìn lại... thì trời ơ! bảy sắc màu sặc sỡ mới thực sự hiện ra... “Hư thực muôn đời -2” muốn tiếp tục cái nhìn như vậy...
*
Thập kỷ 60... Nắng hầm hập như đổ lửa... tiếng trống HTX từ Miếu Làng Tư đổ hồi... Mấy lảo nông trên mình khoác chiếc áo nâu đụp đẫm mồ hôi, khuôn mặt sạm đen, mắt cứ nheo xoắn lại dưới nắng trưa hè, tất cả rời tay cuốc ải vội về làng, họ đổ vào nhà Cụ Lý ở ngay đầu làng nghỉ tạm... chia nhau từng điếu thuốc, bát nước, chuyện nở như pháo ran, thỉnh thong bắt gặp một cơn gió mát...
Thằng Cóc đưa cái “đóm” cho cụ Lý, rồi chui vào lòng cụ lúc nào không biết nữa... Lúc cụ hút thuốc cứ phải gập người xuống mà hút, nó còn cầm nối cái “đóm” để tay cụ châm mồi lửa tới đâu, tay nó cũng rê tới đấy tỏ vẻ thích chí. Bình thường thì cụ bảo nó “xê ra cho ông hút!” nhưng có mấy lão làng ngồi quanh, nên cụ cũng thây kệ. Cụ Lý chụm môi chẹp chẹp năm bảy cái cho điếu thuốc cháy đượm xong rít một hơi rõ dài tụt cả điếu thuốc vào trong nõ, rồi nghểnh mặt nhả khói, đoạn lấy tay đẩy cái điếu bát cho ông Nguyên. Đến lượt ông Nguyên lấy cái soi điếu sọc sọc... Khói thuốc cuồn cuộn bay thong thả quấn quít cả mặt thằng Cóc. Nhả khói xong cụ ầm ừ ngâm nga trong cổ họng theo điệu trống quân:
“Hoành sơn(ư...) là lối(chứ...) ra... (ưừ...) vào!
Cuốc kêu(mà...) vọng đế(ýchứ...) Cáo gào (mà...) Hà (hừư...) vương
Cung trăng(mà...) đã sẵn (ý chứ...) lời chương
Gió mưa(mà...) lại mở(chứ ý...) một trường(mà...) Xuân(ý...) Thu...
Tên treo(mà...) ba mũi(chứ...) phục(hư ừ...) thù...!
Khen thay(mà...) khắc dụng(chứ...) bày trò... (mà) chóó... con...
Ngọn cờ(mà...) nhấp nhô(chứ...) đầu(hừư...) non
Thạch thành mèo lại (chứứ...) bon bon (hưư...) chạy (ưhừ) về
đầy đường(mà...) lai láng(chứ) máu (ứ ừ...) dê
con quay(mà...) ngã trắng(chứ...) ba que (ư) cuộc (ưhừ...) tàn...!
Trời Nam(mà...) trở lại(mà... hục!... hục ục!)....!”
Mọi người nghe cụ Lý ư..ử như cụ hát, đến đấy thì cụ ho ùng ục... Thằng Cóc lấy tay vuốt lên ngực cụ Lý mà cười... “Ông tớ cứ hút là ho...” nó mách với bọn bạn. Nó và tôi chơi với nhau cùng mấy đứa nữa, rất hay hóng chuyện các cụ. Bấy giờ Cóc chỉ độ bảy tám tuổi được cụ Lý rất chiều, tôi nhỉnh hơn nó, đều rất thích nghe cụ Lý kể về Sấm Trạng. Tôi đế vào:
-Cụ ơi Sấm Trạng ấy hả cụ?
-Thì Sấm Trạng chứ còn gì! rồi cụ thở dài, chà chiến tranh, cứ là tranh cướp nhau cả đấy, ai mà biết là nó muốn cướp nước mình, nó siểm nịnh, mình bùi tai thì hóa ra mất nước, rồi nhớ nước mà hóa thành con chim Cuốc!... Xuân Thu cũng là một duộc, Sấm Ngài cũng cứ lấy tích xưa mà dạy, mà dẫn chuyện đời nay ấy... đúng chứ hử?. Cụ lại hát thay cho nói:
“mấy ai(mà...) bá đạo (ýchứ...) đồ (ư) vương
mà không(ừhừ...) mưu sự(ýchứ...) chiến trường(ừhừ..) can (ư) qua...”
Xuân với chả Thu, thật thâm hiểm bất nhẫn vô lưng, hử? Sấm Trạng cả đấy! Chả thể vất đi đâu!?... Trước kia Sấm dạy “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong- 黎 存 鄭 在 黎 敗 鄭 亡”, thì là nghiệm rõ vào các năm (1784-1789) khi Tây Sơn nổi lên đem quân đánh ra Bắc, nhà Lê mất nhà Chúa cũng mất theo! Sử sách nước nhà ghi chép cả!... Lại có câu “kể từ tự xưng Lê nay, tam phân rồi chẳng được gì cả ba...” thì đấy thực rành rẽ... từ lúc kéo cờ phù Lê, 1777 thụ phong Quảng Nam trấn thủ tuyên uý đại sứ quốc công, khuynh đảo... đến khi diệt Trịnh xong, thì ba anh em Tây Sơn chia nước làm ba mỗi người một khúc, mỗi kẻ một nhà, đều xưng đế xưng vương... cuối cùng cũng chẳng nên cơ ngũ gì, qúa đúng nhá! Sau nhà Nguyễn lại lấy lại được, bấy giờ nhà nước ta mới thống nhất một mối, Gia Long lên ngôi 1802 mà đặt tên nước là Việt Nam... Rồi tới khi Pháp đến có câu “để loài bạch quỷ lăng xâm, làm cho thiên hạ khổ trầm lưu ly...” thì lại có câu “Phụ nguyên trì thống, đế phế vi đinh -阝 元 馳 統- 帝 廢 為 丁” ở đây chữ “phụ-阝” với chữ “nguyên-元” ghép lại thành chữ “nguyễn-阮”, tức là Nhà Nguyễn để mất nước vào tay Pháp, nhưng vẫn được duy trì quyền chính... là “trì thống” mãi tới ông vua cuối cùng Bảo Đại bị phế bỏ mà thành bạch đinh tức “vi đinh” hử? Trạng tiên tri thực tài tình, thời nào cũng có, ấy cho nên “cuốc kêu vọng đế cáo gào hà vương, cung trăng đã sẵn lời chương...” cứ nhớ lấy mà gẫm, hử?...
Ông Tịnh có người con lớn đi quân ngũ, nhìn cụ Lý bảo:
-Làng ta bao nhiêu người hay chữ chỉ còn Cụ... Cụ biết chữ nho chữ nhe chữ Tây chữ Tàu, cụ hiểu, thì cụ bảo thế chứ Hoành Sơn chỗ nào, Cuốc là gì? Cáo là gì, hay là sự dối trá? tôi chả được học hành, một chữ bẻ đôi cũng chả biết, xin chịu. Anh lớn nhà tôi cùng với bố cậu Cóc đi quân ngũ từ bấy dễ dăm năm rồi... bây giờ cứ bặt tăm tằm tằm...? “Hòa bình” rồi mà chả thấy về... Theo cụ thì cơ chừng thế nào nào... ruột tôi cứ như lửa... ơi dào..!
-Còn thế nào?.. cũng may cái ngày ấy tôi bảo tôi chả biết cái chữ mẹ nào, chứ anh phán Kỳ mà tôi hay học mót chữ của anh ấy thì đã bỏ xác đâu đó có trời mà biết! Thuở bé tôi toàn học lỏm, viết lên đất, ngồi nhìn trộm sách người mà học chứ trường lớp gì... đến khi thấy người ta mách hễ cứ biết chữ thì bị liệt vào “trí thức”là phi “đào tận gốc...” tôi “sợ vãi...” cả ra... biết chữ biết nghĩa mà thành tội thì cứ bảo tôi chả biết gì sất hử!... Mà tôi là cái anh thợ, hết làm ruộng ở nhà... ngày ba tháng tám lại lên rừng làm thuê chặt củi, kéo cưa lừa xẻ... đen trùi trũi, quần áo chằng đụp lấy đâu ra “trí với chả thức”... Ngoảnh đi ngoảnh lại cái lứa tôi người giỏi, có học... chẳng còn thì cũng phiêu bạt... mới bảo loạn lạc sống chết chả biết đâu mà lần, hừm... Rồi cụ Lý lại hắng giọng ngâm nga:
“Bao giờ (mà...) đá nổi (chứ...) lông (ư hừ...) chìm
Đồng khô (mà...) hồ cạn (ý...) con tìm (mà...) thấy (ýứ) cha
Mười phần (mà...) mất bảy (chứ...) còn (hừ...) ba
Mất hai còn một (chứ...) mới ra (hư...) thái (ư hừ...) bình...”
-Thế bao giời thì như thế để cháu được gặp bố cháu, thằng Cóc hỏi.
-Đến lượt lũ các anh đi lính thì có khi ở ngoài trận mạc bố con mới gặp nhau ấy chứ! Cụ Lý phỏng chừng... cũng khối người như thế! Tôi nhớ Sấm Ngài còn dạy “điền vô nhân canh, lộ vô nhân hành, thị vô nhân chí, thiên hạ cộng vi binh-田 無 人 耕, 路 無 人 行, 市 無 人 至, 天 下 共 為 兵” là đồng ruộng không có người canh tác, đường xá không ai đi lại, chợ búa không người đến, tất cả bàn dân đều làm lính cả... đấy để rồi các cụ gẫm... chắc chỉ mươi năm nữa là biết thôi hử?...
-Ui chết... chiến tranh dài đến thế cơ á..!? Cậu Cóc ngần này mà lớn vẫn phải đi trận thì hàng chục năm nữa vẫn chiến tranh ư? chậc!... Chết mất thôi, mấy người thốt lên cùng lúc!
-Suỵt! khẽ cái mồm, là theo Sấm Trạng mà phỏng thế, để rồi xem...
Ông Nguyên từ nãy tới giờ vẫn ngồi nghe, gõ cạch cái xe điếu một cái, hai tay chụm lấy cái đóm định hút, nhưng rồi chống nó vào cằm, cái đóm vẫn cháy trong tay, nghiêng sang cụ Lý nói:
-Thế như nghe cụ đọc Sấm Ngài dạy đấy thì tôi cho là ngược đời cả, mà chết mẹ... nó cả bàn dân thiên hạ chứ còn đâu là dân tình nữa? Thì “đá nổi lông chìm” chả ngược đời là gì? có khác nào “Chạch đẻ ngọn đa, sáo đẻ dưới nước”. Còn “đồng khô hồ cạn” thì họa có chăng giờ đã nhỡn tiền... hử?
-Phải đấy các cụ nhỉ!?...ông Tịnh nói chen vào...
-Cụ ơi cánh đồng Chằm bên Tía sâu thế, mọi năm cháu chống thuyền lội đến tận cổ mà bây giờ cạn tiệt ấy thôi? “ếch kêu uôm uôm ao chuôm đầy nước!” mà cái chuôm làng mình cũng khô khốc... tôi hét lên cho cụ Lý nghe.
-Rõ thật...! Cụ Lý nheo nheo mắt nhìn mọi người, ánh mắt cụ sáng lên mà sâu thẳm, hiểu Sấm Ngài như nhà các ông, có mà lộ sạch cơ trời hử? Rồi cụ lại ngân nga theo điệu sa mạc giọng cứ dính bết lại:
“Cơ tạo hóa..(óa...) phép màu...(hàu) khô...(ôn) tỏ...(ỏ)!..
Cuộc (hừ ừ...) tàn rồi...(ồi) mới rõ (ứ...) thấp (hứ) cao...!”
Đã “tàn” đâu mà biết!? hử? Lại vừa dự bị vừa sắp tổng động viên rồi kia kìa... Nam Bắc, hai phe hai miền, mỗi anh theo một bên, một anh thì công hữu, xã hội chủ nghĩa, có Liên Xô Trung Quốc viện trợ, một anh thì tư hữu, tư bản chủ nghĩa, có Hoa Kỳ đỡ đầu, phe nào ủng hộ phe ấy, súng ống đạn dược cứ đầy ra, mình là tiền đồn... chả anh nào chịu anh nào hử... Lại bảo sau hai năm thì hiệp thương mà có thấy đâu? đánh nhau là cái chắc hử... Lũ trẻ ranh này cũng đi quân ngũ hết cho mà xem... Còn “đá nổi lông chìm đồng khô hồ cạn” đâu phải như các ông các bà nghĩ ra thế...
-Ây thì hôm qua tôi được mời đi nghe cán bộ cấp trên phổ biến cho các gia đình thành phần “cốt cán”. Họ bảo là “quán triệt” đường lối chủ trương... “quán triệt” là gì tôi đâu có hiểu... nhưng thằng Thịnh nhà tôi chắc là nhập ngũ kỳ này rồi, trước là Nam tiến, giờ là đi B, C gì gì ấy, tôi cũng chả nhớ nữa. Tôi bảo nó lấy vợ rồi hãy đi! Thằng anh nó bặt tăm, thì nó phải lấy vợ mới cho đi... tôi cứ nói thế, ông Tịnh lên tiếng như mếu máo.
Bà cụ Lý dọn dẹp quanh quẩn nghe các cụ ông nói chuyện, chạy ra vuốt đầu lũ trẻ chúng tôi một lượt, nói cứ như muốn khóc:
-Chết mất! các cháu tôi phổng phao thế này nay mai chưa kịp lớn lại phải ra trận mà chết ư? “Mười phần mất bảy còn ba” chả hóa chết hết à? Tôi cứ lạy Trời khấn Phật, Sấm Ngài đúng tất tật ở đâu kệ!... riêng cái câu này đừng có đúng! ôi khốn khổ khốn nạn các cháu của bà! đời bà đã phải chạy loạn ngược xuôi khổ cũng cam... Cụ sụt sịt mắt ngân ngấn... “mất bảy còn ba” thì vợi cả làng cả nước còn gì?.. Ông Nguyên ngắt lời cụ bà:
-Cụ ơi! cánh thanh niên nó có sợ ối! cứ rời cái đồng đất này, thành người của dân của nước thì nó thích bỏ sừ!... Hừm... tôi cũng cứ xưa nay nghĩ ngợi... trước có nghe ông Đồ, còn mải ông ấy hay nói về Sấm, đúng đáo để... tôi bây giờ chả nhớ mấy, Sấm Trạng mà dạy đúng như cụ nói, chả vất đi đâu được!... Hôm nay Cụ gỉải lại xem nào? “hoành sơn... xuân thu” là thế nào Cụ nhỉ?. Rồi ông Nguyên sơ hoa rằng trước kia cụ Đồ đã bảo “đá nổi” ấy là Tưởng Giới Thạch, Thạch là đá, Lông là Mao, là Mao Trạch Đông... Tưởng Giới Thạch bị đánh chạy ra Đài Loan, cái đảo to ngoài biển, thì ấy “đá nổi” rồi còn gì. Còn “lông chìm” hừ... thì chìm thế nào được... “Đông phương hồng ánh mặt trời lên, Trung hoa ta có Mao Trạch Đông...” cơ mà? ông Đồng, ông Hồ, đều là lãnh tụ đang gánh vác việc nước trọng đại... Không lẽ là các vị ấy viên tịch hết thì mới hết chiến tranh mọi người mới đoàn tụ? “con tìm thấy cha” mà lỵ, hử?...
-Phả đấy! Cứ để gẫm xem... trước kia tôi với ông ấy cũng hay chuyện về Sấm Trạng cứ phải hàng buổi... Còn “hoành sơn” là gì? là cái ý chừng... như là rừng núi là dãy núi nằm ngang, ở đâu ấy à? Dãy núi phía tây kia... từ tấm bé tôi thấy các cụ gọi là Vu Sơn, nơi Tiên Phật ở, có người bảo ở Trung bộ tận Quảng bình Quảng trị phía nam... hay Hoành sơn là Hòa bình nhưng lâu ngày mọi việc tôi cũng không nhớ hết. Cụ Lý bắt đầu giải thích... thì tôi cũng đi Sơn La Hòa Bình cả rồi, bằng thằng cháu Cóc này tôi đã giúp tay cưa tay xẻ cho mấy cụ Cả lên tận ấy mà làm ăn... núi non đi cả ngày, lên cao xuống thấp cây cối rừng sâu rậm rịt, chà... một bước đi một bước sợ... rắn rết, muỗi vắt, sợ cả ông “ba mươi”, tối phải đốt lửa. Ông “ba mươi” cứ vác một người, hai người như bỡn, có toán thợ sáng ra mới biết là mất người nhà mình, khiếp lắm... Cũng đi như thế có người về ngã nước mà chết đấy! ấy nhưng tôi thì chả khác gì cục đất thó vất đâu cũng được, hừ...
Nghe cụ Lý nói tôi chả hiểu mô tê mộc tệch gì “thế ông ba mươi là ai, sao lại bắt người ạ?”. Tôi hỏi.
-Chậc! ông “ba mươi hay ông cọp cũng thế cả” hiểu chưa hử? cụ Lý gỉai thích cho cánh trẻ.
-Ô lạ nhỉ? ông cọp lại là ông ba mươi, cứ như người ấy, thảo nào các cụ cứ hay bảo “khoẻ như ông ba mưi” thằng Cóc đập vào người tôi khoái chí.
-Còn Xuân Thu là thời các nhà nước phong kiến ở bên Tàu hình thành, cát cứ... Sử sách ai học thì mới biết, như nước Tần, nước Tấn, nước Sở, nước Ngô nước Tề... nhiều lắm!.. Tôi thì tôi cũng đọc sách của các cụ mà biết ấy thôi, xa lắc xa l... trước cả cái “năm Tây lịch, kỷ nguyên Cơ Đốc giáo” vài trăm năm kia, lâu lắm... Thời Xuân Thu là thời vua chúa lập quốc, rồi sau sinh ra chiến tranh mưu đồ bá bá vương vương, thì gọi là thời Chiến quốc. Các cụ ta dạy bấy giờ anh Tàu có bảy nước Tần, Sở, Tề, Triệu, Ngụy, Hàn, Yên, về sau các nước đều thua nước Tần cả, mà sinh ra cái anh Tần Thủy Hoàng, kiêm tính hết, người đời vẫn gọi là bạo chúa, chuyên đốt sách chôn sống học trò... Hừm, giờ thì tôi bảo các ông các bà i! vắt tay lên trán gẫm cho kỹ mới thấy Sấm Trạng cứ là đúng như bật mực: này nhé trước Thế Chiến thứ Nhất một loạt nước Tư bản được thành lập theo chế độ Cộng Hòa lập hiến: Anh, Ytalia, Pháp, Đức, Ao- Hung, Nhật bản, Hoa Kỳ... rồi chiến tranh tranh giành thuộc địa... Sau Thế Chiến Hai lại hình thành một lọat nước theo đường lối Cộng sản, những là mười hai mười ba nước xã hội chủ nghĩa như bây giờ gồm: Liên Xô, Nam Tư, Ba Lan, Lỗ ma ni, Bo gia lợi... Ngay ở phương Đông A thì có Trung Quốc, Triều Tiên, đến Phi luật tân, In-đô -nê-xia, Ân độ, Mã lai, cả ta nữa... Vậy cứ gẫm thật xa, đừng phụ thuộc vào bát cơm thường nhật... hừm chả phải một “trường Xuân Thu” là gì hử?... Lại gẫm câu Sấm: “Chấn cung hiện nhật quang minh, sóng lay khôn chống trường thành bền cho, Đoài cung vẻ rạng trăng thu, ra tay mở lấy đế đô vạn toàn” thì cứ là càng rõ mồn một hử? Chấn cung là phương Đông sinh ra cái anh Nhật Bản có ông Minh Trị Thiên Hoàng biết canh tân đất nước chỉ trong ba chục năm kể từ 1868 trở đi tới đầu thế kỷ mười chín XIX, mà Nhật đã sánh ngang các cường quốc Thế Giới, rồi cũng ra tranh cướp thiên hạ, thành Phát xít hóa... đến khi thất trận, phải bồi thường chiến phí nặng nề... Vì ở giữa biển, thiếu thốn đủ thứ ấy chứ, vậy mà cho đến giờ thập kỷ 60 này, lại vẫn vươn lên hùng mạnh, cho nên Trạng dạy “sóng lay không chống trường thành bền cho” là cái ý ấy! Còn phương Tây là Đoài cung, thì phát triển các thể chế dân chủ dân quyền cộng hòa lập hiến, tư bản hàng hóa, đua nhau tìm kiếm thuộc địa... các nước phương Tây đều xây dựng các đế đô tươi đẹp như: Lixbon (Bồ đào nha); London (Anh); Newook (Hoa Kỳ); Marđrit (Tâybannha); Pariss (Pháp);Viên (Ao); Rôma (Ytalia); Henxinhki (Phần lan); Oslo (Na uy), Stockhon (Thụyđiển)... nhà cửa lâu đài của họ to tát lắm! qủa đúng y mực hệt “ra tay mở các đế đô vạn toàn” bền vững đến tận giờ... ấy là gẫm ra chả sai một ly một lai hử?... Còn bài Sấm nói về ta? Cuốc là gì à? tích các cụ xưa để lại là con chim Cuốc, mà lại chính là do An Dương Vương hóa kiếp ra đấy! Đó là truyền thuyết bảo rằng đương thời Vua An Dương Vương quá tin vào viên Tể Tướng Miết Linh... Hắn cứ xiểm nịnh Ngài rồi nhân một lần săn bắn trong rừng sâu, sau đêm hoan lạc, Vua say bí tỷ ngủ lăn ra, hắn bỏ Ngài lại nơi ấy... Sáng bảnh mắt nhà Vua gọi quân hầu chẳng còn ai, mới biết mình bị lừa... Bấy giờ người còn ít, rừng rậm mịt mù biết lối nào mà đi... Rồi Ngài cứ theo ánh mặt trời, định hướng tìm về kinh thành, đi về hướng Đông, đi mãi đi mãi, kiệt sức chết hóa thành con Cuốc, cứ kêu “cuốc! cuốc! nước! nước!...” Tiếng chim Cuốc nghe thất thanh lạc lõng trong rừng, bên vách núi, nghe thiểu não quá mà sau người đời mới gọi An Dương Vương là Vọng Đế, nghĩa là nhớ nước!... Thế là có thoại tích cả đấy, hừ...
-Thế còn “tên treo ba mũi phục thù” là thế nào? “khắc dụng bày trò chó con” là thế nào? mà “cáo gào hà vương” thì thật kinh khủng, âm khí như quỷ ma ấy!... Trước nay các cụ cũng chả rõ làm sao sất!.. tôi cũng chưa được nghe cụ Đồ gỉai cụ ạ?.. Ông Nguyên có ý hỏi.
-Chà! Kể ra thì cũng khó thật, cụ Lý nói thong thả, mình là hậu sinh lại mà gẫm cái chuyện ông Bành Tổ, hử? Tôi thì tôi gẫm phép Độn Giáp thì có dạy đấy! Cứ lấy Tam kỳ, Lục Nghi mà tính... mà ra Trực trù, Trực sử lại lâm vào Bát môn, mà ra quẻ Bát Quái, rồi lấy phép Ngũ Hành mà tính thì mới rõ là “Sinh” hay là “Khắc”, “Thể” khắc “Dụng” hay là “Dụng” khắc “Thể”, hử? ấy nhưng tôi cũng chưa hiểu nổi!..Còn “cáo gào Hà vương” thì tôi dám chắc Sấm dạy cốt đem cái ý ẩn vào mấy chữ tượng hình mà mình biết cả đấy!.. Nhưng ai có “Nho học” mới hiểu được, mà vẫn phải tinh ý một tý là rõ cả thôi...
-Cụ dạy chúng tôi xem nào! ông Tịnh bảo, liệu có can hệ gì tới thời nay không ý?...
-Sao lại không? Sấm Trạng là để gẫm thời gẫm thế chứ đâu phải chuyện đùa... Thì đây, xem tôi vẽ ra đây... Trong chữ Nho ta học có nhiều chữ đa nghĩa, mặt chữ khác nhau mà đồng âm, ví như hai chữ hồ, ở đây nói ẩn con cáo cũng nên... đều đọc là hồ cả mà ý nghĩa thì khác nhau, một chữ là “hồ- 弧 - là chỉ cái cung” còn một chữ “hồ - 胡 - là chỉ kẻ lừa đảo, càn, bậy, mọi rợ, cũng là chỉ tên dòng họ”, mà phép ngữ vựng thì đều là loại danh từ cả... Tôi cứ vẽ ra là các ông, các bà biết ngay thôi... Thế là cụ Lý lấy ngón tay trỏ chấm vào bát nước chè đang uống viết hai chữ lên cái quạt mo, cụ cứ phết đi phết lại cho thật đậm sũng cả nước... mọi người châu lại mà nhìn. Tôi cũng ngắm cái chữ viết như vẽ ấy, chỉ thấy ngoằn ngoèo, ngoằn ngoèo... bụng nghĩ đúng là chữ tượng hình...
-Hay nhỉ, thằng Cóc hích vào tôi, sao bây giờ chúng cháu không học chữ ấy ông nhỉ?
-Học làm gì! nhà nước đã liệt chữ Nho vào loại chữ nghĩa phong kiến, chẳng đã lệnh khắp nơi bắt phải đem nộp mà đốt đi ấy thôi? Nhìn này! trong chữ hồ là nghĩa cái cung thì có bộ “弓”- gọi là bộ cung, hử? còn chữ hồ nghĩa là kẻ càn bậy, mọi rợ lại có bộ “月”- gọi là bộ nguyệt, mà nguyệt là ông trăng... thấy chưa, chắp lại là thấy ngay? cho nên Sấm mới dạy là “cung trăng đã sẵn lời chương” thế là ẩn ý hết cả vào đấy rồi còn gì?.. là cái cơ trời sắp sẵn cả!... sẽ như thế chả thể tránh được... hử? Cho nên thời ta giờ mọi người cứ bảo không có số, không có mệnh hay vận, hạn gì là cứ nói lấy được thôi! tôi cho là phải gẫm... mới vỡ lẽ!... vận trời sinh ra mưa gió cả, thì cũng sinh ra loạn lạc, lành dữ, hử?...
-Cụ dạy thế cánh tôi mới mở mắt ra được chứ!.. Ông Nguyên đỡ lời Cụ Lý. Chà đúng lắm, Sấm Trạng rất nhiều chỗ lẫy tượng chữ! Tôi nho nhe thì bập bẹ, may có tý quốc ngữ... Các cụ thân sinh tôi gia cảnh cũng khá, cho tôi đi học, nhưng tôi rát đòn, cụ Đồ giắt cái roi mây to trên vách, tôi sợ... toàn bỏ trốn... Trước tôi có nghe cụ Đồ có đọc câu Sấm “hà thời biện lại vi vương, thử thời bắc tận nam trường xuất bôn- 何 時 辯 吏 為 王,此 時 北 濜 南 長 出 奔... đầu cha lộn xuống chân con, mười bốn năm tròn hết số thì thôi...” Cụ Đồ nói quan biện lại Nguyễn Nhạc thu thuế một vùng đem chi cờ chi bạc hết sạch, bị triều đình hỏi tội mới phất cờ chống lại, ai dè lại thắng cả ngoài bắc trong nam làm chúa Nguyễn mất nước, bôn ba tới 30 năm trời mới lấy lại được, thì rõ là “biện lại lên ngôi vua- vi vương!...” và thế sự cũng xảy ra đúng như vậy! cứ là tăm tắp?. Còn câu sau phép gỉải cũng là phép lẫy tượng chữ! thì ra là chữ quang “光” có bộ tiểu “小” trên đầu mới lộn xuống chân chữ cảnh “景”... ông Nguyên cũng chấm tay vào bát nước mà vạch ra đất... đúng chưa? mà rõ ra là Quang Trung “光 中” soán vua năm năm (1789-1793), còn Cảnh Thịnh “景 盛” thì soán chín năm (1793-1802) cộng là mười bốn năm... Qủa là “mười bốn năm tròn hết số thì thôi...” đúng nhá? chà tài thật! Sấm Trạng cứ y như đặt... Sách quốc ngữ lâu nay tôi đã xem không sai... hỏi rằng Thánh nhân xưa có sách độn toán mà tiên tri được sao lại không khoa học cơ chứ?... Giờ gẫm ra thì mấy ngàn năm ông cha mình dạy có trời có đất có thần có thánh, có số mệnh vận hạn!... đến thời ta chỉ là một mẩu sáu bảy chục năm bác hết cả vận nhà trời thì hẳn không phải rồi!.. có điều mình dốt mình phải chịu. Ông Nguyên cười ềnh ệch... Đúng thế không ạ? Sấm còn dạy “Tây sơn sừng sực kéo ra, nghiệm trong thế tục còn là hiệu chi...” thì là ý làm sao tôi cũng chưa biết? xin Cụ gỉải nghĩa xem nào?...
-Cái ý rõ mồn một ấy thôi!... là “sừng sực” thể hiện mạnh mà nóng như trưa nắng hè ấy... ngột ngạt... mà có thực không hẵng? Như tôi gẫm bảo là chỉ một trận hàng vạn quân Thanh thây chết chất lên nhau mà thành gò Đống Đa, thì tôi chưa thấy sử chép về cái sự hôi thối ngoài vạn dặm, hử? Nếu thế còn bệnh dịch nữa ấy chứ?... mà bao năm nay có khai quật gò Đống Đa thì thử tính được bao bộ hài cốt của giặc? Vậy cho nên Sấm dạy “còn là hiệu chi” là cái ý chỗ ấy, tức là hiệu chỉnh... Tôi gẫm là hậu sinh còn phải xem xét lại kia đấy? Thì là “hiệu chi” hay hiệu chỉnh cũng thế cả, cho đúng đắn lại, hử?... cho nên các chuyện lịch sử nhốn nháo sai lệch thì hậu sinh phải sáng suốt mà hiệu chỉnh lại hử?
-Cụ nói chí phải! trước còn ma Cụ Đồ cũng chỉ bảo là phải hiểu lại cho rõ còn rõ thế nào thì chịu, hừ sao hay thế chứ... Cụ nói tiếp đi xem nào... còn mấy câu “ngọn cờ nhấp nhô đầu non, thạch thành mèo lại bon non chạy về, đầy đường lai láng máu dê...” là ra làm sao nữa, nghe mà chết khiếp đi được?... Mà cụ chưa hát hết bài Sấm ấy thì phải!?... Tôi nhớ mang máng còn một đoạn nữa cơ!...
-Phải rồi! Bài Sấm ấy lắm sự tích lạ, tôi nghe các cụ dặn sau này cứ thế mà gẫm để biết cơ trời... mà còn dặn kỹ phải truyền cho con cháu, tôi thuộc cứ như in!... Đến đấy thì cụ Lý hắng giọng vẫn theo điệu trống quân:
“Trời nam (mà...) trở lại (chứ...) đế(hứư).. vương
thân nhân(mà...) không phải(chứ...) là phường(mà...) thầy (hừư) tăng
đồng dao(mà...) đã có(chứ...) câu ư... rằng
non xanh mà(mà...) mọc(chứ...) trắng căng(chứ...) mới (ưhừ...) kỳ?
bấy giờ(mà...) quét sạch(chứ...) thú (ý) ly!...
ai i(mà...) nhớ lấy(chứ...) Sấm ghi (ư) kẻo (ưhừ...) lầm!
trong khi(mà...) Sấm chớp(chứ...) ầm (ưhừ...) ầm
chẳng qua(mà...) có số(chứ...) để găm(ư) trị(ưhừ...) bình
thất phu(mà...) dám chống(chứ...) thư (hừ) sinh
sông Ô(mà...) chấp cả(chứ...) mấy anh(ưhư...) Thủy (yhì...) Hoàng...
nực cười(mà...) những kẻ(chứ...) bàng(ưhư) quang
cờ tàn lại tính(chứ...) toan đường(mà...) đấm(ứhư...) xe?
thôi thôi(mà...) mặc lũ(chứ..ư) thằng(ưhừ...) hề
gió mây(mà...) ta lại (chứ...) theo về(mà...) gió (hư..) mây!...”
Câu cuối cùng thì thằng Cóc và tôi được nghe cụ Lý hát nhiều lần nên đắc chí hát theo “thôi thôi mặc lũ thằng hề, gió mây ta lại theo về gió mây...” rồi mấy đứa nhìn nhau phá lên cười... Thằng Cóc nói “cứ như chúng mình cùng với ông mình bay theo mây mây gió gió ấy nhỉ...”.
-Gió mây ta lại theo về gió mây- nghĩa là chết đấy “ông” ạ, tôi bảo Cóc.
-Thì chết sợ gì!... thằng Cóc càng khoái!... Tôi cứ thấy nôn nao, cũng hét lên với các cụ:
-Tiếc thế! giá chúng cháu được học chữ Nho như các Cụ nhỉ, cháu muốn đọc quyển sách mà Cụ cất trong cái tráp ấy?
-Thì rồi cũng cũng có lúc quay lại học chữ Nho, Sấm dạy “bao giờ bạc giấy ra tro, cua còng đổi gọng nhà Nho lại dùng”... thì phải đợi... Cụ Lý nói riêng với tôi và thằng Cóc... Ui a!... tôi ớ cả người, sao lại phải đợi đến lúc đốt hết tiền bạc đi, lấy gì mà mua các thứ? Eo i... lạ thế?.
-Yên mà nghe!... ông Nguyên hẩy bọn trẻ... Sao lại “trời nam trở lại đế vương?” Theo tôi gẫm ra... thì ở khổ Sấm này Ngài dạy nước ta sẽ chỉ luẩn quẩn đế đế vương vương mà thôi phải không ạ?... Chính người nhà mình làm khổ dân mình chứ chẳng phải “thầy tăng” hừ... nghĩa là chẳng phải thằng tây... tức là thằng Pháp thằng phiếc gì... phải không cụ Lý nhỉ? Lại còn “trắng căng mới kỳ”... tôi còn nghe là “trắng căng mấy kỳ” chứ chả phải là “mới kỳ” tức là cơ vận nước ta chẳng tới nơi tới chốn gì, ôi dào thì mấy kỳ hay mới kỳ cũng thế! buồn nẫu cả ruột!... Ông Nguyên nhanh nhẹn chất vấn...
-Hừm...! cái ý xem ra cũng là thế rồi... gẫm cho kỹ thì từ ngày có thằng Tây, thì dân mình “khôn” được ối ra ấy chứ!?... Từ cái đèn dầu lạc, đến cái đèn Hoa kỳ, đến cái bóng điện thì ai bảo là không phải vậy? rồi từ cái quạt mo, quạt nan... đến cái quạt điện, cái nhà lầu thành phố, cái cầu sắt Long Biên... Lại cái máy hát, cái ra-đi-ô, cái xe máy... lại cái “phép” làm sách báo Tân Văn xuất bản... ôi chà! đến cả thằng Tàu... chả học thằng Tây thì học ở đâu? Trường Tây học cũng rèn cho ta ối người tài... Sấm dạy “đoài phương phúc địa giáng linh, cửu trùng thụy ứng long thành ngũ vân” là đấy chứ đâu xa!?... Đoài phương là phương Tây, là cái đất học, công nghiệp kỹ nghệ, cách vật phát triển, ấy là nơi “phúc địa”... mình học họ không hết ấy chứ? Mình bắt chước theo họ từ cách ăn mặc, đi đứng bắt tay giao tiếp... ấy là sự “giáng linh” đấy? đúng chưa? hừm... Có điều người mình cứ phải đi phu đi phen phục dịch bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc... mình thành nước thuộc địa, nghĩ cũng tức, nên chẳng nghĩ sâu nghĩ xa gì, hử? Bây giờ nhà nước ta đang nêu đánh đổ đế quốc phong kiến mà ở đây Sấm lại dạy “trở lại đế vương...” thì cũng lạ thật? hay là nói cái thói quyền huynh thế phụ, cứ hễ “vận động” lại thành “nghị quyết” mà ra trói nhau, hằm nhau... Cứ phải gẫm... chờ thời thế thay đổi xem sao... không thể đi trái cơ vận dân sinh dân chủ dân quyền được đâu!... Cụ Lý chỉ vào tôi và mấy đứa nói, mấy câu Sấm ấy phải đợi đến lũ trẻ này may ra mới vỡ nhẽ... tôi và các ông ra đống Ma Nác là vừa, hử? “Đầy đường lai láng máu dê” hừm... thì nhân gian này hẳn chiến tranh còn dài lắm thôi... “cuộc chưa tàn” chưa thể biết hết. Bỗng cụ quay sang hỏi ông Tịnh:
-Thế thằng cháu Thịnh bao giờ lên đường nhập ngũ đấy! Bảo nó sang tôi ăn bữa cơm hẵng đi nhá!... kẻo nó đi ông cháu chẳng có được câu chuyện... cơm dưa mắm thôi...
Ông Tịnh mặt buồn rười rượi:
-Sóng to gió lớn chả biết đâu mà lần, nhưng nó chưa lấy vợ tôi chưa đồng ý để nó đi, tôi nói giữa cuộc họp rồi cụ ạ!...
Đúng lúc ấy hồi trống HTX từ Miếu Làng Tư lại dóng dả vọng đến, các lão nông lại đứng dậy ra đồng...
Trời cứ nắng trang trang, đồng đất cuốc ải từ cánh Mẵn trước cửa xóm Bến xuống Cầu Đá làng Vũ Đại cứ trắng xóa đến nhức mắt...
*
Thập kỷ 70... Tôi và Thằng Cóc tình cờ gặp nhau tại Thành phố Vinh. Đó là vào một buổi tối... cách nhà Máy Nước Vinh không xa... trên đường về cơ quan, một anh bộ đội đi ngược chiều hỏi tôi đường đến cửa Nam... Bụi và cái nóng gió Lào, làm cát bay mù mịt lại gặp một đoàn xe tải đầy ắp đạn dược lao về phía Bến thuỷ... Chúng tôi đứng lại tránh cái đoàn xe dài dằng dặc gầm gừ không dứt với những ánh đèn gầm... và từng tốp bộ đội mang theo súng đạn, ba lô con cóc gập người nối đuôi nhau... ồn quá chẳng nghe được gì... đành nhìn nhau dưới ánh sáng lu lu mịt mịt... Không thể biết có biết bao sự tình cờ... nghe giọng anh ta nói tôi đã ngợ... “Có phải Cóc đấy không?” Cu cậu giật mình “ừ! Cậu là...” “Là Tía đây!”. Hai năm rõ mười... khoảnh khắc nhận ra... chúng tôi ôm chầm lấy nhau...
-Cậu đi đâu thế này? Tôi hỏi.
-Nghỉ phép xong bây giờ đi vào, đang hỏi thăm theo đường Bò Lăn... lẽ ra cùng đi với mấy tay nữa nhưng tao bị lạc, một thằng ở Hà Bắc cùng đi, bị sốt rét ác tính, tịch ở đoạn Nga Sơn, trên đường đi, giờ tao đành cứ đi bừa... hành quân một mình cũng quen cả rồi!.. Còn cậu, sao lớ ngớ mà gặp nhau ở đây...
-Tao gần đây thôi, cơ quan ở toà nhà bị sập dở dang kia kìa... Tao vừa công tác ở Đô Lương về... Vào tao nghỉ mai hẵng đi...
Thế là chúng tôi hai thằng trẻ ranh thuở nào bây giờ đã là những chàng trai vạm vỡ quân phục từ đầu tới chân... lại được xưng mày tao chi tớ như hồi ở nhà, ngay nơi tiền tuyến bom rơi đạn nổ... Ngày chúng tôi xa nhau đến thời điểm ấy đã có gần chục năm... Chúng tôi có nhiều chuyện kể cho nhau nghe... cuối cùng chúng tôi nhớ về Cụ Lý và những lời Sấm chưa có sự tri nghiệm... Thằng Cóc nói ông nó đi xa như cái đèn cạn dầu... chỉ buổi tối tắm rửa xong đi nằm, Cụ nói với cụ bà và mẹ con thằng Cóc là cụ sẽ đi... và sáng ra cụ đi thật. Đám ma Cụ được tổ chức bình dị như bao đám khác. Cuối năm ấy Cóc nhập ngũ... Tôi nhắc lại chuyện có lần Cóc đem một nắm lông gà lông vịt quăng xuống ao, rồi lại nhặt những hòn đá lần lượt ném... mong có sự ngược đời xảy ra để có thể gặp bố mình... Trẻ con thật ngốc nghếch... chúng tôi cười ra nước mắt... Tôi kể cho Cóc nghe đã có lần tôi đi ngang Bara Nam Đàn có tạt vào Rú Đụn tức Núi Đụn để thăm khe Bò Đái, bởi có câu Sấm truyền “bao giờ bò đái thất thanh, ấy điềm sinh thành rành mạch chẳng nghi...”; Theo Hán Nôm thì là “Đụn sơn phân gỉai, bò đái thất thanh, Nam đàn sinh thánh,庉 山 分 獬, 爬 戴 匹 聲, 南 檀 生 聖”... Có người nói khe ấy ở Bắc Giang, nhưng ở Nam Đàn cũng có... thì ai mà biết được, Rú Đụn thuộc xã Nam Lĩnh cũng có cái khe, cũng tên là Bò Đái... Tôi kể cho Cóc nghe tôi đã gặp cụ Quế người Nam Lĩnh, bấy giờ ngoài 70 sống ở quê từ tấm bé... Cụ cho biết trước kia khe Bò Đái chỉ là cái khe nhỏ, có tiếng nước chảy sè! sè!.. đi ngoài đường 15 có thể nghe được... còn giờ thì rộng toác mà nước thì không thấy? Cụ chẳng để ý chuyện “thất thanh“ tức là mất tiếng... lúc nào... Tôi và Cóc nhắc lại câu Sấm “điền vô nhân canh, lộ vô nhân hành, thị vô nhân chí, thiên hạ cộng vi binh” mà Cụ Lý đã gỉảng... thì rõ là chính thời chúng tôi đang sống, ở nhà chỉ còn các cụ già và một số nữ dân quân, lao động nam giới “lực điền” ra chiến trường hầu như tất tật...? đương nhiên thập niên 70 dọc đường quốc lộ 1A chỉ có lính hành quân, hừ? mà chúng tôi cùng tham gia và chứng kiến, người dân có đi đâu xa, toàn tìm lối đi tắt nẻo, it khi theo ra những con đường lớn... ấy là “lộ vô nhân hành”?... Chợ thì làm gì có? cửa hàng mậu dịch phân phối tiêu chuẩn lương thực thực phẩm, mua một lần hết luôn, hử? Công nhân nông dân đều có súng khoác vai, đều là quân dự bị? Rõ là “thiên hạ cộng vi binh” còn gì? Thằng Cóc xuýt xoa... Tuyệt thật! Sấm Ngài... Còn câu “Thập niên dư chiến, thiên hạ cửu bình, 十 年 餘 戰, 天 下 九 平...” gẫm ra... như cuộc kháng chiến của ta gọi là 9 năm chống Pháp nhưng sự bắt nguồn từ những năm tháng 1944-1945 đến ngày 15-3-1955 tên lính Pháp cuối cùng rời Bến Nghiêng, Đồ sơn- Hải phòng... thì theo thời gian là hơn mốc quy ước hiệp thương giữa năm 1956 đến ngày 5-8-1964 xảy ra sự kiện Vịnh Bắc bộ, bắt đầu nổ ra chiến sự... tính là 9 năm thì rõ là “thiên hạ cửu bình” đúng tắp lự nhé, hừm?
-Đúng thật đấy! tao đồng ý với mày! tuyệt.. Thằng Cóc huých mạnh vào tôi, thì các cụ vẫn bảo Sấm Trạng chỉ có đúng mà lỵ!.. chẳng dè chúng mình là những can dự... mà “cuộc đã tàn” chưa ấy nhỉ? mong sao chiến tranh kết thúc, chúng mình về quê, mà gẫm, mà bàn chuyện Sấm Trạng như các cụ đã từng bàn...
Đêm ấy chúng tôi nằm cạnh nhau, thật khó ngủ, câu chuyện vài lần bị gián đoạn bởi pháo sáng và máy bay Mỹ gầm rú... Có tiếng gà gáy. Cóc huých vào tôi “Vẫn thức đấy chứ?... ừ hừ!...
-Mày có nhớ 4 câu Sấm “Long vĩ xà đầu khổ chiến tranh, can qua xứ xứ khởi đao binh, mã đề dương cước anh hùng tận, thân dậu niên lai kiến thái bình-龍 尾 蛇 頭 苦 戰 爭, 干 戈 處 處 起 刀 兵, 馬 蹄 羊 腳 英 雄 盡, 申 酉 年 來 見 太 平” không? Nó hỏi.
-Đó là ứng vào Đại Chiến Thê Giới II, Cụ Lý đã gỉai thích... thật chính xác đấy... tôi trả lời...
-Mày không thấy ngờ ngợ sao?... Và thế là Cóc nói rằng nó cũng cứ gẫm mãi về mấy câu Sấm ấy... liệu lịch sử có thể lập lại một điều gì đó không? Nó gỉai thích rằng Ngày 5-8-64 sự kiện Việt Nam bắn chìm một tàu khu trục Mỹ, rồi Mỹ cho ném bom miền Bắc... và từ 1965 cuộc chiến chống Mỹ cứu nước... mỗi ngày một mở rộng... chả phải ấy là từ Giáp Thìn sang Ât Tỵ, cũng là “long vĩ xà đầu khổ chiến tranh...”đấy chứ? Ngoài chiến trường trận Âp Bắc, trận Bình Giã, Núi Thành, chiến dịch Khe Xanh Đường 9 Nam Lào, cả Đông Dương như bốc lửa... chả phải “can qua xứ xứ khởi đao binh...” là gì? Cuối năm 1967- Đinh Mùi, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tử trận, phía Mỹ và bọn đánh thuê Pắc Chung Hy, bị bổ chửng phải tính đến kế hoạch “Việt nam hóa”... Tao ngờ ngợ cũng là “mã đề dương cước... móng ngựa chân dê... anh hùng tận...” ấy nhé!... Chúng tao nghe đồn sắp có bài chúc tết Mậu Thân-1968 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đại loại “Năm qua thắng lợi vẻ vang, năm nay tiền tuyến lại càng thắng to, vì độc lập vì tự do, đánh cho Mỹ cút đánh cho Nguỵ nhào, tiến lên chiến sỹ đồng bào, Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn!” hoặc là “Xuân này hản hẳn mấy xuân qua, thắng trận tin vui khắp nước nhà, Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ, tiến lên toàn thắng ắt về ta”... thế là cái gì? Thì tao nghĩ “Thân dậu niên lai kiến thái bình...” cũng có vẻ như là cầm chắc?. Bây giờ thì đến lượt tôi huých vào người nó và hét lên:
-Eo ơi! chú mày suy gẫm ghớm thế! Là mày mong chiến tranh sớm kết thúc, hay là diễn biến cái lý của thiên cơ có vẻ như mày muốn vãng lai một sự trùng lặp? Nên phải hiểu “thiên cơ xuất kỳ bất ý...” chứ?. Thực ra tao nghĩ khổ Sấm ấy các cụ trải nghiệm về Thế Chiến II là chính xác rồi, vì chữ “xứ xứ khởi đao binh!” là ý rằng chỗ này chỗ khác... còn “ta” chỉ tóm lại là một “xứ An Nam” hay gọi chung là “xứ Đông Dương” thôi, lấy đâu ra “xứ xứ”...? Cụ Lý đã có lần gỉai thích ấy thôi?.
-Hừm!... Tao chịu mày! lẽ ra có thêm xứ Tàu xứ Tây gì gì nữa nhỉ... cứ cho là như thế, là tao cũng gẫm liên chi hồ điệp đấy! đợi “cuộc tàn” xem sao. Và cả hai chúng tôi ôm nhau cười. “hãy cứ gẫm liên chi hồ điệp!...” tôi nhắc lại...
*
Thâp kỷ 80... Cuộc chiến tranh gỉai phóng miền Nam thống nhất đất nước kết thúc vào 30-4-1975, theo các nhà nghiên cứu có vẻ thật sự bất ngờ... nhưng khi trải nghiệm Sấm Trạng... thì nhịp bước của thiên cơ không thể không bảo là không định sẵn!.. Thú vị của suy gẫm chính là như thế! và Sấm Trạng là đề tài lôi cuốn tôi và “ông” Cóc từ thuở ấu thơ, vốn được các lão làng truyền khẩu... Bấy giờ tôi đã chuyển công tác về Hải phòng và đang học một khóa nâng cao tay nghề, tôi tranh thủ tạt vê quê. Cũng đã gần chục năm, tôi lại có dịp được đi bộ trên đồng đất cũ, cánh đồng lúa xanh đang trổ đòng, mùi lúa thơm lan nhè nhẹ. Những cánh ruộng trũng xưa nay đã thay đổi, có thể trồng màu. Cánh Mẵn, chân ruộng cao trước kia nay đã trồng được hai vụ ngô, khoai... Con mương chìm sâu thẳm, dạo nào tôi từng ra đánh dậm bắt cua, nay chuyển thành mương nổi... Được biết người nông dân quê tôi thời nay không thiết tha với đồng áng cho lắm, vào thời vụ này họ hay kéo nhau đi làm gạch tận Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoà Bình... để kiếm thêm đồng tiền bát gạo...
Bạn bè trang lứa với tôi ở quê, đều có gia đình, một hai con cả rồi, có người đã có cháu, nếp nhà phần nhiều do các cụ để lại, vài nóc nhà lấn ra chân dược mạ. Ông Cóc biết tôi về đã bỏ cuộc họp ở xã chờ... vừa về tới ngõ Ông Cóc đã ra đón. Thấy đầu tôi đã hoa râm Cóc xuýt xoa “Chà Bác Tía, vất vả lắm hay sao mà đầu trắng phếch cả thế! chết thật...” Tôi ôm lấy Cóc, ngắm thằng Cóc năm nào:
-Thật khó truyện trò xưng hô mày tao nữa rồi! Lên ông lên bà thôi! Chúng ta đầu đều bạc cả... trên dưới ngũ tuần rồi còn gì? nhanh quá! Qua thời binh lửa, sống sót được thế này là may lắm hừm? Sau cái ngày gặp nhau tình cờ ấy, ông Cóc tìm được đn vị rồi tham gia cuộc tổng tấn công vào Quảng Trị- Đông Hà, bảo rằng bị vùi dưới đất, hai ba ngày, chuẩn bị rút lui... đồng đội đi rà soát, tình cờ phát hiện Cóc còn thở thoi thóp, đem cấp cứu kịp về tuyến sau, chỉ phải cưa mất bàn tay... Âu là cái số tôi thế! Cóc nói đầu gật gật...
Những người xung quanh kéo đến hỏi thăm uống nước... các Cụ xưa đều đã đi xa... Tầm tôi và ông Cóc đã là bậc vai vế trong thôn rồi... Cũng như ngày xưa lũ trẻ vây lấy người lớn mà hóng chuyện. Câu chuyện xoay quanh những khó khăn, năng suất nông nghiệp thấp, nạn đói... Sau ngày thống nhất kinh tế cứ tụt dần... những chuyện phiếm như “mỗi người làm việc bằng hai... bằng ba, để cho lãnh đạo xây nhà xây sân... mua đài mua xe... hoặc: bầm ơi có rét không bầm? von ga con dận gà hầm con xơi...” đem ra làm trò cười mà sảng khoái!... Rồi chuyện cấm chợ ngăn sông, cấm tiểu thương buôn bán... Ông Cóc nói:
-Tôi cứ cho là con người có số mệnh, đất nước có vận trời cả, Bác Tía nghĩ sao? các cụ dạy Sấm Trạng cứ nghiệm dần dần, cuộc tàn mới rõ! như cánh mình đã nghe, đã biết đều là đúng... Cụ tôi trước có chấm cho tôi lá số, bảo hiển nhiên chưa... Vậy gỉai thích đi... Tôi còn nhớ trước khi Cụ tôi đi xa bảo tôi chép mấy câu để mà gẫm, ấy là “Phá điền than đến đàn dê, hễ mà chuột rúc thì dê về chuồng, dê đi dê lại tuồn luồn, đàn đi nó cũng một muôn phù trì...”. Bác có khi cũng biết mấy câu ấy... liệu có gẫm ra không hử?...
-Sao lại không... giờ thì Tôi và Ông lại giống các cụ xưa, tôi nói với ông Cóc, vẫn nhớ những câu Sấm Trạng... có thể người đời chả mấy để ý đến... nhưng tôi lúc nào cũng gẫm... như trước kia ông từng bảo “cứ gẫm liên chi hồ điệp...” hử? Thì mấy câu Sấm ấy “phá điền than đến đàn dê...” hừ? Muốn hiểu ta phải xác định “dê là ai?” mà “phá điền” mới “than đến”... Trước kia các cụ nhầm ở chỗ không xác định đưc “dê là ai?” cứ suy diễn “dê là dương” là người Tây dương!... Nhớ rằng hai câu sau mới rõ nghĩa “dê đi dê lại tuồn luồn, đàn đi nó cũng một muôn phù trì!” vốn khẳng định cái tính chất quần sinh dân tộc... dân tộc nào cũng cứ “phù trì” cho dân tộc ấy! chữ “tuồn luồn” là chỉ cái tính cố hữu khó thay đổi của bất kỳ tộc người nào... ấy cho nên đàn dê cứ theo con đầu đàn, cũng giống như bên Tây người ta gọi lê dân, con chiên ngoan đạo là “bầy cừu của chúa” bầy cừu cũng như bầy dê vậy... Chính là ám chỉ những người dân lành... cứ “phù trì” cho quốc gia dân tộc mình một cách cố hữu... Thì đấy kẻ cầm đầu đàn dê “hô” đi xâm lược... là “đàn dê” cũng đi, ra “lệnh” tấn công là “đàn dê” cứ xông lên! Than ôi tính chất “một muôn phù trì của đàn dê”... phi lý tính, vô thiện cảm thật đáng thương!.. Lịch sử thế giới từ cổ chí kim, ít nhất là đến thời nay ta từng chứng kiến “kẻ cầm đầu-con đầu dàn” dẫn đàn, xua đàn dê này lấn át, xâm lược đàn dê khác mà cái sự “tuồn luồn... một muôn phù trì” vẫn diễn ra chỗ nọ chỗ kia thật cứ nhỡn tiền!... Thì đấy! Chữ “điền-田” bỏ ô vuông “phá điền” chỉ còn chữ thập “十”là “tung và hoành” là ám thị rằng thời loạn, can qua chỉ khổ cho đàn dê... tức cho dân mà thôi!? tiếp đến câu “hễ mà chuột rúc” tức như ta nôm na là “chuột thổi còi!”... Sao lại bảo thổi còi? Thì ta biết ngày 26-1-1973 Hiệp nghị Paris được ký kết, nhưng Âm lịch đó là ngày 23 tháng Chạp Nhâm Tí, vẫn thuộc về năm con chuột, và con “chuột rúc” là “đàn dê về chuồng” tức là theo Hiệp nghị, phía Mỹ phải rút hết quân ở Việt Nam về nước trước ngày 29-3-1973. Qủa đúng, theo lệnh người cầm đầu- con đầu đàn, quân Mỹ rút hết! ấy “...thì dê về chuồng” hử?...
-Bác gỉai thích em nghe thật thủng? Có thế chứ! ông Cụ tôi vẫn bảo chỉ thằng Tía là suy đoán khá hơn, sau này hỏi nó!... Thế bác còn nhớ bài Sấm dài Cụ tôi đọc anh em mình đã nghe... “hoành sơn là lối ra vào...” chứ?
-Có nhưng sau hẵng luận về mấy câu ấy!... Bây giờ “dê về chuồng...” thì cơ trời thế nào? Nhớ rằng có mấy câu Sấm “kê minh ngọc thụ thiên khuynh bắc, ngưu xuất lam điền nhật chính đông, nhược đãi ưng lai sư tử thượng, bốn phưng thiên hạ thái bình phong, 雞 盟 玉 受 天 傾 北, 牛 出 嵐 田 日 正 東, 弱 殆 應 來 溮 死 尚, 四 方 天 下 太 平 風”... Vậy là rõ “ngọc thụ” tức là ấn quốc bảo nghiêng về phương Bắc... là cái Cơ Trời nó thế... mới dạy rằng “thiên khuynh Bắc”... Còn “ngưu xuất lam điền” là gì? thì là năm 1973- Quý Sửu, Con Trâu xuất hiện, nhưng sao lại bảo là lam điền? Muốn hiểu thì phải biết Quý Sửu là năm- theo gốc địa chi... Thìn Tuất Sửu Mùi, vốn thuộc Thổ là con của Hoàng Đế, nhưng phép Ngũ Hành năm Nhâm Tý và năm Quý Sửu đều thuộc Tang Đồ Mộc, gỗ cây dâu, ta bắt gặp mấy câu của Đoàn Thi Điểm “...càng trông lại, lại càng chẳng thấy, thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu... ngàn dâu xanh ngắt một màu, lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?” Đó là nỗi buồn của người chinh phụ... hoặc theo cách nhìn nhân thế “cuộc đời bể dâu” Ta hình dung năm Quý Sửu là cánh đồng đất bát ngát, tang đồ mộc, ngàn dâu biêng biếc... và “ngưu xuất lam điền” làm nên một ngữ cảnh, ngữ cảnh ấy sẽ mở ra... Tiếp theo “nhật chính đông”. Sao lại bảo là nhật chính đông? Chỗ này trước hết phải hiểu thường nhật- thường ngày thì “nhật là ngày!” thế là: ngày chính đông? Vậy chính đông là gì? xin thưa ai đã quen dùng địa chi ở phép tính độn Thái Ât, hay phép Tử Vi, Hà Lạc thì hay dùng Tí Ngọ Mão Dậu- để chỉ Bắc Nam Đông Tây các phương vị Bát Quái, ấy thì “nhật chính đông” tức là “ngày chính Mão”. Đến đây tức khắc cần phải nhớ và cần phải biết “một ngày của Trời là một năm của đât!”... Vậy là “nhật chính đông” là ngày Mão, tất cũng là chính Thái ất.. ? hiểu ra: chính là Năm ất Mão mà năm Mão có điểm xuất phát là “ngưu xuất lam điền”... Đó là năm 1975- Ât Mão xuất phát từ “...lam điền” năm 1973- Quý Sửu, sau khi Chuột rúc “...dê về chuồng” vào năm 1972- Nhâm Tí (23 tháng chạp)... Đúng là một ngữ cảnh mở ra cái cơ trời trước mắt... “ngàn dâu xanh ngắt một màu!” biêng biếc mênh mang...
-Eo ơi sao ông gỉai thích kéo cái nọ sang cái kia lê thê lề thề như gỡ bối chỉ ấy? Chúng cháu chả hiểu được... Mấy đứa bé tròn xoe mắt, thằng cháu đích của cụ Lý kêu lên! Ông Tía vội hét:
-Để Bác nói cho mà nghe!.. các con muốn hiểu phải bảy bồ cám tám bồ bèo, hừm... mà phải nghe cái đã! hử?... Chà! Bác “lý” ra cái cơ vận... tuyệt thật! rõ là Sấm Ngài cứ tăm tắp ấy nhỉ... Không đọc sách làm sao mà biết... Bác gỉai tiếp đi...
-Thì tôi cứ bắt chước các Cụ, cứ gẫm liên chi hồ điệp mà lại... Thế rồi “Nhược đãi ưng lai sư tử thượng” có vẻ khó hử? ấy nhưng câu này ta đọc lên phải lấy “Sư tử” làm chủ ngữ, thì “sư tử thượng” là gì? nôm na là con sư tử nhảy thượng lên một cái, nhưng cái trạng thái bùng lên, thượng lên ấy ngầm hiểu là trạng thái khiếp nhược đã bày sẵn... mới dạy là “nhược đãi ưng lai” như thể tự nguyện, như thể bằng lòng, như thôi kệ... muốn ra sao thì ra, hử?.. Đây là nói về cái cơ vận diễn biến mặc lòng... cho nên mới tiếp “bốn phưng thiên hạ thái bình phong” ấy là vào năm 1975- Ât Mão, thời điểm Chính thể Việt Nam Cộng Hòa bị nguy ngập đến thế, Bắc Việt tấn công từ mọi phía ào ạt đến thế, thế giới bấy giờ gần như bằng an... như “bất động” kể cả Mỹ cũng chẳng dòm ngó gì nữa, cũng thây kệ! Chà...chà! “Thiên hạ, đứng chào cờ im ắng, nào ai cứu vớt, qủa đúng “bốn phương...thái bình phong” tức đứng im mà nhìn, hử?... Thế là rõ cả chưa nào?
-Đúng thế! Mỹ là nước trong cuộc cũng cứ tháo thân, mặc cho Việt Nam Cộng Hòa ra sao thì ra, chán lặc rồi hử? chính chúng ta cũng thấy lạ... hử? Sấm Trạng thực như mực hệt cả về sự mô tả ý nghĩa trạng thái, vận khí... ngữ cảnh! Ôi ai bảo là không có thiên cơ... Rồi sao nữa... Ông Cóc hỏi.
-Thì đấy! Rồi ta biết cuộc tổng tấn công mùa xuân vào chính đông tức 1975- Ât Mão, sau hồi “chuột rúc, ngưu xuất lam điền” ngữ cảnh diễn ra là “ngọn cờ nhấp nhô đầu non...” ấy là “Quân Bắc Việt” từ trên thẳm rừng ngàn sâu đổ xuống như thác lũ, triều dâng, thần tốc, táo bạo... (theo Anmanach những nền Văn minh Thế Gíơi- NXB VH TT)... Bắt đầu chiến dịch Quảng Đà (29-3-1975), tiếp chiến dịch Tây Nguyên (từ 4-3 tới 3-4-1975) và đến chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26-4 tới 30-4-1975)... Số liệu theo đó gồm 15 sư đoàn+4 trung, lữ đoàn tăng thiết giáp+ 6 trung đoàn đặc công+ kỹ thuật+ hỏa lực... Tổng cộng 280.000 quân, 400 tăng thiết giáp, 420 pháo... Các mũi tiến công từ Xuân Lộc, từ Buôn Mê Thuột, từ Tây Ninh An Giang... hành tiến nhằm thẳng hướng Sài Gòn, ấy là “Thạch thành mèo lại bon bon chạy về”... Đến đây thì... cần biết thế nào là “thạch thành?” xin thưa: Ai từng học về Kiến trúc, Xây dựng chắc không thể không biết rằng nước ta có một cái thành cổ: Thành nhà Hồ ở Vĩnh Lộc Thanh Hóa, thành này được xây bằng đá, cổng thành cao rộng tới 8 mét, với những tảng đá nặng từ 2 tới 8 tấn chồng lên! được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XV, là di tích đã được xếp hạng, xưa các cụ ta cũng quen gọi là Thạch Thành, trước kia địa phưng ấy tên hành chính cũng gọi là huyện Thạch Thành. Và ta thấy hiện ra trước mắt: chiến dịch Hồ Chí Minh, đúng vào năm ất Mão, năm con mèo!.. một sự trùng hợp kỳ lạ? ấy là “...mèo lại bon bon chạy về!”... Câu tiếp theo “đầy đường lai láng máu dê!” thì... sự đương nhiên, không khó hiểu lắm! máu dê hay máu dân? ấy là biết bao dân lành, chiến sĩ anh hùng đã hy sinh cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng này để giành sự toàn thắng? lệnh, giờ phút quyết định, tiến! Và điều làm ta càng ngạc nhiên không thể tưởng tượng là câu tiếp “con quay ngả trắng ba que cuộc tàn!”... Một lời than, hay một sự kết cục của thiên cơ... Chẳng phi thế cờ đã kết thúc đấy ư? Sự thật đến lạnh lùng, thì đấy “con quay ngả trắng!” -trắng phớ giữa thanh thiên bạch nhật! Và kia lá cờ “vàng ba sọc đỏ” lá cờ của chính thể Việt Nam Cộng Hòa, biểu tượng của quẻ Càn, máu đỏ da vàng, với khí dương cương kiện, một thời kiêu hùng tung bay dưới trời Đông Nam á, vốn luôn bị mỉa mai là “lá cờ ba que”... thực sự hết vận! Qủa đúng như lời Sấm năm trăm năm trước “ba que cuộc tàn”... và “trời nam trở lại đế vương!...” thì tôi và ông đã được nghe Cụ Lý cùng các cụ ta suy gẫm cả rồi, hử... đúng chưa nào?
-Đúng! Thật đúng đến cuộc tàn mới biết! Ông Cóc nói, chính chúng ta chứng kiến... Ai bảo là thêm thêm bớt bớt gì đâu? Sấm Trạng không thể sai được, toàn những câu bác và tôi đều đã nghe từ tấm bé, từ lúc còn điếu đóm... suy gẫm thế thì em chịu bác rồi!... Tôi nhớ là các cụ còn nhiều chỗ chưa gỉai thích được, như “tên treo ba mũi phục thù, khen thay khắc dụng bày trò chó con” là thế nào? sao lại “sông ô chấp cả mấy anh thủy hoàng ”.
-Câu Sấm ấy tôi vẫn nhớ như in... Các cụ ta vốn nhầm ở chỗ cứ vận vào phép Bói Dịch, Độn Giáp... cho nên gẫm mãi không ra “khắc dụng” là thế nào, cứ luận hết thể dụng lại sinh khắc... Không ngờ Sấm Trạng đã mượn một câu truyện có thật trong Lịch sử.... Đó là câu chuyện về một nhân vật cụ thể Lý Khắc Dụng thời Đường bên Tàu... Xin ngược dòng lịch sử nước Tàu, khoảng năm 874-884 sau CN, nhà Đường đại loạn, có cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào, Vua Đường sai Lý Khắc Dụng, Tiết độ sứ Hà Đông và Chu Ôn, tiết độ sứ Tuyên Vũ đi đánh dẹp. Không ngờ Hoàng Sào đánh bại Chu Ôn và vây hãm trị sở Tuyên Vũ của Chu Ôn khiến Ôn phải cầu Lý Khắc Dụng đến gỉai cứu... Lý Khắc Dụng đã đánh bại Hoàng Sào, cứu được Chu Ôn... đến khi vào thành, Chu Ôn nảy ra mưu độc vờ bày tiệc đãi ân nhân, rồi chuốc rượu cho Lý say sỉn định giết đi. Lý Khắc Dụng nhờ đám tuỳ tướng tả xung hữu đột mà chạy thoát... Từ đó Lý vô cùng căm ghét Chu... Bấy giờ Quân Chu Ôn ngày càng lớn mạnh, Lý Khắc Dụng muốn cùng với Lưu Nhân Cung, vốn trước là một nha tướng của Lý, nhờ Lý tiến cử, nay cũng trở thành Tiết độ sứ Ung Châu, để đánh Chu Ôn, không dè Nhân Cung lại theo đuôi Chu Ôn mà chống lại Lý... Lý Khắc Dụng vô cùng bực tức bèn sang gặp Vua Kim kết nghĩa uống máu ăn thề tiêu diệt Ôn... khi Lý về bản doanh Vua Kim là Da Luật A Báo lại nuốt ngay lời hứa, thấy thanh thế quân Chu Ôn quá mạnh, quay sang liên kết cùng Chu tiêu diệt Lý... Tất cả những sự việc tráo trở ấy qủa thật đã àm Lý Khắc Dụng phải diêđầu. Khắc Dụng phảiượng sức phòng thủ chống lại Chu Ôn, rồi bực tức mà sinh bệnh... ny ra cái nhọt lớn trên người. Biết không qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo, trước khi chết, Lý Khắc Dụng gọi con là Lý Tồn Húc, đang làm bộ tướng, giao lại ấn tín và dặn dò “Chu Ôn là kẻ bất nhân, cuồng bạo Cha cứu hắn, hắn lại lấy oán tr ân; Lưu Nhân Cung là kẻ bất nghĩa, ăn lộc chủ mà theo giặc làm phn, Da Luật A Báo là kẻ bội tín, đã cắt máu ăn thề, nay lại nuốt lời theo giặc chống lại cha, con gắng luyện tập quân mã, tích trữ lưng thảo trả thù cho cha, tiêu diệt bằng được chúng, ba mối thù ấy không trả được thì dưới hoàng tuyền cha không thể nào nhắm mắt!...” Nói đoạn sai người lấy 3 mũi tên giao cho Lý Tồn Húc “ba mũi tên này con phải tiêu diệt ba tên giặc ấy và thế lực của chúng!” Sau đó Lý Khắc Dụng ho dốc... thổ ra huyết rồi chết.
Lý Tồn Húc lo tang Cha chu đáo, đem ba mũi tên cho vào một túi gấm đẹp đặt lên bàn thờ nguyện thực hiện y lời! Khi đi đánh trận mang theo ba mũi tên bên mình, khi về lại đặt lên bàn thờ mà cầu nguyện... Sau 10 năm Lý Tồn Húc đã rửa hận cho cha, tiêu diệt cả ba thế lực kể trên, thu hồi toàn bộ đất đai của Chu Ôn, Lưu Nhân Cung, cả một phần đất do A Báo chiếm... Năm 923 Lý Tồn Húc lên ngôi Hoàng đế lập ra nhà Hậu Đường...
-Vậy là câu chuyện có thật trong sử sách của bên Tàu, mà cái tên riêng rất dễ lẫn lộn vào hình thái của phép bói dịch, được Đức Trạng lấy làm dẫn đề cho một khổ Sấm... thì ra những ai ít hiểu biết về thông sử làm sao có thể hiểu nổi?... ngay lịch sử nước nhà các bậc túc nho cũng còn chưa hiểu hết nữa là? Ông Cóc bàn thêm với tôi... Nhưng bác có thấy lạ là Đức Trạng nêu lên như một sự so sánh của cái cách trả thù và xem ấy chỉ là “bày trò chó con!..” theo tôi chắc có uẩn khúc gì đây? Còn như ta hiểu đến tận cùng thì ấy là mạch lý của thiên cơ, thiên vận vậy! Bời thế Sấm có nhắc “thần cơ quy nỗ ở trời, làm thành thần khí thửa nơi trị trường!” phải vây chăng? thì ở đây Ngài cũng dạy “...bấy giờ quét sạch thú ly, ai ơi nhớ lấy sấm ghi kẻo lầm, trong khi sấm chớp ầm ầm, chẳng qua có số để găm trị bình!” Ây là điều chúng ta cần triêm nghiệm? Mấy câu sau nữa thì bác gẫm ra sao?
-Nói đúng lắm, bởi thế mà Sấm Trạng còn có câu “xem ra cũng bởi số trời, suy thông mới thấy sự đời nhường bao!” tức là hiểu ra, sự đời chỉ nhường ấy! Mấy câu sau thì như một điều răn vậy.. Sông Ô xưa cũng như bao dòng sông khác, chuyên chở nước nguồn để nuôi dưỡng trăm họ chứ đâu để nhấn chìm Hạng Vũ, một người vốn có sức mạnh phi thường nhấc được cái Vạc lớn ngàn cân chạy không biết mệt! ấy vậy mà hết số thì cũng tự mình đến với cái chết! Huống chi Tần Thủy Hoàng, bạo chúa dẫu lúc nào cũng lấy sự giết làm lẽ sống, kiêm tính thiên hạ! lại sợ chết sai người đi tìm thuốc trường sinh tận chân trời góc biển? Mà nào có thoát. Cho nên mới bo “thất phu dám chống thư sinh, Sông Ô chấp cả mấy anh Thủy Hoàng, nực cười những kẻ bàng quang, cờ tàn lại tính toan đường đấm xe?”. Cái xe cái pháo đắc lực một thời, với con người thì nghĩa cử làm trọng, có đâu khi tàn cuộc lại bắt chước cách chi cờ mà dùng mẹo đấm thí!... ấy là cái ẩn ý trong lời Sấm vậy! cho nên Ngài mới nói như buông thõng “thôi thôi mặc lũ thằng hề, gió mây ta lại theo về gió mây!”
-Cho đến nay tôi và Bác vẫn gẫm mà chưa thể hết! Sấm Trạng thực tài... Chả trách Cụ tôi xưa suốt này trăn trở ngâm vịnh... Quyển Sấm lúc nào cũng gối ở đầu giường...
.....
Hi-Phòng 04-2008
P.V.H
************************************
Mậu tý diễn nghĩa – 2008
Phạm Vũ Hội
I/ Thiên tượng
Khắp trời sùm sụp mù mưa.
Miếng ăn là cái tranh đua tối ngày.
Quen ngồi miệng tiếng biếng tay.
Lại quen trấn đoạt tính này tật kia.
Dê đàn tan tác ai xua.
Lê dân thất vật sớm trưa dật dờ.
“ Đáo tầm sử địa”* làm ng.
Củi khô“Trư thử” ho chờ “Giang Đông”*
Thế thời gậy đập lưng ông.
“Thắt lưng lột lại” anh hùng đo điên .
Chấn cung sấm động vang rền.
Canh tân núi lửa hai miền lại reo.
Giang sơn nên vững tay chèo.
Chờ cơn gió thổi đặt lèo mà đi.
II / Nhân sự
Quỉ ma háo sự gầm ghì.
Dê đàn lại húc đôi thì dậu thưa.
Giêng, Hai đánh trống phất cờ.
Ba,Tư sóng vỗ đôi bờ biển xanh.
Chín, Mười vỗ xuống mặt thành.
Làm cho nhốn nháo âm thanh hãi hùng.
Đêm tàn Chuột chạy lung tung.
Nghe từ Đông Bắc rùng rùng đạn bom.
Nhất chu khí vận quay tròn.
Thuỷ chung-chung thuỷ âm dưng chuyển hồi.
III/ Thiên tặc
Dầm dề giông bão khắp ni .
Đại dương nước mặn đầy vơi lại tràn.
Bắc phương gió lạnh khô khan.
Nam phương hanh kiệt hồng hoang bãi bờ.
Tây phương trời đất tối mù.
Đông phương lửa gió xuân thu trái mùa.
Thiên thời dịch khí đong đưa.
Cuối niên động đất đuổi xua dân lành.
TB . 10-4-2007-DL
________________________ 23-2 Đinh Hợi
“ * ” Lẫy ý từ Sấm Trạng Trình
Chiêm lịch 2008 – Mậu Tý
Stt Ngày tháng
Dương lịch
Biến cố
Binh cách Biến cố
Ngũ tặc Phương vị
(+ -1ngày)
1 10 -2
28-2
18-3 Binh cách
- Bùng nổ
--------- Mưa lũ
Bệnh dịch Tây Nam
Tây
2 27-3
24-4
22-5 Bùng nổ -
Căng thẳng
Xung đột Hạn
Nóng Bắc
Đông bắc
3 31-5
18-6
6-7 Chiến tranh –
Binh lửa
Xung đột Hạn
Dịch Bắc ...
Tây bắc
4 14-7
12-8*
10-9 Căng thẳng
Hội họp Lũ
Mù mịt Đông bắc
Đông...
5 18-9
17-10
15-11 Hội họp
Tụ tập
Động đất – Dịch
------
Đông nam
6 23-11
23-12
21-1-2009 ------
Xung đột Động đất
Sóng thần
------ Tây nam
-----
TB- 12/4/2007-DL
(25/2Đinh Hợi )
kỷ sửu diễn nghĩa – 2009
Phạm Vũ Hội
I/ Thiên tượng
ý trời vốn đã đăng trình.
“Đoài phương phúc địa giáng linh”theo dòng
Ngày xưa đi cấy lấy công.
Ngày nay lắm việc ngóng trông nhiều bề
Trông cho dân trí hả hê.
Chữ dân chữ chủ đuề huề chuyển xoay
Trông cho khắp đó cùng đây.
“ Cua còng đổi gọng ” sắp rày thửa nên
“ Lục thất NON ngũ bách niên”.
Mong trời bão táp chớ nên ầm ầm…
“ Thiên sinh hữu nhất anh hùng”.
Không ngoài “ hữu nhất” trừ hung diệt tà
“ Tuệ tinh xuất đả Long Xà”.
Hiển linh “tỵ tỵ gia gia ”ứng mùa…
II / Nhân sự
Cờ tàn mấy nẻo chịu thua?
khéo cho con tạo vẫn xua dê đàn…
Thiên xung bể Bắc đùng đoàng.
Giêng hai sùng sục khói loang bụi mờ
Bốn,năm,sáu gió thay mùa.
Cơ yên địa lạc thắng thua lại đòi
Chấn cung xao xuyến bồi hồi.
Chữ rằng Hoàng Cái chực ngồi Quý phương
Đông tây bôn tẩu dặm trường.
Hỏa thiên tích lịch cảm đương tu về
Người đi khắp chợ cùng quê.
Bảo cho con cháu mau về gặp cha…
III/ Thiên tặc
Dè chừng gió giập mưa sa.
Thiên thời thất vật lép xa lép gần
Lửa thiêu mà nước rùng rùng.
Chấn cung lắm cảnh ruộng đồng mênh mang
Đoài phương lạnh tít cung thang-
Khảm phương tuyết lở tuyết tan thêm nhiều
Kim sinh thuỷ- Thuỷ cường triều.
Thiên nhân hợp diệu sinh điều nghịch nhiên
Bao giờ công trả lại thiên-
Dở hay tạo hoá trắng đen mới tường...
TB. 25-3-2008 ________________________ (18/2 Mậu tý)
“ * ” Lẫy ý từ Sấm Trạng Trình
Chiêm lịch 2009- Kỷ Sửu
Stt Ngày tháng
Dương lịch
Biến cố
Binh cách Biến cố
Ngũ tặc Phương vị
(+ -1ngày)
1 11 -2
03-3
24-3 Binh cách
--------------
- Bùng nổ Hạn khô nóng
Động đất - Bệnh dịch khí Đông-Nam
------------
Tây Bắc - Tây
2 02-4
22-4
11-5 Bùng nổ – binh lửa
-------------
Xung đột Khô hạn
Gió lốc cuồng phong
-------------- Tây Bắc
Đông bắc
Đông Nam
3 23-5
12-6
02-7 ----------- Binh cách
-----------
----------Chiến sự Nóng hạn
-------------
---Gió lốc cuồng phong Bắc ...
------------
Đông-Đôngbắc
4 11-7
01-8
21-8 Binh lửa
-----------
----------- Dịch bệnh khí
--------------
Lốc - Mưa lũ…. Tây Nam
Đông nam
Tây -Đông...
5 31-8
03-10
04-11 ------------
------------
-----------Chiến sự Lũ lụt-----
Mưa lụt ---
---------- Bắc-Tây Bắc
Đông-Đông bắc
6 15-11
18-12
08-2-2010 Chiến sự
------------
------------ Động đất
------------
Dịch----- Tây - Bắc
Đông ----
Nam ------
TB- 25/3/2008DL
(18/2Mậu tý )
TB:Nguyên văn bài Sấm tôi được nghe từ những năm 1955-1960
“Hoành sơn là lối ra vào!
Cuốc kêu vọng đế Cáo gào Hà vưng
cung trăng đã sẵn lời chương
gió mưa lại mở một trường Xuân Thu...
tên treo ba mũi phục thù
Khen thay khắc dụng bày trò chó con...
ngọn cờ nhấp nhô đầu non
thạch thành mèo lại bon bon chạy về
đầy đường lai láng máu dê
con quay ngã trắng ba que cuộc tàn...!
Trời Nam trở lại đế vương
thân nhân không phải là phường thầy tăng
đồng dao đã có câu rằng
non xanh mà mọc trắng căng mấy kỳ
bấy giờ quét sạch thú ly!...
ai ơi nhớ lấy Sấm ghi kẻo lầm!
trong khi Sấm chớp ầm ầm
chẳng qua có số để găm trị bình
thất phu dám chống thư sinh
sông Ô chấp cả mấy anh Thủy Hoàng...
nực cười những kẻ bàng quang
cờ tàn lại tính toan đường đấm xe
thôi thôI mặc lũ thằng hề
gió mây ta lại theo về gió mây!...”
Nhân việc thực địa lập quy hoạch khu di tích Trạng Trình
(Chép lại tại Hải Phòng năm 2000-Phạm Vũ Hội)
dienbatn mới sưu tập được bài nghiên cứu này , đọc thấy hay , xin chia sẻ cùng các bạn .
SINH MẪU - ĐÍCH MẪU - ẢO MẪU CỦA TRẠNG BÙNG
PHÙNG KHẮC KHOAN
Bùi Duy Tân
(ĐH KHXH và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội)
Khi khảo cứu và diễn giảng về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) và Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528-1613), học giả và giáo viên thường hứng thú với những huyền thoại về hai Trạng chung một bà mẹ. Thầy thích kể mà trò thì rất thích nghe. Nếu ở Trạng Trình bà mẹ này là sinh mẫu rồi được huyền thoại hóa, thì ở Trạng Bùng bà mẹ này là một ảo mẫu (mẹ không thực) bên lề sinh mẫu (mẹ đẻ) và đích mẫu (mẹ cả). Vậy là Trạng Bùng có ba bà mẹ? Hãy dò tìm tung tích từng mẹ dựa vào thư tịch Hán Nôm và truyền thuyết dân gian.
VỀ BÀ MẸ ĐẺ TRẠNG BÙNG
(SINH MẪU)
Đọc hết tác phẩm còn lại, khoảng hơn 500 bài thơ văn của Phùng Khắc Khoan, không thấy có bài nào, câu nào viết riêng về mẹ đẻ. Đôi lần xúc động thì nhớ cả mẹ cha. Bài Hiếu viết sau khi cha mất vào ngày 10 tháng 6 - Giáp Dần (1554).
Thiên kinh địa nghĩa thực di luân,,
Bách hạnh đô tùng nhất hiếu thuần…
Cắng cổ lai kim đồng thử lý,
Ta dư hà dĩ báo huyên xuân.
(Hiếu là thiên kinh địa nghĩa dựng đặt ra luân thường,
Trăm nết tốt đều do tấm lòng thuần hiếu…
Từ xưa đến nay đều cùng một lẽ phải ấy,
Ôi! ta lấy gì báo hiếu cha mẹ bây giờ.)
Tấm lòng thuần hiếu là cả với mẹ cha, nếu mẹ còn sống thì không thể viết gộp như thế. Bài “Đêm ba mươi Tết, cảm nhớ cha mẹ”(Trừ tịch tư thân hữu cảm) viết cuối năm ấy (1554) thì trào lên nỗi niềm thương nhớ:
Nhật nguyệt bất cư thân mạc đãi,
Huống phùng thử tịch hựu tương lan!...
Nhân thùy bất dục sự thân hiếu,
Thế loạn phương tri đắc hiếu nan.
(Ngày tháng mau qua, cha mẹ mất sớm, không đợi con nuôi,
Huống chi lại gặp đêm cuối năm sắp hết!...
Người ta ai chẳng muốn hiếu thảo với cha mẹ,
Đời loạn mới biết đạt được hiếu thảo thật khó thay.)
Thơ Phùng Khắc Khoan có tính chất biên niên, Phùng lại là người con chí hiếu, cho nên những bài thơ làm trước lúc cha mất (1554), như các bài Nguyên đán thọ phụ thân, Dao thọ phụ thân… mà chỉ chúc thọ phụ thân chứ không đề cập tới mẫu thân, chí ít cũng cho ta một thông báo: mẹ Phùng Khắc Khoan mất trước cha và mất sớm. Đặc biệt bài Nguyên nhật (Ngày đầu năm) có lời dẫn: “Bấy giờ là năm Bính Ngọ (1546), tôi 19 tuổi. Tháng 6 năm ấy, cha tôi đi nhậm chức Tri huyện huyện Đông Lan, tôi và em tôi là Khắc Tráng theo cha tôi đến chỗ nhiệm sở”(Thời cái Bính Ngọ, thập cửu tuế dã. Thị tuế lục nguyệt, phụ để thụ Đông Lan huyện Tri huyện, dư dữ đệ Khắc Tráng tòng chi nhậm sở) và câu thơ cuối: Túc tương ngũ phúc chúc linh xuân (Chỉ có việc là đem ngũ phúc chúc thọ phụ thân) cho ta biết rõ thêm hai điều. Một là bà mẹ ông mất sớm trước năm ông 19 tuổi. Hai là ông còn có người em là Phùng Khắc Tráng. Kiến giải cho rằng Phùng Khắc Khoan còn có anh ruột đỗ tú tài và em trai thứ tư là nhầm lẫn Phùng Khắc Khoan với Phùng Sứ quân triều Nguyễn sau này(1). Có thể rút ra nhận xét: Chưa rõ họ tên sinh mẫu Phùng Khắc Khoan, chỉ biết bà là mẹ của hai con trai là Phùng Khắc Khoan và Phùng Khắc Tráng, bà mất sớm, có thể khi anh em Phùng Khắc Khoan còn tuổi niên thiếu. Điều này phù hợp với lời kể của các cố lão trong họ ngoài làng và ông Phùng Khắc Trà, trưởng tộc, hậu duệ 19 đời của Phùng Khắc Khoan: “Ông cụ thân sinh ra Phùng Khắc Khoan hai vợ, vợ cả không có con, vợ hai sinh ra Phùng Khắc Khoan là người hiền lành, phúc hậu, mất sớm)(2). Qua các nguồn tư liệu, chân dung sinh mẫu Phùng Khắc Khoan chỉ thấp thoáng như vậy.
VỀ BÀ MẸ CẢ TRẠNG BÙNG
(ĐÍCH MẪU)
Hậu duệ của Phùng Khắc Khoan kể rằng bà mẹ cả Phùng Khắc Khoan không có con. Thơ ca Phùng Khắc Khoan không viết gì cụ thể về bà. Nhưng khi viết về Phùng Khắc Khoan - Cuộc đời và thơ văn (Sđd) Trần Lê Sáng phát hiện 5 bài tế trong Nghị Trai thi tập (ký hiệu A.597) có 2 bài viết về bà. Bài Quyền tế đích mẫu văn, Phùng Khắc Khoan làm “trong những ngày đi sứ ở Bắc Kinh, nghe tin mẹ mất… làm một bài văn tế dài để tế tạm”(Sđd tr.63)(3). “Một năm sau khi đi sứ về, ông đã làm Đại lễ tế văn khóc đích mẫu một lần nữa”(Sđd, tr.63). Tôi đã từng mặc nhận, tồn nghi những bài văn này trong công trình Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan tác gia - tác phẩm xuất bản ở Hà Tây năm 2000. Nay xem kỹ lại văn bản tôi thấy vẫn nên để tồn nghi. Trước hết là xuất xứ của những bài văn này chưa mấy rõ ràng. Cả năm bài đều nằm trong một văn bản chép tay tập hợp tác phẩm của Phùng Khắc Khoan một cách tùy tiện, thiếu thứ lớp minh bạch, sau và trước chúng, dấu tích văn bản chứng tỏ chúng do Phùng Khắc Khoan viết còn hạn chế. Năm tác phẩm này không thấy xuất hiện ở các tập chép tay nghiêm chỉnh tác phẩm của Phùng Khắc Khoan. Sau nữa là bài Quyền tế đích mẫu văn mà Trần Tiên sinh cho rằng Phùng Khắc Khoan viết khi đang sứ sự tại Bắc Kinh (tức Yên Kinh) lại cũng cần xem lại. Vì phương tiện thông tin thời ấy chưa cho phép Phùng nhận được tin nhà, làm văn tế mẹ, rồi lại gửi về trên lộ trình ngàn dặm từ Thăng Long (Hà Nội) đến Yên Kinh (Bắc Kinh). Phùng Khắc Khoan cũng không thể tế mẹ ở Yên Kinh, thơ văn đi sứ không có câu chữ nào ghi lại sự kiện này. Đặc biệt khi cho đăng tải toàn văn bài Quyền tế đích mẫu văn trong Phùng Khắc Khoan - Cuộc đời và thơ văn (Sđd, tr.259-260 bản in năm 1985; tr. 274-275 bản in lại năm 2005) cuối bài có đề: “Viết trong ngày đi sứ”. Trong nguyên bản không có câu này. Câu cuối của nguyên bản bài văn tế là: Nhi chi tội dã, thần diệc sử nhiên, chỉ có thể dịch nghĩa là: “Đó là tội của con, cũng là do thời thế khiến cho (xui nên) như vậy”(4). Nhọc nhằn tìm tòi, suy xét tỉnh táo, ứng xử thiện chí bao năm với chuyện này và cả những quan hệ đồng nghiệp xung quanh chuyện này, tôi muốn “văn hành công khí” đưa ra một giải pháp: Bài Quyền tế đích mẫu văn không phải do Phùng Khắc Khoan “viết trong ngày đi sứ”, vì nếu ông viết để tế mẹ thì không cần có chữ quyền, chữ quyền nghĩa ở đây là tạm thay tức thay mặt tạm thời để hành lễ tế, người chủ tế vắng nên có người khác thay mặt để tế, mới gọi là: quyền, còn mình là đích tử, tự viết văn tế và đứng chủ tế thì sao lại gọi là quyền được? Hiểu như vậy thì bài văn này do người khác viết để dùng tạm thời thay thế Phùng Khắc Khoan tế bà đích mẫu tạ thế khi ông không có mặt ở nhà, vì đi sứ hay vì công chuyện gì khác mà ta chưa rõ. Người khác đó trước hết phải là Phùng Khắc Tráng, em ruột Phùng Khắc Khoan, vừa viết văn tế, vừa “quyền tế...” tức thay mặt anh để tế, hoặc giả một ai khác viết để Phùng Khắc Tráng đứng “quyền tế…” thay Phùng Khắc Khoan. Từ cách hiểu đó, bài văn tế này cho ta những thông tin quý giá: Người mất được tế chưa rõ tính danh là mẹ cả Phùng Khắc Khoan, không sinh thành nhưng vì mẹ đẻ Phùng Khắc Khoan mất sớm nên tần tảo nuôi dưỡng Phùng Khắc Khoan khôn lớn, bà được phong nhất phẩm, mất lúc hơn 90 tuổi tại quê nhà. Khi mất Phùng Khắc Khoan vắng nhà nên bài văn tế có tên: Quyền tế đích mẫu văn (Bài văn tạm thay [Phùng Khắc Khoan] tế mẹ cả). Kiến giải trên đây có khác với kiến giải của Trần Tiên sinh - người phát hiện ra bài văn tế - không chỉ ở chỗ coi bài văn tế không phải của Phùng Khắc Khoan, cũng không có dòng: “Viết trong ngày đi sứ” ở cuối bài văn, mà còn giải trình rõ chữ quyền và từ đó quy chiếu, truy cứu xuất xứ, tác giả bài văn.
VỀ BÀ MẸ ẢO TRẠNG BÙNG
Gọi bà mẹ ảo (ảo mẫu) tức bà mẹ không có thực, bà mẹ chỉ có trong cõi ảo. Bà là ảo đối với Phùng Khắc Khoan, chứ đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm thì bà là sinh mẫu. Độc lập đối với cả hai Trạng, đây là bà mẹ hình thành từ truyền thuyết dân gian, tồn tại như một nhân vật huyền thoại trong tác phẩm văn chương. Cần tìm nguyên mẫu của bà mẹ hư hư thực thực này. Đọc hơn 500 tác phẩm của Trạng Bùng, rồi hơn 800 tác phẩm của Trạng Trình, chưa thấy hình bóng, dấu tích về bà. Tư liệu duy nhất, thực lục đáng tin cậy nhất, cho ta biết đôi nét thực về bà là Phả ký của Ôn Đình hầu Vũ Khâm Lân (1702-?) viết vào đầu những năm 40 của thế kỷ XVIII, khoảng 1743-1744. Theo Phả ký Vũ Khâm Lân là trọng thần của triều đình, sinh quán và từng là quan trị nhậm ở Hải Dương, nhiều lần tới quê Nguyễn Bỉnh Khiêm, dò hỏi tung tích, thế thứ, quan sát thực địa, di tích, tiếp xúc với hậu duệ Nguyễn Bỉnh Khiêm, “thâu thái ý kiến mọi người, rồi hợp lại với những điều thường ngày đã được tai nghe, mắt thấy, để viết nên một bài ký”: Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả ký (Phả ký về ông Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn Văn Đạt, tức Nguyễn Bỉnh Khiêm). Phả ký viết về bà như sau: “Họ Nhữ, được phong Từ Thục phu nhân, nguyên người ở Yên Tử Hạ thuộc huyện Tiên Minh, là con gái quan Thượng thư bộ Hộ Nhữ Văn Lan.
Bà vốn là người thông minh, học rộng văn hay, lại tinh cả môn tướng số; ngay thời Hồng Đức bà đã tính được rằng, vận mệnh nhà Lê chỉ sau 40 năm nữa sẽ suy. Vì có chí hướng phò vua giúp nước của bậc trượng phu nhân, muốn chọn một người vừa ý mới chịu kết duyên, nên bà đã chờ đợi ngót 20 năm trời, khi gặp ông Văn Định, có tướng sinh quý tử mới lấy”(5). Phả ký chép tiếp: Sau có dịp gặp Mạc Đăng Dung lúc còn hàn vi, bà than: “Lúc trẻ chẳng gặp, ngày nay tới đây làm gì?”, rồi “ân hận suốt mấy năm trời”. Bà đem kinh truyện và thơ Nôm dạy Nguyễn Bỉnh Khiêm từ lúc mới 4 tuổi. Bà kỳ vọng ở Nguyễn Bỉnh Khiêm nên khi chồng là Văn Định đem trăng là biểu tượng bầy tôi ra dạy con thì “bà giận bỏ về ở bên cha mẹ đẻ, cách ít lâu thì mất”. Phả ký không có một dòng chữ nào viết về chuyện bà lấy chồng ở Sơn Tây đẻ ra Phùng Khắc Khoan, chỉ nói đến Phùng Khắc Khoan với tư cách là học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Năm 1962, tôi và thầy Đinh Gia Khánh tới thăm quê ngoại Trạng Trình ở Yên Tử Hạ, nay thuộc xã Kiến Thiết, Tiên Lãng, Hải Phòng. Chúng tôi được các cố lão cho xem gia phả dòng họ Nhữ, biết thêm bà mẹ họ Nhữ đã mang người con thứ bảy của Trạng Trình sang ở Yên Tử Hạ để trông nom cố trạch vì phần mộ họ Nhữ đã di cư lên Cẩm Giàng. Gần đây báo chí có nhắc nhở văn hóa Hải Phòng cần tôn tạo phần mộ bà mẹ họ Nhữ ở Yên Tử Hạ. Từ đây ta mới hay bà mẹ họ Nhữ sống ở quê cha mẹ đẻ đến khi qua đời, cách quê chồng không xa. Phần mộ của bà nay vẫn còn.
Như vậy Phả ký khắc họa một chân dung thực, có giá trị như một nguyên mẫu rất giàu dữ liệu (tình tiết, tính cách, tâm trạng…) để từ đó cấu tạo (hư cấu) thành nhân vật truyền thuyết, huyền thoại, tức nhân vật của tác phẩm văn chương. Trong thời phong kiến thì đây là một người đàn bà kỳ dị. Kỳ dị ở chỗ biết bói toán, xem xét thời thế để tự toan tính chuyện đời của riêng mình. Kỳ dị ở chỗ muốn lấy chồng sinh con là vua. Khi đã có chồng, gặp người có trạng mạo đế vương thì tiếc nuối đến mấy năm trời. Hy vọng ở chồng rồi hy vọng ở con, trong lòng Nhữ thị lúc nào cũng thấp thoáng hình bóng một vua con. Cho nên giận chồng đem trăng - biểu tượng bề tôi - ra dạy con thì dứt áo ra đi… Toàn là chuyện kỳ dị, khác đời, chưa hề thấy trong sử sách, dân dã trước đó. Nhữ thị quả là người con gái ngoại hạng. Nguyên mẫu từ Phả ký chắc đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của truyền thuyết dân gian trước đó, khi trở thành nhân vật trong tác phẩm văn chương như truyền thuyết, huyền thoại mới, lại có thêm một cuộc đời khác. Cuộc đời ấy còn lại bằng hai dạng: dạng ghi chép thành văn và dạng truyền miệng. Thuộc dạng ghi chép thành văn thì đến nay hầu như mới thấy có: Mai Lĩnh hầu thành mẫu chí truyện(6)(Truyện Mai Lĩnh hầu [Phùng Khắc Khoan] hoàn thành chí của mẹ). Sách viết vào thời Nguyễn với/ bằng sự lắp ghép vụng về, tùy hứng lộn xộn một số giai thoại, tình thái, hành trạng, thơ văn… về/của Phùng Khắc Khoan. Riêng phần sự tích thì viết đại ý: có một thiếu phụ từ Hải Dương đến Sơn Tây gặp một Thái học sinh (?) giỏi phong thủy, có phúc tướng, bèn kết nghĩa phu thê với hy vọng sau này sinh con trả thù cho mình. Một năm sau, Phùng Khắc Khoan ra đời, tướng mạo khác phàm. Bà khuyên ông dạy học, lập chí cho con, để sau này gặp thời giúp nước phò đời, thì bà mãn nguyện mà ông cũng không còn ân hận… Mai Lĩnh hầu thành mẫu chí truyện chép về bà mẹ Phùng Khắc Khoan chỉ đơn giản có thế. Tình tiết trung tâm là sự lặp lại tình tiết chính của nguyên mẫu. Thuộc dạng truyền miệng thì ở Trung Am, quê Nguyễn Bỉnh Khiêm (1962) chúng tôi được các cố lão cho biết chưa thấy mấy ai nói đến Phùng Khắc Khoan, trừ một lời đồn thất thiệt: mẹ Trạng Trình còn đẻ ra cả Trạng Bùng và Trạng Quỳnh? Ở Yên Tử Hạ, quê ngoại Nguyễn Bỉnh Khiêm, sự tích về bà mẹ họ Nhữ có nhiều tình tiết giống với tình tiết được kể ở làng Bùng, nói chung ra ngoài phên dậu của Mai Lĩnh hầu thành mẫu chí truyện. Ở làng Bùng, bà mẹ họ Nhữ ngoài những lời kể như trong Mai Lĩnh hầu thành mẫu chí truyện, còn có chuyện bà gặp Phùng công đang làm ruộng, thấy có phúc tướng bèn gá nghĩa vợ chồng. Hoặc chuyện khi đi thi, Nguyễn Bình Khiêm có vòng lên Sơn Tây gặp cậu bé Phùng Khắc Khoan v.v… Tư liệu dân gian truyền miệng thì “khẩu thiệt vô bằng”, nhiều dị bản, nhiều tình tiết sai dị(7), ở nhiều địa điểm, thời gian khác nhau. Đến đây có thể kết luận, từ một nguyên mẫu Nhữ thị, mẹ đẻ Nguyễn Bỉnh Khiêm có phần kỳ dị, mạnh mẽ, khác thường, qua truyền miệng phát triển thành hình tượng nhân vật trung tâm của truyền thuyết, huyền thoại cả một vùng đời. Gọi bà là ảo mẫu, là bà mẹ không thực, là bà mẹ được hư cấu thành hình tượng nhân vật trong tác phẩm văn chương là hợp với quy luật sáng tạo của văn hóa văn học dân gian.
Sau phần giải trình về hồ sơ ba bà, là phần quan trọng hơn, là phần quan trọng hơn: tìm hiểu quan hệ giữa ba bà.
SINH MẪU VÀ ẢO MẪU TRẠNG BÙNG CÓ LÀ MỘT?
Vậy thì mẹ đẻ Phùng Khắc Khoan và mẹ đẻ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã truyền thuyết hóa - đã trở thành bà mẹ ảo, bà mẹ huyền thoại hóa - có là một. Các học giả đương đại có hai chủ thuyết.
Thứ nhất là chủ thuyết cho rằng: hai bà là hai bà, một là mẹ đẻ Trạng Bùng, hai là mẹ ảo Trạng Bùng chỉ tồn tại trong tác phẩm văn chương từ nguyên mẫu bà mẹ họ Nhữ, mẹ đẻ Trạng Trình. Đây là học thuyết của số đông học giả. Cố G.S Trần Quốc Vượng trong bài Làng Bùng - Trạng Bùng (Hà Tây Văn hóa Thể thao 2 - 1993, tr.70-71) nhận xét: “Huyền tích bà mẹ Nguyễn Bỉnh Khiêm đi đến xứ Đoài gặp người cày ruộng, có tướng tốt đã lấy làm chồng rồi sinh ra Phùng Khắc Khoan chỉ là huyền tích, sai sự thật. Phụ thân ông đã học nho, rồi thi đỗ, làm quan huyện”. Nguyễn Vinh Phúc - Nhà Hà Nội học - thì cho rằng: “Tôi không sao quan niệm được Phùng Khắc Khoan lại là em cùng cha khác mẹ với Nguyễn Bỉnh Khiêm… Phùng là em đồng bào với Nguyễn thì chỉ là truyền thuyết”(Phùng Khắc Khoan - Thời đại - Cuộc đời. Sở VHTT-TT Hà Tây, 1993, tr.17) v.v…
Riêng tôi, từ đầu những năm 1960, khi bắt đầu giảng dạy và nghiên cứu Phùng Khắc Khoan và Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chú tâm sưu tập, theo dõi tư liệu thành văn, truyền khẩu có liên quan đến bà mẹ họ Nhữ này. Tôi và Thầy Đinh Gia Khánh đã về quê Nguyễn Bỉnh Khiêm ở làng Trung Am khi còn tỉnh Kiến An, nay thuộc Hải Phòng; về quê mẹ đẻ Nguyễn Bỉnh Khiêm dòng họ Nhữ ở Yên Tử Hạ, nay thuộc Hải Phòng; và về quê Phùng Khắc Khoan ở làng Bùng, xã Phùng Xá, Sơn Tây nay thuộc Hà Tây…vừa tìm đọc thư tịch, bi ký, gia phả, vừa nghe các cố lão trong họ ngoài làng kể chuyện người xưa. Sau đó lại đi vào các thư viện ở Trung ương và các tỉnh Kiến An, Hải Dương, Sơn Tây… tìm kiếm thêm tư liệu. Năm tháng trôi qua, tư liệu kiếm tìm, ngoài Phả ký của Vũ Khâm Lân chẳng thêm được là bao, kiểm lại thì hầu hết đều là lời tục truyền, tương truyền, là giai thoại, huyền tích… hoặc được ghi muộn trong một vài truyện ký văn học (như Mai Lĩnh hầu thành mẫu chí truyện, Ký lục tiên tổ sự tích…) hoặc còn được truyền miệng trong dân gian. Dựa vào tư liệu đã có, năm 1979 trong Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan soạn chung với Ngọc Liễn, do Ty VHTT Hà Sơn Bình xuất bản, tôi đã đưa ra kết luận: “Câu chuyện về bà mẹ họ Nhữ… chắc chỉ là huyền thoại, khó tin là có thật” (Sđd, tr.14). “Vả lại Nguyễn Bỉnh Khiêm hơn Phùng Khắc Khoan 38 tuổi, bà mẹ họ Nhữ khó có thể sinh một đứa con sau cách đứa con trước nhiều năm như thế” (Sđd, tr.96). “Tuy nhiên sự tích về bà mẹ họ Nhữ dầu cho có là ngoa truyền đi nữa… chắc đã nhằm thỏa mãn một trạng thái tâm lý nào đó của người đời… chúng ta vẫn cứ suy nghĩ xem sao” (Sđd, tr.96).
Sáu năm sau Trần Lê Sáng đưa ra chủ thuyết thứ hai, trong Phùng Khắc Khoan - Cuộc đời và thơ văn (Nxb. Hà Nội, 1985) đã phủ định kết luận mở trên đây của tôi và một số học giả khác. Đặc biệt, trong lần tái bản ở Nxb. Văn hóa Thông tin năm 2005, Trần Tiên sinh vẫn giữ nguyên bản cũ. Trong đó phần thì dựa và tin vào lời tương truyền, phần thì dựa vào một vài huyền thoại, sự tích, truyện ký, văn tế, đi đến khẳng định: “Mẹ đẻ Phùng Khắc Khoan chính là mẹ đẻ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguyễn và Phùng là hai anh em cùng mẹ khác cha” (Sách tái bản, tr.55). “Về sự tích và chí hướng khác thường của bà mẹ đẻ Phùng Khắc Khoan, chưa hẳn một lúc đã tìm hết sự thật, song tôi tin có một bà như vậy. Bà có thể là một ngọc nữ mơ hồ như Liễu Hạnh công chúa, song bà cũng có những nét thực như bà Nguyễn Thị Duệ hay các bà Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, bà Huyện Thanh Quan (Sđd, tr.68).
Cho đến nay, phải viết lại vấn đề này, thật nhọc nhằn bất đắc dĩ. Vì trách nhiệm, chân tình, nếu không nói là thẩm quyền với hai đại gia văn học thế kỷ XVI - XVII Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, những tác gia có trong lý lịch khoa học của đời tôi hơn 40 năm ròng, xin nêu ra 4 sai lầm của Trần Lê Sáng khi cứ một mực: Mẹ đẻ Phùng Khắc Khoan chính là mẹ đẻ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
1. Trần Lê Sáng đã tìm con người thật (mẹ Phùng Khắc Khoan) thông qua truyền thuyết, truyện ký dân gian, lời kể của các cố lão… Việc làm đó khó có thể coi là thao tác khoa học nghiêm túc. Xin nói thêm 90 Giai thoại Trạng Trình (Vĩnh Bảo - Hải Phòng xuất bản 1991), vài chục Giai thoại và Sấm ký Trạng Trình của Phạm Đan Quế (Nxb. Văn nghệ - Thành phố Hồ Chí Minh, 1992) cũng chỉ thấp thoáng đôi lần tục truyền bà mẹ họ Nhữ là mẹ Phùng Khắc Khoan…
2. Sử dụng tư liệu thiếu thận trọng. Chẳng hạn lấy lời chú thích câu thơ: Phùng Khoan sứ tiết cũng già trong Đại Nam quốc sử diễn ca (Nxb. Văn học. H, 1966, tr.171) “Phùng Khắc Khoan là người làng Phùng Xá, thuộc tỉnh Sơn Tây (tục gọi là Trạng Bùng) là con cùng mẹ khác bố với Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình) của Đinh Xuân Lâm và Chu Thiên, làm tài liệu tin cậy hàng đầu. Hoặc giả tập thơ Phùng Sứ quân tiễn thi tịnh cảnh vật vịnh (Thơ tiễn và vịnh cảnh vật của Phùng Sứ quân) của một ông Phùng Sứ quân nào đó ở thời Nguyễn sau này thì Trần Lê Sáng lại cho là tập thơ của Phùng Khắc Khoan có lẫn thơ triều Nguyễn, nên đã dẫn bài Bào huynh Tú tài tiễn (Anh ruột là Tú tài làm thơ tiễn) chứng thực là Phùng Khắc Khoan có một anh ruột (Sđd, tr.69), và bài Thụy khởi hoài đệ tứ lang (Ngủ dậy nhớ người em thứ tư) chứng thực là Phùng Khắc Khoan có em trai thứ tư (Sđd, tr.70). Thử hỏi nếu Phùng Khắc Khoan có 4 anh em thì cùng con một mẹ họ Nhữ hay khác mẹ đây? Và nếu Phùng Khắc Khoan là con thứ hai thì làm gì có chuyện tế đích mẫu. Hơn nữa, khi tiễn cha đến nhiệm sở Tri huyện năm Bính Ngọ (1546), tại sao chỉ có Phùng Khắc Khoan và em là Phùng Khắc Tráng(8). Với việc ngộ nhận tập thơ này, Trần Tiên sinh đã tự làm khó cho mình.
3. Không chấp nhận sự thực qua việc phân tích năm sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan và mẹ đẻ… của hai ông. Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491 hơn Phùng Khắc Khoan sinh năm 1528 đến 38 tuổi. Nếu bà mẹ họ Nhữ đẻ ra Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc 20 tuổi như Phả ký ghi, thì đẻ Phùng Khắc Khoan phải (20 + 38) 58 tuổi. Gần 60 tuổi mà vẫn sinh con, đến thời nay vẫn còn đáng ghi vào Kỷ lục, huống hồ thời xa xưa, cách ta đã ngót 500 năm. Điều này tôi đã nêu ra từ lâu, song Trần Tiên sinh cho rằng tuổi của hai ông Trạng cách nhau quá xa, chỉ là chi tiết nhỏ, “nên khảo cứu thêm về năm sinh của hai ông, đặc biệt là năm sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm… Bà mẹ họ Nhữ bỏ về nhà bố mẹ đẻ lúc Nguyễn Bỉnh Khiêm mới bốn tuổi (bà lấy chồng lúc hai mươi tuổi, vậy lúc đó bà hai mươi bốn tuổi), nếu sau đó một vài năm bà lấy thân phụ của Phùng Khắc Khoan thì không thể kể là nhiều tuổi được”(Sđd, tr.67-68). Ngang nhiên đòi xem lại năm sinh của hai danh nhân văn hóa lớn, đã được sử sách bi ký ghi khắc, trở thành bất di bất dịch từ xưa, nhằm tạo thế cho lập thuyết của mình, là chuyện động trời, không phải chuyện nhỏ. Trần Tiên sinh có nghĩ lại cũng đã muộn. Còn nói bà mẹ họ Nhữ lấy bố Phùng Khắc Khoan vài năm sau năm 24 tuổi cũng là một suy diễn hàm hồ. Vì như thế thì bà đi bước nữa từ cuối thế kỷ XV, để rồi mãi đến 1528 tức vài chục năm sau mới sinh Phùng Khắc Khoan. Rõ ràng lập luận của Trần Tiên sinh về tuổi tác của hai Trạng và bà mẹ họ Nhữ vừa không có sức thuyết phục, vừa sai ngoa, kỳ quặc. Thực ra chỉ cần nhìn vào năm sinh của hai Trạng, người ta cũng đầy đủ điều kiện để phủ định hai ông có chung một mẹ, mà không cần đến mớ dữ liệu khác.
4. Chưa thấy Quyền tế đích mẫu văn là dữ liệu quý. Bài văn tế ấy viết đích mẫu Phùng Khắc Khoan thọ hơn 90 tuổi. Bà mất vào cuối thế kỷ XVI khi Phùng Khắc Khoan không có ở nhà. Như vậy bà mẹ cả này ắt phải sinh vào mấy năm đầu thế kỷ XVI. Khi đó thì bà mẹ họ Nhữ sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 1491 lúc 20 tuổi, đã khoảng trên 30 tuổi đời. Nếu bà họ Nhữ lấy thân phụ Phùng Khắc Khoan thì bà hơn bà cả đến 30 tuổi. Chuyện vợ lẽ, con hầu trẻ hơn vợ cả vài chục tuổi thì cũng có thể có, chứ già hơn vợ cả đến vài chục tuổi thì chỉ có trong mơ.
Lập thuyết của Trần Tiên sinh qua bốn vấn đề bất cập trên đây, không thể đứng vững. Để đảm bảo tính chất thực lục về gia quyến Phùng Khắc Khoan và cả Nguyễn Bỉnh Khiêm xin có lời kết luận: Dựa vào những dữ liệu xác thực, thì bà mẹ đẻ ra Phùng Khắc Khoan không phải là bà mẹ họ Nhữ đã sinh ra Nguyễn Bỉnh Khiêm. Những lời tục truyền, tương truyền, truyền thuyết, huyền thoại, sự tích đều là tư liệu, tác phẩm văn chương, không thể coi là sự thực bổ sung cho lai lịch hành trạng có tính chất thực lục. Phùng Khắc Khoan không thể có một bà mẹ mà năm sinh ra mình đã gần 60 tuổi. Năm sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan là bất khả di dịch. Thân phụ Phùng KhắcKhoan cũng không thể có một bà vợ lẽ hơn bà vợ cả khoảng 30 tuổi đời.
Câu chuyện về các bà mẹ Phùng Khắc Khoan đến đây đã quá dài nên phải kết thúc. Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan vẫn mãi mãi có một sinh mẫu, một đích mẫu và một ảo mẫu là bà mẹ trong truyền thuyết văn chương. Cám ơn độc giả và mong nhận được những góp ý vô tư, khoa học, chân tình.
Hà Nội, Trung thu Đinh Hợi - 2007
B.D.T
Chú giải:
1. Xem Phùng Sứ quân tiễn thi tịnh cảnh vật vịnh (Thơ tiễn và vịnh cảnh vật của Phùng Sứ quân). Viện Nghiên cứu Hán Nôm, A.1576; Viện Văn học, DH.105. Phùng Khắc Khoan - Cuộc đời và thơ văn, Trần Lê Sáng, Nxb. Hà Nội, 1985; Nxb. Văn hóa Thông tin tái bản, 2005. Dẫn dụ ở đây đều theo sách tái bản.
2. Tư liệu đi thực tế về làng Bùng các năm 1963, 1964, 1994, 2000…. của Bùi Duy Tân.
3. Trần Lê Sáng còn dẫn bài thơ Mông ân chuẩn nhân tiện ninh gia (Đội ân chuẩn y cho nhân tiện ghé thăm nhà) chứng tỏ Phùng Khắc Khoan có về chịu tang đích mẫu. Điều này mâu thuẫn với chỗ cho rằng bà đích mẫu mất khi Phùng Khắc Khoan đang đi sứ. Hơn nữa, thật đáng tiếc, bài thơ này là của tác giả thời Nguyễn, trong tập Phùng Sứ quân tiễn thi tịnh cảnh vật vịnh.
4. Nói chung bài Quyền tế đích mẫu văn được Trần Lê Sáng dịch thoáng, có chỗ chưa sát nghĩa, khi sử dụng nên đối chiếu với nguyên bản.
5. Theo bản dịch của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm. Trong Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề. Tập III. Bộ Quốc gia giáo dục Sài Gòn xuất bản, 1962, tr. 139-160.
6. Xem Mai Lĩnh hầu thành mẫu chí truyện (Phụ trong Danh gia thi tập). Viện Nghiên cứu Hán Nôm, VHv.2163.
7. Ngay tình tiết Nhữ thị khuyên chồng phải nhập phòng đúng vào lúc “nguyệt đáo trung thiên”(trăng đứng giữa trời) là để sinh quý tử với bố Trạng Trình, còn với bố Trạng Bùng là để sinh con phát vương. Tiếc thay cả hai ông bố đều không kiên trì nên chỉ sinh con phát Trạng.
8. Xem bài Nguyên đán (Ngày đầu năm) trong Ngôn chí thi tập, có đề dẫn năm Bính Ngọ (1546) Phùng Khắc Khoan và em là Phùng Khắc Tráng theo cha đến nhiệm sở huyện Đông Lan nhận chức Tri huyện. Ở trên đã dẫn.
9. Nếu bố Phùng Khắc Khoan bằng khoảng tuổi của mẹ cả, thì bà mẹ họ Nhữ hơn ông này khoảng 30 tuổi, sao bà có thể lấy làm chồng được. Chuyện ngay trong mơ cũng khó thấy.
dienbatn giới thiệu .
Bài Chiêm Lịch soạn cho năm 2010-2011
Phạm Vũ Hội- KTS
Xưởng Kiến Trúc Tạo hình Hải Phòng
Thân gửi: ông Bùi Quốc Hùng- Bút danh DIENBATN
Trung Tâm Nghiên cứu lý học Đông Phương
Bài Chiêm để đăng tải về nghiệm lý Sấm Ký Trạng Trình
(tiếp tục với Hư thực muôn đời…)
(E-mail:dienbatn@yahoo.com)
Canh dần diễn nghĩa – 2010
I/ Thiên tượng
Dịch trời đảo lộn tứ phương,
Bóng đen lấp ló nẻo đường trận vong
Sơn lôi di chuyển đùng đùng.
Ai hay khói lửa bập bùng biển khơi
Rừng sâu hùm thức dậy rồi.
Đông A một dải đứng ngồi chửa yên
Trước thu trăng rọt lên thềm,
Một cơ “lục thất” sức bền trăm năm
Lại tìm hai chữ Ngũ Luân,
Lại xem Núi Tản Non Nùng hiển linh
Sự nuôi sự lớn sự thành,
Sự đi hợp lẽ chính danh đúng mùa
Cầu trời “bất chiến-bất thua”,
Bắc nam vô sự gió mưa thuận hòa.
II / Nhân sự
Mã phù Kiếp địa khởi ra,
Thói quen dương tẩu lẻn qua cửa rồng
Tháng giêng thấy động ầm ầm,
Ba tư khói bụi xém gần tới lưng
Bốn năm phong hỏa gia nhân,
Người thua kẻ thắng đôi phần tách chia
Than ôi quốc sự dầm dề,
“Mã ngưu chi tuế” xua dê lạc đàn
Đạo càn nãi thống dương gian,
Đạo khôn nãi thuận còn đang nửa vời...
Trước thời thiên hạ xẻ đôi,
Sau thời nhân quả ông tôi nhỡn tiền.
III/ Thiên tặc
“Cát bình nhất nhật sơn niên”, đất trời nóng nực suốt đêm suốt ngày
Khô khan rã cánh cò bay, giữa năm động đất gió xoay tối mù
Cơ trời đói kém mất mùa, lại khi dịch khí a dua a tòng
Triều dâng bão dội tây đông, làm cho thiên hạ hãi hùng nhiều phen
Nghĩa nhân mà lắm ưu phiền, bởi chưng quyền lực bon chen bộn bừa
Tượng trời gia đấy mà chưa? vị nhân vị cập vẫn đùa thế gian..!
Phạm-Vũ-Hội. 7-4-2009
(13/3 Kỷ Sửu)
“ * ” Lấy ý từ Sấm Trạng Trình
Chiêm lịch 2010- Canh Dần
Stt
Ngày tháng
Dương lịch
Biến cố
Binh cách Biến cố
Ngũ tặc
Phương vị
(+ -3ngày)
1
21 -2
23-3
30-4
Binh cách
căng thẳng
Mưa lũ
Động đất –khí lạnh
Đông-Nam
Đông-Bắc
Tây
2
26-5
19-6
Bùng nổ – binh lửa
Xung đột
Khô hạn- nóng
Gió lốc cuồng phong
---
Bắc
Đông bắc
Đông Nam
3
15-7
08-8
Binh cách
----------Chiến sự
Nóng hạn
Gió lốc cuồng phong
Bắc ...
Tây-Nam
Đông bắc
4
04-9
28-9
Binh lửa
Hội họp...chiến sự
-
Dịch bệnh khí
Lốc – Mưa lũ….
Tây Nam
Đông nam
5
24-10
18-11
Căng thẳng. hội họp
------------
-----------Chiến sự
Lũ lụt-----
Mưa lụt ---
----------
Tây Bắc
Đông-Đông bắc
6
27-12
02-2-2011
Chiến sự
------------
Động đất
Dịch-----lũ
Tây – Bắc
Đông-nam
Nam ------
PVH- ( 12/4/2009 DL)
(18/3 Kỷ Sửu )
Tân Mão diễn nghĩa – 2011
I/ Thiên tượng
Vận trời cháy sự tràn lan, mặc nhiên quỷ quái làm càn khiếp kinh
Vẫn theo bá đạo vi hình, lùa cơn sóng cả nghê kình ngoài khơi
Tốn cung cam phận dập vùi, “kiền khôn phù tái” ngược xuôi trống kèn
Chấn cung hơi vạc bùng lên, thủy lôi thăng giáng khắp miền giang đông
Khôn cung tí tách đì đùng, “độc- tôn” hai chữ nạ dòng cắt chia
Khí trời nhân nghĩa ra rìa, quan quyền lừa đảo ăn chia kiếm tiền
Đông tây chưa thể là duyên, “cửu trùng” còn đợi tiên thiên đảo đồng
II / Nhân sự
Tính thời toan thế thượng phong, giơ tay xoạc cẳng anh hùng kém ai
Nhìn lên thấp thoáng sen nhài, cúi xuống lộ rõ hình hài quỷ ma
“Cơ nhị ngũ” thế cũng là... “cửu châu” tiếp cảnh chiến qua “do hùng”
Giêng hai hiểm hóc tầm ngầm, ba tưw tịt mịt tay cầm bàn chông
Năm sáu lửa bén phía đông, cuối năm hội họp chạy rông chạy dài
“Ốc tru” đáo vận giằng giai, quyền nhân bước một bước hai nửa vời...
III/ Thiên tặc
Cả mưa cả nắng thì sôi, cả sóng cả gió thì lôi sập thành
Ốm đau ôn đạo dịch hành, âm dương đôi ngả rõ rành tác hung
Đoài phương lạnh nóng chưwa từng, thì phen núi lở địa lầm cuốn trôi
Chấn phương đấy lụt đây bồi, đồng quê thẳng cánh dập vùi thủy phân
Chữ rằng thiên địa chi tân, bình yên một khúc bất thần một khi...
Bao giờ “thập quốc” lâm thì, mới yên ngũ tặc mới vi nhân quyền...
Phạm-Vũ-Hội. 14-4-2009
________________________ (20/3 Kỷ Sửu)
“ * ” Lấy ý từ Sấm Trạng Trình
Chiêm lịch 2011- Tân Mão
Stt
Ngày tháng
Dương lịch
Biến cố
Binh cách Biến cố
Ngũ tặc
Phương vị
(+ -3ngày)
1
03-2
24-2
19-3
Binh cách
Chiến sự-
- Bùng nổ
Động đất – Bệnh dịch khí
Đông-Nam
Nam
2
21-4
24-5
binh lửa
Xung đột
Lũ lụt
Gió lốc cuồng phong
Đông bắc
Đông Nam
3
27-6
30-7
Binh cách
----------Chiến sự
Bão lụt
Gió lốc cuồng phong
Tây Bắc ...
Đông-
4
01-9
03-10
Binh lửa
Hội họp-----------
Dịch bệnh khí
Lốc – Mưa lũ.
Tây Nam
Đông nam
.
5
27-10
17-11
------------
-----------Chiến sự
Lũ lụt sụt lở
Động đất sóng thần
----------
Bắc-Tây Bắc
Đông bắc
6
20-12
22-1-2012
Chiến sự
------------
------------
Động đất
Dịch bệnh-----
Tây – Bắc
Đông Nam-
PVH- ( 15/4/2009 DL)
(21/3 Kỷ Sửu )
Phạm Vũ Hội - Có thơ Chiêm rằng:
Lâu nay gắng lấy sự nhàn, mở quyển sách vàng nhiệm nhặp ngồi xem
Có câu Sấm ký bí truyền. Tuổi thơ nghe lỏm đôi phen hỏi dò
Lão phu các cụ bơ phờ , luận giải hàng giờ cũng chỉ chừng ra
“Mười phần mấy bảy còn ba, mất hai còn một...” thực là khó thay
Trẻ con chạy dọc luống cày, chấp chân sai vặt cả ngày mà vui
Cái thời điếu đóm ông tôi. Cái thời sâu nặng tình người nghĩa cha
Đồng xanh ruộng lúa bao la, lũy tre vi vút tiếng gà gáy trưa
Mái tranh sông nước hững hờ, lưng trâu ngồi đọc i-tờ ê a...
Sấm Trạng Trình đã viết ra, mỗi câu mỗi chữ đều là thần tiên
Gắng công học chữ thánh hiền, hoạ may hiểu được lời truyền Trạng cho
Hoạ may hiểu được biến cơ, tài trai thông luận cơ hồ dọc ngang
Sấm gieo muôn ngọc nghìn vàng, thỉnh xin từng chữ rõ ràng nhớ ghi
Kể từ tuổi nhỏ qua đi, gặp thời loạn lạc khốn nguy bời bời
Chiến tranh rần rật khắp nơi, hiền giang một lẻo cắt đôi sơn hà
Phân chia bên địch bên ta, thắt lưng buộc bụng mà ra chiến trường
Mẹ già một nắng hai sương, tuổi xuân hăng hái lên đường lập công
Thân trai nhẹ tựa lông hồng, bom rơi đạn nổ tứ tung ngũ hành
Thửa là phải thuở “hung hoang”, thửa là binh hoả chiến trường khốn thay
Thửa là cá phái ẩn cây, thửa là còn mấy chim bay một làng
Khăng khăng sắc đỏ sắc vàng, nhà máy thôn làng khẩu sung khoác vai
Thửa là thiên hạ xẻ hai, thửa là kẻ sở người đoài chạm nhau
Muôn dân chịu cảnh âu sầu, kể dư đôi ngũ quả hầu mới yên
Thương cho hai chữ thánh hiền, bảy nổi ba chìm mới được hồi sinh
Những năm giáp ất bính đinh, Sấm ký Trạng Trình đều phải đốt đi
Sự lòng dân nhớ dân ghi, năm trăm năm ấy người đi lại về
Thủy sinh cành lá xum xuê, càn khôn thái vận bốn bề cảo thơm
Đẽo vuông rồi mới đẽo tròn, công cha nghĩa mẹ nhới ơn muôn đời
*
Hai tay nâng quyển sấm trời, ấm áp từng lời Trạng đã dạy cho
Huyền thông là chuyện thiên cơ, nói ra không thể tóc tơ tỏ tường
Thực hư để lại nhân gian, đúng sai để lại nghiệm bàn hậu sinh...
Nay xem thời nghiệm lộ trình, “phục nguyên chu ngũ” tài tình xiết bao
Nhớ câu Trạng viết thuở nào, “một mảy tơ hào chẳng dám sai ngoa”
Những điều báo chí đăng qua, ứng vào thời thế thật là thần minh
Có câu “long vĩ chiến tranh, can qua thân dậu thái bình niên lai...”
Ấy là đại chiến thứ hai, thời gian sự thế chẳng sai tí nào
Đồ thư một quyển Trạng trao, năm trăm năm ấy trải bao nhiêu đời?
Có câu “Tiên lãng chia đôi, sông Hàn nối lại thì tôi lại về”
Lần theo mảnh đất đồng quê, vẫn còn Đền Trạng bốn bề cỏ hoang
Vẫn còn dải đất Trung Am, bến đò Tăng Thịnh sông Hàn nước xuôi
Bao năm đất lở cát bồi, bờ đê Nam tử chân người gió theo...
Quê cha quê mẹ còn nghèo, chỉ mong có được cầu kiều bắc sang
Cánh buồm nhẹ lướt Hàn giang, bể Đông mây trắng từng làn trắng mây
Chuông chùa Thạch Khánh khô gầy, Thiên Hương nẻo khuất thuyền đầy khách thăm,
Tràng Xuân Kiều lặng bâng khuâng, Thái Bình choi chói một vùng Trấn Dương
Ngao du Đông Hải- Đồ Sơn, lại về Kính Chủ- Động Tiên sớm chiều
Sự già vui bạn theo theo, văn chương tri ngộ điều điều tự tâm
Mặc ai xua đuổi hươu Tần, trăng lên lầu Hán ngồi thăm mệnh trời
Dở hay thôi tự lòng người, bút hoa soi chép những lời thần tiên
Chữ đề Sấm ký- bí truyền! Chữ Tâm thực sáng, chữ Thiền thực cao
Chữ Tài, chữ Tuệ siêu sao, Trung Thiên Như Nhật vọng vào ngàn năm..!
Mát trong theo mạch nước ngầm, mát vào hoa cỏ tưới nhuần khắp nơi
Rằng đầu thế kỷ hai mươi, “phân thân tòng bắc khởi” ngòi chiến tranh
Ấy là Đức Pháp ý Anh, áo-Hung Nga Nhật Mỹ tranh giành đất đai
Ấy là tám nước cường tài, làm “tám chúng quỷ” tính bài hại nhân
Nổi cơn binh lửa ầm ầm, hùm già lạc dấu khôn lần lối ra
Versails quyền lợi bất hoà, thắng thua thù hận cho là cách tân
“Đoài phương ong khởi lần lần. Muông sinh ba cốc cầm quân dấy loàn”
Ấy là Đức ý Nhật Hoàng, thành trục phát xít tính toan phục thù
Đua tranh quân lực quân nhu, gây nên đại chiến mịt mù bốn phương
Địa cầu ra bãi chiến trường, thủy chiến bộ chiến trăm đường gớm ghê
Mùi Thân Đức ý thua to, Mỹ Anh Nga Pháp kết lò đồng minh
Bấy giờ “nhiễu nhiễu đông chinh” khắp nơi chĩa súng vào anh Nhật Hoàng
Đồng minh đòi Nhật đầu hàng, ngẩn ngơ thì nỗi kinh hoàng xảy ra
Hoa Kỳ dùng đến bom "A", một Hi-rô-sị một Nà-zà gaki
Châu thành tan tác như ri, đúng năm Ât Dậu thôi thì thảm thương
“Gà đâu gáy sớm bên tưwờng, chẳng yêu thì cũng bất tương rằng không
Quốc trung kinh dụng cao không, giữa năm vả lại hiểm hung mùa màng”
Thế là Nhật phải đầu hàng, Đồng Minh thắng trận khải hoàn khắp nơi...
Lạ thay khi viết Sấm trời, Trạng đà biết rõ chuyện đời chẳng ngoa
Bom nguyên tử đã nổ ra, giữa năm con gà- quả đúng giữa năm
Đoài phương thực có chân nhân, kêu gọi xa gần lập hội quốc liên
Chủ trương bênh vực nhân quyền, lớn nhỏ mọi miền tôn trọng tự do...
Sau khi Đức Nhật hạ cờ, thế giới bấy giờ đó khát thiên tai
Đồng Minh thắng trận nơi nơi, lợi dụng cơ trời nhiều nước đứng lên
Phá điền thiên tử xuất niên, đúng là bất chiến tự nhiên sinh thành
Việt Nam cướp được chính quyền, lật đổ bù nhìn Bảo Đại thoái lui
Á Đông mấy nước cùng thời, Nam dương Phi luật phát lời tuyên ngôn
Đấu tranh dận tộc dập dồn, tới nay thế giới vẫn còn đấu tranh
Gặp thời một tốt công thành, không thời tướng sỹ cũng đành bó tay.
***
Nhân xem xét lại lich sử vai trò nhà Nguyễn 20-10-2008 mà có thơ rằng:
Tiện đây xin phép nghiệm bàn, vì đâu đất nước đôi đường phân ly
Cứ theo địa lý mà suy, Đại Việt biên thùy chỉ quá Đèo Ngang?
Nam phần do Chúa Nguyễn Hoàng, Chiêm thành Chân Lạp quy hàng mà nên
Nghiệp vương học lối Hán Đường, chữ đề “lưỡng quốc nam vương” rành rành
Giới biên chọn khúc sông Gianh, ngoài- trong là cuộc mạnh tranh thư hùng
Kỳ này chia cắt núi sông, ghép vào Sấm ký là không đúng thời
Thần cơ đã khéo trêu ngươi, sử thi lại khéo do người làm nên
Nay xin chí sĩ mọi miền, lập trang quốc sử phải nhìn cho tinh
Gia Long chính thực phụ nguyên, thần châu thu cả mọi miền về tay
Kinh Đô là Huế đặt bày, Việt Nam là chữ bấy nay bảo toàn
Hà Tiên tới Mục Nam Quan, tỉnh thành- lục lộ- mở mang Bản đồ
Âu là thiên sự biến cơ, lại thêm chinh chiến mù mờ khó suy
Pháp xâm quốc sỉ lâm nguy, ngược xuôi sĩ khí hết đi lại về
“Phá điền than đến đàn dê, hễ mà chuột rúc thì dê về chuồng
Dê đi dê lại tuồn luồn, đàn đi nó cũng một muôn phù trì”
Cho hay quái khí lâm thì, âm dưwơng trắc dịch vị chi lạc lầm...
Cũng là thú vị tình thâm, đáo tầm sử địa lượng tuần kiến hưng...
(kinh thư16-6-2009-PVH)
dienbatn giới thiệu .
Không có nhận xét nào: