Nội dung tiêu đề 2

Phần viết nội dung tiêu đề 2

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

ĐI TÌM THĂNG LONG THÀNH . BÀI 6.

ĐI TÌM THĂNG LONG THÀNH . BÀI 6.

Dưới đây là trích Báo cáo kết quả nghiên cứu của tiểu ban 1:

Báo cáo kết quả nghiên cứu của tiểu ban 1:

QUI MÔ VÀ CẤU TRÚC THÀNH THĂNG LONG - HÀ NỘI
QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ
VỊ TRÍ VÀ GIÁ TRỊ CỦA KHU DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC BA ĐÌNH

GS. Phan Huy Lê

Nhiệm vụ của Tiểu ban I là tập hợp một số chuyên gia về lịch sử và Hán Nôm nghiên cứu về quá trình kiến tạo và biến đổi của thành Thăng Long - Hà Nội từ khi định đô Thăng Long của vua Lý Thái Tổ năm 1010 cho đến khi thành Hà Nội bị thực dân Pháp phá hủy năm 1894 - 1897 để trên cơ sở qui mô và cấu trúc đó, xác định vị trí của khu di tích khảo cổ học Ba Đình vừa phát lộ, góp phần đánh giá giá trị lịch sử-văn hóa của khu di tích. Tiểu ban đã tiến hành nghiên cứu các đề tài cụ thể sau đây:
1. Thành Thăng Long - Hà Nội qua các tư liệu Hán Nôm: PGS. Trần Nghĩa, TS Nguyễn Thúy Nga, TS Nguyễn Minh Tường, ThS Nguyễn Xuân Diện.
2. Thành Thăng Long - Hà Nội qua các tư liệu phương tây: PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ.
3. Thành Thăng Long qua các bản đồ cổ: PGS.TS Ngô Đức Thọ.
4. Thành Hà Nội qua các bản đồ: TS Vũ Văn Quân.
5. Thành Thăng Long qua kết quả điều tra khảo sát thực địa: PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc với sự cộng tác của TS Vũ Văn Quân, TS Phan Phương Thảo, CN Nguyễn Ngọc Phúc, CN Phạm Đức Anh, CN Đỗ Thùy Loan, CN Vũ Đường Luân, CN Tống Văn Lợi.
6. Nghiên cứu so sánh với một số kinh thành của Trung Quốc (PGS. Phan Văn Các), Nhật Bản (TS Nguyễn Thế Hùng), Lào (ThS Thong Lit), Cămpuchia (TS Nguyễn Sĩ Tuấn), Thái Lan (PGS.TS Nguyễn Thị Thi).
Chúng tôi cố gắng thu thập những tư liệu liên quan trong các nguồn sử liệu trong nước và nước ngoài, các thư tịch Hán Nôm từ chính sử cho đến các sách biên khảo, các loại địa chí, thơ văn, các bản đồ cổ của Việt Nam với bản gốc đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, các bản đồ của Pháp thời Pháp thuộc, khảo sát các di tích có liên quan, nhất là trên bốn phía cửa Đông, cửa Bắc, cửa Nam và cửa Tây của thành Thăng Long, lập hồ sơ các đền, chùa, miếu, am đặc biệt chú ý khai thác các văn bia. So với những tư liệu đã được phát hiện và nghiên nghiên cứu trước đây, phải nói là không có thêm nhiều tư liệu mới. Nhưng cố gắng của Tiểu ban là trên cơ sở tập hợp mọi tư liệu liên quan, tiến hành so sánh, phân tích, đối chiếu thật kỹ để xem xét lại các kiến giải đã đặt ra trong cuộc tranh luận kéo dài về vị trí và quy mô, cấu trúc của thành Thăng Long từ năm 1959 đến nay (2004 - dienbatn chú).
Cho đến nay, rất nhiều vấn đề về thành Thăng Long đã được đặt ra và ý kiến cụ thể về nhiều vấn đề hết sức khác nhau. Nhưng chỉ giới hạn trong quan niệm về qui mô, cấu trúc và vị trí của thành Thành Thăng Long - Hà Nội thì cũng đã có đến bốn kiến giải khác nhau:
1. TRẦN HUY BÁ cho rằng “khu vực chính của nội thành Thăng Long”(không nói rõ là Hoàng thành hay Cấm thành) đời Lý, Trần, Lê không thay đổi và nằm trong giới hạn phía bắc là chỗ rẽ xuống đường trường đua ngựa cho đến đền Quan Thánh, phía đông là từ đền Quan Thánh đến gần Văn Miếu, phía Nam từ Văn Miếu đến chỗ rẽ tránh đường tàu điện Cầu Giấy, phía tây là từ chỗ rẽ tránh đường xe lửa Cầu Giấy đến trường đua ngựa. Như vậy thành hình gần chữ nhật nằm về phía tây thành Hà Nội và thành Hà Nội theo tác giả “đã thiên hẳn ra ngoài phía đông thành Thăng Long cũ”(Trần Huy Bá: Thử bàn về vị trí thành Thăng Long đời Lý. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 6,8 - 1959, tr.71). (Xem bản đồ của tác giả). 
2. TRẦN HUY LIỆU và các cộng sự phân biệt rõ cấu trúc gồm kinh thành, Hoàng thành và Cấm thành, cho rằng Hoàng thành đời Lý, Trần phía bắc giáp Hồ Tây, phía tây giáp sông Tô Lịch, phía nam giáp đường Cầu Giấy, phía đông giáp thành Hà Nội đời Nguyễn, khoảng đường Hùng Vương. Như vậy tác giả tán đồng quan điểm của Trần Huy bá, nhưng sự khác biệt là nhìn nhận một sự chuyển dịch kinh thành từ Lý, Trần sang Lê sơ. Theo nhóm tác giả này, Hoàng thành Đông Kinh thế kỷ XV bao gồm cả thành Thăng Long đời Lý, Trần và thành Hà Nội đời Nguyễn, tức mở rộng về phía đông. (Trần Huy Liệu chủ biên: Lịch sử thủ đô Hà Nội. Nxb. Hà Nội 1960, tái bản Nxb. Hà Nội 2000, tr. 39, 113). (Xem bản đồ của tác giả). 
3. TRẦN QUỐC VƯỢNG - VŨ TUẤN SÁN cũng phân biệt rõ Hoàng thành, Cấm thành và cho rằng Long Thành, Phượng Thành hay Long Phượng Thành chính là Hoàng thành, mở 4 cửa: cửa Tường Phù ở phía đông mở ra trước Chợ Đông và đền Bạch Mã, cửa Đại Hưng ở phía nam khoảng vườn hoa và chợ Cửa Nam, cửa Quảng Phúc ở phía tây mở ra trước chùa Một Cột, cửa Diệu Đức ở phía bắc mở ra trước sông Tô Lịch khoảng phố Phan Đình Phùng (Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán: Hà Nội nghìn xưa. Hà Nội, 1975). Hai tác giả nhấn mạnh trải qua các vương triều, các cung điện được xây dựng, tu sửa nhiều lần nhưng phạm vi Hoàng Thành với tâm điểm là điện Kính Thiên trên núi Nùng không thay đổi. Phạm Hân cùng quan điểm này. (Phạm Hân: Tìm lại dấu vết thành Thăng Long. Nxb. Văn hóa thông tin. Hà Nội, 2003).
4. PHILIPPE PAPIN là một tác giả nước ngoài đã có hai công trình nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội trong thời gian gần đây là luận án Tiến sĩ Des “villages dans la ville” aux “villages urbains” và cuốn sách Histoire de Hà Nội. Nhận thức về thành Thăng Long của tác giả được thể hiện tập trung trong bản đồ sau. (Philippe Papin: Histoire de Hà Nội. Nxb. Fayard, Paris 2001, tr. 69). Theo tác giả, vòng thành trong theo sông Tô Lịch đến Cầu Giấy rồi theo đường Giảng Võ nối lên phía đông bắc với An Nam La Thành (806) và Đại La Thành (866) đời Đường. Hai lớp thành phía bắc tương ứng với đường Hoàng Hoa Thám và Thụy Khuê, tác giả giải thích do sự mở rộng thành Đại La cũ. Vòng thành trong mở 4 cửa: Tường Phù, Đại Hưng, Quảng Phúc và Diệu Đức. Vòng thành ngoài cùng đắp năm 1014, tác giả cho bao bọc cả Hồ Tây và có lần mở rộng về phía nam vào năm 1230.

Với tình trạng tư liệu hiện có, rõ ràng nhiều vấn đề đặt ra về thành Thăng Long - Hà Nội chưa thể giải quyết trong một thời gian ngắn.

Nguồn: Báo cáo kết quả nghiên cứu của tiểu ban 1: Qui mô và cấu trúc thành Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử. Vị trí và giá trị của khu di tích khảo cổ học Ba Đình. Do GS. Phan Huy Lê tổng hợp và viết.

Dưới đây là trích báo cáo kết quả nghiên cứu tiểu ban 2

Báo cáo kết quả nghiên cứu tiểu ban 2: 

NGHIÊN CỨU VỊ TRÍ, CẤU TRÚC, QUY MÔ VÀ CÁC DẤU TÍCH KIẾN TRÚC CỦA HOÀNG THÀNH THĂNG LONG QUA CÁC ĐỜI

GS. Trần Quốc Vượng (Đại học Quốc gia Hà Nội)
PGS.TS Tống Trung Tín (Viện Khảo cổ học)

Tiểu ban II là tiểu ban nghiên cứu vị trí, cấu trúc, quy mô và các dấu tích kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long qua các thời và vị trí của khu di tích khảo cổ học mới phát hiện ở Ba Đình (Hà Nội). 
Tiểu ban gốm có 9 thành viên, do Gs Trần Quốc Vượng (ĐH Quốc gia HN) là Trưởng tiểu ban, PGS.TS Tống Trung Tín (Viện Khảo cổ học) làm Phó trưởng ban và 7 thành viên khác gồm Nguyễn Hồng Kiên (Viện Bảo tồn Di tích - Bộ Văn hóa Thông tin), Đỗ Văn Ninh (Viện Sử học), Đỗ Thị Hảo (Viện Hán Nôm), Vũ Quốc Hiền, Ngô Thế Phong (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), Nguyễn Thị Hòa (Ban Quản lý Danh thắng Hà Nội), Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội.
Tiểu ban đã thu hút được lượng cộng tác viên khá lớn với 45 chuyên gia nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Khảo cổ học, Viện Bảo tồn Di tích, Viện Sử học, Viện Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Sở Văn hóa thông tin Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. 
II. Kết quả nghiên cứu khoa học
1. Về vị trí của Hoàng thành Thăng Long
1.1.Từ nửa cuối thế kỷ XX, giới sử học và khảo cổ học Việt Nam có 2 loại ý kiến chính về vị trí Hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần - Lê.
Ý kiến thứ nhất (đại diện là cụ Biệt Lam Trần Huy Bá) cho rằng vị trí của Hoàng thành Thăng Long là ở nghiêng về phía tây trung tâm Hà Nội (tức khu vực Quần Ngựa ngày nay).
Ý kiến thứ hai (đại diện là GS. Trần Quốc Vượng và cụ Vũ Tuân Sán) cho rằng vị trí của Hoàng thành Thăng Long qua các thời là không thay đổi và ở trung tâm khu Ba Đình ngày nay với tâm điểm là điện Kính Thiên thời Lê được xây dựng trên nền điện Thiên An và điện Càn Nguyên thời Lý - Trần cũng là núi Nùng - Long Đỗ - Rốn Rồng “nơi lắng hồn vía núi sông ngàn năm”. 
1.2. Sau cuộc khai quật khu vực 18 Hoàng Diệu và một loạt cuộc khai quật thăm dò ở khu vực Bắc Môn, Hậu Lâu, Đoan Môn, 11 Lê Hồng Phong, Tràng Tiền Plaza, Đoài Môn v.v…chúng ta có thêm rất nhiều các chứng cứ mới về khảo cổ học để chứng minh vị trí của Hoàng thành Thăng Long.
Các tham luận bàn về vị trí của tiểu ban vừa qua có hai loại ý kiến như sau:
- Ý kiến thứ nhất căn cứ vào các kết quả khai quật và điều tra di tích trên thực địa tiếp tục khẳng định:
Vị trí của Hoàng thành Thăng Long qua các thời Lý - Trần - Lê có thay đổi chút ít nhưng về cơ bản vị trí của Hoàng thành Thăng Long là như quan điểm mà nhiều chúng tôi, do Gs. Trần Quốc Vượng đề xướng. Trung tâm của Hoàng thành Thăng Long chính là điện Kính Thiên và các di tích xung quanh tập trung dày đặc vừa phát hiện là thuộc trung tâm trên đó. Đặc biệt là di tích 18 Hoàng Diệu cách điện Kính Thiên 100m đã tập trung dày đặc các di tích Lý - Trần - Lê. Đó chính là quần thể di tích ở trung tâm Hoàng thành nằm ở phía tây điện Kính Thiên.
Điều này còn có bằng chứng khảo cổ học là con đường thời Trần ở dưới nền Đoan Môn tiến thẳng về phía điện Kính Thiên được Viện Khảo cổ học và Sở VHTT Hà Nội khai quật năm 1998. Về phía đông điện Kính Thiên, sưu tập di vật Lý - Trần - Lê vừa tìm thấy ở đây đac chứng tỏ tính chất của các di tích ở khu Đông Kính Thiên là tương tự như ở khi Tây điện Kính Thiên. Điều này chứng tỏ tâm điểm của Hoàng thành Thăng Long là điện Kính Thiên.
Còn ở khu vực Quần Ngựa, thêm một lần nữa, TS. Phạm Quốc Quân đã đưa ra các tư liệu khảo cổ học để khẳng định rằng ở đây chỉ có bằng chứng đậm đặc các dấu tích kiến trúc thời Lê và các sấy tích khảo cổ học cho thấy khu vực này mang tính chất bình dân. Từ phía đông, từ khu 47 Hàng Dầu đến Tràng Tiền Plaza cho thấy không có dấu tích kiến trúc, các di vật cũng chủ yếu là thời Lê chứng tỏ khu vực này chỉ là mở mang thêm bến bãi từ khoảng thế kỷ XVI trở đi.
Kết luận rút ra từ các nguồn tư liệu mới đặc biệt là nguồn tư liệu khảo cổ học từ năm 1998 đến nay cũng khẳng định rõ thêm trung tâm của Hoàng thành Thăng Long là khu vực trung tâm của quận Ba Đình và điểm trung tâm đó chính là điện Kính Thiên mà dấu vết vẫn còn đến ngày nay. 
- Ý kiến thứ hai do ông Bùi Thiết đại diện: 
Bằng nguồn tư liệu các hệ thống bản đồ cổ và đối sánh với thực tiễn các tư liệu khảo cổ học, nhà khoa học Bùi Thiết cho rằng vị trí trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần - Lê với các điểm chuẩn là Quốc Tử Giám, quán Trấn Vũ thì Đoan Môn nằm kề bắc Quốc Tử Giám qua đường Trần Phú đến quá ngã tư Hoàng Diệu - Điện Biên Phủ đến đường Bắc Sơn. Đó là trục chính tâm của Cung thành Thăng Long.
Ý kiến này là tương đối mới. Tuy nhiên hiện nay cần có thêm các tư liệu khảo cổ học để kiểm chứng thêm.
2. Về cấu trúc của Hoàng thành Thăng Long qua các thời:
Căn cứ vào các ghi chép của sử sách, văn bia và điều tra thực địa, các ý kiến về cấu trúc đều thống nhất kinh thành Thăng Long có 3 vòng thành khác nhau, bao bọc lẫn nhau:
- Vòng ngoài cùng là Đại La (hay La Thành) bao bọc quanh toàn bộ Hoàng thành, Cấm thành và khu dân cư của Kinh thành Đại La có nhiều cửa như Triều Đông (cuối Hàng Than), Đoài Môn, cửa Trường Quảng (Ô Chợ Dừa) thời Lý - Trần. 
- Hoàng thành là vòng thành bao quanh các kiến trúc cung điện nơi vua, Hoàng tộc và triều đình làm nơi sinh sống, làm việc, nghỉ ngơi và bao quanh cả khu Cấm thành.
Hoàng thành Lý - Trần mở 4 cửa chính: Diệu Đức (Bắc), Đại Hưng (Nam), Tường Phù (Đông) và Quảng Phúc (Tây).
Về tên gọi Hoàng thành thời Lý - Trần gọi là Thăng Long, thời Lê gọi là Hoàng thành. Cấm thành là khu vực vua và Hoàng tộc sinh sống làm việc và khu điện trung tâm thiết triều của nhà vua.
Cấm thành thời Lý - Trần gọi là Long thành, Phượng thành và Long Môn Phượng Thành, thời Lê gọi là Cung thành. 
3. Về quy mô của thành Thăng Long qua các thời:
…Theo kết quả điều tra thực địa, kết quả khai quật khảo cổ học và thư tịch cổ, chúng tôi ước quy mô của Hoàng thành Thăng Long hiện nay như sau:
Bắc khoảng đường Phan Đình Phùng, dịch về phía bắc một chút;
Nam khoảng đường Trần Phú, dịch sang phía Hàng Đẫy, đường Nguyễn Thái Học - Phía ngoài là Cửa Nam, Đông là Quảng Văn Đình (vườn hoa Cửa Nam) Tây là Đền Ngự Sử (ngõ Lương Sử, phố Ngô Sĩ Liên)
Đông khoảng phố Thuốc Bắc;
Tây khoảng đường Ông Ích Khiêm cho đến khoảng cửa ô Vạn Bảo đường Sơn Tây.
Các ranh giới bắc, nam và đông, theo chúng tôi là tương đối rõ. Riêng ranh giới phía tây thì còn xê dịch mà hiện nay cần tiếp tục có sự kiểm chứng bằng cứ liệu khảo cổ học. 
- Cấm thành: Có tâm điểm là điện Kính Thiên và được nằm trọn trong Hoàng thành. Tuy nhiên, chu vi Cấm thành chưa xác định được nhưng có thể biết được ranh giới phía nam là cửa Đoan Môn, phía tây là khoảng chùa Một Cột.
6. Nhận xét bước đầu về mặt bằng kiến trúc khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội tại 18 Hoàng Diệu.
6.5. Sự xuất hiện dày đặc, phong phú của các kiến trúc cao cấp ở đây cho thấy khu vực khai quật đã nằm vào khu vực trung tâm của Hoàng thành Thăng Long xưa.
6.6. Do ở vào khu vực trung tâm của Hoàng thành Thăng Long nên các kiến trúc ở đây đều được trang trí rất đẹp đẽ và công phu với vô số các hình tượng cao quý như: rồng, phượng, sen, cúc được làm ở trình độ rất cao.
6.7. Vị trí các dấu tích kiến trúc của khu khai quật là ở khu vực trung tâm phía Tây điện Thiên An của Cấm thành và Hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần tức là phía Tây của điện Kính Thiên thời Lê.
Trong điều kiện hiện nay, chúng tôi nghĩ rằng khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu là một bộ phận thuộc khu vực trung tâm phía tây của điện Kính Thiên, trong, trong đó có một phần ở vào vị trí Cấm thành, một phần ở vào vị trí của Hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần - Lê theo quan niệm “Tam trùng thành quách” của kinh thành Thăng Long.

Nguồn: Báo cáo kết quả nghiên cứu tiểu ban 2 Nghiên cứu vị trí, cấu trúc, quy mô và các dấu tích kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long qua các thời. Do GS. Trần Quốc Vượng (Đại học Quốc gia Hà Nội) và PGS TS Tống Trung Tín (Viện Khảo cổ học) tổng hợp và viết.

NHỮNG ĐỊA DANH KHÔNG THỂ LÀM VẬT CHUẨN .
BÙI THIẾT - ( Trích trong bài TÌM KIẾM NHỮNG VẬT CHUẨN KHI XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ THĂNG LONG THÀNH ).
Những địa danh theo tôi không có giá trị làm vật chuẩn khi tìm kiếm vị trí thành và cing thành Thăng Long trước thế kỷ XIX , dường như đều nằm trên các bản đồ Hà Nội vẽ từ đầu thế kỷ XIX . Nhân đây cũng xin nhắc lại một số bản đồ cổ Hà Nội đang được lưu hành trong thời gian qua :
1/ HOÀI ĐỨC PHỦ TOÀN ĐỒ : 
Đây là một tấm bản đồ cỡ lớn có kích thước 100x129 cm ; được nhập vào kho khách của EFEO khoảng những năm 40 của thế kỷ XX , không rõ nguồn gốc , có ký hiệu kho là A.2-3.32 , có ghi tên người vẽ là Lê Đức Lộc và NGuyễn Công Tiến ( cả hai nhân vật này đều không rõ lai lịch ) . Theo ghi chú trên bản đồ thì bản đồ vẽ về Phủ Hoài Đức năm 1831 . Chúng tôi đã xem xét một cách kỹ lưỡng văn bản học bản đồ này , và đi đến một nhận xét rằng đây là một bản đồ vẽ về Hà Nội sau Đại chiến Thế giới I , và thời gian thực hiện vào khoảng cuối những năm 20 đầu những năm 40 của thế kỷ 20 , chứ không phản ánh Hà Nội năm 1831 ( Xem đối thoại sử học - 1999 ) . Vì vậy các ghi Tạp chí Xưa và nay không đáng tin cậy và không được dùng trong nghiên cứu .
2/ BẢN ĐỒ HÀ NỘI NĂM 1873 : 


Bản đồ này do Trần Đình bách thực hiện năm 1910, tư liệu đáng tin cậy , song có một số sai lạc . Chẳng hạn 3 chữ Hán lớn trước cổng điện chính là Thăng Long Thành với nghĩa thành Rồng lên , song viết ngược với cấu trúc của Hán tự . Ai cũng biết năm 18 Gia Long cho đổi 2 chữ Thăng Long là Rồng lên sang Thăng Long là Hưng thịnh , nên việc giữ nguyên nó là phạm nguyên tắc . Thứ hai là việc xuất hiện tấm biển có hai chữ Hán là Đoan Môn ở trước cổng vào tòa chính điện , và tòa chính điện có tấm biển là Kính Thiên một cách không chuẩn mực , có lẽ là sáng tạo của Trần Đình Bách ? Điều này thực sự gây tai hại cho những ai sử dụng để nghiên cứu Thăng Long thành trước thế kỷ XIX mà không có kiến thức về bản đồ học và đặc biệt là thiếu công tác văn học bản đồ và chưa quen sử lý thông tin qua ngôn ngữ bản đồ ....
3/ ĐOAN MÔN : 
Tấm biển đặt trên cổng vào điện chính của thành Hà Nội , có hai chữ Hán là Đoan Môn . Một số tài liệu nói rằng Đoan Môn là chứng tích của cựu triều , hay nói cách khác là Đoan Môn của Thành Thăng Long trước thế kỷ XIX . Vì vậy , một số người xác định đây chính là Đoan Môn của thành Thăng Long . Sự thật thì một tấm biển Đoan Môn có còn lại sau thế kỷ XVII và ở vào những vị trí trang trọng của thành Hà Nội đi chăng nữa , chưa thể sang ngang một cách thiếu chứng cứ rằng đây chính là vị trí Đoan Môn xưa . Có thể đặt ra nhiều câu hỏi về tấm biển này , liệu có sự di chuyển từ Đoan Môn cũ đến vị trí hiện nay ( bởi vì nhà Nguyễn không muốn cho Thiên hạ nhớ về cựu triều , trong khi vẫn còn giữ nguyên Đoan Môn ) .Riêng tôi , tôi không tin Đoan Môn hiện tại là Đoan Môn ngày xưa bao giờ , với lẽ rằng Đoan Môn trước Thế kỷ XIX là cửa chính Nam vào cung thành cũng chính là cửa chính Nam vào thành Thăng Long . Còn Đoan Môn thế kỷ XIX cũng là cửa cổng vào tòa chính điện của thành Hà Nội , còn muốn vào thành ở phía Nam có cửa Đông Nam và Tây Nam . Hai Đoan Môn trước và sau thế kỷ XIX đã hoàn toàn khác nhau về vai trò và vị thế , tất yếu vị trí của nó cũng hoàn toàn khác . Giả sử Đoan Môn của Thăng Long trước thế kỷ XIX ở đúng vào vị trí Đoan Môn hiện nay thì chiều Nam - Bắc của Cung thành Thăng Long có số đo chưa quá 500 m , vả lại khu vực khai quật khảo cổ học ở góc Hoàng Diệu - Hoàng Văn Thụ hiện nay dường như cùng vĩ độ Đông với tòa chính điện ( có người gọi là Kính Thiên ) của thành Hà Nội . Liệu Đoan Môn chếch về phía Nam khu khai quật khảo cổ học này một ít , có còn là Đoan Môn của thành Thăng Long nữa hay không ? Từ đó tôi cho rằng Đoan Mộn hiện tại không đủ tư cách vật chuẩn trong quá trình tìm kiếm vị trí Thăng Long trước thế kỷ XIX .

Lời bàn : Chúng tôi đã trao đổi với KTS.PHẠM VŨ HỘI , ông có ý kiến là theo cấu trúc Thành cổ : Cửa Đoan Môn chỉ là những cửa nằm ở phía Nam trên trục BẮC - NAM của KINH THÀNH . Như vậy có thể có nhiều cửa Đoan Môn trong một Kinh Thành . ( dienbatn ) .

3/ KÍNH THIÊN :
Như đã nói ở trên điện Kính Thiên của thành hà Nội thế kỷ XIX là một ngộ nhận , vì tòa thành là một Tổng trấn , không thể có điện Kính Thiên . Bởi tòa nhà này tượng trưng cho đấng tối cao , đó chỉ là nơi Vua ngự , các quan Tổng trấn Bắc thành cỡ như Nguyễn Văn Thành cũng không thể là chủ của một tòa điện gọi là Kính Thiên ấy . Khởi sự của tên gọi này bởi bản đồ Hà Nội 1873 như đã nói ở trên , và đây là một thông tin không dùng được . Vậy mà có nhiều vị xưng danh nọ hiệu kia coi đây là một cứu cánh để cho phép chỉ điện Kính Thiên của Thăng Long trước thế kỷ XIX là ở chỗ này đây . Sao người ta nhẹ dạ cả tin đến như vậy , vì đây là một " cú lừa " của Vương triều Nguyện do Gia Long chủ xướng , hòng xóa sạch dấu tích của cựu Vương triều một cách có chủ ý . ....
BÙI THIẾT . ( Tư liệu đã dẫn ) .

Thành Thăng Long: Không có điện Kính Thiên xây năm 1805 .

Một sự kiện đáng quan tâm vừa xảy ra ở Hà Nội làm dư luận sôi động, đó là việc Bộ Quốc phòng bàn giao khu vực được gọi là điện Kính Thiên cho UBND thành phố Hà Nội quản lý và sử dụng.
Theo nguyên tắc thì điện Kính Thiên được xây dựng ở kinh đô, là toà điện chính nơi các hoàng đế coi chầu. Thành Thăng Long xây năm 1805, là toà thành của Tổng trấn Bắc Thành, thì trong tòa thành không thể có cung điện nào được phép mang tên là Kính Thiên cả, bởi vì ở Bắc Thành làm gì có vua để xây điện Kính Thiên.
Truy tìm trong sử sách, chúng tôi thấy chính sử của nhà Nguyễn không hề nói có toà điện Kính Thiên xây ở Thăng Long năm 1805. Sách Đại Nam Thực lục (ĐNTL) bắt đầu biên soạn từ năm 1841 dường như không nói gì đến việc xây tòa thành vô băng ở Hà Nội vào năm 1805, duy chỉ có nói dến việc là vào tháng 6 âm lịch sai xây 5 cửa thành, trước mỗi cửa có dựng bia. Sách Đại Nam Nhất thống chí (ĐNNTC), bắt đầu biên soạn vào đầu những năm 80 của thế kỷ 19, cũng không nói đến có một điện Kính Thiên của thành Hà Nội; ở mục Thành trì của tỉnh Hà Nội, ĐNNTC chép: “... năm thứ 4 (1805), sai quan đốc sức việc xây đắp, trong thành dựng kỳ đài và hành cung với hai điện chính, một tả vu, một hữu vu, mặt sau dựng 2 toà nội điện”. (ĐNNTC; T III, tr 166 - bản dịch).Nhân đây xin được nhắc lại rằng không hề và không bao giờ có một toà điện gọi là Kính Thiên xây năm 1805 trong thành Hà Nội.ấy vậy mà lâu nay nhiều người cứ nói đại lên rằng có một toà điện Kính Thiên ở trong thành Hà Nội cổ, nơi Bộ Quốc phòng sử dụng và quản lý và là trụ sở của Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu; bởi vì ở bậc thềm lên xuống toà điện, có một con rồng đã được chạm trổ tinh vi thuộc về phong cách nghệ thuật thời Lê (thế kỷ XV -XVII) và người ta lan truyền rằng đây chính là con rồng đá trước thềm điện Kính Thiên của thành Thăng Long trước thế kỷ 19. Từ một con rồng đá để rồi nói nơi có con rồng đá đó là điện Kính Thiên cũ là một sai lầm tai hại đối với lịch sử.
Về chính danh không có điện Kính Thiên trong thành cổ Hà Nội, và về thực tế, ở nơi đây chưa bao giờ toạ lạc điện Kính Thiên của thành Thăng Long các triều đại Lý - Trần - Lê (thế kỷ XI -XVII). Đây là một sự thật lịch sử đã và đang bị ngộ nhận, cho nên việc nói lên sự thật lịch sử quả là khó khăn, nhưng không thể không nói và thậm chí phải nói đi nói lại nhiều lần để xóa đi những ngộ nhận đó. Đã nhiều lần, căn cứ vào nhiều tư liệu lịch sử tin cậy, được xử lý khoa học, chúng tôi chứng minh rằng, thành Thăng Long trước thế kỷ 19, có giới hạn phía Đông đến quảng trường Ba Đình (hay là đường Hùng Vương) quận Ba Đình hiện tại; các cung điện chính của thành Thăng Long trước thế kỷ 19 đều nằm về phía Tây quảng trường Ba Đình; còn phía Đông quảng trường Ba Đình mà chủ yếu là khu vực thuộc thành Hà Nội xây năm 1805, chưa bao giờ thuộc về Hoàng Thành Thăng Long, nếu có chăng là một số biệt điện, cỡ như Đông cung của các Hoàng tử của nhà Lê thuộc các thế kỷ 17-18, sau khi các chúa Trịnh mở rộng toà thành về phía Đông. Các cung điện chính, như điện Kính Thiên các triều đại Trần và Lê sau đó. Hơn 10 bản đồ vẽ về thành Thăng Long trước thế kỷ 19, được biên vẽ từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18, điều ghi nhận giới hạn phía Đông của thành Thăng Long trước thế kỷ 19 không quá giới hạn vừa nêu, đó là giới hạn lấy vị trí đền Quán Thánh làm mốc cho tường đông cuả Thăng Long (xem bản đồ).
Bản đồ thành Hà Nội khoảng 1873 được biên vẽ vào năm 1910 là một tư liệu tin cậy để nghiên cứu về thành Hà Nội xây năm 1.805 ấy. Kiến trúc được gọi là điện Kính Thiên; có lẽ là lần đầu tiên xuất hiện ở bản đồ này, với chú thích có ký hiệu A trong tòa thành (citadelle) với tiếng Việt là: Kính Thiên và tiếng Pháp Palais du Roi. Theo bản đồ thì cột cờ và tòa điện được gọi là Kính Thiên nằm trên trục Nam - Bắc và cửa Bắc thành Hà Nội. Có lẽ từ bản đồ này lần lượt xuất hiện cái gọi là điện Kính Thiên chăng? Từ đó mà người ta nhầm lẫn đây chính là điện Kính Thiên của Thăng Long trước thế kỷ 19.
Lịch sử bao giờ cũng là lịch sử, những ngộ nhận lịch sử cũng là thường tình và cũng rất là lịch sử do đó luôn luôn có sự đính chính lịch sử và tìm tòi lại sự thật lịch sử. Khu vực được gọi là Kính Thiên được Bộ Quốc phòng bàn giao lại cho chính quyền địa phương cũng có giá trị lịch sử của nó, để giới nghiên cứu lịch sử có được tiếp cận thực địa, để cho mọi người tham quan thành cổ Hà Nội. Dù đây không phải là điện Kính Thiên của Thăng Long thế kỷ 19, thì vẫn là một di tích vô giá của ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Biết bao biến đổi của Thăng Long - Hà Nội mà còn lại được cỗ rồng đá tuyệt mỹ này cũng là một vinh hạnh tột cùng cho đế đô ngàn năm trước.
Bùi Thiết


PHẢN BIỆN CỦA : Vũ Hoàng - 18/294 ngách 11/6 Đội Cấn, Cống Vị, Ba Đình


Sau khi đăng bài "Hoàng thành Thăng Long: Không có điện Kính Thiên xây năm 1805” (DĐDN số 37) và bài "Hoàng thành Thăng Long các thế kỷ XI - XIX ở đâu?” (DĐDN số 40) của nhà sử học Bùi Thiết - Thư ký khoa học Viện Văn hóa, BBT đã nhận được bài viết của ông Vũ Hoàng - nhà nghiên cứu môn Địa lý học lịch sử với nhiều ý kiến khác xa quan điểm của tác giả Bùi Thiết. Để rộng đường dư luận, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

Theo từ điển của Đào Duy Anh thì "ngộ nhận" có nghĩa là nhận lầm, nhận sai; theo nghĩa đó tôi nhận ra trong cuộc đời gần 80 năm của mình, tôi đã nhiều lần nhận lầm, hiểu sai và chắc vẫn còn ngộ nhận nhiều lần nữa. Cái khó nhất là nhận ra sớm điều mình đang ngộ nhận để sửa. Vì vậy khi đọc bài "Thành Thăng Long: Không có điện Kính Thiên xây năm 1805” của ông Bùi Thiết đăng trên Báo DĐDN số 37 ra ngày 12/5/2004 có nhiều chỗ "ngộ nhận" nên cũng muốn trao đổi với ông đôi điều. Cũng chỉ xin trao đổi trên cơ sở các tài liệu mà chính ông Bùi Thiết đã sử dụng trong các bài viết của ông.

Mở đầu bài ông viết: "Thành Thăng Long xây năm 1805 là toà thành của Tổng trấn Bắc Thành thì trong toà thành không thể có cung điện nào được phép mang tên là điện Kính Thiên cả, bởi vì ở Bắc Thành làm gì có vua để xây điện Kính Thiên". Theo tôi trong câu này có nhiều điều ngộ nhận. Theo Hoài Đức phủ toàn đồ hoạ năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) do ông Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến vẽ - Địa Đồ Bác Cổ số A - 2 - 3 - 32 thì thành Thăng Long xây 1805 có tên điện Kính Thiên. Thành này có dành một dinh ở phía Đông điện Kính Thiên cho Tổng trấn Bắc Thành ở; đến năm 1931 Minh Mệnh bỏ Tổng trấn Bắc Thành ở; đến năm 1931 Minh Mệnh bỏ Tổng Trấn Bắc Thành lập tỉnh Hà Nội thì dinh đó dành cho Tổng đốc Hà Nội ở, không làm gì có thành của Tổng trấn Bắc Thành riêng. Điện Kính Thiên này là hành cung cho vua khi ra Bắc trú chân. Sách Đại Nam Thực Lục chính biên (ĐNTL) Tập 3 Tr 190 chép: Năm 1804 sửa hành cung ở Bắc Thành. Bắc Thành trước dùng điện Kính Thiên của nhà Lê làm hành cung. Đến nay sai làm thêm một toà ở sau điện làm nơi trú chân khi vua đi tuần thú.

Còn câu: ở Bắc Thành làm gì có vua để xây điện Kính Thiên thì cũng không hẳn như vậy. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí (ĐNNTC) T3, Tr 174, 175 chép: “Từ đời nhà Lê, kinh đô đều đặt ở đây, lại có tên là thành Phụng Thiên, ở trong thành Đại La. Thành lâu năm sụt lở, đến đời Tây Sơn theo nền cũ đắp quanh từ cửa Đông Hoa đến cửa Đại Hưng”. Như đã biết: Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân, ở Thăng Long không có vua, nhưng điện Kính Thiên vẫn tồn tại. ở Huế, cung điện của các vua triều Nguyễn bị tàn phá nặng nề, nhưng những năm gần đây nhiều cung điện ở đó được xây dựng, tu bổ lại mà không có vua. Điện Kính Thiên trong thành Thăng Long không chỉ dùng làm hành cung mà còn được dùng làm sở bang giao với các sứ thần phương Bắc. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí Tập 3 Tr 175 chép: “Các đời Gia Long, Minh Mạng, Triệu Trị dùng thành này làm sở bang giao. Sách Đại Nam Thực Lục chính biên Tập 3 chép: "Để đón sứ nhà Thanh đem cáo sắc và quốc ấn đến phong (Tr 158)... ngày Quý Mão làm đại lễ bang giao. Hôm ấy sáng sớm đặt lộ bộ đại giá ở sân điện Kính Thiên đến cửa Chu Tước, ngoài cửa đến sông Nhị Hà thì bày lễ binh tượng". Đọc tiếp bài viết của ông Bùi Thiết ta thấy trong đó có đưa ra một kết luận khẳng định là: "Thành Thăng Long trước thế kỷ XIX có giới hạn phía Đông đến Quảng trường Ba Đình (nay là đường Hùng Vương). Điều này chẳng có gì mới vì nó giống như ý kiến của các tác giả sách Lịch sử Thủ đô Hà Nội do Trần Huy Liệu chủ biên xuất bản năm 1960. Sách này viết: "Phía Đông giáp với thành Hà Nội thời Nguyễn tức là giáp với Quảng trường Ba Đình và con đường Hùng Vương".

Điều khác biệt lớn nhất là sách Lịch sử Thủ đô Hà Nội chỉ xem đây là một dự đoán, đúng nghĩa là còn có chỗ cho các ý kiến khác, còn trong bài viết của ông Bùi Thiết thì kết luận đó là khẳng quyết và từ đó dẫn đến nhận định: “Đây là một sự thật lịch sử đang bị ngộ nhận” và Bùi Thiết viết tiếp: "Việc nói lên sự thật lịch sử quả là khó khăn... Bùi Thiết nhận cho mình sứ mệnh lịch sử là: "Không thể không nói thậm chí phải nói đi nói lại nhiều lần để xoá đi những ngộ nhận đó”.

Thưa ông Bùi Thiết: "Có bao giờ ông nghĩ rằng sự khẳng định trên là một sự ngộ nhận lớn nhất trong đời của mình không?". Thưa ông các sử gia xưa đều cho rằng điện Kính Thiên hay điện Thiên An đều dựng trên núi Nùng. Trong sách ĐNNTC Tập 3 Tr 179 chép về núi Nùng như sau: "Núi Nùng: ở trong kinh thành, còn tên là núi Long Đỗ; Lý Thái Tổ đóng kinh đô, dựng chính điện ở trên núi, đời Lê gọi là điện Kính Thiên; bản triều đặt làm hành cung, vẫn gọi theo tên cũ; năm Thiệu Trị thứ ba đổi gọi là điện Long Thiên (điện đình ở núi Nùng có xây bệ rồng cao 9 bậc, tả hữu có 2 con rồng dài hơn 1 trượng).

Thưa ông Bùi Thiết, ông có cho đây cũng là một sự ngộ nhận không?

Khoảng 10 ngày sau tôi lại được đọc bài: "Hoàng thành Thăng Long các thế kỷ XIX ở đâu?” tác giả vẫn là ông Bùi Thiết đăng ở Báo DĐDN số 40 ra ngày 21/5/2004. Để đi thẳng vào vấn đề chính mà đầu đề bài báo đã đặt ra ta có thể bỏ qua những thông tin không cần thiết, mà xem vào kết luận của bài báo, xem tác giả viết thế nào: "Bởi vì hơn 10 bản đồ Thăng Long thời Lê (có nguồn gốc từ bản đồ Thăng Long năm 1490 đều chỉ định phía Đông thành Thăng Long không quá đại lộ Hùng Vương và Quảng trường Ba Đình hiện nay". Thế là đáp số vẫn như bài báo trước; không cần nói thêm.

Xin hỏi mấy câu về bản đồ:

- Bản đồ ông cho đăng ở bài báo này có ghi là Bản đồ thành Thăng Long trước thế kỷ XIV (tức thế kỷ XIII); không rõ ông có lẫn không bởi thế kỷ XIII thuộc thời nhà Trần thì làm sao có vương phủ chúa Trịnh được, Vương phủ của chúa Trịnh chỉ có thể có vào thời Trịnh Tùng (1570-1623).

- Ông chỉ căn cứ vào những bản đồ có nguồn gốc từ bản đồ Thăng Long năm 1490 mà suy cho đời Lý, đời Trần từ 1010 đến 1490 lại biết được các bản đồ này đều chỉ định phía Đông thành Thăng Long có thể không quá đại lộ Hùng Vương và Quảng trường Ba Đình hiện nay thì người đọc liệu có thể tin được sự suy diễn đó là có cơ sở khoa học hay chỉ là lời nói ngoa ngôn, nghĩa là lời nói bày đặt ra.

- Tất cả bản đồ thời Lê ta đều thấy địa danh Quốc Tử Giám nằm ở phía Nam trước mặt điện Kính Thiên, có bản đồ còn vẽ Quốc Tử Giám nằm chếch về phía Tây Nam điện Kính Thiên trông xa. Xin đăng tấm bản đồ vẽ năm 1490 theo sách Hồng Đức số A 2499 của Thư viện khoa học TƯ để độc giả cùng xem.

Nếu giở bản đồ du lịch Hà Nội trước sau năm 2000 ta cũng có thể thấy Quốc Tử Giám nằm ở phía Tây Nam điện Kính Thiên ngày nay thật./.

Vũ Hoàng - 18/294 ngách 11/6 Đội Cấn, Cống Vị, Ba Đình
BẢN ĐỒ HỒNG ĐỨC 1490 .


Hoàng thành Thăng Long các thế kỷ XI - XVIII ở đâu?
BÙI THIẾT 
Vấn đề toà thành Thăng Long thế kỷ XI - XVIII, trong đó có hoàng thành, nằm vào vị trí nào của Hà Nội hiện tại là vấn đề được giới nghiên cứu xem xét từ nhiều thập kỷ nay; các ý kiến nêu ra vẫn còn là những giả thiết khoa học, bởi vì trên thực địa Hà Nội chưa làm lộ ra dấu vết của tòa thành. Được biết sắp tới Viện Khảo cổ học sẽ tổ chức Hội thảo xác định vị trí Hoàng thành Thăng Long chủ yếu dựa trên nguồn tư liệu bản đồ cổ. 
Cuối năm 2003, kết quả ban đầu của cuộc khai quật khảo cổ lớn nhất từ trước đến nay, tại số 1 phố Hoàng Văn Thụ, làm loé lên hi vọng có thể xác định được vị trí thành Thăng Long. Nhân lộ ra những dấu tích vật chất về hơn 1.000 năm của Thăng Long, Hà Nội, một số người chỉ mới đến quan sát hiện trường, với những ngổn ngang hiện vật và dấu tích nền kiến trúc, chưa thông qua xử lý thông tin và thông tin chưa có hệ thống, đã vội vã khẳng định rằng đây là Hoàng thành Thăng Long, có người còn khẳng định cụ thể hơn là phía Tây Hoàng thành hoặc là điện Giảng Võ hay là điện Thiên An, Chí Kinh... 
Lập luận của họ thật đơn giản, đó là vô vàn hiện vật gỗ, đá, đất nung và nền của một số công trình kiến trúc mà theo họ thì nền kiến trúc đó chính là nền của các cung điện nằm ở trong Hoàng thành, những hiện vật đó là thuộc về các cung điện?
Câu hỏi đặt ra là vì sao nó thuộc về cung điện của Hoàng thành? Một phản biện cần thiết phải được đặt ra, bởi vì những hiện vật, di tích nền kiến trúc như thế có thể tìm thấy bất kỳ nơi nào trong khu vực 4 quận nội thành cũ của Hà Nội những hiện vật các thời Lý - Trần - Lê có ở khắp nơi trong lòng đất Hà Nội. Nếu các khu vực có những hiện vật trường khai quật rộng như thế! Chẳng hạn khu vực Vương Phủ, nay nằm ở phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, nếu được giải tỏa và khai quật với diện tích rộng hàng vạn m2 cũng có thể cho những hiện vật không thua kém gì? Như vậy để muốn nói rằng, những hiện vật của một kiến trúc nào đó nhất định, nếu không có những bằng chứng khác nhau chỉ định đích danh kiến trúc.Tương tự như vậy, dấu vết của nền kiến trúc (dù lớn hay bé) một khi chỉ là nền kiến trúc, không có một chứng cứ địa danh cụ thể nào, thì không cho phép nói kiến trúc đó là thuộc loại nào (cung điện, biệt điện, kiến trúc tôn giáo, và tậm chí là dinh thự riêng...). 
Bởi vì hiện nay, chúng ta chưa có tiêu chí chuẩn nền móng cho những loại kiến trúc lịch sử, rằng cung điện thì phải kiểu nền này, chùa chiền thì kiểu nền nọ, dinh thự quan lại có kiểu cách khác của nền... Vả lại khái niệm cung điện, chùa quán, dinh thự, phủ... mang nặng tính chất sử dụng hơn là kết cấu kiến trúc, rằng một kiến trúc như thế cũng có thể gọi là cung điện, cũng có thể gọi là dinh thự biệt điện và cũng có thể dùng vào những mục đích sử dụng khác nhau nếu người ta sử dụng chúng có chủ đích. Như vậy chúng ta vẫn chưa có chứng cứ để xếp các nền kiến trúc kèm theo hiện vật vừa khai quật thuộc về cấu thành nào của Thăng Long trước thế kỷ XVIII; nó chưa thể là cung nọ, đền kia, chưa chắc là khu vực của hoàng thành, biết đâu đó lại nằm ở phần đất ngoài thành Thăng Long thuộc vào một biệt điện hay một ngôi chùa lớn nào đó của kinh thành thời Lý - Trần?
Địa điểm vừa khai quật chắc chắn thuộc kinh đô Thăng Long trước thế kỷ XVIII, nhưng thuộc kinh thành - hoàng thành - cấm thành là một câu hỏi khó khăn; bởi vì ngần ấy tư liệu như đã được lộ ra, như chúng tôi nói đặt vào đâu của Thăng Long cũng được nếu có thêm những chỉ định mang tính địa danh học lịch sử tin cậy. Để có thể có được những chứng cứ tin cậy, cần thiết phải tiến hành công tác xử lý thông tin có hệ thống, có nghĩa là những tư liệu khảo cổ học đã lộ ra phải đặt vào trong tổng thể đã xác định là kinh thành là Hoàng thành, là cấm thành hay là một cung điện cụ thể nào đó? Trong khi chưa xác định được khu vực số 1 Hoàng Văn Thụ hiện nay thuộc vào vị trí và giới hạn nào của Thăng Long xưa, thì chưa cho phép nói đây là điện Thiên An hay điện Giảng Võ, hay là khu vực Tây Hoàng thành Thăng Long được! 
Chúng tôi nghiêng và giả thiết cho rằng khu vực này nằm ngoài Hoàng thành thời Lý - Trần và đến thời Lê Trung Hưng, khi mở rộng thành Thăng Long về phía Đông, là khu vực xen kẽ các công trình chùa thời Lý - Trần và biệt điện hay Đông cung, nhiều biệt điện mới xây chồng lên trên nền các ngôi chùa hoang phế?Bởi vì hơn 10 bản đồ Thăng Long thời Lê (có nguồn gốc từ bản đồ Thăng Long năm 1490) đều chỉ định phía Đông thành Thăng Long có giới hạn không quá nhiều về phía đông so với chùa Quán Thánh, có thể xác định phía đông thành Thăng Long không quá đại lộ Hùng Vương và quảng trường Ba Đình hiện nay, cho nên khu vực đang khai quật nằm sát tường phía đông và ngoài thành Thăng Long.Một khi xác định được giới hạn của thành Thăng Long sẽ cho phép ta xác định vị trí nền kiến trúc đã lộ ra, và đó là kiến trúc nằm ngoài Hoàng thành còn kiến thúc đó thuộc loại hình nào, là biệt điện, là dinh thự, là chùa quán... vẫn là những ẩn số chưa dễ gì có lời giải cuối cùng và là lời giải chính xác. Ẩn số này vẫn đi mãi theo năm tháng, và chờ những cơ may thật ngẫu hứng lịch sử mới hiểu được.
Là một bộ sưu tập lớn và hiện vật văn hóa - lịch sử của ngàn năm Thăng Long - Hà Nội; việc nghiên cứu, khai thác và phát huy di sản là những công việc khó khăn và nặng nề, đặt lên vai các ngành, các cấp và những ai có liên quan, một sự vội vàng nào đó cần được điều chỉnh và những thờ ơ chần chừ cũng không kém phần nguy hại. Thành Thăng Long và cả Hoàng thành cũng như các cung điện trong thành Thăng Long trước thế kỷ XVIII đã và đang thu hút công sức của mọi người yêu mến Thăng Long - Hà Nội; song phải có đủ mọi chứng cứ để đi đến kết luận.
Bùi Thiết

Cửa nghiên cứu Thăng Long rộng mở - BÙI THIẾT 

Những tháng cuối năm 2003, cuộc khai quật khảo cổ học (KCH) tại số 1 phố Hoàng Văn Thụ, Quận Ba Đình, làm lộ ra hàng triệu hiện vật, di vật, dấu tích... của hơn 1.000 năm lịch sử, làm cho mọi người dân Hà Nội và đồng bào cả nước hân hoan như được sống lại với Thăng Long xa xưa ấy. 
Những thông tin về cuộc khai quật KCH tầm cỡ này bay đi mọi nơi khắp hành tinh, và chúng ta nhận được nhiều lời đáp từ ngoài biên giới về sự kiện này.Không ít băn khoăn trước một hiện tượng ngổn ngang cổ vật vừa được lộ ra ấychưa thông qua xử lý một cách khoa học - khách quan và có hệ thống. Vấn đề lớn nhất và cơ bản nhất đối với địa chỉ này là cái gì hay vị trí nào ở Thăng Long các thời Lý- Trần- Lê (thế kỷ XI-XVIII)? Để trả lời câu hỏi này, theo một thông lệ và quy trình nghiên cứu đối với một di chỉ KCH, các nhà nghiên cứu phải dựa vào toàn bộ hiện tượng, tầng văn hoá - hiện vật và đặt tất cả vào trong hệ thống để có kết luận nên chăng và bao giờ cũng giữ một khoảng cách để có thể có những kết luận mới. Những người và cơ quan hữu trách trong quá trình khai quật hoặc sau khi khai quật xong, sẽ công bố một báo cáo đầy đủ đánh giá xác định những giá trị của hiện vật và địa điểm đã khai quật một cách khoa học. Quyền phát ngôn trước hết thuộc về những ai và cơ quan nào chỉ trì khai quật. Tất nhiện để có được báo cáo và những kết luận khoa học, phải có sự nỗ lực nghiên cứu khoa học của nhóm cộng tác và với nhiều nhà khoa học chuyên ngành và liên ngành. Đối với địa điểm khai quật KCH này, sự nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành là vô cùng cần thiết để trả lời câu hỏi nó là cái gì của Thăng Long xưa? Trong khi chờ đợi câu trả lời trên, vài tháng qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, xuất hiện những câu trả lời như đinh đóng cột rằng đây là Hoàng thành Thăng Long, cũng có người xác định gần hơn là phía tây Hoàng Thành, lại có người chỉ định đây là cung điện của Hoàng thành hoặc là điện Giảng Võ hay là điện Thiên An... Với hơn 2 vạn m2 và hơn 4 triệu hiện vật thu được, di chỉ KCH này có được một sức hút lớn đối với những ai quan tâm đến Thăng Long xưa; rất nhiều vấn đề sẽ được đặt ra để nghiên cứu và tìm hiểu đối với nhiều lĩnh vực khác nhau, cũng có thể nói được rằng đã bắt đầu xuất hiện nghiên cứu chuyên ngành - liên ngành đối với địa điểm KCH này.
Tuy nhiên cũng cần nói lại rằng phải có một định hướng cho nghiên cứu khoa học, để quy tụ mọi đóng góp, giúp cho việc tìm hiểu Thăng Long qua địa điểm KCH này. Việc tìm hiểu nghiên cứu phải được đặt trong hệ thống và không vi phạm lịch sử, trước hết nhằm để trả lời câu hỏi đã nêu, rằng đây là nơi nào của Thăng Long xưa? Một câu hỏi bao trùm lên hàng vạn câu hỏi và thay cho hàng triệu triệu điều mà lịch sử dân tộc ta băn khoăn, trăn trở từ khi Thành Thăng Long bị hoang phế cuối thế kỷ 18 đến nay.
Bùi Thiết

Ngọn gió của ngàn đời
Chiều nay ùa trở lại
(Lưu Quang Vũ)

1. Về khai quật .
1. Cuộc khai quật khảo cổ học do lúc đầu là khai quật chữa cháy nên ít nhiều đã mang tính ồ ạt, dẫn đến có lúc đã không theo nguyên tắc khai quật khảo cổ học. Theo PGS. TS Tống Trung Tín, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam: “Nếu thực hiện theo đúng phưng pháp khảo cổ học, 20.000 m2 ấy phải khai quật trong vòng 50 năm”(Báo An Ninh thế giới, số 163 ra ngày 2/9/2004). Đọc được thông tin trên đây, bất cứ ai là người bình tĩnh và giàu lòng tin vào giới khảo cổ nhất, cũng không khỏi lo lắng khi người ta tiến hành khai quật khảo cổ học như vậy ở đây. Một khi nguyên tắc của khai quật khảo cổ học không được tôn trọng, thì kết qủa của cuộc khai quật này có tin cậy hoàn toàn được không? Người ta có quyền cho rằng một cuộc khai quật chữa cháy sẽ mang lại một kết qủa “chữa cháy”. 
2. Vì không được rộng về mặt thời gian, hơn nữa khối lượng công việc lại quá lớn nên việc khai quật chưa đi liền với nghiên cứu và chỉnh lý hiện vật (việc nghiên cứu và chỉnh lý ngay các hiện vật rất quan trọng, vì nó sẽ ghi lại được những nhận xét ban đầu rất quan trọng; để từ đó có thể định hướng được cho công việc khai quật: trữ lượng hiện vật ở đâu nhiều, ít, các hiện vật đào được nhiều thì nằm vào hố nào, nằm vào tầng văn hóa nào,...). Các báo chí lúc đó đã cho biết đoàn cán bộ khai quật ở công trường này đã phải làm việc rất gấp rút, ồ ạt để chạy đua với thời gian để bàn giao mặt bằng, và để tránh các mùa mưa bão đang ập đến. Sức ép như vậy cũng không nhỏ. Khai quật để chạy đua với thời gian không cho phép các nhà khảo cổ học vừa khai quật vừa nghiên cứu và chỉnh lý hiện vật. Và như vậy khai quật mà không có định hướng, khai quật mải miết, không cần biết nên dừng lại ở đâu, có nên đình chỉ lại công tác khai quật hay không. Mục tiêu là phải làm hết 20 ngàn mét vuông đất. 
3. Khai quật khảo cổ học chưa đi liền với nghiên cứu bảo tồn. Chính vì thế mà ngay từ đầu Viện Khoa học xã hội Việt Nam chưa có sự hợp tác chặt chẽ với UBND Hà Nội và Bộ Văn hoá thông tin. Và do vậy, các chuyên gia về bảo tồn, bảo tàng, các chuyên gia về thiết kế xây dựng chưa có dịp tiếp cận với hố khai quật khi nó đang được mở ra. Thật đáng tiếc vì có thể một số vấn đề có thể đã bị bỏ qua: Chất đất, chất lượng nước, môi trường trong lòng đất, độ ẩm, ...
Bài toán bo tồn còn treo lơ lửng, cũng có một phần là do công việc này chưa làm cho tốt. 

2. Về hiện vật .
Từ khu vực khai quật, theo báo cáo tổng hợp là các hạng mục sau: Nền móng kiến trúc, Hệ thống thoát nước, Giếng nước, Dấu vết của một dòng sông cổ, Vật liệu xây dựng, Đồ sứ gia dụng và ngự dụng.
Các báo cáo khoa học cá nhân và các báo cáo tổng hợp của các tiểu ban đều đã đề cập đến giá trị của các hiện vật này. Một số báo cáo khoa học đã nhấn mạnh đến tính chất cung điện, tính chất hoàng thành, cấm thành của các hiện vật này, với các nhận xét sau: Là các cung điện có nền móng kiến trúc lớn nhất từ trước đến nay; Hệ thống thoát nước đa dạng về loại hình và với kỹ thuật cao; Gạch ngói có các chữ Hán; Đồ gốm ngự dụng: đẹp, tinh xảo, có chữ Kính, chữ Trường Lạc khố, ...
Tuy nhiên, với các góc nhìn thận trọng hơn, cũng đã có một số ý kiến nhận định khác với ý kiến của số đông các nhà khoa học. Dưới đây là tóm tắt các ý kiến đó:
1. Hiện vật khai quật được, xét về loại là không có gì mới hoặc lạ so với những gì đã biết, đã đào được ở Hà Nội, Hoa Lư, Tam Đường, Thiên Trường. Các cán bộ Bảo tàng cũng không thấy có gì mới (kể cả gạch ngói có chữ viết). Hơn nữa những hiện vật này là những hiện vật mang tính lưu động (Trần Lâm Biền - Báo Thể thao & Văn hóa. Số 90, ngày 11/11/2003. tr. 35).
2. Về các giếng nước được phát hiện trong khu khai quật, ông Trần Lâm Biền cho biết theo truyền thống á Đông trong nhiều khu vực tại Cấm thành là không có giếng nước (Báo Thể thao & Văn hóa. Số 90, ngày 11/11/ 2003. tr. 35).
Thạc sĩ Phan Thanh Hải (TT Bảo tồn di tích cố đô Huế) cho biết tại Huế trong khu vực trục đường từ Ngọ Môn đến điện Thái Hòa tức là khu vực tiền triều, nơi diễn ra những điển lễ của triều đình không hề có các giếng nước. Thạc sĩ còn cho biết, tại Tử Cấm thành và Hoàng thành Bắc Kinh Trung Quốc cũng như vậy. 
Theo báo cáo khai quật thì trong khu vực khai quật có đến 9 cái giếng (sớm nhất là thời Đại La và muộn nhất là thế kỷ XIX). Và do vậy, chỉ có thể ca ngợi ở đây có những cái giếng cổ, với môi trường tốt. Điều này tự thân nó bác lại ý kiến cho rằng khu vực khai quật nằm trong khu vực quan trọng của Cấm thành. 
3. Khu vực khai quật được nhiều nhà khoa học nhấn mạnh đến tính chất Cung đình, Cung cấm, Hoàng thành ... nhưng trừ đồ gốm ngự dụng (cũng là một loại hiện vật lưu động), chúng ta không thấy có các đồ dùng trong cung điện, mang tính chất quý tộc như: đồ trang sức (vàng, bạc, ngọc, đá quý), gương đồng, lược đồi mồi, giá bút, lư trầm, cúc áo bằng đồng, vũ khí trang trí và thị uy ... 
Mãi đến khi Hội nghị toàn quốc tại 2 Lê Thạch thì chúng ta mới thấy được hình ảnh một mảnh kim loại màu vàng có chạm khắc hình rồng - xin lưu ý đây cũng chỉ là hiện vật mang tính lưu động và quá đơn lẻ. 
4. Kết quả khai quật khảo cổ học cho thấy đã phát hiện được di tích của lò gốm trong hố khai quật. Cho dù các lò gốm này là để sản xuất gốm ngự dụng đi nữa thì đây cũng là một chứng tích để chứng minh rằng khu vực đang khai quật không phải là khu cung điện (thuộc Cấm thành hay Hoàng thành). 
Hơn nữa, các đồ gốm mà ta đào được, có những vật có đề chữ Trù (Bếp), chữ Khố (Kho - cho dù là kho Trường Lạc),...cho thấy đây thuộc khu vực không quan trọng (khu Bếp, khu kho tàng). Xin lưu ý rằng, đồ sứ ngự dụng để nhà vua dùng cơm hàng ngày, chắc không cần đánh dấu chữ Trù (Bếp), chữ Khố (Kho) như kiểu đánh dấu bát đĩa thường gặp ở nhà quê.
3.5. Về hướng của các kiến trúc trong khu vực khai quật, có ý kiến cho rằng nó không tiêu biểu (Báo Thể thao & Văn hóa. Số 90, ngày 11 - 11 - 2003. tr. 35) khi so với điện Kính Thiên. Không biết phát biểu này có gợi mở được những suy đoán khoa học gì cho các nhà khảo cổ học. 
3.6. Theo các nhà khảo cổ học thì tại khu vực khai quật thấy có dấu tích một dòng sông cổ (có thể là sông Ngọc Hà), và ở đó thấy có vỏ ốc, nhuyễn thế, sen và các thực vật dưới nước. Một số vị cho rằng có thể các trụ lục giác được bố trí dọc theo dấu tích dòng sông cổ này là các đài tạ dựng bên sông để hóng mát. 
Vậy phải chăng có dòng sông chảy giữa lòng Cấm thành, Hoàng thành ? Sông này có tên gọi là gì? Chảy từ đâu đến đâu? Là sông tự nhiên hay sông đào? Tồn tại trong bao lâu thi bị lấp đi?
3. Công tác thông tin .
Công tác công bố thông tin, họp báo để giới thiệu về công tác khai quật khảo cổ học và công bố kết luận của các nhà chuyên môn là một vấn đề hết sức quan trọng và đòi hỏi thận trọng. Chúng ta đã từng có sai lầm về công tác công bố thông tin ở cuộc khai quật Dưng Lôi. 
Nhiều người trong chúng ta hôm nay không biết ai là người đầu tiên gọi khu khai quật là Hoàng thành Thăng Long; và cơ quan thông tấn nào đưa ra tên gọi Hoàng thành Thăng Long trước nhất.
Tạp chí Xưa & Nay là cơ quan ngôn luận của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã in ấn và phát hành cuốn sách “Hoàng thành Thăng Long - phát hiện khảo cổ học”.
Như vậy, rõ ràng là các cơ quan này đã khẳng định khu vực khai quật chính là một phần của Hoàng thành - thậm chí Cấm thành Thăng Long, tức là đã có thể định vị nó trên bản đồ cổ.
Tuy nhiên, sau đó, các tiểu ban mãi đến tháng 6, tháng 7, tháng 8 mới đặt vấn đề muốn các nhà khoa học trả lời vị trí mà ta đào là ở đâu, có phải là Hoàng thành không ? Tức là đã khẳng định là Hoàng thành rồi, lại đi hỏi xem chỗ đào đây có phải là Hoàng thành không. Việc hỏi này không khoa học. 
Theo dõi các cuộc hội thảo, chúng ta thấy rằng, không có sự tham gia của các nhà khoa học trước đó đã có ý kiến khác. 

4/ Hợp tác và phối hợp liên ngành .
Theo dõi việc nghiên cứu Hoàng thành sẽ thấy Viện Khảo cổ học chưa tập hợp được đầy đủ các chuyên gia cho các vấn đề mà mình quan tâm. Đây là điều mà nhiều người nhận thấy và đã phát biểu về vấn đề này. Ví dụ, trong Hội nghị khoa học toàn quốc về Hoàng thành Thăng Long (19 và 20/8/2004, tại 2 Lê Thạch) cả ông Dương Trung Quốc (Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử) và Trương Quốc Bình (Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật) đều cho rằng việc khai quật và nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long từ đầu chí cuối đều không thấy có sự tham gia của các kiến trúc sư (Xem Báo Tiền Phong chủ nhật. Số 34, ra ngày 22 - 8 -2004. tr. 1 và tr. 14). Trường hợp ông Nguyễn Việt Châu ở Viện Kiến trúc là tự viết báo cáo và xin đến đọc (Xem Báo Thể thao & Văn hóa. Số 68, ra ngày 24 - 8 - 2004. tr. 35). 
Trong dư luận giới khoa học cũng đã có nhắc đến việc không thấy các ông Trần Lâm Biền, Phạm Quốc Quân, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Duy Hinh, Lương Ninh,... có điều kiện và diễn đàn để phát biểu rõ và thẳng thắn các nghi vấn khoa học của mình xung quanh việc khai quật và nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long. Các ông này chỉ được mời đến phát biểu một lần rồi không thấy trở lại nữa. Và nếu đúng như thế, thì Viện Khảo cổ học đã tự khép hẹp lại cánh cửa học thuật, mất đi cơ hội nghe hết, nghe đủ các ý kiến của nhiều nhà khoa học.
5/ Về vấn đề Bảo tồn .
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thực hiện một cuộc khai quật khảo cổ học có quy mô khai quật lớn nhất. Hố khai quật lại nằm ngay tại trung tâm Hà Nội, một khu vực quan trọng và có nhiều ý nghĩa lịch sử là khu Ba Đình. Hiện vật khảo cổ học thu được rất lớn, trong đó lần đầu tiên thấy dấu tích một kiến trúc rất lớn; nhiều dấu vết kiến trúc của nhiều thời đại xếp chồng lên nhau.
Với các ý nghĩa trên, cuộc khai quật này được sự quan tâm rất sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước cũng như của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bè bạn trên thế giới. Đây cũng là cuộc khai quật được các cơ quan thông tấn báo chí quan tâm nhiều nhất. Đặc biệt đây là một cuộc khai quật đầu tiên đặt ra rất gay gắt về vấn đề bảo tồn.
Tuy nhiên chúng ta cũng thấy rằng: Là cuộc khai quật lớn nhất nhưng lại thu được ít hiện vật mới/ lạ nhất, nếu so với trước đó. Việc khai quật diễn ra với tốc độ chóng mặt để đảm bảo về mặt thời gian, nên dẫn đến nhiều sơ xuất nhất: khai quật nhanh, nhiều lúc không theo nguyên tắc khảo cổ học; khai quật không kết hợp với nghiên cứu; khai quật xong mà chưa đưa ra được dự án về bảo tồn dẫn đến các hố khai quật bị chịu sự phá huỷ của thời tiết. 
Đây là cuộc khai quật kho cổ học nhiều ý kiến tranh cãi nhất về vấn đề bảo tồn.
Bài viết nhỏ này gom các ý kiến khác nhau đã được các báo chí ghi lại trong suốt thời gian qua, hy vọng sẽ là một duyên cớ để tất cả chúng ta cùng ngẫm lại một chặng đường đã qua, trong mối quan tâm chung về một di sản quý báu của dân tộc. 

Xem bài CÂU CHUYỆN VỀ DI TÍCH 18 HOÀNG DIỆU của Nguyễn Lâm Khang (Nguyễn Xuân Diện) đã đăng trên Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật số 1-2005, tr. 69-72. Bài viết đăng ở đây đã có sửa chữa và thêm một số đoạn ngắn so với bài trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số1-2005.

( Xin xem tiếp bài 7 ) - dienbatn.

Bài viết liên quan tại chuyên mục:CÁC BÀI NGHIÊN CỨU

Không có nhận xét nào:

Đặt mua Website này: 100.000 Vnđ - Liên hệ: Click here