Nội dung tiêu đề 2

Phần viết nội dung tiêu đề 2

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

ĐỊA MẠCH THÁI NGUYÊN VÀ VẤN ĐỀ QUY HOẠCH TỔNG QUÁT.BÀI 10.

ĐỊA MẠCH THÁI NGUYÊN VÀ VẤN ĐỀ QUY HOẠCH TỔNG QUÁT.
PHẦN 3 .MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHONG THỦY TRONG QUY HOẠCH THÁI NGUYÊN.
4/ TỜ TRÌNH : Về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020.( Tư liệu tham khảo - dienbatn ).

BỘ XÂY DỰNG CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM.
Số: /TTr-BXD Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
------ -------------------------------
Hà Nội, ngày tháng 9 năm 2005.
TỜ TRÌNH.
Về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng
thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020.
Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ.
Quy hoạch chung xây dựng thành phố Thái Nguyên đến năm 2010 lập năm 1996 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 802/TTg ngày 30/10/1996 đã đến thời hạn cần phải điều chỉnh. Căn cứ công văn số 1063 CV-UB ngày 08/10/2004 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên đến năm 2020. Ngày 01/ 02/ 2005 Bộ Xây dựng đã chủ trì cuộc họp thẩm định đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên đến năm 2020 với sự tham dự của đại diện các Bộ ngành: Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam và một số Uỷ viên thường trực Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch - Bộ Xây dựng. Căn cứ kết quả hội nghị thẩm định liên ngành, Bộ Xây dựng kính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:
I/ ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN ĐẾN NĂM 2020:
1. Phạm vi nghiên cứu và quy hoạch:
Phạm vi nghiên cứu 18.707 ha bao gồm 17.707 ha diện tích đất tự nhiên hiện nay của thành phố và diện tích mở rộng 1.000 ha sang phía Bắc Sông Cầu thuộc xã Cao Ngạn và xã Đồng Bẩm huyện Đồng Hỷ. Ranh giới được xác định như sau:
- Phía Bắc giáp huyện Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ.
- Phía Nam giáp thị xã Sông Công.
- Phía Tây giáp huyện Đại Từ.
- Phía Đông giáp huyện Phú Bình.
Phạm vi lập quy hoạch : 6.080,23 ha gồm đất nội thành hiện có và khu vực nghiên cứu mở rộng sang xã Cao Ngạn và xã Đồng Bẩm huyện Đồng Hỷ (1.000 ha).
2. Tính chất:
Thành phố Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên và vùng trung du miền núi Bắc Bộ; là một trong những trung tâm công nghiệp và giáo dục đào tạo của cả nước. Là đầu mối giao thông quan trọng nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.
3. Quy mô dân số
a/ Hiện trạng (2003): Dân số toàn thành phố 225.740 người, trong đó nội thành 160.760 người, ngoại thành 64.980 người. Tỷ lệ tăng dân số trung bình toàn thành phố 1,29%. Trong đó tăng tự nhiên 1,066%, tăng cơ học: 0,224%.
b/ Dự báo năm 2010: Dân số toàn thành phố là 480.000 người, trong đó nội thành 350.000 người, ngoại thành 130.000 người. Tỷ lệ tăng dân số trung bình toàn thành phố 1,281%. Trong đó tăng tự nhiên 0,98%, tăng cơ học 7,16% ( dự báo có sự nhập cư lớn do nhu cầu lao động cho các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch, các trung tâm y tế, đào tạo giáo dục v.v.) .
c/ Dự báo năm 2020: Dân số toàn thành phố là 600.000 người, trong đó nội thành 450.000 người, ngoại thành 150.000 người. Tỷ lệ tăng dân số trung bình toàn thành phố 2,23%. Trong đó tăng tự nhiên 0,88%, tăng cơ học 1,36%.
4. Quy mô đất xây dựng
a/ Hiện trạng 2003: đất xây dựng đô thị là 3272,9 ha với chỉ tiêu 203,6 m2/ng, trong đó đất dân dụng 2396 ha với chỉ tiêu 149 m2/ng.
- Năm 2010: Diện tích đất xây dựng đô thị là 5372,5 ha, bình quân là 160,2 m2/ng, trong đó đất dân dụng khoảng 4070 ha, bình quân 123 m2/ng.
- Năm 2020: Diện tích đất xây dựng đô thị là 6849,3 ha, bình quân 157,5 m2/ng, trong đó đất dân dụng khoảng 5070 ha (đất ở khoảng 3.360 ha), bình quân 118 m2/ng.
5. Định hướng phát triển không gian và kiến trúc cảnh quan đô thị
5.1/ Hướng phát triển đô thị:
- Phía Bắc: Xây dựng khu công nghiệp tập trung để di chuyển một số nhà máy xí nghiệp nằm rải rác trong khu nội thành;
- Phía Tây : Tới hết phường Thịnh Đán, xây dựng khu công viên cây xanh thể dục thể thao cấp vùng;
- Phía Đông : Phát triển sang xã Cao Ngạn và xã Đồng Bẩm chủ yếu khai thác cảnh quan, hạn chế xây dựng tập trung để đảm bảo thoát lũ sông Cầu. Khai thác cảnh quan hai bên sông Cầu đoạn từ cầu Quán Triều đến bến Oánh.
- Phía Nam: Phát triển đến hết xã Lương Sơn, xây dựng các khu ở mới kết hợp cải tạo các khu ở hiện trạng, dành quỹ đất phía Đông xã Lương Sơn giáp sông Cầu để xây dựng khu du lịch sinh thái.
5.2/ Phân khu chức năng:
5.2.1/ Các khu dân cư : gồm khu dân cư phía Bắc và khu dân cư phía Nam Thành phố
- Khu dân cư phía Bắc thành phố có 3 khu ở chính:
+ Khu ở số 1 gồm các phường Tân Long, Quán Triều, Quang Vinh và khu đô thị mới mở rộng ra phường Thịnh Đán và các xã: Đồng Bẩm, Cao Ngạn thuộc huyện Đồng Hỷ. Tổng diện tích đất khoảng 900 ha với dân số khoảng 119.000 người.
+ Khu ở số 2 gồm các phường: Túc Duyên, Trưng Vương, Hoàng Văn Thụ, Đồng Quang, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Gia Sàng. Tổng diện tích đất khoảng 610 ha với dân số khoảng 91.000 người.
+ Khu ở số 3 gồm các phường: Tân Thịnh, Tân Lập và phường Thịnh Đán. Tổng diện tích đất khoảng 600 ha với dân số khoảng 90.000 người.
- Khu dân cư phía Nam thành phố có 2 khu ở chính :
+ Khu ở số 4: Gồm các phường: Phúc Xá, Trung Thành, Tân Thành quy hoạch cải tạo các khu dân cư cũ và xây dựng các khu ở mới. Tổng diện tích đất khoảng 650 ha với dân số khoảng 78.000 người.
+ Khu ở số 5 : Gồm các phường: Cam Giá, Hương Sơn. Quy hoạch cải tạo các khu dân cư cũ với tổng diện tích đất khoảng 600 ha và dân số 72.000 người.
5.2.2/ Các khu công nghiệp
Các khu công nghiệp có tổng diện tích khoảng 700 ha, được bố trí lại thành bốn cụm chính:
- Cụm công nghiệp số 1: Nằm ở phía Tây Bắc thuộc phường Tân Long có diện tích khoảng 100 Ha
- Cụm công nghiệp số 2: Gồm các khu công nghiệp hiện trạng phía Bắc có diện tích khoảng 60 ha. Tại đây giữ lại các cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp không độc hại, không gây ô nhiễm môi trường nằm rải rác trong các phường Quang Vinh, Phan Đình Phùng và nhà máy điện Cao Ngạn. Các xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường sẽ di chuyển lên cụm công nghiệp số 1.
- Cụm công nghiệp số 3: Là cụm công nghiệp lớn, động lực chính để phát triển thành phố, gồm các khu công nghiệp phía Nam có tổng diện tích khoảng 290 ha, bao gồm 1 xí nghiệp hợp thành của Công ty liên hiệp Gang thép Thái Nguyên và một số xí nghiệp khác.
- Cụm công nghiệp số 4: Là khu công nghiệp tập trung nằm tại phường Tân Lập (phía Tây Nam TP), có diện tích 150 ha, bao gồm các xí nghiệp chế tạo lắp ráp máy móc điện tử, chế biến khoáng sản đá quý.
- Cụm công nghiệp số 5: Là khu công nghiệp tập trung nằm tại phường Thịnh Đán (phía Tây TP), có diện tích 100 ha, gồm các loại hình công nghiệp công nghệ cao.
5.2.3/ Các khu thương mại, dịch vụ công cộng:
Đất công trình công cộng có tổng diện tích khoảng 225 ha, chủ yếu tập trung tại 2 trục:
- Trục dịch vụ thương mại phía Bắc là trung tâm dịch vụ cấp thành phố và cấp vùng, bắt đầu từ đảo tròn Bảo tàng kéo dài theo trục đường Hoàng Văn Thụ, đường Quang Trung đi hồ Núi Cốc .
- Trục dịch vụ thương mại phía Nam cấp thành phố thuộc phường Trung Thành bám theo các tuyến đường: Cách mạng tháng 8 - Vó Ngựa - Lưu Nhân Trú .
- Hệ thống chợ được giữ nguyên vị trí như hiện nay, tổ chức cải tạo và mở rộng nâng cấp theo yêu cầu của từng khu vực.
5.2.4/ Đất các trường Đại học, chuyên nghiệp, y tế giáo dục và du lịch:
- Các khu trường đào tạo chuyên nghiệp có tổng diện tích 360 ha, bao gồm:
+ Đại học Thái Nguyên đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết có quy mô 318,41 ha, bố trí tại phường Quang Trung, xã Thịnh Đán, xã Phúc Hà.
+ Các trường chuyên nghiệp khác (13 trường) không thuộc trường Đại học Thái Nguyên ( bao gồm các trường bồi dưỡng, giáo dục nghiệp vụ, dạy nghề) giữ nguyên vị trí hiện tại, được nâng cấp cải tạo, mở rộng phù hợp với quy mô từng trường.
- Hệ thống giáo dục cấp thành phố có quy mô 26,25 ha;
- Hệ thống y tế: Trung tâm y tế cấp vùng và cấp tỉnh đã có giữ nguyên vị trí như hiện nay bao gồm: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và 1 số bệnh viện khác.
- Du lịch: ưu tiên phát triển khai thác dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng vùng hồ Núi Cốc
5.2.5/ Các khu cây xanh thể dục thể thao :
- Khu trung tâm công viên cây xanh TDTT cấp vùng có quy mô 100 ha, bố trí tại khu đất phía Nam đường đi hồ Núi Cốc thuộc phường Thịnh Đán và phường Tân Thịnh
- Khu trung tâm công viên cây xanh TDTT cấp thành phố có quy mô 215 ha bao gồm: khu công viên cây xanh TDTT phía Bắc, bố trí tại trung tâm thành phố
- Khu trung tâm cây xanh TDTT phía Nam, bố trí phía Bắc đường Lưu Nhân Trú .
- Khu cây xanh cách ly: gồm cây xanh xung quanh khu công nghiệp Gang thép thuộc phường Phúc Xá và cụm công nghiệp số 1 và 2, chủ yếu là trồng cây xanh chống khói bụi và chống ồn cho đô thị.
- Cây xanh sinh thái: bao gồm diện tích cây xanh hai bên Sông Cầu chạy dọc từ phường Tân Long đến xã Lương Sơn.
5.2.6/ Đất an ninh Quốc phòng:
Diện tích đất khoảng 61 ha. Tiến hành di chuyển một phần kho và xưởng có nguy cơ cháy nổ của Quốc phòng nằm gần các khu ở đô thị ra khỏi khu vực nội thành để đảm bảo môi trường an toàn cho nhân dân.
5.3/ Định hướng phát triển kiến trúc cảnh quan đô thị:
- Hạn chế tối đa việc thay đổi địa hình thiên nhiên để tạo bản sắc kiến trúc của vùng trung du, khai thác cảnh quan đẹp hai bên sông Cầu;
- Tại các khu trung tâm thành phố xây dựng công trình cao tầng để tạo không gian kiến trúc, tiết kiệm đất xây dựng, nâng mật độ dân cư.
- Tại các khu vực xa trung tâm xây dựng công trình thấp tầng, chủ yếu là xây dựng nhà vườn, để đảm bảo cảnh quan thiên nhiên và phù hợp với địa hình đồi núi.
- Tăng cường trồng cây xanh cách ly xung quanh Khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên
6. Định hướng quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật :
6.1/ Giao thông:
- Giao thông đối ngoại:
+ Cải tạo nâng cấp QL3 hiện trạng; nâng cấp đoạn QL3 phía Bắc và phía Nam đạt tiêu chuẩn đường ô tô cấp II trung du-miền núi.
+ Tuyến tránh QL3 qua thành phố Thái Nguyên về phía Tây thực hiện theo dự án đã có. Xây dựng đoạn tuyến QL 1B cửa ngõ phía Bắc thành phố đạt tiêu chuẩn đường ô tô cấp III trung du-miền núi với 4 làn xe.
+ Xây dựng mới tuyến từ khu Gang thép đi thị xã Sông Công; Tuyến từ đại học Thái Nguyên đi Hồ Núi Cốc; Tuyến đối ngoại của thành phố về phía Đông-Bắc
+ Cải tạo kết hợp xây dựng mới: Tuyến từ trung tâm thành phố đi Hồ Núi Cốc (kéo dài đường Hoàng Văn Thụ); Tuyến từ trung tâm thành phố đi thị xã Sông Công;
- Bến xe tải đối ngoại: bố trí tại đầu mối đối ngoại khu vực cụm công nghiệp phường Tân Lập.
- Giao thông đô thị:
- Cơ bản giữ nguyên cấu trúc mạng lưới đường trong như đồ án quy hoạch chung đã được phê duyệt năm 1996.
6.2/ Cấp điện:
Tổng công suất tiêu thụ của toàn thành phố đến năm 2020: 255,4MW, đợt đầu (2010) : 137MW
Nguồn điện:
- Nhà máy nhiệt điện Thái Nguyên đang xây dựng với công suất 100MW.
- Hệ thống lưới điện quốc gia qua trạm giảm áp chính khu vực 220/110/22KV Cao Ngạn công suất hiện tại 1x125MVA, tương lai 2x125MVA.
Đường dây cao thế:
Theo đường dây 220KV từ trạm 220/110/22KV Bắc Giang về Cao Ngạn và dự kiến vận hành vào cuối năm 2005, đầu năm 2006.
6.3/ Cấp nước:
- Tổng nhu cầu cấp nước cho toàn thành phố đến năm 2020 là: 137.000 m3/nđ, đợt đầu (2010): 82000m3/nđ
- Nguồn nước :
+ Nước mặt : Lấy từ hồ núi Cốc cung cấp cho nhà máy nước Tích Lương công suất 127.000 m3/nđ.
+ Nước ngầm: Nhà máy nước Túc Duyên có công suất 10.000m3/nđ. Tổng công suất hai nhà máy là 137.000m3/nđ.
+ Mạng lưới đường ống: thiết kế theo 53 vòng khép kín để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của hệ thống dựa trên cơ sở mạng lưới đã có.
6.4/ Chuẩn bị kỹ thuật :
- San nền:
Chủ yếu giữ địa hình tự nhiên, chỉ đào đắp nền khi cần thiết phải tạo mặt bằng để xây dựng.
Chọn cao độ xây dựng khống chế cho TP Thái Nguyên: Khu phía Bắc cao độ xây dựng chọn cho dân dụng > 27,6m, cao độ cho công nghiệp > 28,7m; Khu phía Nam cao độ cho dân dụng > 26,5m; cao độ cho công nghiệp >27,6m.
Khi có hệ thống đê hoàn chỉnh cao độ xây dựng khống chế cho TP Thái Nguyên sẽ >25,0m.
- Thoát nước bẩn và vệ sinh môi trường:
-Tổng cộng lượng nước thải cần thu gom và xử lý đến năm 2020: 103.000 m3/nđ ngày đêm, đợt đầu (2010) :71.000m3/nđ
6.5/ khu xử lý chất thải:
- Chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý (chôn lấp) tại khu vực thuộc xã Tân Cương có diện tích 30 ha.
6.6/ Nghĩa trang:
- Nghĩa trang tại xã Tích Lương quy mô hiện trạng 30ha mở rộng thêm 27 ha đủ diện tích phục vụ toàn thành phố đến năm 2020. Nghĩa trang dốc Lim chỉ sử dụng đến năm 2010, sau 2010 chỉ để trồng cây xanh do không đảm bảo khoảng cách vệ sinh.
Các khu nghĩa trang nằm rải rác được di chuyển vào các nghĩa trang tập trung của thành phố.
7. Quy hoạch xây dựng đợt đầu.
- Cải tạo, nâng cấp các khu ở hiện có, xây dựng một số khu đô thị mới ;
- Xây dựng, cải tạo và nâng cấp các tuyến đường: Trục Hoàng Văn Thụ kéo dài đi hồ Núi Cốc, QL3 phía Bắc và Nam, trục đối ngoại từ cầu Gia Bảy qua Đồng Bẩm đi Lạng Sơn, hai tuyến đường đối ngoại tại khu đô thị phía Nam.
- Xây dựng hệ thống bến xe khách và xe tải liên tỉnh, nút giao thông chính.
- Cải tạo hành lang tuyến đường sắt qua thành phố. Nâng cấp hoàn chỉnh ga hành khách trung tâm và ga hàng hoá.
- Xây dựng một số công trình trọng điểm, các trung tâm dịch vụ công cộng thương mại, chợ, khu thể thao, công viên v.v..
II/ KIẾN NGHỊ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ:
1/ Xem xét phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Thái Nguyên đến năm 2020.
2/ Giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên:
- Tổ chức công bố đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên đến năm 2020 để nhân dân biết, thực hiện, lập hồ sơ cắm mốc đường đỏ;
- Ban hành Quy định quản lý xây dựng theo đồ án điều chỉnh qui hoạch chung xây dựng;
- Phối hợp với các Bộ, Ngành có liên quan tổ chức lập, xét duyệt các quy hoạch chi tiết và các dự án đầu tư xây dựng, trình duyệt các dự án đầu tư xây dựng theo qui định của pháp luật.
Bộ Xây dựng kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
BỘ TRƯỞNG : NGUYỄN HỒNG QUÂN .
Nơi nhận
- Như trên
- VP Chính Phủ
- Các Bộ: Nội vụ, KH&ĐT, CN,TC, ,GTVT, KHCN, NN&PTNT, TN&MT,
- TT Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh Thái Nguyên.
- Các Sở: XD, KHĐT, Địa chính,
- Viện QHĐTNT-BXD
- Lưu VP, Vụ KTQH.

PHẦN 4 : MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VỀ GIẢI PHÁP PHONG THỦY TRONG BỐ TRÍ QUY HOẠCH TỈNH THÁI NGUYÊN CỦA CHÚNG TÔI.
1/ KHU VỰC PHÍA TÂY THÁI NGUYÊN.


Trong quá trình đi khắp đất Thái Nguyên khảo sát địa hình, dienbatn nhận ra một điều là, mặc dù chính quyền tỉnh Thái Nguyên rất chú trọng đến vấn đề quy hoạch và đã thực hiện được nhiều bản quy hoạch khá tốn kém , nhưng trên thực tế các khu vực đã được quy hoạch hầu như chưa triển khai được mấy. Ngay như bản quy hoạch khu đô thị Tây Thái Nguyên ở trên , nghe nói số tiền lên đến 25 tỷ VND nhưng hầu như không có tính khả thi. Nếu thực hiện như đồ án quy hoạch trên, ngay bản thân các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh cũng không đủ kinh phí thực hiện. dienbatn nghĩ rằng, đồ án quy hoạch này làm ra nhưng mãi mãi vẫn chỉ là đồ án trên giấy.
Trong dịp kỷ niệm sự kiện Hồ Núi Cốc và Lễ hội chè Thái nguyên, người ta đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để chuẩn bị và quảng bá, nhưng chỉ vài ngày sau sự kiện đó thì các công trình xây dựng hầu như bị lãng quên như thế này đây : Những công trình làm cho vui ???

Xét về mặt Phong thủy, phía Tây Thái Nguyên thuộc nhánh Bạch Hổ, mang khí Âm. Với loại Khí này, thích hợp cho phụ nữ thăng tiến, thích hợp với những công trình kiến trúc mang ý nghĩa Tâm linh, du lịch , nghỉ dưỡng,giải trí, các khu thể thao...Xét về quy hoạch Thái Nguyên : "
Phía Tây : Tới hết phường Thịnh Đán, xây dựng khu công viên cây xanh thể dục thể thao cấp vùng; "..." Hướng phát triển lâu dài cho thành phố là phát triển về phía Tây gắn với hồ núi Cốc, một tiềm năng lớn về du lịch, nghỉ dưỡng cần khai thác sớm để phục vụ đời sống dân sinh." như vậy là thích hợp. Có điều theo nhận xét của dienbatn, mặc dù quy hoạch tổng quát đã xác định đúng, song việc thực hiện hầu như chưa được triển khai hoặc triển khai có tính chất tạm bợ, sơ sài. Nếu một lần các bạn đi du lịch trên hồ Núi Cốc, với những tiện nghi khách sạn, ăn uống, vui chơi , giải trí như vậy , chắc khó có lần thứ 2 bạn quay trở lại. Vấn đề đáng nói ở đây là đẳng cấp của một vùng du lịch sinh thái nơi đây chưa đạt yêu cầu. Lãnh đạo của Thái Nguyên cần phải có sự đầu tư đúng mức cho khu vực phía Tây này và khi con đường từ Hà Nội làm xong, dienbatn tin chắc rằng với khoảng cách rất gần như vậy( nhỏ hơn 100 Km ) thì khu du lịch sinh thái hồ Núi Cốc sẽ là một nguồn thu không nhỏ cho tỉnh và cũng chính vì vậy , sư liên kết với các hệ thống làng nghề như trà Tân Cương sẽ có một tương lai tốt đẹp. Một điều đáng nói nữa là cần hết sức thận trọng với nguồn thải nước thải của các khu khai thác khoáng sản đa kim như Núi Pháo....Những phế thải của mỏ này có rất nhiều độc tố như Thủy ngân, A sen, Xyanua...Những chất thải này tích tụ lại và theo dòng nước sẽ lắng xuống lòng hồ Núi Cốc và theo dòng các sông Cầu, sông Công..Sự tích lũy các độc tố đó đến một lúc nào đó sẽ phá hỏng toàn bộ môi trường khu vực này và gây nên hiện tượng ung thu hoàng loạt cho người dân trong vùng.
Xin xem tiếp bài 11 - dienbatn .

Bài viết liên quan tại chuyên mục:NGHIÊN CỨU PHONG THUỶ

Không có nhận xét nào:

Đặt mua Website này: 100.000 Vnđ - Liên hệ: Click here