Nội dung tiêu đề 2

Phần viết nội dung tiêu đề 2

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

VỀ THĂM TỔ ĐÌNH BỬU LONG VÀ SƯ PHỤ VIÊN MINH.

VỀ THĂM TỔ ĐÌNH BỬU LONG VÀ SƯ PHỤ VIÊN MINH.
Mấy năm trước, dienbatn cùng vị A Xà lê của mình đã tới Tổ đình Bửu Long gặp Sư phụ HT.VIÊN MINH - Viện chủ Tổ đình Bửu Long - Trưởng ban Phật giáo Nam tông - Viện nghiên cứu Phật học Việt  Nam để ăn trộm quán đảnh của Thày ( Xin đọc lại ở đây : http://vn.360plus.yahoo.com/lythienhuonghn/article?mid=34 ). Hôm rồi , nhân dịp Thày trò đi dự Đại lễ cầu siêu cho các anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc tại nhà chị Năm Nghĩa ( Bà Rịa ), trên đường về qua Tổ đình Bửu Long, dienbatn xúi A Xà Lê : - Thày ơi, bữa trước Thày trò mình đi ăn trộm Quán đảnh của Thày Viên Minh , tuy đã được Thày Quán đảnh rồi, nhưng mình chưa được cấp " Sổ đỏ ", nay mình vào xin Thày cấp " Sổ đỏ " cho mình như vậy mới thực sự có chủ quyền Quán đảnh Thày nhỉ ?
A Xà lê nghe thấy bùi tai cũng ok liền. Thế là chúng tôi cùng một người bạn tu theo phái Therevada quay xe vào Tổ đình Bửu Long thăm Thày.
Xin giới thiệu với các bạn vài hình ảnh về Tổ đình Bửu Long đang chuẩn bị hoàn thiện với biết bao công sức của Thày Viên Minh và đồng Đạo.






Vài nét về nguồn gốc và sinh hoạt Tổ Đình Bửu Long

Tổ Đình Bửu Long, toạ lạc trên một ngọn đồi phía nam thuộc Công Viên Lịch Sử và Văn Hoá Dân Tộc, số 81, Đường Nguyễn Xiển, Tổ I, Ấp Thái Bình I, phường Long Bình, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc hệ phái Phật Giáo Nguyên Thủy (Nam Tông) trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Nguyên khu đất này, khoảng 13 ha, do cư sĩ Võ Hà Thuật mua lại và khai khẩn thêm từ năm 1942 để làm tịnh thất hành thiền dưới sự hướng dẫn của thầy là thiền sư Hộ Tông, vị tổ khai sơn Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam.
Để tiện việc tham vấn, cư sĩ Võ Hà Thuật xây dựng một thiền thất trên một vị trí cao ráo để thỉnh thiền sư Hộ Tông về dạy thiền giảng đạo. Từ đó nơi đây trở thành một đạo tràng hành thiền chỉ quán rất nghiêm mật cho những ai ưa thích pháp hành giải thoát.
Năm 1958, khi Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam đã được chính thức thành lập, thiền sư Hộ Tông được chư tăng tôn thỉnh đảm nhiệm chức vụ Tăng Thống Ban Chưởng Quản Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam. Công tác Phật sự của Giáo Hội vào thời kỳ "khởi đầu nan” này rất đa đoan, phức tạp, trong khi Đức Tăng Thống vốn là một thiền sư đã quen nếp sống độc cư thanh tịnh nên Ngài đã về xây dựng Bửu Long thành một thiền viện có không khí của những rừng thiền rất thịnh hành ở các nước Phật giáo Nam Tông như Thái Lan, Miến Điện. Từ đó thiền viện Bửu Long đã qui tụ nhiều hành giả đến tham thiền học đạo. Nhiều am thất của chư Tăng, tu nữ và tịnh nhân đã được xây dựng để đáp ứng nhu cầu hành thiền của đại chúng.
Năm 1961, Đức Tăng Thống Phật Giáo Sri-Lanka là Ngài Narada đến thăm Việt Nam đã tặng cho thiền viện Bửu Long một cây Bồ Đề có nguồn gốc từ cây Bồ Đề nơi Đức Phật thành đạo. Nhị vị Tăng thống đã đồng chưởng hạ cây Bồ Đề tại một địa điểm cao nhất trong khuôn viên thiền viện. Ngày nay khách hành hương đến tham quan có thể thấy cây Bồ Đề đã được bao đời trụ trì chăm sóc vun quén trở thành một đại thọ sum sê che bóng Phật Đài cùng với những phù điêu khắc chạm trên đá mô tả tám sự tích Phật lực, phản ánh văn hoá Phật Giáo Nam Tông.
Năm 1965 cư sĩ Võ Hà Thuật chính thức được thiền sư Hộ Tông truyền thọ đại giới, pháp danh là Lão Tâm, và được Hoà Thượng Viện chủ giao cho quản lý thiền viện. Năm 1969 Đại Đức Lão Tâm tịch, Hoà Thượng giao lại cho Đại Đức Ngự Tâm trụ trì. Năm 1976 Đại Đức Ngự Tâm qua đời, Đại Đức Tăng Huệ thay thế. Năm 1981 Hoà Thượng Viện chủ tức là Tổ Hộ tông viên tịch sau khi đã di chúc lại cho Thượng Toạ Viên Minh thay thế Ngài điều hành Phật sự tại thiền viện Bửu Long. Lúc bấy giờ vì Thượng Toạ Viên Minh đang giữ chức vụ Tổng Thư Ký Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam kiêm phó trụ trì chùa Kỳ Viên, trụ sở Giáo hội, chưa thể về nhậm chức được nên đã cử Đại Đức Bửu Đức thay thế. Đến năm 1992 Đại Đức Bửu Đức đi du học nước ngoài Thượng Toạ Viên Minh mới chính thức về đảm nhiệm chức vụ mà Tổ giao phó.
Thiền Viện Bửu Long đã được trở thành Tổ Đình vì là ngôi chùa do Tổ Hộ Tông thành lập, nơi mà Tổ đã tịnh cư gần 30 năm để hành đạo và hoằng dương độ chúng, và cũng là nơi mà Ngài đã an nhiên thị tịch. Hiện nay tháp thờ Xá Lợi của Tổ toạ lạc ngay sau Bồ Đề Phật Cảnh, nơi mà hàng năm vào ngày 26 tháng 7 Âm lịch, chư Tăng, Tu nữ và Phật tử Nam Tông trong cả nước qui tụ về để hành hương chiêm bái và làm lễ tưởng niệm đến vị Tổ khai sơn Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam.
Để giữ truyền thống sinh hoạt thiền viện xưa của Tổ, hàng tuần Thượng Tọa Viên Minh đã tổ chức lại lớp học và hành thiền trọn ngày thứ Bảy cho Tín đồ Phật tử gần xa đến tham vấn và hành trì. Bình thường, hàng ngày chư Tăng, Tu nữ có hai thời công phu tụng kinh, tọa thiền vào 4 giờ 30 sáng và chiều. Riêng mùa An Cư Kiết Hạ hàng năm, chùa tổ chức khóa thiền tích cực trọn ba tháng cho Tăng Ni và Phật tử tùng hạ tu tập. Đặc biệt là chư Tăng tại Tổ đình giữ hạnh trì bình khất thực. Đúng 10 giờ 30 khi chư Tăng đi khất thực thì các thí chủ đã chuẩn bị sẵn vật thực để cúng dường, sau đó chư Tăng tụng kinh phúc chúc, chú nguyện cho thí chủ rồi trở về thất thọ thực trước giờ ngọ.
Ngoài việc tu học chùa cũng quan tâm đến công tác từ thiện xã hội nên đã thành lập một Ban Từ Thiện (xem thêm báo cáo đính kèm) và một chi hội Chữ Thập Đỏ hoạt động rất tích cực trong các công tác cứu trợ thiên tai, giúp đỡ các trại phong, dưỡng lão, cô nhi, trẻ em khuyết tật, mổ mắt nhân đạo, xây nhà tình thương, cấp học bổng cho học sinh nghèo và tài trợ thường xuyên cho một số cụ già neo đơn không nơi nương tựa.
Từ khi có quyết định thành lập Công Viên Lịch Sử và Văn Hoá Dân Tộc, Tổ Đình Bửu Long đã được chính phủ công nhận và giữ lại trong công viên vì tính chất lịch sử tiêu biểu cho nền văn hoá Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam. Do đó Thượng Toạ Viên Minh đã nỗ lực trùng tu tôn tạo và xây dựng ngôi Tổ Đình ngày thêm phong phú với những kiến trúc vừa phù hợp với bản sắc dân tộc, vừa phản ánh được tính đặc thù của Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam.
Hiện nay Tổ Đình đã có 1 chánh điện, 1 tăng xá, 1 trai đường, 1 tăng khách đường, 1 tổ đường, 5 thiền thất của chư Tăng, 1 ni viện, 1 ni xá và 25 am thất của Tu nữ, tịnh nhân. Ngoài ra còn có một động khổ hạnh tưởng niệm 6 năm Bồ Tát tu khổ hạnh và một Bồ Đề Phật Cảnh tưởng niệm ngày Đức Phật thành đạo. Tương lai Tổ Đình có dự án xây dựng Bảo Tháp, nhà Bảo Tàng Lịch Sử Văn Hoá Phật Giáo Nam Tông, hang động Bồ Tát khổ hạnh, đền thờ thánh Sìvali v.v... để xứng đáng là một hạng mục trong công viên lịch sử và văn hoá của Thành phố Hồ Chí Minh.
Những ngày lễ lớn của Tổ Đình :
1) Lễ Thánh Hội và Phật Hứa Ma Vương: ngày Rằm tháng Giêng ÂL.
2) Lễ Tam Hợp (Đản Sanh, Thành Đạo, Niết Bàn): Rằm tháng Tư ÂL.
3) Lễ Để Bát Báo Hiếu: ngày Rằm tháng Bảy và 30 tháng 8 ÂL
4) Lễ Giỗ Tổ Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam: 26 tháng 7 ÂL.
5) Lễ Dâng Y Kathina: ngày 17 tháng 9 ÂL.
(http://www.buddhanet.net/budsas/uni/z-photos/chua_nguyenthuy/chua_buulong.htm )
Chúng tôi vào gặp được Sư phụ Viên Minh khi ngài đang nghỉ vào buổi tối. Thấy chúng tôi , Sư phụ rất mừng và tiếp chuyện chúng tôi hết sức thân tình. Chúng tôi hỏi thăm sức khỏe và công việc của Thày. Thày cho biết công trình xây dựng Tổ đình đang hoàn thiện những hạng mục chính và còn khá nhiều những công trình phụ trợ chưa thực hiện được.

Thày trì chú vào dây chuỗi cho dienbatn.


Và đây là " Sổ đỏ" mà dienbatn được nhận lãnh.

A Xà Lê cũng "ăn theo ".


Thày Viên Minh còn tặng chúng tôi mỗi người một quà tặng là huy hiệu hình Phật bằng vàng.


Nhân có vị sư ở Huế vào là Sư phụ của người bạn đi cùng cũng về Tổ đình Bửu Long kiết hạ, Thày Viên Minh đích thân dẫn chúng tôi tới Thất tu tập của vị đó để hỏi thăm.

Tạm biệt Thày Viên Minh và Tổ đình Bửu Long , chúng tôi ghé thăm Thiền Viện Phước Sơn - Đồi Lá Giang.
Xin giới thiệu đôi điều về nơi này :
THIỀN VIỆN PHƯỚC SƠN - ĐỒI LÁ GIANG.
"Thiền Viện Phước Sơn rộng 40 hecta, do Hòa Thượng Giới Nghiêm khai sơn năm 1940, hiện nay có 300 cốc - mỗi Tăng Ni ở 1 cốc, 200 Tăng Ni, thường xuyên nhận Phật tử tới tu tập
Sáng sớm có những lớp sương mù dầy che lối đi và cái lạnh se buốt đôi bàn tay khi cầm lái và lạnh đôi bàn chân khi đạp thắng xe, từ ngã ba Vũng Tàu hướng về quốc lộ 51 – ngoài mặt tiền đường có cổng đi tới khu du lịch vườn xoài. Khung cảnh hiện ra là một con đường khi thẳng khi thì có những khúc cua ngoằn ngèo được tráng nhựa rộng, mát, có nhiều cây xanh, lâu lâu mới có một vài người đi ôtô xe máy phóng qua nhanh theo mặt phẳng đường. Mặt trời đã lên và những tia nắng ấm áp xua tan dần cái hơi lạnh của đêm qua để lại và một ngày mới bắt đầu.
7g35, chúng tôi đã tới Thiền Viện Phước Sơn, Đại Đức Phước Toàn dẫn chúng tôi đi tham quan, chụp hình, giới thiệu khuôn viên thiền viện. Đại Đức Phước Toàn cho chúng tôi biết các Tăng Ni đều có pháp hiệu chữ Phước - lấy chữ Phước của Thiền Viện Phước Sơn, ví dụ nam ngoài đời tên Toàn thì khi xuất gia là Thích Phước Toàn, còn với nữ là Thích Nữ Phước ...
“ Thượng Tọa Bửu Chánh cho biết: Thiền Viện Phước Sơn rộng 40 hecta, do Hòa Thượng Giới Nghiêm khai sơn năm 1940, hiện nay có 300 cốc - mỗi Tăng Ni ở 1 cốc, 200 Tăng Ni, thường xuyên nhận Phật tử tới tu tập ”.
Từ phía ngoài cổng chính chánh điện là hai hàng cây cau cảnh xanh ngát, bên trong là khoảng không gian thoáng với nhiều khung cửa sổ đang trong công đoạn xây dựng, điểm nổi bật có bức tượng Phật Thích Ca Mau Ni oai nghi - tráng lệ, hai bên là cảnh giới chư thiên và với nét kiến trúc nghệ thuật đó khiến nhiều người trầm trồ khen ngợi.
Trong khuôn viên thiền viện có nhiều cốc mới cũ và khá nhiều tượng Phật, cây xanh phủ kín hai bên đường đi tạo nên khung cảnh thoáng mát trên lối đi, thiền đường có diện tích khá rộng gần bằng chánh điện - bức phù điêu khắc hoạ về cuộc đời Đức Phật khi tu tập trong rừng, màu sắc phối hợp trang nhã khiến chúng tôi liên tưởng tới cảnh thật gần ngay trước mắt. Bên trong thiền đường có một số Phật tử từ phương xa tới tập hành thiền và nghe giảng pháp và sau đó là đi kinh hành bên ngoài hông chánh điện, vài phút tĩnh lặng cầm chiếc máy ảnh trên tay khiến chúng tôi lắng đọng tâm tư khi nhìn những bước chân - bước từng bước chậm rãi, nhẹ nhàng - dáng vẻ của qúy Sư đi kinh hành toát lên vẻ trang nghiêm - thanh tịnh và điều đó làm chúng tôi hồi tưởng thời Đức Phật tại thế dẫn Tăng đoàn đi Hoằng Pháp Lợi Sinh.
Chúng tôi ra tháp Tổ thấy có tấm bia thành kính tưởng niệm Cố Hòa Thượng Thiền Sư Giới Nghiêm, chúng tôi đọc xong rồi lặng người không nói được gì...
Bên trong tháp là những kỷ vật gồm hình ảnh, kinh sách và bức tượng Hòa Thượng Thiền Sư Giới Nghiêm, chúng tôi bước lên bậc thang nhìn qua nóc tôn thiền đường và phía dưới sân thấy có vài Phật tử ngồi lặng im trong chánh niệm với khoảng không gian yên tĩnh.
Phía sau tháp Tổ, có một ngôi nhà màu đỏ gần giống như nhà sàn - nơi đó có một hồ nước trong xanh hòa cùng làn gío mát dịu đã khiến cho khách hành hương tập trung ra đó ngồi nghỉ - và cũng là để có phút chợt nhớ về con sông quê hương khi con người chúng ta sống gian nan vất vả cơm áo gạo tiền trên đất khách quê người.
Hàng cây vẫn cao xanh rợp bóng mát, con đường đi vẫn là những lối nhỏ vào cốc, nơi đây tất cả đang cố gắng chánh niệm tỉnh thức từng phút giây hành thiền khi đi - đứng - nằm - ngồi. Khi những giây phút an vui tự tại ở Thiền Viện Phước Sơn thì ngoài đời là cảnh đối lập ồn ào vội vàng theo quy luật của dòng đời.
Dẫu sống một trăm năm
Ác giới không thiền định
Không bằng sống một ngày
Trì giới tu thiền định.
( Kinh Pháp Cú ).
Địa chỉ: Thiền Viện Phước Sơn tọa lạc tại số 368 Ấp Tân Cang - Đồi Lá Giang - Xã Phước Tân - Biên Hòa - Đồng Nai.





Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa





Xin chép lại bài Kinh Pháp cú đã chép ở trên thay lời kết :
Dẫu sống một trăm năm

Ác giới không thiền định
Không bằng sống một ngày
Trì giới tu thiền định.
( Kinh Pháp Cú ).
Thân ái . dienbatn.

Bài viết liên quan tại chuyên mục:TẢN MẠN CHUYỆN ĐỜI

Không có nhận xét nào:

Đặt mua Website này: 100.000 Vnđ - Liên hệ: Click here